O Mio Babbino Caro – Tía Ơi!

Nguyễn Sĩ Hạnh
22.11.2013

O mio babbino caro” (tạm dịch là “Cha kính yêu của con ơi“) là một aria cho giọng soprano từ vở opera Gianni Schicchi (1918) của Giacomo Puccini, lời của Giovacchino Forzano. Bài này do vai Lauretta ca khi sự xung đột giữa cha cô là Schicchi và gia đình người yêu của cô là Rinuccio đã đến mức dữ dội và đe dọa đến tình yêu của hai người. Bài aria biểu lộ ca từ đơn giản và tình yêu chân chính, trái ngược với cái không khí đạo đức giả, ganh tị, hai mặt và thù ghét của thời trung cổ ở Florence trong vỡ opera hài duy nhất của Puccini. Đây cũng là aria duy nhất trong vở opera mà ca sĩ có thể hát riêng như một bài hát[1].


Florence Easton hát vai Lauretta trong lần công diễn đầu tiên của vỡ Gianni Schicchi, 14.12.1918


Bài hát được trình bày lần đầu tiên trong buổi công diễn đầu tiên của vở opera Gianni Schicchi vào hôm 14 tháng 12 năm 1918 ở nhà hát Metropolitan Opera New York. Vai Lauretta do Florence Easton, một giọng soprano nổi tiếng người Anh hát. Từ đó, bài hát này đã được rất nhiều giọng ca soprano hát qua. Dame Joan Hammond được một “Dĩa Vàng” năm 1969 vì bán được một triệu dĩa của bài hát này[1].

Bài hát này được biểu diễn thường xuyên trong các concert và là encore trong nhiều buổi trình diễn của nhiều ca sĩ nổi tiếng cả opera lẫn crossover. Bài hát có lẽ tự nó nổi tiếng hơn rất nhiều so với chính vở opera[1].

Nội Dung

Bài hát ngắn này có 32 trường canh, hát chừng từ hơn 2 phút tới 3 phút là hết. Bài hát được viết ở cung A-giáng trưởng (A♭) theo nhịp 6/8 và nhịp độ andantino ingenuo (120). Âm vực trải dài từ E♭4 tới A♭5 với cữ âm (tessitura) từ F4 tới A♭5 [1]

Lời tiếng Ý:

O mio babbino caro,
mi piace, è bello, bello.
Vo’andare in Porta Rossa
a comperar l’anello!

Sì, sì, ci voglio andare!
e se l’amassi indarno,
andrei sul Ponte Vecchio,
ma per buttarmi in Arno!

Mi struggo e mi tormento!
O Dio, vorrei morir!
Babbo, pietà, pietà!
Babbo, pietà, pietà!
    
Xin được dịch đại qua tiếng Việt:

Cha kính yêu của con ơi
Con yêu chàng, chàng rất là đẹp trai.
Con muốn đi Porta Rossa
để mua chiếc nhẫn cưới!

Vâng, vâng, con muốn đi lại đó!
Và nếu cha không đồng ý
thì con sẽ về Ponte Vechio
và trầm mình xuống dòng sông Arno!

Con đang đau khổ vô cùng ,
Thượng đế ơi! con muốn chết quá!
Cha ơi, xin cha thương xót con!
Cha ơi, xin cha thương xót con!

Tâm tình của một cô gái thời trung cổ Florence nghe ra không khác mấy với tâm tình của một cô gái ở miệt Hậu Giang thế kỷ 20, như là trong một tuồng cải lương hay trong môt bài vọng cổ. Xin phép dịch lại một lần nữa, nôm na hơn!

Tía ơi
Con thương ảnh, ảnh rất đẹp người.
Con muốn lên Cần Thơ
để mua chiếc nhẫn cưới!

Dạ, con muốn lên trển!
Và  nếu duyên nợ không thành,
thì con sẽ ra Phụng Hiệp
mà nhảy xuống kênh Ngã Bảy!

Con đang tan nát cõi lòng!
Trời ơi, chắc con chết quách cho rồi!
Tía ơi, xin tía tội nghiệp con!
Tía ơi, xin tía tội nghiệp con!

Những giọng soprano tuyệt vời

Florence Easton hát lần đầu tiên, nhưng bản thu âm cũ nhất có lẽ là của Frances Alda hát năm 1919.

Frances Alda trình bày O mio babbino caro, 1919

Rất nhiều soprano đã hát qua hay thu thanh bài O mio babbino caro với dàn nhạc giao hưởng hay chỉ với tiếng đàn piano. Nay vô youtube các bạn sẽ tìm thấy rất nhiều phiên bản tuyệt vời của các sopranos từ thế hệ của Maria Callas cho tới cô bé Amira Willighagen 9 tuổi trong chương trình TV  Holland’s Got talent năm 2013 nay! Chỉ xin kể một vài tên như Elisabeth Schwarzkopf, Renata Tebaldi, Victoria de los Angeles, Montserrat Caballé, Leontyne Price, Kathleen Battle, Renee Fleming, Sumi Jo, Angela Gheorghiu, Anna Netrebko …

Rất nhiều người sẽ đồng ý là không ai ca O mio babbino caro hay hơn và thống thiết hơn Callas.


Nhưng tôi thích nhất là mấy phiên bản của Dame Kiri Te Kanawa. Bà dùng tiếng hát để diễn tả tình ý của bài ca, còn chuyện lên cao xuống thấp ngân dài thì đều thấy nhẹ nhàng phong độ, không có kiểu gồng mình gân cổ để qua phà như nhiều cô ca sĩ không đủ hơi sức.

Kiri Te Kanawa trong một concert ở Hyde Park, tháng 9/2010


Gần đây bài hát này được chọn để biểu diễn trong những chương trình thi đua âm nhạc. Trước là Jackie Evancho trong America’s Got talent 2009 và mới đây Amira Willighagen trong Holland’s Got talent 2013. Cả hai đều là 9 tuổi lúc dự thi. Nhiều người sẽ thắc mắc là con nít biết gì mà đòi “tía không cho lấy người con yêu thì con sẽ nhảy sông tự tử”. Nhưng giọng cả của hai cô bé này nghe rất phê dù rằng kỷ thuật còn non nớt!


Trong Phim Ảnh

O mio babbino caro được dùng trong nhiều phim, ví dụ như trong phim ” A Room With A View” (1985) do Dame Kiri Te Kanawa trình bày.


Mới đây trong phim tiếu lâm Mr Bean’s Holiday, do cô Rita Streich ca.


O mio babbino caro ở Việt Nam

Hai mươi năm nhạc cổ điển ở miền Nam tôi không biết là đã có ca sĩ nào thu thanh bài này. Ba mươi tám năm nay thì có được hai album:

Lê Dung trình bày O Mio Babbino Caro trong album Những Tác Phẩm Thính Phòng (2001)[2]

Lý Mai Trang trình bày O Mio Babbino Caro trong album Tình yêu (2008)[3]

Mới đây cô Mỹ Linh có hát bài này trong một concert trên đường phố ở Hà Nội, concert Lula tháng 11.2012. Đáng tiếc là phần trình bày của cô hơi luộm thuộm.

Mỹ Linh trình bày O Mio Babbino Caro trong Lula concert 25.11.2012 (cô trật nhịp ở 1:33)


Hai câu sau cùng của bài O Mio Babbino Caro là “đỉnh” của bài hát, nhưng tới đó thì Mỹ Linh hát trật nhịp! Cô vô không kịp câu đầu, không biết vì quên hay là chưa lấy hơi lại kịp sau khi đã rán hết sức cho câu trước (O Dio! Vorrei morir!). Thay vì bỏ câu đầu (như em bé Jackie Evancho trong video bên trên chẳng hạn) và chỉ hát câu thứ hai để bắt kịp với dàn nhạc thì cô cứ tiếp tục một cách trật chìa. Cả dàn nhạc phải khựng lại để chờ cô!

Chắc cô Mỹ Linh nên cứ như xưa nay mà hát nhạc V-pop, hay là nhạc phăng-ta-di từ classic như trong “Chat với Mozart“, dư thì giờ thì làm huấn luyện viên / giám khảo mấy chương trình truyền hình thực tế này nọ là hay rồi. Còn nếu muốn crossover và hát nhạc opera cho nghiêm chỉnh thì có lẽ cô nên chịu khó trở lại nhạc viện[4]!

Sumi Jo hát O Mio

Sau cùng mời các bạn nghe phiên bản của Sumi Jo, một trong vài giọng ca mà tôi ái mộ nhứt. Tôi có hân hạnh nghe cổ hát live rồi, tuyệt vời – trong một không khí yên tĩnh hơn, không xô bồ xô bộn như năm ngoái cô hát ở Hà Nội. Cái clip không rõ năm nào nhưng tôi đoán là sau khi ba cô qua đời. Năm 2006, khi ba cô mất thì cô kẹt concert ở Paris, muốn bỏ về dự tang như mẹ cô không cho. Bà không muốn cô thất hứa với khán giả và nghĩ là ba cô cũng đồng ý như vậy. Trong phiên bản này, khi hát có lúc cô chắp hai tay và nhiều khi như muốn khóc. Hát xong cô nói (bằng tiếng Đại Hàn) “Ba ơi, Con nhớ ba lắm!”

Nguyễn Sĩ Hạnh
11.2013

[1] O Mio Babbino Caro https://en.wikipedia.org/wiki/O_mio_babbino_caro
[2] Những Tác Phẩm Thính Phòng  http://amnhac.fm/index.php/nhac/L/68-le-dung/303-nhung-tac-pham-thinh-phong
[3] Lý Mai Trang & album nhạc cổ điển đa ngôn ngữ
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/ly-mai-trang-album-nhac-co-dien-da-ngon-ngu-n20081119114145686.htm
[4] Vì sao Mỹ Linh phải dừng học ở Nhạc viện? http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/122470/vi-sao-my-linh-phai-dung-hoc-o-nhac-vien-.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây