Lê Tiên Long 30/1/2014
Năm Giáp Ngọ đã về, khắp mọi nơi có người Việt sinh sống, những bản nhạc xuân đang vang lên rộn rã. Những người yêu nhạc Trịnh cũng có niềm vui riêng ngày Xuân năm Ngọ: Nghe những ca khúc có nhắc đến ngựa của ông.
Xem lại trong kho tàng trên 200 ca khúc mà nhạc sĩ họ Trịnh đã sáng tác, có đến gần chục bài có hình ảnh ngựa. Vì sao ngựa xuất hiện nhiều trong nhạc Trịnh, liệu có phải Trịnh Công Sơn “cầm tinh” con ngựa? Ông sinh năm 1939, tuổi Mão. Do đó, chưa có cơ sở nào để lý giải sự xuất hiện của loài động vật này trong các ca khúc của ông.
Xem lại những bài hát có nói đến hình ảnh ngựa của Trịnh Công Sơn, ta thấy đa phần chúng đều được sáng tác trong những năm 1969-1973, thời kỳ sung sức nhất của nhạc sĩ. Nhìn về lịch sử, ta biết rằng thời kỳ này, xe ngựa (xe thổ mộ) vẫn còn là một loại phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa khá thông dụng ở ngoại ô Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Có thể, hình ảnh những chiếc xe ngựa lóc cóc lăn bánh trên đường quê, soi bóng xuống những dòng kênh đặc trưng của miền Nam mang nhiều tính hình tượng, vừa lãng mạn vừa gần gũi, thân thiết, đã đi sâu vào tâm hồn các nghệ sĩ, nên không chỉ được ghi dấu ấn trong các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, mà còn dễ dàng đi vào trong nhạc của Trịnh.
Có thể nói đến đầu tiên là Phúc âm buồn, hình ảnh xe ngựa xuất hiện dày đặc trong lời hai của ca khúc. Mở đầu bằng “Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi”, để rồi nối tiếp bằng hình ảnh mênh mang buồn: “Người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời, ngựa xa rồi người vẫn ngồi bụi về với mây” đầy nỗi cô đơn, ám ảnh. Đoạn kết ca khúc là lời than da diết “Ngựa xa rồi, ngựa xa rồi trên ngày tháng vơi”, đưa người nghe đến với hình ảnh một đám bụi mù xa của chuyến xe ngựa đang khuất khỏi tầm mắt, mang theo bao hoài niệm, yêu thương cũng như hy vọng của nhạc sĩ.
Cũng mang một niềm cô đơn hoang hoải như Phúc âm buồn là Xa dấu mặt trời, với hình ảnh vó ngựa hư vô minh họa cho sự trống vắng trong tâm hồn: “Hôm nay thức dậy, không nhìn thấy mặt trời. Hay mình đã lạc loài, vó ngựa trên đời, hay dấu chim bay”.
Không khác các ca khúc kể trên, tác phẩm Một ngày như mọi ngày cũng đem hình ảnh xe ngựa để nói lên tâm trạng của một người đang cảm thấy “một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi”, khi nhìn thấy “xe ngựa về ngủ say”, mà “em trả lại đời tôi”, chỉ còn một mình ngồi ngắm bóng mình đổ xuống.
Ngựa, trong Một cõi đi về, cũng là một hình ảnh của những dĩ vãng đã trôi xa, khi mà thời gian “vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ”, đến “một ngày đầu thu” thì cũng chỉ còn “nghe chân ngựa về chốn xa”.
Với Chỉ có ta trong đời, cũng vẫn mang tâm trạng cô đơn, nhưng sắc màu của ca từ, giai điệu có tươi sáng hơn: “Đời tôi vẽ tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng, từ đó lên đường phiêu linh”.
Tới Dấu chân địa đàng, một trong những ca khúc đặc sắc của nhạc sĩ, hình ảnh ngựa được khắc họa khác hẳn: “Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần”, mang theo tâm trạng mệt mỏi, chán chường của nhạc sĩ trước cuộc sống và tình yêu.
Đến ca khúc dài Đóa hoa vô thường sáng tác năm 1973, cũng là ngựa, nhưng hiển hiện qua âm thanh của tiếng “hí vang rừng xa”, nhưng đi cạnh “tiếng chuông não nề” vọng suốt đất trời, là con ngựa chở chiếc xe “vừa đến nơi chia lìa”, đem cái tình đi đến nơi vô thường.
Thập kỷ 90 của thế kỷ 20, những người yêu nhạc Trịnh đã được thưởng thức video clip đặc sắc của Đóa hoa vô thường qua tiếng hát của “Bống” Hồng Nhưng, với những hình ảnh sen hồng, xe ngựa đẹp mê mẩn của đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Trong suốt những năm cuối thập kỷ 90, clip này thường xuyên được phát trên VTV và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người yêu nhạc.
Sang đến đầu thập kỷ 80, một ca khúc về tình yêu quê hương của Trịnh Công Sơn, Em còn nhớ hay em đã quên, cũng vẫn lưu giữ hình ảnh xe ngựa quen thuộc. Đó là hình ảnh của “ngựa thồ ngoại ô xa vắng”, bên cạnh những “đường dài qua cầu lại nối”, cùng “những con sông nối bao dòng kinh”. Những hình ảnh thân thuộc này luôn làm nhói lòng những người xa quê, níu giữ bước chân của những người muốn chia tay nơi chôn rau cắt rốn để đi xa.
Là nhạc sĩ của những ca khúc về tình yêu, về quê hương đất nước, về thân phận con người, đa phần các ca khúc của Trịnh Công Sơn đều mang nỗi buồn man mác. Ngựa trong ca khúc của Trịnh không phải là những chiến mã oai phong dũng mãnh trong chiến trận hay tung bờm sải vó trên thảo nguyên, mà đều là những hình ảnh ngựa buông vó, chùng chân, khuất bóng, đi về chốn xa… Nhưng qua nét nhạc tài hoa của nhạc sĩ, mỗi hình ảnh ngựa đều để lại những nét chấm phá độc đáo, làm nên những tác phẩm âm nhạc đặc sắc, rất riêng một “cõi Trịnh”, khiến người yêu âm nhạc còn mãi ngân nga, yêu thích.
Lê Tiên Long
Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/goc-nhin-am-nhac/ngua-trong-nhac-trinh-2945535.html