Lê Phước
28.12.2013
Vọng cổ được mệnh danh là “bài bản vua” của sân khấu cải lương. Mà một trong những nguyên nhân chính đó là : để đánh giá giọng ca một nghệ sĩ thì bản vọng cổ luôn được lấy ra làm tiêu chuẩn số một. Và có những nghệ sĩ đã đi vào bất tử nhờ cái tài ca vọng cổ.
Sau “vua vọng cổ” Út Trà Ôn, thì một trong những nghệ sĩ tiêu biểu nhất của trường hợp này là nghệ sĩ Minh Cảnh, một cái tên gắn liền với rất nhiều bài vọng cổ, một giọng ca thuộc hàng “vô tiền khoáng hậu”.
“Em bé đánh giày” là một bài vọng cổ được nhiều người yêu thích. Bài hát này đã gắn liền với tên tuổi của nam nghệ sĩ Minh Cảnh. Nói “gắn liền” ở đây là muốn nhấn mạnh rằng, từ khi Minh Cảnh thể hiện bài ca này, chưa thấy có giọng ca nào thể hiện ngang bằng được chứ đừng nói chi là vượt hơn tiền bối. Thế nhưng, có mấy người biết rằng, Minh Cảnh đã gửi hồn trọn vẹn vào bài ca này với cảm giác hết sức chân thật bởi nội dung bài ca sao mà giống với cuộc đời Minh Cảnh quá. Không biết có phải soạn giả Viễn Châu đã cố ý lồng cuộc đời của Minh Cảnh vào bài hát này để cho anh thể hiện hay không ?
Một bước lên mây nhờ giọng ca
Cũng giống như hầu hết các nghệ sĩ cải lương thuộc thế hệ vàng, Minh Cảnh xuất thân hàn vi. Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm 1939 tại Sài Gòn. Do gia đình hết sức nghèo khó lại đông anh em, nên cậu bé Nguyễn Văn Cảnh đã phải nghỉ học sớm, và cái tuổi ấu thơ của Cảnh là những ngày tháng sống trên đống rác. Có thể nói như vậy cũng không quá, bởi vì lúc mới lên mười, cậu bé Cảnh đã phải suốt ngày lượm ve chai ở các bãi rác, chiều tối thì đi bán chuối chiên.
Cũng chính nhờ chuối chiên đã đưa Cảnh đến với Út Trà Ôn. Số là, nơi chiên chuối chiên mà Cảnh nhận về bán lại nằm ở gần sát nhà của Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. Thế là, Cảnh có dịp được nghe giọng ca của ông. Càng nghe lại thấy càng lấy làm mê lắm, nhưng thuở ấy nào đâu dám mơ đến chuyện trở thành nghệ sĩ.
Thời gian sau đó Cảnh học ca vọng cổ. Và điều đáng ngạc nhiên nữa là, người thầy đầu tiên dạy ca vọng cổ cho Cảnh lại là một anh thợ hớt tóc. Biết ca vọng cổ và có giọng ca hay còn chưa đủ, mà trong sân khấu cải lương có một điều rất khó giải thích, đó là phải có “duyên” với sân khấu, nếu không dù có ca hay ca giỏi đến đâu thì cũng khó lòng nổi tiếng chứ chưa nói là bị mai một. Thực tế của sân khấu cải lương gần 100 năm qua đã chứng minh được điều đó.
Cái “duyên” đó đã đến với Cảnh khi mà vào dịp giỗ tổ năm 1960, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Văn Cảnh được ông thầy đờn Năm Được giới thiệu vào ca cho ông bầu của đoàn Kim Chung nghe. Sau khi nghe, ông bầu Kim Chung lập tức quyết định ký hợp đồng dài hạn với Cảnh. Kim Chung xưa kia là một đại bang đình đám nhất trong giới cải lương.
Được về Kim Chung đó là mong ước của không ít nghệ sĩ dù đã nổi tiếng lúc bấy giờ. Thế mà, cái tài ca vọng cổ của Minh Cảnh đã lập tức « lọt vào mắt xanh » của ông bầu Kim Chung để bắt đầu bước lên đỉnh vinh quang. Thực tế đã chứng minh, con mắt nhà nghề của ông bầu Kim Chung quả thật chính xác, bởi vì quyết định tức thì của ông đã mang đến cho sân khấu cải lương một nghệ sĩ Minh Cảnh lừng danh, một anh kép chánh Minh Cảnh có tài ca vọng cổ thuộc hàng “sư phụ”.
Giọng ca « nhẹ như mây »
Minh Cảnh là một nghệ sĩ ca diễn song toàn. Lối diễn xuất của ông theo kiểu “đơn giản hóa”, tức là những động tác phù hợp một cách rõ ràng với vai diễn, người xem không cần phải đau đầu suy nghĩ mới có thể hiểu được điều mà nhân vật muốn thể hiện.
Điểm đáng chú ý nhất trong cách diễn của Minh Cảnh mà thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ cần học hỏi, đó là người xem cảm nhận rất rõ ông luôn sống hết mình với nhân vật trên sân khấu. Ngay cả những năm gần đây, khi tuổi đã thuộc hàng thất thập cổ lai hy, khi mà nghề nghiệp ca diễn đã thuộc hàng bậc thầy, nhưng mỗi khi Minh Cảnh lên sân khấu, là người ta luôn thấy ông ca diễn hết mình với nhân vật.
Tuy nhiên, cái tài ca vọng cổ của Minh Cảnh thần sầu đến mức đã che mờ cái tài diễn xuất của ông, để mỗi khi người mộ điệu cải lương nhắc đến ông là lập tức nghĩ ngay đến một giọng ca và một cách ca vọng cổ thượng thừa.
Trước Minh Cảnh đã có hai vị cao thủ ca vọng cổ là Út Trà Ôn và Hữu Phước. Út Trà Ôn là bậc thầy của lối ca chân phương đậm chất tài tử, không kiểu cọ. Giọng ca Út Trà Ôn có âm vực rất rộng, có một độ vang lộng khó tả, tạo chất trầm ấm bi hùng. Đặc biệt, Út Trà Ôn là có một bộ nhịp thượng thừa và một lối ca chẻ nhịp độc đáo. Nhịp nhàng vọng cổ thì nghệ sĩ nào cũng rành, nhưng để đạt được lối ca chẻ nhịp và cách xấp chữ điêu luyện như Út Trà Ôn thì quả thật chưa thấy có ai đạt đến được.
Nói về nam danh ca Hữu Phước, đây là một giọng ca vàng. Dù xuất hiện sau Út Trà Ôn, nhưng Hữu Phước vẫn tạo được chỗ đứng riêng với lối ca điêu luyện bậc thầy. Có người cho rằng, cái khác biệt giữa Hữu Phước và Út Trà Ôn đó là Hữu Phước ca lạng bẻ, hoa lá, mùi mẫn. Thế nhưng, nếu nghe kỹ ta thấy rằng, lối ca của cả hai nghệ sĩ bậc thầy này đều thuộc lối chân phương, chuẩn mực, không lạng bẻ. Nói “không lạng bẻ” ở đây không phải là nói họ ca một cách khô khan thiếu uyển chuyển, mà họ ca rất mẫu mực thể hiện được trọn vẹn tính chân phương-cái hồn của bài vọng cổ. Thử nghe kỹ hai nghệ sĩ bậc thầy này ca, ta thấy họ ca lã lướt, điêu luyện, và đặc biệt họ rất chú ý “vuốt” chữ cho “ngọt”. Cái “lả lướt” ở đây là lả lướt trong chuẩn mực chân phương.
Nói như vậy không phải giữa họ không có sự khác biệt, bởi nếu không có sự khác biệt thì làm sao có cái tên Hữu Phước như đã có. Thứ nhất, ta thấy giọng Hữu Phước hơi trong hơn giọng Út Trà Ôn, mà nói theo từ trong nghề thì Út Trà Ôn có giọng đồng, còn Hữu Phước có giọng kim pha thổ. Nhờ trong hơn, nên giọng ca Hữu Phước tạo được vẽ “mềm” hơn giọng Út Trà Ôn. Từ đó, Hữu Phước ca có phần “mềm, dịu” hơn Út Trà Ôn, tức là tạo được nét mới hơn, nhưng là cái mới trên nền sự chân phương.
Đến với Minh Cảnh, giọng ca của ông đã có phần mạo hiểm khi đã dám tạo ra cái khác biệt với hai bậc tiền bối. Có người cho rằng, cái “mới” của Minh Cảnh mang đến cho bài vọng cổ đó là ông đã bắt đầu cho trường phái ca hơi dài (vô vọng cổ một mạch nhiều chữ) và đưa hò Huế vào trong bài vọng cổ. Điều đó cũng đúng, nhưng chưa đủ, bởi đóng góp đặc sắc nhất của Minh Cảnh cho bài vọng cổ đó là ông ca lả lướt, nhấn nhá, lạng bẻ.
Dù rằng cái hồn của vọng cổ là chân phương, nhưng nếu trên nền của chân phương mà sáng tạo thêm một cách “điệu nghệ”, thì cũng chưa hẳn là không tốt. Và Minh Cảnh đã minh chứng được cái điệu nghệ, bản lĩnh và khả năng sáng tạo trong cách ca vọng cổ trên nền tảng của sự chân phương. Nếu nói Minh Cảnh ca chỉ có lạng bẻ mà không chân phương là không chính xác, bởi vì trong cách ca của Minh Cảnh ta vẫn thấy có sự chân phương, nhưng ông giữ một độ chân phương vừa phải, và bổ sung vào đó bằng sự nhấn nhá, lạng bẻ rất độc đáo. Minh Cảnh lạng bẻ ngay cả khi vô vọng cổ, tạo được một lối vô vọng cổ rất độc đáo, không nhầm lẫn vào đâu được.
Cái lạng bẻ của Minh Cảnh không phải là vô lối, mà rất được trau chuốt, chăm sóc kỹ từng cách nhả chữ, cách phát âm. Cái độc đáo của sự lạng bẻ của Minh Cảnh là ông ca “tung tăng” trên dây đờn. Và chính sự “tung tăng” trên dây đờn này đã cho thấy Minh Cảnh có một bộ nhịp thượng thừa, một lối ca điêu luyện. Minh Cảnh xấp chữ rãi đều ở các câu như Út Trà Ôn. Đặc biệt, Minh Cảnh thường ca chẻ song lang ở nhịp 24 nghe rất “đã tai”.
Thế nhưng, đặc biệt hơn hết ở giọng ca Minh Cảnh mà trước và sau ông chưa ai có được, đó là ông có một phong cách ca và một giọng ca “nhẹ như mây”. Giọng ca Minh Cảnh cao vút, thế mà khi nghe Minh Cảnh ca người ta không có cảm giác ông ráng hơi hay ra sức vuốt chữ gì cả, mà chỉ thấy ông ca rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng. Cộng với lối cảnh lả lướt, « tung tăng » trên dây đờn, giọng ca cao vút của Minh Cảnh tựa hồ một áng mây chiều trôi bồng bềnh trên nên trời xanh thẳm.
Vì thế, giọng ca Minh Cảnh mang đến cho người nghe một cảm giác rất nhẹ nhàng và rất êm dịu. Người nghe như được “bay bổng” theo tiếng ca “nhẹ như mây” của Minh Cảnh, để thả hồn theo tiếng ca trầm bổng , lả lướt, lạng bẻ theo những cung bậc bổng trầm của tiếng đờn vọng cổ, để bị ru hồn lúc nào mà không biết.
Ta thấy rằng, ca theo lối hò Huế hay ca hơi dài, hoặc ca chắc nhịp hay ca lạng bẻ, thì các thế hệ tiếp nối của Minh Cảnh cũng đã có người tiếp bước. Thế nhưng, để tạo được phong cách « nhẹ như mây » như Minh Cảnh thì đến hiện tại chưa thấy có người kế thừa. Ngay cả những nghệ sĩ thành danh nhờ vào cách học theo lối ca và giọng ca Minh Cảnh, có người còn ca rất giống Minh Cảnh, nhưng người nghe có cảm giác họ ca cao vút mà ra sức ráng hơi hoặc lạm dụng kỹ thuật chứ không đạt được trình độ ca tự nhiên, ca nhẹ nhàng của Minh Cảnh.
Để đời rất nhiều bài vọng cổ
Xưa nay, đối với nghệ sĩ cải lương, tên tuổi « để đời » với một bài vọng cổ cũng đã là một việc không phải dễ dàng. Còn như để đời với nhiều bài vọng cổ cùng một lúc, thì cực kỳ hiếm. Ấy vậy mà, Minh Cảnh không chỉ thành công với một vài bài, mà đã để đời với rất nhiều bài vọng cổ.
Số lượng bài ca vọng cổ mà hễ nhắc đến nó là nghĩ ngay đến Minh Cảnh, thật sự khó liệt kê cho hết: Tu là cội phúc, Võ Đông Sơ, Trái gùi Bến Cát, Sầu vương ý nhạc, Lưu Bình Dương Lễ, Tô Võ chăn dê, Hoa đào trước gió, Trống loạn Thăng Long thành, Người điên yêu trăng, Em bé đánh giày, Lương Sơn Bá, Trăng sáng vườn chè, Mưa trên phố Huế, Duyên quê…
Điều đặc biệt ở đây đó là, tất cả những bài vọng cổ nêu trên, người ta có cảm giác rằng sau khi Minh Cảnh ca thì không còn ai thể hiện hay hơn nữa, bởi vậy mỗi lần muốn nghe những bài ca đó, người ta chỉ muốn nghe giọng ca Minh Cảnh. Đây thật là một điều mà Minh Cảnh đã “làm khó” cho thế hệ nghệ sĩ sau bởi những bài nêu trên đều là những bài vọng cổ thuộc hàng tuyệt tác.
Ở đây có một điều đặc biệt nữa cần được nhấn mạnh : giọng ca Minh Cảnh gắn liền với sáng tác của soạn giả Viễn Châu. Ta thấy rằng, không chỉ có Minh Cảnh là nổi tiếng nhờ bài do Viễn Châu sáng tác, nhưng với rất nhiều bài làm nên tên tuổi Minh Cảnh mà bên trên mới liệt kê chỉ được một số bài, thì hầu hết đều là bài của Viễn Châu. Có thể nói rằng, sau Út Trà Ôn, Minh Cảnh là người thể hiện thành công nhiều bài vọng cổ do Viễn Châu sáng tác nhất.
Tu Là Cội Phúc: hơn nửa thế kỷ “độc tôn”
Trong số rất nhiều bài để đời của Minh Cảnh, có thể xem hai bài sau đây là nổi tiếng nhất: Tu là cội phúc và Võ Đông Sơ. Năm 1961, soạn giả Viễn Châu đã cho ra đời một bài vọng cổ Phật giáo mang tên Tu là cội phúc. Nội dung bài ca tập trung vào hai câu :
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu
Điều này rất phù hợp với triết lý Đại Thừa của Phật giáo, vốn có ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam, và đặc biệt là phù hợp với truyền thống hiếu đạo của người Việt. Minh Cảnh đã bất tử bài ca này nhờ vào một giọng ca “nhẹ như mây” rất hợp để thể hiện những bài ca Phật giáo, nhờ vào nhịp nhàng điêu luyện, cách nhấn nhá mềm mại vừa phải.
Nghệ sĩ Minh Cảnh đã thể hiện bài ca này vào năm 1961 với sự thành công rực rỡ, đến mức mà thế hệ danh ca sau ngại không dám ca bài này. Thậm chí đến ngày nay, hễ nhắc đến Tu là cội phúc, thì người mộ điệu lập tức nghĩ ngay đến Minh Cảnh. Chứng tỏ rằng, Minh Cảnh đã ngự trị Tu là cội phúc từ hơn nữa thế kỷ qua.
Đối với bài Võ Đông Sơ cũng vậy, giọng ca Minh Cảnh đã trở nên “độc quyền” bài hát này mấy chục năm qua. Đây là một bài vọng cổ thuộc hàng tiên phong trong thể loại “tân cổ giao duyên” do Viễn Châu khởi xướng. Bài ca này nổi tiếng đến mức mà hầu như người nào thích nghe vọng cổ đều phải biết. Nội dung bài ca là lời vĩnh biệt của tướng Võ Đông Sơ trước phút lâm chung trên chiến trường sau khi trúng tên của kẻ thù.
Với lối ca mềm mại và uyển chuyển, lả lướt, Minh Cảnh đã nhẹ nhàng đưa vào tận tâm hồn người nghe mối tình sắc son và lời tạ từ thống thiết của Võ Đông Sơ. Điều đặc biệt là Minh Cảnh đã xử lý bài ca này một cách bi hùng, tức đó là nỗi buồn của một danh tướng nên nó bi nhưng không lụy. Và người nghe cũng đã cảm nhận được điều đó.
Khác với bài Tu là cội phúc, bài Võ Đông Sơ lại được nhiều nghệ sĩ thế hệ sau của Minh Cảnh thi nhau thể hiện. Thậm chí còn có những nghệ sĩ “lấy hơi” Minh Cảnh để ca. Thế nhưng, như có một phép mầu, giọng ca Minh Cảnh vẫn đứng vững với bài Võ Đông Sơ, và đến hiện tài, hễ nhắc đến Võ Đông Sơ là nhắc đến Minh Cảnh.
Bên trên chỉ nói đến những bài vọng cổ mà chưa nhắc đến các vở cải lương. Giọng ca Minh Cảnh thật sự đã để đời trong nhiều tuồng cải lương đặc sắc, trong đó người mộ điệu không làm sao quên được Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Dốc Sương Mù, Hai chiều ly biệt, Bao Công tra án Quách Què, Máu nhuộm sân chùa, Cổ xe độc mã…
Đến đây ta có thể nói rằng, bằng sự bứt phá ngoạn mục, Minh Cảnh đã mang đến cho bài vọng cổ một trải nghiệm mới là: có thể ca lả lướt lạng bẻ, tức ca theo kiểu nhiều “hoa lá” trên cái nền tảng của “chân phương”. Trường hợp của Minh Cảnh cũng giống như trường hợp của Út Bạch Lan, khi Sầu Nữ đã ca theo kiểu « hoa lá cành », mềm mại, lả lướt, tạo được nét riêng đối với lối ca thiên về chân phương của Đệ nhất nữ danh ca Thanh Hương.
Nếu nói rằng Út Trà Ôn là chủ soái của trường phái ca thiên về chân phương bên cánh nam nghệ sĩ, thì Minh Cảnh là chủ soái của trường phái ca thiên về hoa lá. Và đặc biệt hơn hết, một điều có thể được xem là « vô tiền khoáng hậu » ở Minh Cảnh, đó là một giọng hát và phong cách ca « nhẹ như mây ».
Lê Phước
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20131228-minh-canh-giong-ca-%C2%AB-nhe-nhu-may-%C2%BB