Mùa Giáng Sinh Trong Tân & Tân Cổ Nhạc Của Nguyễn Văn Đông

Phan Anh Dũng
12/2011


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

PHẦN 1:

“Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ngự trên cao.
Mùa sao sáng năm xưa lại về đêm sinh nhật Chúa,
Sao người năm xưa quên lời hứa chưa về (hò 1).
Chạnh nhớ ngày xưa đôi bóng giao kề (hò 2). “


Nghệ sĩ Mộng Tuyền xuống câu hò 1 vọng cổ trong tiếng chuông nhà thờ đổ ngân vang, cô chắp tay ngước nhìn về hang đá có tượng Đức Mẹ và Chúa hài đồng nằm trên máng cỏ, rồi cô ém hơi bỏ nhỏ hát tiếp câu hò 2 trong tiếng đàn ghi-ta-phím-lõm hào hoa của Văn Vĩ, hòa với đàn kìm của Năm Cơ, và tiếng vĩ cầm của Hai Thơm cùng “quyện” với nhau trong bài ca Tân Cổ giao duyên “Mùa Sao Sáng”. Sân khấu rạp hát Quốc Thanh, Sài Gòn trước 1975 như bùng nổ trong tiếng vỗ tay tán thưởng, nhưng tim mọi người thì chùng xuống như lịm đi, khi cô đào đẹp nhứt nhì sân khấu cải lương có nghệ danh là Mộng Tuyền, huy chương vàng giải Thanh Tâm 1963, quỳ trước tượng đài Đức Mẹ, nước mắt cô ràn rụa chảy dài trên đôi má trong ánh sáng lung linh của hai hàng bạch lạp trên ngôi cao Thánh mẫu. Trong tiếng nhạc dập dìu trầm bổng của 6 câu vọng cổ, nàng kể chuyện thời chinh chiến, có hai người yêu nhau cùng trao lời hẹn ước trong đêm Giáng Sinh. Bên hang đá Bê Lem, nụ hôn vội vã chia tay người yêu trong thời binh lửa, chàng trai trẻ khoác chiến y ra đi biền biệt từ đêm Giáng Sinh năm xưa, đã mấy mùa sao rồi chưa quay trở lại! Mùa Giáng Sinh năm nay, nàng vẫn đứng chờ bên gác chuông xưa nghe điểm hồi chuông nửa đêm, mỏi mòn trông đợi người yêu qua mấy lần sinh nhật Chúa. Tiếng đàn cò Năm Cơ cầm chịch dẫn dắt Ban cổ nhạc khi nhặt khi khoan, quăng bắt đẩy đưa nhau từ câu 1 sang qua câu 2 vọng cổ, tiếng vĩ cầm Hai Thơm lộng lẫy, khi hơi Nam khi hơi Oán, trên nền nhạc ngũ cung. Lúc danh cầm ghi-ta Văn Vĩ nhấn nhá chuyển sang cung thương thì Năm Cơ chân đạp “song lang”, tiếng mõ vang lanh lảnh báo tin sắp chuyển giao cho Ban tân nhạc Lê văn Thiện sẵn sàng bắt nhịp khi ca sĩ xuống “xề”. Khi đó, ca nữ Mộng Tuyền tiến sát lại gần hang Bê Lem, đèn sân khấu quét ngang người, nàng nức nở hát từ dây Đào cổ nhạc hò 5 chuyển sang qua ca tân nhạc với Ban Lê văn Thiện:

“Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại.
Chênh chếch mùa sao lạc loài.
Ôi! Những mùa sao lẻ đôi.
Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào,
Thương những mùa sao hồng đào.
Ôi! Những mùa sao cách xa.”

Sân khấu bềnh bồng như trôi dạt trong ánh sáng nhiệm mầu đêm Thánh lễ, khán giả đắm chìm trong tiếng đàn Tam tấu cổ nhạc Văn Vĩ, Năm Cơ và Hai Thơm là những đệ nhất danh cầm cổ nhạc cải lương miền Nam thời đó, cùng quăng bắt nhau, tung hứng cho nhau thật điệu nghệ, trong khi Ban tân nhạc Lê văn Thiện chờ lúc cao trào, chụp bắt, rượt đuổi Ban cổ nhạc, khi trao qua khi nhận lại, hình thành một cấu trúc nghệ thuật mới của thời đại 1960-1970, định danh là Tân cổ giao duyên. Theo mạch nhạc hết câu 5 rồi chuyền sang qua câu 6 vọng cổ, ca sĩ và hai ban Tân và Cổ nhạc như quyện vào nhau, mắt không rời nhau, khi vào Tân khi ra Cổ, nghệ sĩ Mộng Tuyền lúc thì song hành, khi thì bứt phá, rồi đợi khi Ban cổ nhạc xuống xề 24, và Ban tân nhạc “chầu” thêm nhịp 25, ca sĩ vào nhịp 26 với lời thơ áo não trong đêm Giáng Sinh thời chinh chiến:

“Người đi từ Giáng sinh xưa
Mong về tương ngộ giữa mùa hội sao.
Niềm tin xóa hết thương đau,
Mùa sao đất Việt, mùa sao thanh bình.”

Bài Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng của soạn giả Đông Phương Tử đã ra đời trong thời binh lửa như thế, khi khắp miền Nam đã có mất mát, tang thương. Thuở đó, không khí chiến tranh lan tràn đến từng nhà, gia đình nào cũng có người thân vào quân đội. Những buổi chia tay, những giờ hò hẹn ngắn ngủi trên sân ga, trên bến tàu đưa tiễn người vào quân trường hay đi ra mặt trận, đã thấm đẩm vào thơ ca và âm nhạc. Bản Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng nhanh chóng lan truyền từ sân khấu đến các Đài Phát Thanh và Truyền Hình rồi thâu vào băng và đĩa nhạc 45 tours. Miền Nam thời đó, nhứt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh Cần Thơ – Bạc Liêu vốn là cái nôi của bài ca Vọng cổ hoài lang của Cao văn Lầu, các ban đờn ca tài tử miền sông nước này bị mê hoặc cuốn hút trước một làn điệu canh tân mới mẻ, đã chung tay tiếp sức cho bài Tân cổ giao duyên bay xa. Mộng Tuyền, nghệ sĩ cải lương sân khấu vừa là minh tinh màn bạc, nổi tiếng tài sắc trong vở tuồng cải lương Dương Quí Phi và An Lộc Sơn, bạn diễn với Thanh Nga, Ngọc Giàu của đoàn Thanh Minh, đặc biệt với vai diễn để đời là sơn nữ Klai trong vở tuồng Mưa Rừng, Mộng Tuyền đã mang lại cho khán giả niềm say mê qua các bài tân cổ giao duyên Thầm Kín, Ngày Xưa Anh Nói, Thương Về Mùa Đông Biên Giới, Mùa Sao Sáng v v của soạn giả Đông Phương Tử, một bút danh của Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Rất tiếc, chất lượng âm thanh của đĩa 45 tours sau thời gian 45 năm không còn được như xưa (tuy nhiên, một số bản nhạc sẽ được đăng trong trang này để làm tài liệu).

Mộng Tuyền ca tân cổ giao duyên: Mùa Sao Sáng

PHẦN 2:

Bài Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng khi trình diễn ở Đài Truyền Hình được dàn dựng thành một liên khúc gồm hai bài Mùa Sao SángThương Về Mùa Đông Biên Giới. Khi các giáo đường vang lên bài thánh ca “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” thì cũng là lúc người hậu phương nhớ người ngoài tiền tuyến, những chiến sĩ trấn đóng nơi miền biên giới xa xôi hay đang xông pha nơi chiến trường giửa mùa Đông lạnh lẽo. Truyền hình có thế mạnh chuyển cảnh nhanh nên khi ca sĩ hát dứt câu 6 vọng cổ bài Mùa Sao Sáng thì màn hình chiếu tiếp theo một loạt hình hoạt cảnh chiến trường trong tiếng nhạc hòa ca bài “Thương về mùa Đông biên giới”:

“Nghe gió Đông sang, nhớ người ngàn dặm quan san.
Ú u ù u, ú u ù u ……………………
Hiu hắt trời mây, hàng cây xơ xác gió lay,
Bên thềm ngập lá thu gầy, lạnh lùng em thương nhớ ai.”

Bài Tân cổ giao duyên “Thương Về Mùa Đông Biên Giới” có cấu trúc với thơ và nhạc chen vào giữa các câu vọng cổ, chia ra câu 1 đi liền với câu 2, rồi tiếp đến câu 5 liền với câu 6 vọng cổ. Khác với nguyên thủy bản gốc vọng cổ gồm có 6 câu, nhưng khi chuyển tác sang Tân cổ giao duyên thì bớt đi câu 3 và câu 4. Nguyên tác của nó là bài “Dạ cổ hoài lang” của Cao văn Lầu, một thời gian sau ông đổi tên thành bài “Vọng cổ hoài lang” với ca từ sau đây:

“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi! Gan vàng quặn đau
Đường dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Về đêm luống trông tin bạn
Ngày mòn mỏi như đá vọng phu
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng
Chàng hỡi, chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây xum vầy
Duyên sắt cầm đừng lạt phai
Thiếp cũng nguyện cho chàng.
Nguyện cho chàng hai chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi.”

Theo thời gian, bài Vọng cổ Hoài Lang được chế tác thành 6 câu vọng cổ, mỗi câu có một cấu trúc khác nhau. Như câu 1 vọng cổ có cấu hình là hò 1, hò 2 rồi XÊ 24, SANG 28, CỐNG 32 thì câu 2 vọng cổ tiếp theo, sau hò 1 hò 2 là XÊ 24, rồi XÊ 28, SANG 32. Và 4 câu kế tiếp theo là sự trao đổi vị trí của HÒ, XÊ, SANG, CỐNG, XÊ, SANG. Gối đầu bài vọng cổ có thể là bài thơ hay một bài bản nhỏ cổ nhạc.

Nhìn vào bản in bài Tân cổ giao duyên “Thương về mùa Đông biên giới” của soạn giả Đông Phương Tử, một bút danh của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, trình bày dưới đây, người đọc thấy những hàng chữ dẫn giải phương cách trình tấu giữa hai ban tân và cổ nhạc cũng như cách ca sĩ bắt nhịp vào hát trong một bài Tân cổ giao duyên của thời đại mới. Thuật ngữ âm nhạc truyền thống và thời đại được dùng trong trường hợp này như: Ban cổ nhạc chơi dây Đào hò 5, còn ban Tân nhạc trổi “ton” Ré mineur, cho ta thấy có danh từ xưa đi liền với từ mới thời nay. Hoặc giả trong phần hướng dẫn trình tấu nhạc, soạn giả Đông Phương Tử đã tỉ mỉ ghi trong bài ca như cầm tay chỉ việc: ” Khi dứt Xề 32, Ban cổ nhạc chầu tiếp thêm 4 nhịp rồi chuyển giao cho Ban tân nhạc đệm thêm một nhịp nữa, khi ấy ca sĩ mới bắt vào nhịp thứ 6 mà chữ “SANG” phải hát rớt đúng vào nhịp chánh này”. Khi hiểu được cấu trúc của một bài tân cổ giao duyên như thế nào thì sự thưởng thức sẽ mang lại cho ta thêm phần thú vị trong bài Tân cổ giao duyên Thương Về Mùa Đông Biên Giới sau đây.

Mộng Tuyền ca tân cổ giao duyên: Thương Về Mùa Đông Biên Giới

Theo sự sưu tầm tìm hiểu của chúng tôi, Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông là người duy nhất ở lãnh vực tân nhạc đã xông xáo vào trong sinh hoạt cổ nhạc miền Nam từ đầu thập niên 1960. Khi ấy ông là Giám Đốc Nghệ Thuật của các hãng băng đĩa nhạc Continental – Sơn Ca, chủ trương đưa bộ môn cổ nhạc phát triển song hành cùng với tân nhạc. Các soạn giả cổ nhạc tài ba như Nguyễn Phương, Hoàng Khâm, Năm Châu, Hà Triều-Hoa Phượng, Viễn Châu, Duy Lân đều có đóng góp tác phẩm cho Hãng đĩa Continental – Sơn Ca, một thời làm vang dậy tên tuổi những tài danh như Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, Hùng Cường v v, thông qua số lượng đĩa nhựa 33 và 45 tours được yêu thích phát hành khắp Miền Nam thuở đó. Các danh cầm như Văn Vĩ, Năm Cơ, Hai Thơm rất được trọng dụng, được đón mời bằng những hợp đồng đắt giá. Bước sang lãnh vực cổ nhạc, Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông lấy thêm bút danh là soạn giả Đông Phương Tử và Nhạc sĩ Phượng Linh. Ông đã thực hiện hàng trăm chương trình ca nhạc Tân cổ giao duyên và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng thuộc loại kinh điển của Miền Nam như các vở: Nửa Đời Hương Phấn, Bóng Chim Tâm Cá, Sân Khấu Về Khuya, Tiếng Hạc Trong Trăng, Tuyệt Tình Ca, Tướng Cướp Bạch Hải Đường, Mắt Em Là Bể Oan Cừu, San Hậu v v. Chúng ta nghe lại đây tiếng hát Thanh Nga và Thành Được trong một “lớp gối đầu tuồng” theo tiếng trong nghề, do Nhạc sĩ Phượng Linh sáng tác và Đông Phương Tử đạo diễn cho vở “Nửa Đời Hương Phấn” của hai soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng, thâu thanh cách đây trên 40 năm.

Thanh Nga & Thành Được ca: Nửa Đời Hương Phấn

Tiếp theo đây là trích đoạn vở tuồng”Tiếng Hạc Trong Trăng” của hai soạn giả Loan Thảo và Yên Ba, do Thanh Nga, Thành Được cùng Thanh Sang ca diễn. Đây là một đoạn ca kịch bi hùng hương xa về tình phụ tử, chuyện người cha chịu đui mù, móc mắt tặng cho con nhưng người con từ khước ân tình vì cha mình là tên cướp, do đoàn Thanh Minh-Thanh Nga trình diễn trên sân khấu và truyền hình, một thời làm xao xuyến lòng người, lấy nước mắt khán giả Miền Nam trước năm 1975. Thanh Nga vai Xuyên Lan, Thành Được vai tướng cướp Thy Đằng, Thanh Sang vai tráng sĩ Tô Điền. Đạo diễn Đông Phương Tử, âm nhạc Phượng Linh.

Thanh Nga và Thành Được ca: Tiếng Hạc Trong Trăng

Ghi chú: Vở tuồng San Hậu là của soạn giả Duy Lân; ông thuộc bực tiền bối của thế hệ tác giả miền Nam, khi cho ra đời kịch bản này đã gây chấn động trong sinh hoạt sân khấu cải lương miền Nam. Đây là loại tuồng cổ được liệt vào hàng kinh điển mẫu mực trong nghệ thuật dàn dựng tuồng tích xưa. Đạo diễn Đông Phương Tử đã quy mô dàn dựng cùng với âm nhạc của Phượng Linh và quy tụ 9 huy chương vàng của “Giải Thanh Tâm” gồm những tài danh như: Thanh Nga, Ngọc Hương, Ngọc Giàu, Trương Ánh Loan, Phượng Liên, Phương Quang, Thanh Tú, Diệp Lang, Thanh Sang, Nam Hùng, Hữu Phước cùng có mặt đua tài trong vở diễn lớn nhứt này. Đây là cuộc quy tụ kỷ lục về số huy chương vàng danh giá thời đó, chỉ thấy trong vở tuồng này, và là lần duy nhất trong lịch sử cải lương miền Nam. Trong sinh hoạt của nghệ sĩ với đoàn hát, huy chương giải Thanh Tâm được xem là biểu tượng danh giá nhất dành tưởng thưởng cho những nghệ sĩ tài năng vượt bực của bộ môn nghệ thuật tuồng cải lương và ca cổ. Giải này do ký giả Trần Tấn Quốc sáng lập năm 1958 tại Sài Gòn và tồn tại khoảng chừng 10 năm sau đó. Người đầu tiên được lãnh giải này là nghệ sĩ Thanh Nga khi mới 17 tuổi vào năm 1959. Những nghệ sĩ đoạt giải danh giá này được các bầu gánh hát tranh nhau mời ký hợp đồng, trở thành đào chánh hay kép chánh, là niềm tự hào, danh tiếng cho thương hiệu của đoàn hát.

Ít người biết rằng, có những bản tân nhạc ký tên Phượng Linh và Đông Phương Tử sáng tác cho sân khấu cải lương có một đời sống khá đặc biệt. Khởi thủy nó là những bài hát được viết chỉ để lồng trong các vở tuồng cải lương để các nghệ sĩ sâu khấu ca diễn xen kẽ với các bài ca vọng cổ trong một vở tuồng cải lương nhưng một thời gian sau đó lại được giới tân nhạc ưa thích. Như trường hợp bài Cay Đắng Tình Đời và bài Đoạn Tuyệt do Thanh Nga ca trong tuồng cải lương, sau đó Chế Linh, Thanh Tuyền cùng nhiều ca sĩ khác hát rất ăn khách trên băng đĩa nhạc, vốn dĩ khởi thủy sáng tác cho vở tuồng Đoạn Tuyệt của soạn giả Duy Lân, do Thanh Nga và Thành Được ca diễn đầu tiên. Chúng ta nghe lại Đoạn Tuyệt qua tiếng hát nghệ sĩ Thanh Nga cùng Thành Được và ca sĩ Chế Linh sau đây:

Thanh Nga & Thành Được ca: Đoạn Tuyệt

Tiếng hát: Chế Linh

Khi sưu tầm tài liệu, chúng tôi thấy có bài của Du Tử Lê viết trên báo Người Việt cách đây vài năm, cho biết trường hợp nào mà Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông bước sang lãnh vực cổ nhạc và nguồn gốc của bài “Tân Cổ Giao Duyên” xuất phát từ đâu ra. Chúng tôi trích đoạn bài của Du Tử Lê dưới đây:

“Theo một tài liệu chúng tôi hiện có thì vào năm 1960, Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông cùng một người bạn vong niên là nhà doanh nghiệp Huỳnh văn Tứ, đồng sáng lập hãng băng đĩa Continental. Ông Huỳnh văn Tứ đảm trách vai trò Giám Đốc Sản Xuất. Họ Nguyễn đảm nhận trách nhiệm Giám Đốc Nghệ Thuật. Hãng đĩa Continental có 36 chi nhánh phát hành toàn miền Nam. Chủ trương phát triển cùng lúc 2 bộ môn tân và cổ nhạc. Khi đó, tác giả “Phiên Gác Đêm Xuân” được rất nhiều soạn giả cải lương nổi tiếng cộng tác. Nhưng các soạn giả này lại không rành lắm về tân nhạc. Do đó, việc giàn dựng kịch bản thường không ăn khớp với tân nhạc. Để bổ khuyết, nhạc sĩ Nguyễn văn Đông phải “lăn lưng” vào cuộc. Ông dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, sau một thời gian ông đâm ra yêu thích môn nghệ thuật này. Ông kể:”Tôi rất nhớ ơn cố soạn giả Hoàng Khâm và các tay danh cầm bên cổ nhạc như Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm. Họ đã chỉ vẽ cho tôi một cách tận tình, không giấu nghề. Vì thế mà chỉ một năm sau, tôi đã có thể tự tin, đủ sức bước sâu vào lãnh vực mới mẻ này, cũng với tất cả đam mê, như khi tôi “khám phá” thế giới tân nhạc trước đó vậy”.

“Đề cập tới nguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành hình thái nghệ thuật “Tân Cổ Giao Duyên”, một số nhân vật tham gia từ đầu cho biết: Vào năm 1962, các hãng băng đĩa nhạc ở Sài Gòn chuyên sản xuất các chương trình ca cổ nhạc thuần túy, bị thất thu nặng nề, vì số người mua đĩa sút giảm hẳn. Trước tình hình thương vụ bị suy giảm một cách đáng ngại, các hãng băng đĩa cổ nhạc bàn nhau, tìm một hướng đi mới hầu cứu vãn tình thế. Thời gian đó, trong số các hãng chuyên sản xuất chương trình cổ nhạc có Kỹ sư Ngô văn Đức du học ở Pháp về. Kỹ sư Đức, nối nghiệp cha là ông Năm Mạnh, làm chủ hãng đĩa Asia. Hãng này chuyên in, sản xuất đĩa 33 và 45 tours, cung cấp cho các Trung tâm băng đĩa như Hồng Hoa, Sóng Nhạc. Ông Đức là người có công đứng ra mời gọi các soạn giả và các chuyên gia âm nhạc hiến kế cải cách cấu trúc 6 câu của cổ nhạc. Và, Kỹ sư Ngô văn Đức đã nhờ Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông nghiên cứu lắp ráp phần tân nhạc, còn soạn giả Viễn Châu, tức Bảy Bá (nổi tiếng với bài ca cổ nhạc “Tình Anh Bán Chiếu” do Út Trà Ôn ca), nhận lãnh nghiên cứu sắp xếp phần cổ nhạc, sao cho ăn khớp với phần tân nhạc. Kết quả Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông đã cho xuất bản bài ca “tân cổ” mẫu, tựa đề “Hướng dẫn ca và kỹ thuật sáng tác bài tân cổ giao duyên”. Sự kiện này được nhà xuất bản Đồng Nai ghi công, như chúng tôi đã sao lục ở dưới. Tóm lại, sự khai sinh của hình thái nghệ thuật “Tân Cổ Giao Duyên” là một công trình tập thể, với sự đóng góp công lao của Kỹ sư Ngô văn Đức không nhỏ. Dù cho ông không phải là nhạc sĩ hay nhà chuyên môn nghiên cứu âm nhạc. Tuy nhiên, một thân hữu khác của chúng tôi lại cho hay, vấn đề khởi nguồn của “Tân Cổ Giao Duyên” tới nay vẫn bị/được một số người trong nghề, cho rằng họ mới là những người có công. “Nhưng tiếc thay, chưa một ai trong số người đó, trưng dẫn được một bằng cớ về “thành tích” của họ”. Nhân vật này nói: “Với tài liệu “Nhà xuất bản Cổ Nhạc Việt Nam Đồng Nai”, chúng ta thấy, Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông không chỉ là một trong những người có công đầu về sự hình thành và phát triển phong trào “Tân Cổ Giao Duyên” mà ông còn là người nghiên cứu và phổ biến nhu cầu ký âm để các bản nhạc “tân cổ giao duyên” có thể in ra cho các nghệ sĩ cổ nhạc cầm lên sân khấu hát một cách dễ dàng như một bản tân nhạc vậy”.

Thanh Nga và Minh Phụng ca bài tân cổ giao duyên: Khi Đã Yêu

PHẦN 3:

Cùng với các bài Tân cổ giao duyên sáng tác về mùa Giáng Sinh, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một số nhạc phẩm viết về đề tài này, được ưa thích trước năm 1975. Chúng ta nghe lại, để nhớ một thời đất nước điêu linh, tang tóc, chia ly, chìm trong khói lửa chiến tranh, gác thánh lầu chuông vang vọng tiếng kinh cầu …

– Mùa Sao Sáng:

Giao Linh

Khánh Ly

Hà Thanh

Thanh Thúy

Hoàng Oanh

Mỹ Huyền

– Đêm Thánh Huy Hoàng:

Elvis Phương

Khánh Ly

Tuyết Mai Ly & Duy Tân

– Xin Chúa Thấu Lòng Con:

Thanh Lan

Ngọc Lan

Mỹ Hạnh

Duy Quang

– Bóng Nhỏ Giáo Đường:

Thanh Tuyền

Trường Vũ

Giao Linh

Sơn Tuyền

Mạnh Quỳnh

Mỹ Huyền

Lệ Thu

– Hiến Dâng: Thanh Thúy

– Ave Maria – Lời Việt: Nguyễn Văn Đông:

Thái Thanh

Khánh Ly

Thanh Thúy

– Đêm Thánh Vô Cùng – Silent Night – Lời Việt: Nguyễn Văn Đông: Hoàng Oanh

– Hồi Chuông Nửa Đêm – Jingle Bells – Lời Việt: Nguyễn Văn Đông: Carol Kim

Phan Anh Dũng
Mùa Giáng Sinh 2011

Nguồn: http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1008&Itemid=1

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây