Ăn cơm hội cải lương

Ngành Mai
11.1.2014

Ăn cơm hội cải lương Hình ảnh một bữa ăn cơm hội cải lương của đoàn hát nhỏ.

Đặc thù văn hóa

Nói về ăn cơm hội ở các gánh hát cải lương, thì những ai từng theo dõi hoạt động của bộ môn nghệ thuật sân khấu cũng đều biết, bữa cơm hội ngày Tết khác xa với bữa cơm hội ngày thường. Và đây cũng là một đặc thù của văn hóa liên quan đến hoạt động nghệ thuật mà lịch sử cải lương của dân tộc chắc không bỏ sót.


Ngày xưa cả gánh hát sống với nhau, ăn cơm chung với nhau như một gia đình. Mỗi suất hát, bầu gánh trích một khoản tiền dành cho cơm hội và phòng xa những khi trời mưa gió, hát ế ẩm, nên dù có lúc gánh hát không mở màn được, chẳng ai có lương, nhưng mọi người vẫn có cơm ăn để sống qua ngày. Gánh hát dù lớn hay nhỏ, dù diễn ở tỉnh thành hay ở thôn quê hẻo lánh, các thành viên trong đoàn từ bầu gánh, đào kép, thầy tuồng, thầy đờn, công nhân, người bán vé, gác cửa…, đều ngày hai bữa ăn cơm hội.

Người ta không rõ biết cơm hội có từ bao giờ, chỉ biết là có từ thời xa xưa lắm rồi, từ thời các gánh hát còn rày đây mai đó, dong ruỗi trên khắp các nẻo đường quê. Cái đặc điểm của cơm hội là nuôi cơm tất cả thành viên trong đoàn, không phân biệt nghệ sĩ, hay công nhân hậu đài, ai muốn ăn thì nhào vô, bằng không ăn thì thôi chớ không có vấn đề được trả tiền thay thế phần ăn. Xưa giờ là vậy.

Thời vàng son của cải lương, các gánh lớn thường hoạt động ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định như gánh Kim Chưởng của bà bầu Kim Chưởng, Kim Chung của Bầu Long, Thanh Minh Thanh Nga của bà Bầu Thơ, Dạ Lý Hương của Bầu Xuân, Hương Mùa Thu của bầu soạn giả Thu An thì các bữa cơm hội khá thịnh soạn, trên mâm có nhiều món ăn gồm đủ canh, xào, kho mặn. Có những lúc còn được ăn heo quay, vịt quay… Đó là thời kỳ thịnh hành của cải lương vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960.

Cùng thời điểm trên lại có rất nhiều gánh thuộc dạng “B” hay “C” mà thiên hạ thường gọi là gánh hát bầu tèo, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn ở các quận xã, thường hát ở các nhà lồng chợ, rất hiếm khi hát rạp ở tỉnh lỵ thì các bữa cơm hội quá thê thảm. Do vậy mà người ta thường nhìn vào bữa cơm hội, cũng đoán được gánh hát có khá hay không, nói rõ hơn là hằng đêm vé bán có nhiều không.

Từ lâu rồi, các đoàn cải lương lưu diễn rày đây mai đó không có nơi nào cố định. Cả đoàn hát từ bầu gánh đến nghệ sĩ, nhân viên sống nhờ đồng tiền kiếm được do số thu bán vé khi nhiều, khi ít, không có gì chắc chắn, mà thông thường là đa số anh chị em đều thiếu kém nếu không muốn nói là vất vả khổ sở. Đồng lương mà đoàn hát ấn định theo sự thỏa thuận, nhưng khi hát ế, vé bán không được như ý muốn thì bầu gánh áp dụng “luật cải lương”. Nghệ sĩ thành viên đoàn phải chấp nhận, khi thì lãnh ba phần tư lương, lúc còn phân nửa lương, còn gọi là lương đờ mi, có lúc chỉ một phần tư lương trên mỗi xuất hát hàng đêm. Và cũng lắm lúc hát không lương, chỉ lãnh tiền cà phê kéo dài từ tháng này qua tháng nọ, nghệ sĩ cũng đành cam chịu, bởi nếu không chịu như thế thì đoàn rã rồi thất nghiệp không nơi ca hát còn khổ hơn là… có tiền cà phê và cơm hội!

Gánh hát “du mục”

Sau 1975 thì vấn đề cơm hội có khác đôi chút, các đoàn hoạt động ở thành phố, nghệ sĩ, công nhân được phát tiền cơm bằng một phần cơm bình dân lao động. Còn các đoàn đi lưu diễn thì vẫn là cơm hội. Hình ảnh những gánh hát “du mục” rày đây mai đó với cơm hội, tưởng đã đi vào dĩ vãng, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn còn thấy ở miền Trung, miền Tây. Trong cái nắng chói chang giữa trưa hè, cả đoàn hát ngồi vòng tròn dưới đất xung quanh một nồi cơm bốc khói lên nghi ngút. Cái nồi to sứt quai đầy lọ chắc hẳn cũng thọ lâu năm, cùng đi theo đoàn từ nơi này

sang nơi khác. Bữa cơm đạm bạc chỉ có rổ rau luộc, ít con cá kho thật mặn, thật cay, nhưng họ ăn uống vui vẻ như bữa cơm trong gia đình vậy. Nhiều người dân địa phương khi thấy bữa ăn của một số đoàn quá đạm bạc, họ đã sốt sắng “viện trợ” cho đoàn. Có khi họ kho sẵn cả nồi cá kho mang lại tặng đoàn. Cũng có người gánh cả trái cây, rau, cải đến cho đoàn ăn cả tuần. Có lần ở Bình Lâm tỉnh Quảng Nam người ta còn làm heo đãi đoàn, rồi muối mặn gửi cho đoàn dự trữ ăn dần. Nhiều khi anh em ăn chay hoài cũng không nổi nên các thanh niên thường rủ nhau đi câu cá, bắt ếch mò cua… cải thiện bữa ăn.

Có lần một đoàn hát nọ đi lưu diễn miền Trung, trên đường di chuyển đến điểm diễn mới thì xe bị hư ngay trên đỉnh đèo Cả (ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa). Bác tài hì hục sửa mãi mà xe vẫn không chịu chạy. Giữa cảnh đồi núi vắng vẻ, không bóng cây che, không quán sá mà giờ tới bữa cơm trưa, khiến anh chị em bụng đói như cào. Nhưng khổ nỗi đoàn chỉ có gạo. Có người nêu ý kiến: Có cơm ăn là tốt rồi! Thế là một nhà bếp dã chiến được dựng lên nhanh chóng giữa đỉnh đèo nắng như đổ lửa. Chị bếp căng bạt che gió, đặt ba hòn đá làm bếp. Một số thanh niên lấy thùng chạy đến khe núi để hứng nước nấu cơm, đi kiếm rau dại về luộc. Chỉ một tiếng đồng hồ sau, mọi người đã có cơm ăn. Ngồi bên ven lộ, mỗi người một chén, một đôi đũa tự động bới cơm, chấm rau luộc với nước muối, ăn rất ngon lành. Đói ăn rau cũng thấy ngon nên chỉ một lúc là nồi cơm đã hết sạch.

Các gánh nhỏ hát đình hát chợ phần lớn bữa cơm hội rất là đạm bạc, tới bữa ăn chẳng bàn ghế gì cả. Tôi từng thấy một gánh hát đang trình diễn ở ngôi chợ làng quê. Giữa nhà lồng chợ bỏ trống, bữa cơm trưa được dọn ra với nồi cơm to tướng còn bốc hơi, cùng một tô nước mắm ớt và rỗ dưa leo. Chỉ có thế mà họ xúm lại ăn ngon lành, nồi cơm được bới liên tục. Chẳng mấy chốc nước mắm dưa leo không còn một miếng, và nồi cơm thì cả cơm cháy cũng hết luôn. Rõ ràng các ông bà già xưa thường hay nói: “ăn như hát bội” vậy! Nghe thế, tôi hỏi ăn như hát bội nghĩa là sao? Các ông bà trả lời: Có nghĩa là ăn mau lẹ, ăn nhiều, ăn sạch nồi, ăn như chạy giặc…

Nói chung, trừ một số ít gánh hát lớn, bữa cơm hội khá hơn, có thịt cá, còn đa số gánh nhỏ bữa cơm hội của họ chỉ cần… có cơm ăn là tốt rồi! Đó là cơm hội cải lương của ngày thường, còn ngày Tết thì sao? Dù cho đoàn hát quanh năm chỉ sống cầm hơi, nhưng Tết đến thì bữa cơm hội khá thịnh soạn nhờ bầu gánh bỏ tiền túi ra lo, và quà Tết của gia đình nghệ sĩ mang đến, nào là bánh tét, dưa hành, dưa hấu, củ kiệu, rượu thịt…, nhưng phải nói nhiều nhứt là của bà con ở địa phương, nơi mà đoàn đang diễn Tết, họ mang đến đủ thứ tặng cho nghệ sĩ cùng ăn Tết.

Thế nhưng, khổ nỗi dù thức ăn quá nhiều, mà anh chị em nghệ sĩ và hầu hết người trong đoàn ai cũng mệt đừ ăn không vô, do bởi hát liên tục, vừa vãn hát chưa kịp nghỉ ngơi được phút nào lại phải son phấn hóa trang hát suất kế tiếp. Ngày Tết hát 5, 7 suất là chuyện thường của cải lương, thành thử ra còn thì giờ đâu mà ăn với uống. Do đó mà bánh tét, bánh ít được phơi khô để sau Tết dùng xen kẽ với các bữa cơm hội. Tóm lại cơm hội từ lâu đã thành một nét đẹp trong sinh hoạt của đoàn hát, dầu rất đạm bạc nhưng vẫn là chỗ dựa nương cho những anh chị em có cuộc sống khó khăn nhứt – những người lấy đoàn hát làm nhà, sân khấu làm tổ ấm. Bao thế hệ nghệ sĩ từng có lúc sống qua ngày nhờ cơm hội của các đoàn. Không phải chỉ gánh hát có bán vé mới có cơm hội, mà các gánh nhỏ chỉ 5, 6 người hát dạo bán thuốc cao đơn hoàn tán, cũng có cơm hội. Nhiều bữa thuốc bán ế, tiền túi cũng không còn, bầu gánh đành cho ăn “cháo hội” tức ăn cháo trừ cơm.

Đó là chuyện của ngày xưa, hình ảnh đó hiện nay không còn thấy nữa, vì gánh hát cải lương không còn hoạt động thì cơm hội kể như lui về dĩ vãng. Có còn chăng là trong ký ức của những người mang nặng nghiệp cầm ca, và của những ai hằng lưu tâm đến nghệ thuật sân khấu.

Ngành Mai

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-011114-nm-01112014012212.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây