Như Hảo
1992
“Chiều mưa biên giới…anh đi về đâu? “Chữ “biên” chậm lại, và chữ “giới” được Hà Thanh láy ngọt như mía lùi, thanh thoát trữ tình, hiện cư trú tại miền Đông Hoa Kỳ, tiếp tục nổi tiếng với các băng Nhạc Thiền, Nhạc Phật giáo. Mấy chục năm qua và bây giờ vẫn không thay đổi như tiếng cười dòn của Trần Thị Lục Hà, nơi sân trường Đồng Khánh – Huế năm xưa, đang khởi đầu cho một lần gặp gỡ:
-Nì, lâu quá Hà mới gặp lại Như Hảo.
-Thì sơ sơ chừng sáu năm, 1986 trong ngày Đồng Khánh – Quốc Học ở Hoa Thịnh Đốn tui làm MC, O hát “Cô nữ sinh Đồng Khánh” và “Đêm tàn Bến Ngự” nhớ không?
-Ừ thời gian qua mau, tụi mình đã hai màu tóc. Nhớ ngày nào Hà vô Sài Gòn thâu thanh cho các đĩa hát Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh, Việt Nam của chị Sáu Liên, Continental của Nguyễn Văn Đông bọn mình hay gọi là cụ Đông và Tân Thanh của ai quên rồi? À mà dạo đó chỉ có đĩa nhựa microsillon là quí rồi hí !
-Đó là khoảng năm 1963 phải không Hà?
-Ừ đúng rồi. Hà còn nhớ bìa của đĩa hát thường in hình ca sĩ, ở Huế vô, Hà không biết diện chi cả, may mà có Như Hảo “làm tốt” dùm, ngó được ghê. Hà nhớ mãi tấm hình bên dàn hoa công chúa, màu tím mơ màng dễ thương ghê hí.
-Nì, khoảng năm 1965 là Hà vô Sài Gòn luôn để bắt đầu ca hát rầm rộ trên đài phát thanh, đài truyền hình và sau đó thì băng nhạc, đúng chưa?
-Đó thời gian tụi mình gặp nhau thường xuyên hí.
-Mình có thắc mắc là lúc đó Hà không hề hát sân khấu hay phòng trà tại răng rứa?
-Thứ nhất Hà ít thuộc lời ca, bài nhạc nào cũng biết, cũng hát được, nhưng thấy khó thuộc quá. Vả lại Như Hảo cũng biết Huế mình lúc nớ còn khó, còn chút thành kiến trong nghề ca hát.
-Ý Hà nói gia đình lúc đó không cho đi hát trước mặt công chúng phải không? Chỉ cho hát trên đài phát thanh, đĩa hát hay băng nhựa mà thôi. Văn kỳ thanh không được kiến kỳ hình: Thiên hạ nghe giọng hát mà không chộ được người hát bằng xương bằng thịt.
-Hoàng Oanh hay Duy Trác lúc đó cũng rứa.
-Mình còn nhớ mời anh Duy Trác hát cho chương trình “Đêm Vô Tuyến” mãi mà không được, vì anh không chịu xuất hiện trên truyền hình.
-Hà nhớ lúc mới có truyền hình băng tần 9, Hà cũng được mời hát, thiệt lúc đó thấy dị ghê, mình không biết trang điểm sợ lên hình xấu, lúc hát tay không biết để mô nên rất ngại hát truyền hình.
-Nhưng về sau rồi cũng quen, mình thấy Hà hát cho nhiều ban nhạc trên truyền hình đó chớ.
-Ui chao! Ban mô cũng có hát hết, mệt hết sức mà cũng vui ghê!
-Đó là chuyện lúc Hà vô góp mặt với Sài Gòn, nhưng còn lúc trước thì cơn gió nào thổi Hà tới Đài phát thanh Huế để trở thành ca sĩ Hà Thanh?
-À năm Hà học đệ thất, Đài phát thanh Huế tổ chức tuyển lựa ca sĩ, Hà phải khai thêm tuổi để đi thi với người lớn. Thi ba lần Hà đều được giải nhất đó.
-Nhưng trước khi dự thi hát, Hà có hát ở mô? Văn nghệ gia đình Phật tử hay ở trường?
-Không, Hà chưa hát ở mô hết!
-Rứa mà dám cả gan khai thêm tuổi đi thi hát với người lớn.
-Lúc nớ Hà thường nghe Chương trình Nhi đồng của Đài phát thanh Pháp Á, có Yến Tuyết hát và Hà hát theo, anh của Hà nghe được, anh nói Hà hát hơn mấy cô bé trong ban nớ đó. Rứa là Hà bắt đầu lên tinh thần, hát suốt ngày, có khi chui đầu vô lu nước thử giọng xem mình ngân dài chừng nào…và echo vang ra làm sao.
-Thấy Hà thích hát như rứa, anh Tịnh là người khuyến khích Hà thi hát phải không?
-Đúng! Không những khuyến khích anh còn nhờ người bạn Trần Đình Thông tập cho Hà hát các bài “Áng mây chiều“, “Đêm tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước”, “Dòng Sông Xanh” (Le Bleu Danube) của J. Strauss, lời Việt của Phạm Duy, “Nhạc buồn” (Tritesse) của Chopin, lời Việt của Anh Ngọc để thi hát.
-Mới tập hát Hà đã lựa những những bài khó như vậy mà đều chiếm giãi nhất cũng giỏi chớ hí? À mà lúc đó đã hát “Đêm tàn Bến Ngự“, kể tới bây giờ đến trình diễn tại Thung Lũng Hoa Vàng (San Jose) kỳ này; “Đêm tàn Bến Ngự” trong giọng hát của Hà là mấy mươi năm?
-Suýt soát bốn chục năm! Lúc Hà trúng giải Đài phát thanh Huế là thời Giám đốc Tống Tất Cảnh, tiếp theo là thầy Ngô Ganh, giáo sư nhạc của trường Đồng Khánh đó. Thật ra lúc đó Hà chưa hát cho Đài phát thanh Huế mà chỉ hát cho nhi đồng, học sinh trong Ban “Nắng Mới‘. Có các anh chị như Ưng Sơn, Lê Gia Thẩm, Nguyễn Văn, Anh Hòe và chị Nga của Hà nữa.
-Khi mô mới thực sự hát cho Đài phát thanh Huế?
-Mấy năm sau đó, Hà không còn nhớ rõ nữa. Có lẽ khoảng năm 1957-1958 chi đó…chỉ nhớ có hát với những anh Duy Khánh, Hồng Nhân, Thiện Nhân, chị Thanh Nhạn…Còn Hương Thủy, Hồng Nhạn hát trước Hà. Ban nhạc do anh Văn Giảng phụ trách. Chương trình nhạc thâu live nên có một hôm Hà bị một tai nạn nghề nghiệp. Hà đang hát thấy cái chi đó, tức cười quá, không nhịn được, bèn cười xòa. Không may cậu Cẩn (Ngô Đình Cẩn) nghe được chương trình hôm đó! Rứa là bị la một trận tơi bời từ giám đốc đến trưởng ban nhạc, và dĩ nhiên cả thủ phạm này luôn.
-Và thủ phạm sợ quá…chạy vô Sài Gòn trốn luôn phải không?
-Chửa! Năm 1965 Hà mới dọn vô Sài Gòn…và gặp lại Như Hảo trong Ban “Tiếng Hát Hậu Phương” của anh Phạm Mạnh Cương, Đài Tiếng Nói Quân Đội đó…Còn Ban “Tiếng Hát Đôi Mươi” của Nhật Trường, Ban “Dạ Hưong” của Đổ Thiều, Ban “Đàn Dây” của nhạc sĩ Anh Việt, tới Ban “Tiếng Tơ Đồng” của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Ban “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của ca sĩ Anh Ngọc. Hà với Mai Hương hầu như suốt ngày trên đài phát thanh, đài truyền hình, trung tâm ban nhạc. Quá sức họat động, đầu tắt mặt tối luôn. Hát đến nỗi khi nghe lại, không biết mình hát bài này lúc nào, ở ban nào? Như Hảo biết đó: Các trưởng ban thường đưa bài mới, đọc qua hát ngay, ra về chẳng còn nhớ nữa.
-Rồi Hà hát đầu tắt mặt tối như rứa tới năm 1975.
-Mô có! Tới năm 1970-1971 Hà nghỉ hát để lo cho gia đình và bé Kim Huyền.
-Tức Hà muốn làm mẹ hiền vợ đảm mà thôi hí.
-Bởi rứa Hà không hề nghĩ là trở lại nghiệp cầm ca, vì một thời gian gián đoán khá dài, Hà thấy khó hát lại được như xưa.
-Thời gian gián đoán mà Hà nói là từ năm 1970-1971 đến năm nào?
-Hà qua Mỹ năm 1984, đến Boston do người em bảo lãnh. Phải sau một năm Hà mới thâu cuốn băng đầu tiên Hà hát lại sau 15 năm ngưng hát. Đó là băng “Những khúc tình ca xứ Huế“. Thiệt tình mà nói, Hà tưởng hư hết giọng, nhưng nhờ bạn bè khắp nơi mời hát quá, nên Hà cố gắng dợt giọng lại và lần xuất hiện đầu tiên trên sân khấu hải ngoại là lần hát cho Chương trình Quốc Học – Đồng Khánh tại Nam Cali…chủ đề “Nhớ Huế“…
-Và sau đó, lấy đà Hà hát sân khấu dài dài luôn hí? Nghĩ thật lạ! Những người ngày xưa trốn sân khấu kiểu Hà, qua bên này thì ngược lại.
-Đúng rứa! Lúc còn xuân xanh… gọi là còn tơ thì không dám lên sân khấu, chừ tơ đã vàng vàng rồi lại xuất hiện sân khấu đều đều…rồi cả video nữa chứ! Như Hảo thấy ra răng?
-Thiệt tình! Tụi mình bạn với nhau khó nói quá! Há? Nhưng bằng chứng hiển nhiên là trong buổi nhạc thính phòng vừa qua, khán giả vỗ tay quá chừng và yêu cầu Hà hát thêm thì đủ hiểu rồi. Và như rứa thì Hà có dự tính chi trong tương lai về ca hát, chẳng hạn cho thêm băng, CD chi nữa không?
-Hà xin cám ơn lòng yêu mến của khán thính giả, đặc biệt là các vị ở Thung Lũng Hoa Vàng này. Hiện Hà đang sưu tầm để thâu đêm một băng nhạc đạo nữa. Cho đạo cho đời. Vì cuốn băng phát hành năm ngoái có tên “Ngát Hương Đàm” được các đạo hữu và Phật tử đón nhận rất nhiệt tình, nên Hà nghĩ có duyên với đạo ca.
-Vậy là Hà sắp sửa hát thêm một cuốn đạo ca nữa, còn có đời ca không?
-Hà cũng muốn lắm nhưng chỉ thâu lẻ tẻ chung với các ca sĩ khác, như trong băng “Trường Sơn” của Duy Khánh…Còn hát một mình dù sao Hà cũng sẽ thâu một cuốn băng gọi là đời ca để đời cho mấy chục năm ca hát của Hà. À…mà không biết thính giả yêu nhạc có ủng hộ không? Nhỉ?
-Hà cứ cho phát hành là biết liền à. Còn chừ là câu hỏi chót, muốn trả lời hay không tùy ý hí: Về cuộc sống hiện nay của Hà?
-Hì hì…bật mí.
-Đồng ý. Sẽ có ngày bật mí thiệt đó nghe Hà. Cám ơn và chúc Hà trở về Boston bình an. Mong nhiều lần gặp lại để còn được nghe tiếng hát của Huế đẹp và thơ – Hà Thanh.
Như Hảo
Thung Lũng Hoa Vàng, San Jose 1992
(Trích từ Thị Trường Tự Do Magazine, San Jose 1992)