Cải lương vay nợ ngày cận Tết

Ngành Mai
25.1.2014

Cải lương vay nợ ngày cận Tết Từ trái sang: Thanh Nga – Hữu Phước – Thành Được trong vở Con Gái Chị Hằng. Photo courtesy of conhacvietnam.com.

Suốt một năm dài người ta dùng ngày Dương lịch, còn gọi là ngày Tây để bàn bạc, trao đổi về sự làm ăn, học hành, và phần lớn mọi chuyện liên quan đến cuộc sống. Chỉ trừ trường hợp người đi lễ chùa, ngày giỗ ông bà, hoặc người ăn chay thì họ mới xử dụng ngày Ta, hay là ngày Âm lịch cũng thế.

Thế nhưng, gần đến Tết Nguyên Đán, đặc biệt là kể từ ngày 23 đưa Ông Táo trở đi, thì hầu như phần lớn thiên hạ quên đi ngày Dương lịch, hoặc để sang một bên để tập trung vào ngày Ta, tính từng ngày để giải quyết mọi vấn đề còn tồn động lại, mà không ai muốn Tết đến mà chưa xong, và một trong số nhiều việc phải giải quyết là nợ nần, bởi không ai muốn mang nợ hai năm.

Đến Tết lại vay

Và câu chuyện đem đến với quí vị thính giả hôm nay, không thuộc về nghệ thuật, nó chỉ liên quan trực tiếp đến những con người làm nghệ thuật mà thôi. Và tôi nghĩ rằng câu chuyện này khi nghe xong, cũng sẽ là câu chuyện vui trong ngày Xuân nếu như nó được kể lại.

Bữa nay đã là 26 Tết, sở dĩ câu chuyện đến với quí thính giả trong ngày cận Tết, là do có sự khác biệt giữa cải lương và mọi ngành nghề ngoài xã hội. Năm hết Tết đến trong lúc mọi người đang lo trả nợ, thì giới cải lương lại… vay nợ nhiều hơn. Và phía chủ nợ chuyên môn cho vay gánh hát, thì chẳng những họ không đòi nợ, mà còn “thông cảm” bỏ ra số tiền khá lớn cho cải lương vay. Đây là “đặc thù” của cải lương ở xứ ta vậy.

Đi sâu vào vấn đề cải lương vay mượn tiền Tết, người ta hình dung lại bối cảnh ở hậu trường các rạp hát thời cải lương cực thịnh, mà đối với một số người chắc hẳn không quên trong những ngày giáp Tết này. Xin đơn cử một ngày cận Tết nọ, khoảng 10 giờ sáng tại hậu trường một rạp hát, đại đa số đào kép, thầy đờn, dàn cảnh, công nhân… tập trung đông đảo trên 30 người. Họ ngồi chờ bà chủ nợ mang tiền đến, và tâm trạng chung ai cũng mong muốn mình vay được số tiền nhiều đặng lo cho cái Tết đã kề bên.

Trong bầu không khí khá vui nhộn, bởi người nào cũng tin tưởng rằng nội trong ngày nay mình sẽ có tiền để giải quyết vấn đề gì đó, tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người. Bỗng không khí hơi ồn lên, bà cho vay gánh hát “giá lâm”, tức thì mặt mày người nào cũng tươi rói, vui vẻ đón chào, niềm nở như chào đón người thân đi xa mới về vậy.

Từ trên taxi bước xuống tay xách túi bạc nặng trỉu, có hai người đi theo hộ vệ, không nói chớ mọi người cũng biết, 2 người đi theo kia sẵn sàng “chết sống” nếu bàn tay nào đó đụng tới túi bạc. (Không bao giờ bà chủ nợ mang tiền đi một mình).

Rồi thì căn cứ trong danh sách được lập sẵn, tiền đưa ra cho người nào cũng được cột dây thung, kèm theo tờ giấy cho người nhận ký vào. Khi nhận tiền thì người nào cũng phải đếm, kiểm tiền xong xác nhận đủ mới rời khỏi, do đó không có sự khiếu nại nào. Tùy theo vai trò trên sân khấu mà bà chủ nợ quyết định món tiền cho vay, nếu là đào kép chánh thì được vay nhiều, kép nhì, đào ba thì được vay ít hơn, số tiền thấp nhứt dành cho người có các vai trò phụ, hoặc công nhân, dàn cảnh… Nói một cách khác là tùy theo mức lương của nghệ sĩ mà bỏ tiền ra cho vay, và hiện tượng này đã có từ thời nào đó không biết, nhưng chắc từ lâu lắm rồi. Có điều là mấy ngày này bà chủ nợ không từ chối người nào trong gánh hát muốn vay tiền, không nhiều thì ít bà cũng “làm phước” ban cho người đó nhờ.

Lấy tiền kiểm xong là đi ngay, không chần chờ thêm giây phút nào, chẳng mấy chốc hậu trường rạp hát trống trơn, chỉ còn lại vài người mà đời sống của họ lấy hậu trường rạp hát làm nhà.

Và cái luật cho vay, mượn nợ ngày Tết, cũng như cách trả nợ và tiền lãi đã được giới cải lương thông suốt. Tuy rằng “luật bất thành văn” nhưng lại được thi hành nghiêm chỉnh, trừ trường hợp bất khả kháng người ta mới để cho phạm luật. Nói rõ hơn là tiền cho vay trong mấy ngày cận Tết này, con nợ phải trả góp ngay trong đêm mùng 1, tiền lãi cũng cao hơn nợ ngày thường gấp rưỡi, mà có khi còn cao hơn nữa tùy quyết định của bà chủ nợ.

 
Hình ảnh Thành Được và Thanh Nga trong vở Lan và Điệp.

Tiền cho vay Tết bắt buộc phải trả dứt vào ngày rằm tháng Giêng, mà nếu chịu khó làm bài toán thì tiền lời là 30 phân, chớ không phải “xanh xít đít đui” như lãi nợ ngày thường. Dù rằng tiền lãi cao như vậy mà giới cải lương đâu có ngán, chẳng ngần ngại gì hết, được vay càng nhiều càng tốt. Mấy ngày Tết chủ nợ thu tiền chẳng khó, bởi không vắng mặt con nợ nào. Suất hát cuối cùng trước khi vãn là bầu gánh đã sẵn sàng tiền lương cho nghệ sĩ, và bà chủ nợ cũng sẵn sàng chờ con nợ trao qua.

Do đâu mà bà chủ nợ lại rộng rãi như vậy chớ? Câu trả lời là do Tết! Bởi bà ta chắc ăn, là con nợ dễ dàng trả nợ trong mấy ngày đầu Xuân. Ngay trong đêm mùng 1 Tết là bà bắt đầu thu tiền trở lại rồi (cũng có chủ nợ chờ ngày mùng 2).

Người cho vay gánh hát nắm vững tình trạng lương bổng của đào kép cải lương trong mấy ngày Tết, người nào cũng lãnh tiền nhiều hơn cả chục lần, hoặc kém hơn thì cũng 7, 8 lần của ngày thường. Chỉ nội ngày mùng 1 Tết họ có thể hát đến 4 suất, có gánh hát 5, 6 suất, mà mỗi suất thì đào kép lãnh tiền gấp đôi, tức số tiền lãnh tăng lên gấp tám lần. Nói một cách rõ ràng hơn là đêm 29 Tết hoặc đêm 30 giao thừa, họ còn lãnh một ngàn đồng, nhưng đêm mùng 1 thì bầu gánh phải trả đến 8 ngàn, mười ngàn mà còn cộng thêm tiền lì xì Tết, nhiều ít tùy theo sự rộng rãi của bầu gánh.

Mấy ngày Tết đào kép mệt khờ người luôn, bởi suất hát này vừa vãn thì diễn tiếp liền suất kế tiếp. Hát từ 9 giờ sáng cho đến 1, 2 giờ khuya, nghỉ xả hơi được vài giờ đồng hồ lại phải chuẩn bị hát cho ngày hôm sau. Tuy mệt thở không ra hơi như vậy mà người nào cũng thoải mái tinh thần, mừng vui ra mặt.

Và hầu như chẳng đào kép nào “nghỉ bệnh” trong mấy ngày Tết này. Không như ngày thường, mượn tiền bầu gánh không được thì đào kép chánh, và các anh hề tên tuổi hay… bị bệnh. Một căn bệnh mà bác sĩ giỏi thế mấy cũng bó tay. Khi xưa nghệ sĩ Năm Châu thường nói, thuốc chữa “căn bệnh nghệ sĩ” này mua không có ở nhà thuốc, mà có rất nhiều ở nhà… bà chủ nợ, bầu gánh chỉ cần đến đây mang “thuốc” về thì con bệnh sẽ khỏi ngay, để đặng tối lên sân khấu.

Vay tiền để trả nợ?

Trở lại vấn đề cải lương vay tiền Tết. Biết chắc rằng ngày Tết tiền vô nhiều như vậy, nên phần lớn đào kép cải lương người nào cũng vay tiền mua sắm Tết, hoặc để làm gì đó mà có bao giờ họ nói ra đâu. Tóm lại chỉ trừ trường hợp cá biệt nào đó mà thôi, chớ phần đông người của cải lương đều vay nợ Tết.

 
Những nữ nghệ sĩ nhận giải Thanh Tâm. Từ trái qua: Thanh Nga – Ngọc Giàu – Lan Chi – Bích Sơn.

Thế nhưng, rất nhiều người thắc mắc là giới cải lương làm ra tiền rất nhiều, ngoài số nghệ sĩ đi xe hơi, xài tiền như nước ra, những người lương thấp như công nhân, dàn cảnh… thì đồng lương của họ cũng cao hơn người làm thuê, làm mướn bên ngoài. Vậy mà tại sao họ lại thiếu thốn, đến đỗi chờ chủ nợ đến để vay tiền với mức lãi quá nặng? Có đi sâu vào vấn đề, tìm hiểu xa hơn thì người ta sẽ thấy sự thiếu thốn của giới cải lương là có vấn đề của nó, một vấn đề mà mới nghe qua ai cũng lắc đầu chán ngán giùm cho giới này.

Giới cải lương ngồi chờ vay nợ Tết để xài vào việc gì, có phải để mua sắm cần thiết cho ba ngày Xuân? Câu trả lời là cái đó cũng có nhưng ít thôi, mà phần nhiều họ vay nợ Tết là để đi… trả nợ! Cái mâu thuẩn của vấn đề là thế, bởi không phải họ chỉ thiếu nợ ở đây (gánh hát) mà còn nợ ắp lẫm bên ngoài, bắt buộc phải trả trước Tết, không thôi thì chẳng yên thân. Món tiền vay Tết này có khi còn không đủ trả nợ ở những nơi khác.

Trong số những người vay nợ Tết này, lại có cả những người không phải lấy tiền về lo gia đình, lo cuộc sống, cũng không phải trả nợ chỗ khác, mà sau khi lấy tiền xong là đi đến sòng bài. Các con bạc chờ nghệ sĩ có “máu cờ bạc” đến để cùng sát phạt lẫn nhau, và phần lớn thì tiền vay nợ Tết nó đã hết sạch trước Tết là chuyện thường.

Có năm nọ đúng vào ngày mùng 1 Tết, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, suất hát đầu tiên 9 giờ sáng đang diễn, thì có bà đầu thảo hụi đến phía sau rạp, gần ngã tư đường Bùi Viện – Đề Thám. Bà ta chửi bới la lối om sòm, thiên hạ xúm lại coi mỗi lúc nhiều hơn, mấy sòng bầu cua cá cọp cũng ngưng lại để coi. Với giọng nói rang rảng, bà cho biết là chàng kép chánh mấy kỳ qua không đóng hụi, hẹn vay tiền Tết sẽ đóng, mà chờ mãi đến giao thừa cũng không thấy mặt, nên sáng nay dù mùng 1 Tết cũng không cử kiêng gì hết, nhứt định phải thanh toán theo luật giang hồ. Thì ra anh chàng kép chánh kia mượn tiền Tết, thay vì đi đóng hụi lại đi thẳng vô sòng bài, cháy túi rồi còn tiền đâu mà đóng hụi.

Thấy tình thế căng thẳng quá, lại là ngày Tết, ngày cải lương hốt bạc, đâu thể để tình trạng xấu xảy ra, bởi đi theo bà đầu thảo hụi còn có mấy tay mặt rằn mặt rện, sẵn sàng “mần” anh kép chánh. Chẳng cần suy nghĩ lâu, ông bầu gánh kêu bà nầy vô hậu trường rạp hát nói chuyện, giải quyết bằng cách ứng một số tiền cho chàng kép chánh mượn trước đóng hụi. Và rồi thì mọi chuyện êm xuôi, bà chủ hụi ra về, không khí Tết vui tươi ở đây trở lại như lúc nãy.

Cái cảnh cải lương vay nợ Tết của ngày xưa, giờ đây không còn thấy nữa, cải lương không còn hoạt động thì làm gì có người vay, có người cho mượn nợ, có còn chăng là trong ký ức của những người mang nghiệp cầm ca, của những ai từng theo dõi hoạt động sân khấu. Và mỗi khi Tết đến thì giới cải lương không khỏi thở dài, ngậm ngùi, luyến tiếc cái thuở vàng son của ngày Tết năm xưa có trở lại chăng?

Ngành Mai

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-012514-nm-01252014102744.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây