Nghệ sĩ Út Bạch Lan

Trần Hữu Dũng
30/1/2014

Chuyện xưa kể lại, để nhớ để thương Nghệ sĩ Út Bạch Lan là người được giới cải lương và báo chí tôn tặng nhiều mỹ danh nhất: Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng sầu muộn, Sầu nữ Út Bạch Lan, Sầu nữ liêu trai, Vương nữ sương chiều…


Nghệ sĩ Út Bạch Lan năm 1960 (ảnh do ông Tăng Văn Trọng cung cấp)

Với giọng ca ngọt nào, sâu lắng, dù hơn nửa thế kỷ trôi qua vẫn lay động, quyến rũ, thấm đẫm tình người.


Cuộc hội ngộ hiếm hoi

… Vào năm 2005, tại nhà hàng Thành Được (San José, Mỹ), nghệ sĩ Út Bạch Lan đã gặp lại nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Ngọc Nuôi (nay đã mất). Cả ba cùng nhau sống lại ánh hồi quang rực rỡ của những đào kép vang bóng một thời của cải lương miền Nam. Và họ cùng nhau diễn lại một trích đoạn trong vở Nửa đời hương phấn, nghệ sĩ Út Bạch Lan vào vai Hương, Thành Được vai Tùng, Ngọc Nuôi vai Diệu.

“Một bầu show mời tôi sang Mỹ hát. Lúc đó tôi mới biết là hát tại nhà hàng của Thành Được và do ông đứng ra tổ chức!” – nghệ sĩ Út Bạch Lan bồi hồi kể lại – “Biết như vậy nhưng tôi vẫn hát, vì mình hát là hát cho khán giả. Trước khi hát, tôi có nói với ông Thành Được, tôi hát cho nghề và để tri ân cho khán giả ngày xưa đã mua những chiếc vé để nuôi sống tôi bao nhiêu năm… Và cũng chẳng biết có dịp nào được hát bên đó cho khán giả mộ điệu cải lương nghe nữa. Tôi diễn vai Hương, màn cuối trong Nửa đời hương phấn. Màn đầu và màn giữa là Ngọc Giàu và Phượng Liên hát. Hôm đó cả nhà hàng chật kín, vì lâu lắm rồi họ chờ đợi sự trở lại của chúng tôi…”.

Sự nghẹn ngào chất chứa trong bao nhiêu năm như ùa về, như sống dậy. Dù vậy nghệ sĩ Út Bạch Lan vẫn đủ điềm tĩnh, như lời bà nói: “Nếu trong lòng cứ ôm hận, trách oán hay coi nhau như kẻ thù thì chính tôi cũng không hát được, chưa nói gì đến chuyện đứng chung trên sân khấu sau mấy chục năm như thế…”.

Nặng gánh nuôi con chồng

Sau thế hệ của nghệ sĩ Phùng Há, Út Bạch Lan là một trong những người tiếp tục xây dựng nền móng cho sân khấu cải lương miền Nam. Những năm cuối của thập niên 1950, Út Bạch Lan – Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng qua những vở tuồng như: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca…

Thế nhưng trời không chiều lòng người, thành công trên kịch trường bao nhiêu thì cuộc sống gia đình càng nhiều gian truân, đau khổ.

Trên sân khấu Kim Chưởng, Út Bạch Lan và Thành Được kết nghĩa vợ chồng, do cô Phùng Há làm chủ hôn. Bà vừa nuôi mẹ ruột vừa nuôi mẹ chồng trong một căn hộ chung cư.

Út Bạch Lan yêu sự tài hoa, lãng mạn, đa tình của Thành Được và cũng đau khổ ngần ấy. Đám cưới chưa được bao lâu thì bà phải nuôi đứa con riêng của chồng. Tiếp theo là đứa con thứ hai của cô gái ở Huế, làm khai sinh theo họ chồng, đặt tên Châu Văn Dũng. Cứ nghĩ mình không thể sinh con, thôi thì nuôi con chồng bằng tấm lòng bao la của người mẹ vậy.

Mấy năm sau, trong một chuyến lưu diễn ở miền Tây, tình cờ cô gặp một cô gái tên Trinh ở Gò Công, nhận làm em kết nghĩa, đưa về nhà làm quản lý gia đình. Rồi bất chợt một ngày, cô phát hiện Trinh đã mang thai. Lần này Út Bạch Lan đứng tên làm mẹ, đặt tên con là Châu Điền Sơn (Điền Sơn là tên nhân vật trong vở cải lương Khi hoa anh đào nở, do Thành Được thủ vai chính).

Tận đến lúc chia tay, Thành Được vẫn thong dong, bay bướm. Út Bạch Lan nuốt nước mắt vào trong và mở lòng bao dung chấp nhận gánh nặng nuôi những đứa con riêng của chồng.

Phận đời chật vật

“…Dạ kính thưa ông bà cô bác, tụi con mồ côi cha, anh con bị mù, không biết làm gì để sống, xin mượn tiếng nhạc lời ca để giúp vui, mong bà con cô bác mở rộng lòng thương cho xin đồng tiền chén gạo để nuôi dưỡng mẹ già…”.

Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Chưa, làm nghề nài ngựa đua, qua đời năm 1966. Mẹ là bà Đặng Thị Tư, thường gọi Út Bạch Lan là bé Út. Hồi năm 1945, mẹ bà cùng cảnh ngộ với mẹ của Văn Vĩ nên hai bà kết nghĩa chị em với nhau, sống chung và đi làm mướn độ nhật ở Chợ Lớn Mới (chợ Bình Tây hiện giờ).

Lúc đó Văn Vĩ (tên là Đinh Văn Dậm) vì đau ban trái không chữa được nên bị mù từ nhỏ, ông thầy thuốc đặt tên Văn Vĩ thay cho tên Dậm. Văn Vĩ học đàn guitar cổ nhạc và đàn rất giỏi. Lúc đó bé Út 11 tuổi, Văn Vĩ 15 tuổi. Khi có dịp rảnh, Văn Vĩ dạy cho bé Út ca. Vốn có năng khiếu, bé Út nghe máy hát dĩa của hàng xóm, học thuộc nhiều bản vọng cổ khác. Mỗi sáng, bé Út được các bà chủ sạp sai đi mua thức ăn và được trả công bằng những thứ hàng của sạp như trứng vịt, rau cải, thịt… đủ để nuôi sống hai bà mẹ và người anh trai mù lòa. Ban đêm, hai người mẹ ngủ trong lô cốt, hai anh em ngủ trên sạp hàng.

Bà kể lại: “Không biết Văn Vĩ biết đàn từ khi nào nhưng năm lên chín tuổi thì tiếng đàn của ông như thần sầu quỷ khóc. Đêm đêm trên sạp hàng trong chợ Bình Tây, Văn Vĩ dạy ca vọng cổ. Rồi bỗng một ngày, tôi rủ Văn Vĩ ra đường hát rong để xin tiền nuôi mẹ. Khi bài Dạ cổ hoài lang cất lên cùng với tiếng đàn guitar trên hè phố, những đồng tiền xu rơi như mưa xuống chiếu…”.

Lúc ấy có một ông lão tốt bụng ngồi lại hỏi thăm, xong bảo: “Nhà ông ở gần chợ Bàu Sen, phía sau có một chái lá bỏ trống, hai cháu đưa hai người mẹ về đó ở”. Về ở được mấy hôm, ông lại bảo: “Đi hát kiểu nầy nắng mưa cực lắm, để ông mở lớp cho hai cháu dạy đờn ca”. Thế rồi ông viết tấm bảng nhỏ “Tại đây có dạy đờn ca vọng cổ”, đóng lên cây sao trên hè phố trước nhà. Chẳng bao lâu, lớp dạy đờn ca vọng cổ của Văn Vĩ và bé Út thu nhận gần 30 học trò cùng lứa tuổi.

Thành danh “sầu nữ Út Bạch Lan”

Một hôm, cô Năm Cần Thơ tìm tới mời hai người lên Đài Phát thanh Pháp Á để thu bài Trọng Thủy – Mỵ Châu rồi được ký luôn một hợp đồng làm việc cho đài. Nghệ sĩ Thành Công nói rằng: “Đã thành ca sĩ của đài rồi thì phải chọn một nghệ danh chớ không thể gọi là Út “lùn” hay bé Út được. Bên đài Quốc gia có ca sĩ Bạch Huệ, hay là ta đặt tên em là Bạch Lan”. Bà nói: “Tên Bạch Lan cũng hay nhưng cho em xin lại chữ Út”.

Năm 1952, Út Bạch Lan theo đoàn Kim Khánh của ông Bầu Cang với những tuồng kiếm hiệp của Mộng Vân như: Trộm mắt Phật, Cây đèn thần, Cánh buồm đen. Sau đó bà về Sài Gòn, theo các nghệ sĩ như Thành Công, Chín Sớm, ca cổ nhạc ở Đài Phát thanh Quốc gia và Đài Pháp Á.

Năm 1955, bà gia nhập đoàn Kim Thanh. Sau đó Út Bạch Lan về đầu quân cho đoàn Thanh Minh, hát thường trực tại rạp Thành Xương, thành công lớn qua các vở tuồng: Biên thùy nổi sóng, Người đẹp Bạch Hoa thôn, Sơn nữ Phà Ca, Người thợ rừng, Thiên thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt… Diễn cùng với Út Bạch Lan trên sân khấu Thanh Minh thời gian từ năm 1955 đến 1958 có các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Hồng Giang, Minh Tấn, Quang Phục, Sáu Nhỏ, Vinh Sang, Hề Kim Quang, Hề Châu Hí, Hề Núi, Văn Ngà.

Năm 1958, Út Bạch Lan ký hợp đồng hát cho đoàn Kim Chưởng ca diễn với những vở tuồng: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca

Năm 1961, sau khi lập gia đình, Út Bạch Lan lập đoàn hát lấy tên bảng hiệu Út Bạch Lan – Thành Được. Đoàn có những tuồng như Trảm mã trà, Đêm huyền diệu, Chân trời hạnh phúc, Khi rừng mới sang thu, Bốn mùa hoa nở, Thuyền về bến Ngự, Khi hoa anh đào nở, Trăng sương cầu trúc, Sầu qua mấy nhịp cầu duyên

Về biệt danh “Sầu nữ Út Bạch Lan”, bà kể lại: “Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình. Những năm đầu của thập niên 1960, ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc đã bình luận như vậy trong một bài viết có nhan đề “Sầu nữ Út Bạch Lan”, rồi thành danh cho đến bây giờ”.


Ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà cho rằng: “Sầu nữ Út Bạch Lan, chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng ngàn khán giả mộ điệu cải lương”. Nhiều hãng dĩa như Hồng Sơn, Hồng Hoa, Tứ Hải đến mời Út Bạch Lan ca thu dĩa vọng cổ.

Cuối năm 1961, đoàn tan rã, Út Bạch Lan và Thành Được trở về hát cho đoàn Thanh Minh-Thanh Nga.

Đoạn kết có hậu

Sau năm 1975, có một thời gian NSƯT Út Bạch Lan về hát cho Đoàn cải lương Sài Gòn I, rồi về Đoàn cải lương Long An II. Kỷ niệm rưng rưng đáng nhớ là bà có dịp tái ngộ với Thành Được trong vở Người ven đô.

Trong vở, có một cảnh không nằm trong kịch bản mà do Thành Được ứng khẩu thốt lên câu ca: “Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói, bà sống với tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, tôi đã làm khổ bà nhiều quá phải không?”. Sững sờ, nghệ sĩ Út Bạch Lan đã khóc ngon lành, xúc động tận tâm can.

Trong đời sống thường nhật, người con đầu – dù không phải con ruột – hết lòng hiếu thảo với bà. Còn Điền Sơn lớn lên được bà cưới vợ và cất nhà cho ra riêng. Rồi trong một chuyến đi lưu diễn sang Mỹ, bà bất ngờ gặp lại bà Trinh, muốn bảo lãnh Điền Sơn qua Mỹ. Gần 40 năm nhọc nhằn nuôi dưỡng, giờ lại chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục lo cho con nuôi đoàn tụ với mẹ ruột.

… Bước vào tuổi cận kề 80, làn hơi tuy có yếu do tuổi cao nhưng vẫn đằm thắm, sâu lắng lòng người. Bà nhiệt thành trong các chương trình biểu diễn phục vụ, làm từ thiện. Những năm tháng này bà thường lễ Phật, chọn sân chùa làm sân khấu, hát trích đoạn những vở tuồng để lấy tiền làm việc phước thiện.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan sống hết lòng vì nghệ thuật cải lương. Hơn thế nữa, bà luôn trải lòng chân thật với cuộc đời. Những chuyện xưa kể lại, để nhớ để thương và một sự mến trọng dành cho “sầu nữ Út Bạch Lan”.

Trần Hữu Dũng

Nguồn: http://plo.vn/giai-tri/nghe-si-ut-bach-lan-445856.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây