Về Hai Mươi Năm Tình Ca Miền Nam Việt Nam

Phạm Duy

(Bài này trích từ Chương 20 của cuốn Hồi Ký 3 của Phạm Duy, tựa đề là do AmNhac.fm đặt).


Hai thế hệ ca nhân, tại tư gia Phạm Duy, Saigon 1970

Đầu thập niên 70 là lúc Nhạc Việt, trong phạm vi ca khúc, phát triển đến tột độ. Có sự thành công của những bài hát thông thường và chỉ được coi là nhạc thương phẩm — mệnh danh là nhạc vàng — với những tình cảm dễ dãi phù hợp với tuổi choai choai, với em gái hậu phươnglính đa tình, tuy không được coi trọng nhưng lại rất cần thiết cho vài tầng lớp xã hội trong thời chiến. Rồi có phong trào du ca tâm ca với những bài hát phi-thương-mại, đi kèm với tình ca quê hương trường ca, nói lên được phần nào tâm thức của thời đại và được thanh niên sinh viên công nhận.



Hai thế hệ ca nhân đó, gặp nhau tại Paris, 20 năm sau

Trong phạm vi giải trí, phòng trà trở thành cái mốt của mọi người : thương gia, công chức, tư chức, quân nhân, thương phế binh và cả các bà nội trợ nữa… ai ai cũng thích đi nghe nhạc và giúp cho ca sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ sáng tác, nhạc công đánh đàn thăng tiến trong nghề mình. Cánh tay nối dài của phòng trà là quán cà phê có nghe nhạc, thu hút đông đảo sinh viên, học sinh. Nhạc trẻ ra đời, đem lại cho nhạc Việt một số bài hát mới, sôi nổi, đậm sắc hơn trước. Một rừng nhân tài trẻ trung xuất hiện qua những ban nhạc bốn người (gọi là combo), sử dụng nhạc khí điện tử với âm thanh mới lạ.

Mười năm trước, ở trong nước chỉ có ba nhà sản xuất đĩa hát. Bây giờ, rất nhiều người — từ Ngọc Chánh (SHOTGUNS) qua Duy Khánh (TRƯỜNG SƠN) tới những người của các hãng khác (NHÃ CA, HOẠ MI, SƠN CA, SÓNG NHẠC)… làm nghề sản xuất băng nhạc, mỗi tháng tung ra những chương trình nhạc rất hấp dẫn, kể cả cổ nhạc lẫn tân nhạc, nhạc trẻ lẫn nhạc già (nhạc tiền chiến). Hàng trăm, hàng ngàn (hàng vạn, nếu kể cả Saigon và các tỉnh) cửa hàng sang băng, càng làm cho băng nhạc phát triển dữ dội.

Trong bối cảnh sinh động như vậy, phần chính yếu là sáng tác phẩm phải rất phong phú. Vào lúc này, ngoài những người đi trước như Vũ Thành, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Lâm Tuyền, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Văn Giảng, Ngọc Bích, Hoàng Thi Thơ, Trần Ngọc, Y Vân, Lê Dinh, Anh Bằng, Trúc Phương, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh tức Nhật Trường, Lam Phương, Đỗ Lễ, Phạm Thế Mỹ… đã xuất hiện một số người mới như Thanh Trang, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang…

Tân Nhạc đã có tới bốn đời nhạc sĩ và có hàng trăm, hàng ngàn ca khúc được soạn ra và hát lên. Trong Hồi Ký này, tôi chỉ nhắc tới những người đánh dấu thời đại một cách sâu đậm bằng tác phẩm của mình.

Người nổi nhất là Trịnh Công Sơn. Trước tiên, người ta biết tới anh nhờ Quán VĂN. Quán do nhóm sinh viên mang tên KHAI HOÁ chủ trương. Nhóm này đã làm nhà xuất bản (QUẢNG HOÁ) rồi khi phong trào phòng trà thịnh hành, nhóm mở quán cà phê ở ngay trung tâm Saigon, trên nền Khám Lớn cũ trong khu Đại Học Văn Khoa, sinh viên tới uống cà phê nghe băng nhạc và nghe Khánh Ly hát.

Bài hát của Trịnh Công Sơn đươc nghe tại quán VĂN lúc đầu là Lời Buồn Thánh. Cũng như nhạc Đặng Thế Phong, bài hát tân lãng mạn (néo-romantique) này nói về nỗi buồn. Bài Lời Buồn Thánh thật là buồn, như bài hát buồn làm cho người Âu Châu phải tự tử là Chủ Nhật Buồn tôi đã nói tới trong một chương sách. Trong bài hát của mình, họ Trịnh cũng nói tới ngày chủ nhật buồn :

Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa, trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu…

Thoạt nghe đã thấy ngay là tiếng hát đau đớn, thấy mưa ảm đạm trong lòng (như thơ Verlaine), thấy sự cô đơn, hoang vắng. Sinh ra ở Ban Mê Thuột, sống ở Huế, mưa ám ảnh Trịnh Công Sơn rất nhiều cho nên cũng vẫn là nỗi buồn của ngày chủ nhật mùa mưa trong bài Tuổi Đá Buồn :

Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn em mang em mang
Đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn…

Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc nói về QUÊ HƯƠNG, TÌNH YÊU, và THÂN PHẬN CON NGƯỜI. Hãy nói về tình khúc Trịnh Công Sơn, nói về thân phận Người Tình trong giai đoạn quê hương đổ nát này…

… Từ khi Tân Nhạc Việt Nam ra đời đầu thập niên 40, đã có những tình khúc của Lê Thương, Lê Yên, Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn… Lúc đó là thời bình, khi tình còn xanh và yêu chưa lo sợ. Ngôn ngữ tình yêu thật là bình dị, đối tượng là cô hái mơ, cô láng giềng, cô lái đò, cô hái hoa hay anh Trương Chi. Từ khi nước Việt bị chia đôi, nhạc tình miền Nam đậm sắc hơn và trong mười năm đầu, vì cuộc đời chưa thực sự bị đe doạ, người ta vẫn có những bài hát hữu tình hay thất tình, xinh xinh, hiền lành, lúc đầu còn mới mẻ, dần dà ngôn ngữ tình yêu trở thành sáo ngữ.

Tới lúc đời sống trở nên bấp bênh, thanh niên được gọi đi lính rất nhiều (chết trận cũng nhiều) biết bao nhiêu đôi lứa phải xa nhau (có khi vĩnh viễn xa nhau) tình khúc miền Nam thay đổi ngôn ngữ. Nhạc tình không còn là nhạc lãng mạn, nhạc cảm tính với câu hát đắm đuối hay hờn dỗi nữa : Bây giờ là những bài hát nhức nhối của những tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng. Nhạc trở thành não nề và đánh vào não tính. Nhạc tình bây giờ là tình ca của người mất trí.

Tình khúc Trịnh Công Sơn ra đời, từ giàn phóng là Quán VĂN được hoả tiễn Khánh Ly đưa vút vào phòng trà, rồi vào băng cassette và chỉ trong một thời gian ngắn chinh phục được tất cả người nghe. So với tình khúc của ba bốn chục năm qua, ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn rất mới, chất chứa những hình ảnh lạ lùng, quyến rũ như cơn mưa hồng, thuở hồng hoang, dấu điạ đàng, cánh vạc bay

Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù loà, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng… Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi… Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn… Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn : Hãy nghe thêm những câu hát về mưa trong Diễm Xưa :

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau ?
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…

Diễm Xưa cho thấy rõ tiếng hát đứt đoạn của nội tâm về nỗi đau con người trong tình yêu, thấy thêm sự hoang vắng của tâm hồn. Bị ám ảnh bởi mưa đến độ còn nhìn ra mầu sắc của mưa — mưa hồng — Trịnh Công Sơn nói lên nỗi bàng hoàng của con người khi thấy cái chết nằm ngay trong sự sống :

Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ ?

Nguyễn Đình Toàn gọi nhạc Trịnh Công Sơn là những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ. Cũng là phản ứng của người đau đớn trước hoàn cảnh đất nước, nhưng nó là sự chịu đựng và chết lịm hơn là sự nổi sùng và chửi bới. Như tôi đã làm qua tâm phẫn ca hay tục ca. Có lẽ vì tác giả là người lớn lên ở Huế, một thành phố nên thơ, hiền hoà, không chấp nhận bạo động.

Tôi vẫn cho người Việt ở ba miền đất nước có những phản ứng khác nhau trước những hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ người con gái miền Bắc thất tình thì phản ứng bằng sự điên giả — CHÈO có vở Vân Dại Giả Điên — hay điên thật rồi nguyền rủa, chửi bới cuộc đời (như ông giáo ở Phú Nhuận nói ở chương trên). Sự phản ứng của người gái Huế là buông xuôi (fatalisme), mất người tình là nàng có thể đâm đầu xuống sông tự tử. Còn ở miền Nam à ? Không oong đơ gì cả, người thất tình sẽ đốt chồng như cô Quờn.

Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hoà âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này.

Từ nhạc tình yêu, thân phận con người, Trịnh Công Sơn chuyển qua nhạc thần thoại quê hương. Âm nhạc ở miền Nam trong thời gian này thật phong phú. Vẫn có những bài hát soạn cho tuổi choai choai : Em 16, Em Mới Biết Yêu Đã Biết Sầu, Túp Lều Lý Tưởng, Người Tình Chung Vách, Người Tình Chung Thủy và cho người lính Cộng Hoà : Lính Mà Em, Lính Dù Lên Điểm, Lính Nghĩ Gì, Lính Xa Nhà, Lời Người Lính Xa, Lính Trận Miền Xa, Anh Là Lính Đa Tình, Người Lính Chung Tình, Đám Cưới Nhà Binh… Và có thêm những bài hát phản ứng trước cảnh tang thương của đất nước.

Như đã nói trong chương trước, nhạc tâm ca, du ca lúc này là sự phẫn nộ của thanh niên khi thấy mình bị đưa lên giàn hoả thiêu hoặc phải đi vào quê hương bằng cuộn dây thép gai rồi xuống vỉa hè và trở thành tục ca. Bây giờ, ngoài những ca khúc đi vào tình nhớ, tình xa, tình sầu… với cơn chết lịm, với nỗi muộn phiền và niềm xót xa trong cảnh cô đơn mà ta đã biết, nhạc Trịnh Công Sơn phản đối nghịch cảnh bằng cách khác. Nhạc anh đi vào quê hương bằng bước chân của người con gái da vàng, của em bé loã lồ suốt đời lang thang…

Sống cùng thời với những người đi vào quê hương qua nẻo tâm ca và du ca, Trịnh Công Sơn cũng nhận diện lại quê hương. Đi tìm quê hương, phải sống những ngày dài trên quê hương thì phảt hát bài quê hương, phải nhỏ giọt nước mắt cho quê hương khi thấy quê hương hình hài nát dấu bom với xác người chết hai lần… Phải gặp những người tình có người yêu chết trận Pleime hay chết ở chiến khu D… gặp thêm người già em bé, chị gái anh trai, người phu quét đường, đồng hoá họ là người nô lệ da vàng, ngủ im trong căn nhà nhỏ… Rồi đánh thức họ dậy, khuyên họ đập tan xiềng xích để chờ ngày quê hương sáng chói, đứng dậy hò reo, chờ Hoà Bình đến tiếng bom im, cho những bước đi trên những con đường không chông mìn, cho đường giao thông chắp nối chuyến xe qua ba miền, ngày Thống Nhất tới cho những tình thương vô bờ…

Nhạc thần thoại quê hương, nhạc tình yêu và thân phận con người của Trịnh Công Sơn có một tư tưởng chỉ đạo khá rõ, dù toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức hoạ trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ, nghe bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng nếu nghe kỹ cũng tìm ra ý chính : Trịnh Công Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ. Anh ca tụng tình yêu và — cũng như bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này — anh chống bạo lực và chống chiến tranh.

Một, hai năm trước biến cố 30-4-1975, nhạc Trịnh Công Sơn đi vào Thiền, có lẽ cũng giống như tôi đi vào Đạo Ca, vì lũ chúng tôi, khi nhập cuộc khi xuất thế … như thể sống lửng lơ giữa thiên đường và điạ ngục.

Đồng thời với nhạc đau thương, nhạc phản đối chiến tranh của Trịnh Công Sơn, nhạc do đôi uyên ương Lê Uyên và Phương tung ra là những khúc ca không mang tham vọng lớn, hoặc để cầu nguyện cho Việt Nam, hay nói lên thân phận da vàng. Những bài hát của Lê Uyên, Phương chỉ muốn xoáy vào cá nhân, nói rõ hơn nữa là vào thú đau thương của đôi tình nhân. Những ca khúc Nỗi Buồn Dâng Hiến, Buồn Đến Bao Giờ… không còn là tình sầu của họ Trịnh mà là tình điên. Nhìn đôi uyên ương này hát với lối diễn tả rất khêu gợi thì càng thấy được chất nhục tính trong nhạc của họ. Tuổi trẻ quá đau khổ chỉ còn một cách phản ứng là vùi đầu vào ái ân. Từ trong Vũng Lầy Của Chúng Ta, đôi Lê Uyên, Phương đưa ra những bài hát ngây ngất như đôi người tình vừa ôm ấp nhau, hay chán chường như họ vừa buông nhau ra sau một trận ân ái. Chúng ta cho nhau lần cuối nhưng cũng không nhìn nhau lần cuối.

Cũng trong thời kỳ cực thịnh của âm nhạc này, nhạc Từ Công Phụng xuất hiện với những bài hát được coi như sự nối dài của những ca khúc Đoàn Chuẩn trên một bình diện trí thức hơn, có nghệ thuật hơn. Tình yêu là chiếc que diêm, một lần loé lên để soi sáng mắt người tình, thấy mình là con dã tràng trên bãi cát, có sóng thủy triều xoá đi ngôi lâu đài tình ái, nghĩa là rất lãng mạn.

Còn là nhạc tình đậm đà và trong sáng của Ngô Thụy Miên nữa. Chấp nhận khó khăn của cuộc đời trước mặt, dù sao đi nữa, anh vẫn yêu em, nhạc của anh còn là những bài thơ có giá trị của Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, dễ dàng làm cho sinh viên, thanh niên yêu thích. Cũng nói tới tuổi đá buồn, tới cơn buồn phiền, nhưng nhạc của Miên tươi hơn nhạc của Sơn. Với họ Trịnh, mưa cho em tay buồn đi về giáo đường. Với họ Ngô, mưa cho tình thắm tươi nồng nàn. Người thi nhân có nhiều hơn trong người thứ nhất nhưng người nhạc sĩ nổi bật hơn trong người thứ hai.

Thế là trong giai đoạn phát triển tột bực của âm nhạc ở miền Nam này, đã có khá nhiều xu hướng khác nhau, nhưng tất cả đều nằm trong hai chủ đề Tình Yêu Chiến Tranh/Hoà Bình. Có nhạc phục vụ cho lính quốc gia, cho tuổi mơ mộng nhưng cũng có dòng nhạc nhận thức thân phận làm người trong một nước đang cơn tao loạn. Tình khúc là nhạc tình tân-lãng mạn, nhạc tình cảm tính, nhạc tình não tính, nhạc tình nhục tính. Như thế đã đủ chưa ?

Thưa chưa đủ ạ : Còn nhạc tình ảo tính của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang nữa : Hai nhạc sĩ nòng cốt của ban nhạc trẻ PHƯỢNG HOÀNG, trong thời kỳ này, đã soạn ra những ca khúc tôi cho là mới mẻ nhất. Với nhạc ngữ rất lạ, phù hợp với ban nhạc combo hơn là nhạc tiền chiến, những Hợp Khúc của họ hay không thua gì những bài hay nhất của nhạc rock Hoa Kỳ. Nhạc của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, theo tôi, phản ảnh một lớp trẻ lạc loài trong xã hội đang sa đoạ :

Nước mắt ấy đã lau khô rồi
Đôi môi ấy đã hoen nụ cười
Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi
Người tình cũ đã xa ta rồi :

Lính Mỹ tới Việt Nam đánh giặc Vixi thì đụng luôn phải giặc ma túy. Họ mua ma túy dễ dàng thì thanh niên Việt Nam — nhất là ca nhạc sĩ — cũng dễ mua ma túy. Tệ đoan xã hội này được phản ảnh qua bài Mặt Trời Đen trong Hợp Khúc số 3 của hai chàng Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, bài này quả rằng có mùi vị của cần sa hay bạch phiến :

Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta
Đời hằng mong thoát ly, thay khung trời xa,
Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.
. . . . . . .
Trong khu phố se sua, trong khu phố lao xao
Sao ta thấy hoang vu như sa mạc thôi :
Khi chân thấp chân cao
Trong khu phố lao xao, đêm lung linh đèn mầu
Trong hơi khói cay cay, trong giây phút say say
Ta quên đi ngày mai.

Bài hát là ảo giác của người dùng chất ma túy rồi chân thấp chân cao đi trong khu phố lao xao, trong hơi khói cay cay làm cho mình say say… Bài Mặt Trời Đen chắc chắn phải là nhạc tình ảo tính.

Một người viết tình khúc khác là Vũ Thành An thì tung ra những bài ca không tên. Tình ca không có đầu đề, chỉ được đánh số 1, số 2, số 3 v.v… có lẽ vì tác giả không còn tin tưởng vào Tình Yêu nữa. Giống như một trường ca về tình bị cắt rời, mỗi lúc lại hát lên một đoạn nào đó, đứt quãng như những mối tình dang dở của thời chiến.

Bây giờ nhắc tới Vũ Thành, Cung Tiến và Phạm Đình Chương vào lúc nhạc Việt lên tới cao độ này.

Vào năm 72 Vũ Thành đưa ra bài Thụy khúc sau những ca khúc đã trở thành cổ điển Giấc Mơ Hồi Hương, Gửi Áng Mây Hàng, Say Giấc Canh Tàn, Nhặt Cánh Sao Rơi... Thụy Khúc là bài hát tự ru mình ngủ, ngủ rồi mà vẫn còn mang mộng mị vui buồn của kiếp nhân sinh.

Sau bài Thu Vàng phổ biến từ 1954, Cung Tiến vẫn chủ trương soạn nhạc theo đường lối Tây Phương và vạch cho mình mục đích tối hậu là nhạc giao hưởng, hoặc là nhạc tân-cổ điển (neo-classique) hay là nhạc vô thể (atonal). Trong khi chờ đợi, anh vẫn cho chúng ta những ca khúc như Thu Vàng, Hoài Cảm, Nguyệt Cầm, Đêm Hoa Đăng, với cấu phong rất vững chắc, với tứ nhạc rất nhạy cảm, với lời ca rất trí thức, có khi là lời thơ của thi sĩ nổi danh như Xuân Diệu. Anh chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương và không ngần ngại dùng nhạc đề Beethoven để mở đầu cho ca khúc của mình.

Nổi tiếng trong ban Thăng Long trong thập niên 50 với những bài như Được Mùa, Tiếng Dân Chài, Thuở Ban Đầu, Đợi Chờ, Xóm Đêm, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, vào lúc hình thức trường ca được thử thách, Phạm Đình Chương cống hiến bản Hội Trùng Dương, một tác phẩm rất có giá trị. Vào đầu thập niên 70 này, Phạm Đình Chương phổ nhạc nhiều bài thơ như Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng), Mầu Kỷ Niệm (thơ Nguyên Sa), Mưa Saigon Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ), Nửa Hồn Thương Đau, Đêm Mầu Hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền)… thành những bài hát Việt Nam có nhiều chuyển cung rất hay, để cho Thái Thanh làm cho thính giả ở mọi phòng trà luôn luôn phải nín thở để nghe. Trước ngày biến cố tháng 4-1975, Đêm Mầu Hồng được coi là nơi rất cao qúy của nhạc Việt và vì phòng trà không rộng lớn lắm nên cũng là nơi ấm cúng nhất của Saigon trong những ngày cuối cùng của thành phố này.

Hai mươi năm ở miền Nam là thời gian của khói lửa chiến tranh đem lại chết chóc, của ô nhiễm chính trị đem lại mệt mỏi, của tiền bạc và lối sống ngoại nhân đem lại sa đoạ… khiến cho cả xã hội lẫn con người có thể bị tha hoá. Tại sao vẫn còn những người hùng trong trắng, những chiến sĩ vô danh, những phụ nữ kiên trinh, những tuổi thơ ngọt ngào, những người mẹ hiền khô — như mẹ ở đất Phù Sa hay trong Ca Dao Mẹ — trong đám đông thầm lặng ở xã hội này ? Tôi trộm nghĩ, nhờ biết qua phúc lợi Kinh Nhạc của Cụ Khổng, xã hội và con người miền Nam đã phần nào được điều hợp bởi hàng trăm ca nhạc sĩ. Hãy tưởng tượng một miền Nam không có nhạc tình hay chỉ có nhạc tuyên truyền như miền Bắc.

Hai mươi năm âm nhạc ở miền Nam xưng tụng một cách rất hùng hồn nhiều khiá cạnh cuộc đời (chứ không chỉ có both sides mà thôi) với tất cả hạnh phúc và khổ đau, sự sống và sự chết… để bình thường hoá mọi sự, hoá giải mọi khó khăn. Nói ra bi đát là hết bi đát, tôi nhắc lại một lần nữa câu nói của nhà văn Pháp Albert Camus. Tôi khẳng định : âm nhạc trong giai đoạn chịu đựng của miền Nam có khả năng trị liệu những căn bệnh tinh thần, vì trong đó, TÌNH YÊU và CON NGƯỜI lúc nào cũng được xưng tụng.

Sẽ chẳng bao giờ có một diễn đạt phong phú như thế nữa.

Phạm Duy

Nguồn: http://phamduy.com/vi/van-nghien-cuu/hoi-ky-3/5666-chuong-20
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây