Hiệp Dương
2.10.2013
Bạn thân mến,
Trong một bài viết trước ( Những kỷ niệm về nhạc Paul Mauriat) tôi đã có dịp nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa, đa dạng của âm nhạc Pháp quốc, đó là nhạc trưởng của ban đại hòa tấu mang tên ông, Le Grand Orchestre de Paul Mauriat. Trong danh sách nhạc trên 1000 bài của ông soạn, có một mảng không nhỏ, gần trên dưới hai trăm bài, là những bài nhạc Pháp từ thời 1940-50 như Comme d’habitude, La vie en rose, và nhất là những bài nhạc nay đã trở thành bất tử của những năm từ 1965 đến 1980, như Une belle histoire, Après toi, Tu te reconnaitras, v.v. Vì quá khâm phục sức sáng tạo và tận tụy của ông và cũng để chia xẻ với bạn đọc những suy gẫm riêng tư, tôi viết thêm một bài bổ sung cho bài viết trước, gồm những tiểu mục nho nhỏ về những bài hòa tấu tuyệt vời của ông.
Từ những năm 30-50 của thế kỷ 20, nhạc Pháp tiếp tục hoàn thiện loại nhạc pop của riêng mình, được thế giới ghi nhận là “la chanson française”, với những bài nhạc tiêu biểu nhất như bài La vie en rose do nữ danh ca Edith Piaf trình bày. Với loại nhạc này, người ta thấy được một tình cảm thật cao sang nhưng cũng rất bình dị, giai điệu thật quyến rũ và cách thức phát triển một bài nhạc rất chân phương. Những tình cảm buồn bã tuy có đó, nhưng không là một đa số. Người nghe cảm nhận được những niềm vui bé nhỏ, tình yêu nam nữ, tình yêu thiên nhiên. Điều này cũng không có gì là lạ, nhưng ngồi suy nghĩ lại, thì âm nhạc đã phản ảnh một thái độ, cung cách sống của người Pháp, cũng rất nổi tiếng, đó là “joie de vivre”. Điều này được thể hiện rõ nét trong cách ông Paul Mauriat (xin được gọi thân mật là Paul) chọn để giới thiệu đến người nghe, với những bài như Le ciel, le soleil et la mer, Un homme et une femme, Que je t’aime, Je t’aime … moi non plus, Et bonjour a toi l’artiste, v.v. Nghe nhạc của ông, người nghe thấy vui, thấy ngày qua mau, cảm thấy hối hả sống để hòa theo nhịp điệu quyến rũ của giai điệu, của tiết tấu. Tôi so sánh hai nền âm nhạc Pháp và tân nhạc Việt, tôi thấy chúng khác xa nhau quá, một bên thì vui tươi yêu đời, một bên thì buồn quá, ít có bài vui như bài “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Có lẽ là vì chiến tranh chăng? Nhưng sao hòa bình gần bốn mươi năm rồi mà nhạc cũng chưa vui, giai điệu cũng thường và tẻ nhạt, trong khi Pháp chỉ sau hai mươi năm sau thế chiến thứ hai (1945-1965) đã rộn rã những bài ca náo nhiệt của các thanh nam thanh nữ tuổi yé-yé, như L’amour est bleu, Un jour un enfant, Oh, happy days, Dans le soleil et dans le vent, Une belle histoire, v.v.
Và Paul đã nâng cánh những ca khúc phổ thông Pháp nói trên bằng cách đưa chúng vào nhạc của ông, biến chúng từ nhạc để hát thành nhạc để nghe, cho người cùng thời, và cho người hậu thế như chúng ta. Không biết bao nhiêu lần tôi đã khõ vào một bài nhạc Pháp do ông soạn hòa tấu vào YouTube để mong kiếm được bản nhạc gốc, để rồi khâm phục cách ông chỉnh trang bài nhạc và biến nó thành bất tử. Khi thì ông thêm vào một intro thật sáng tạo (Tu te reconnaitras), khi thì ông bỏ hẳn một điệp khúc, chỉ chơi phiên khúc (bài Une histoire d’amour), khi thì ông biến vài nhạc cũ thành một bài disco rất táo bạo (Love is still blue, viết lại từ bài L’amour est bleu)
***
Les Matins d’Hiver (Những buổi sáng mùa đông)
Gần đây tôi có thử tìm danh sách những bài nhạc Pháp mà Paul đã hòa tấu trong thập niên 70, thì thấy có nhiều bài đặc sắc, ngoài những bài đã biết rồi. Trong số những bài chưa biết nhiều có bài Les matins d’hiver, thấy ông hòa tấu quá hay, bèn xem thử ai đã trình diễn, thì hóa ra lại là chàng Gerard Lenorman, người mà tôi từng hâm mộ với bài Michèle và một vài bài khác (mà Paul cũng hòa tấu).
Video thời trẻ (1972):
Video hát chung với ca sĩ thời nay, giọng ông đã lên hết nổi những nốt cao nhất 🙁
Lời nhạc: http://www.frmusique.ru/texts/l/lenorman_gerard/matinsdhiver.htm
Có lẽ cái may của tôi là được nghe trước bài hòa tấu, nên cảm thấy bài này rất hay, trong khi nghe ca sĩ hát thì lại không có cái “cảm giác mạnh” đó.
Vừa bước vào nhạc là thấy sôi nổi rồi, với một đoạn piano dạo đầu với tiết tấu nhanh. Sau đó là phiên khúc với giàn dây kéo nhẹ nhàng, nhưng với nhịp bass rất chõi, nhiều chỗ nghỉ. Rồi một câu “hook” giàn dây làm một hiệu ứng như “flash back”, nhìn lại quá khứ. Đoạn thứ hai của phiên khúc thì nhạc dồn dập hơn, câu bass điệu nghệ hơn, nghe ra cái style của Paul liền, là cách chơi bass nghe như một counter melody, khi nhạc yên thì nó động, khi nhạc động thì nó “giằn” hay chơi thật chõi. Cuối phiên khúc 1 thì giàn kèn trỗi lên, thêm bào những hiệu ứng tỷ như cách “gạch đậm”, “gạch dưới” những câu quan trọng. Trống thì thong thả giữ nhịp cho bass, hầu như không chơi 1/2 phiên khúc đầu, chỉ chơi nửa sau, và khi chơi những câu fill-in thì mới thật là náo nhiệt.
Có nghe bài này trong xe ấm cúng lúc đầu ngày, ngoài (lane) kia người ta đang chán nản kẹt xe, còn mình thì bật volume hết cỡ và … chế đại lời Việt để hát theo thì mới có cảm giác yêu đời, yêu mình biết là bao nhiêu. Trong đoạn trên, khi tôi viết “người nghe thấy vui, thấy ngày qua mau, cảm thấy hối hả sống để hòa theo nhịp điệu quyến rũ của giai điệu, của tiết tấu” là để mô tả tâm trạng đó. Tôi cảm thấy thật “thần phục” các nghệ sĩ lớn như Paul Mauriat, làm sao mà họ có thể nghĩ ra những lối hòa tấu tuyệt vời như vậy được? Bạn để ý thì thấy cách hòa tấu khác hẳn cách cách của Lenorman dùng. Lenorman cũng tha thiết đó, nhưng không lột tả được cái cấu trúc, cách kiến tạo thông minh của giai điệu, khi điệp khúc là đỉnh điểm của nỗi niềm hân hoan nào đó, tùy theo hoàn cảnh từng người. Trong khi 1/2 phiên khúc là những câu giằn, không trống, để nửa sau tha thiết hơn, thì điệp khúc lại là một khúc hoan ca đến tột đỉnh, không thể nào còn hân hoan hơn được nữa. Trong địêp khúc hãy chú ý tới các câu kèn, đối chọi hoặc bổ sung với giai điệu chính, thật tuyệt vời mà trong bài gốc không làm được.
Lời nhạc lúc điệp khúc thì cũng rất hay, mô tả cảnh đứa trẻ đi học mùa đông mà cứ mơ hoài về “những ngày nắng ấm, khi bầu trời thật đẹp, chỉ mải mê vui đùa mà thôi, chẳng vướng bận chuyện học hành, tự do mơ mộng …” Đấy, chẳng phải là một bài nhạc Pháp nữa dạy ta phép “joie de vivre” như kiểu “lãng du khắp nơi, em với anh cùng lênh đênh quên tháng ngày” hay sao?
Nhạc Pháp mà Paul soạn lại thì rất nhiều bài trên trung bình, nhưng cũng có bài xoàng xoàng, có lẽ là vì không hợp gout tôi, hay vì melody cũng không hấp dẫn lắm. Nghe kỹ lại thì tôi thích nhất những bài Paul phối trong khoảng từ 1971 đến 1977. Sau đây là danh sách các bài nổi tiếng nhất ấy, ai biết nhạc Pháp cũng phải biết những bài này:
- Tombe la neige
- Apres toi
- Ce n’est rien
- La decadance
- L’avventura
- Summer of 42
- Une belle histoire
- La maladie d’amour
- Rien qu’une larme
- Tu te reconnaitras
- Viens viens (Rain rain)
- Le premier pas
- Emmanuelle
- Et bonjour a toi l’artiste
- L’ete Indien (Africa)
- Il a neige sur yesterday
- L’oiseau et l’enfant
- Michèle
Tuy nhiên, còn có những bài khác cũng rất hay, rất đặc trưng của thời kỳ “tiền” disco này, mà Paul đặc biệt ưu ái đến nhạc của vài nghệ sĩ như Stone et Charden, Gerard Lenorman, Michel Fugain, Julien Clerc như các bài:
- Laisse aller la musique
- Il y a du soleil sur la France
- 14 ans les Gauloises
- Chant…comme si tu devais mourir demain
- Ce n’est rien
- Si on chantait
- Sur le chemin de la vie
Và còn những nhạc phẩm khác từ chỗ ít nổi tiếng trong nước Pháp, sau khi qua bàn tay nhào nặn tuyệt vời của Paul, đã trở thành bất tử trong lòng người nghe nhạc khắp thế giới:
- Les rois mages
- Un banc, un arbre, une rue
- La decadence
- J’ai un probleme
- Je pense à toi
- Sonia
- Une fille aux yeux clairs
- Je vais t’aimer, v.v.
***
Lòng nguội lạnh âm nhạc Pháp quốc trong nhạc Paul
Đột nhiên, khoảng những năm sau 1977, 1978, người ta không thấy Paul soạn thêm nhiều bài nhạc Pháp nữa. chả hiểu vì sao? Theo thiển ý thì có lẽ là vì hai lý do chính, đó là sự đi lên của nhạc disco và sự hâm mộ quá nhiệt thành của người Nhật.
Giữa những năm 70 là sự đăng quang của dòng nhạc disco ở Hoa Kỳ với Donna Summer, nhóm The Bee Gees (nổi nhất là dĩa nhạc Saturday Night Fever), trên thế giới thì có ABBA, Boney’M, v.v. Nhạc Pháp cũng chạy theo thời, và cũng có một số bài disco như Où sont les femmes? của Patrick Juvet, hay L’été sera chaud của Eric Charden, nhưng những bài này không ít thì nhiều đã đánh mất sự duyên dáng, trữ tình của nhạc Pháp. Đâu rồi những giai điệu mượt mà trên một tiết tấu trống thật chõi mới chỉ vài năm trước, thay vào đó là tiếng trống mạnh nhưng đơn điệu từng nhịp của nhạc disco. Chiều sâu trong giai điệu cũng chẳng còn, chỉ là tiếng gào thét của motif. Chả trách chỉ chừng vài năm sau đó (1979) người ta tấy chay bằng cách đốt hết các dĩa nhạc disco của nhóm Bee Gees tại một sân vận động ở Hoa Kỳ (Comiskey Park ở Chicago)
Nhạc hòa tấu của Paul, chẳng biết tự bao giờ, đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Nhật. Paul đã làm hàng ngàn buổi diễn ở xứ hoa anh đào này, từ lúc mới nổi tiếng ở Hoa Kỳ qua bài Love is Blue năm 1968, tới khi ông giã từ sân khấu năm 1998 với Sayonara Concert ở Osaka, Nhật bản. Khi được ưa chuộng như vậy, không ít thì nhiều sự chọn lựa nhạc cũng bị ảnh hưởng. Thí dụ rõ nhất là tựa của một đĩa nhạc giữa thập niên 80 có tựa lạ hoắc là Nagekidori với hình con thiên nga. Nhạc Paul từ 1978 trở đi thay vì có ít nhất ba hay bốn bài nhạc Pháp, nay chỉ còn có một hoặc hai bài mà thôi, còn lại là nhạc do ông soạn, hay là hòa tấu những bài nổi tiếng đương thời của thế giới như Hello, Careless Whisper, I like Chopin, mà tác giả bài viết này đã từng rất hâm mộ nhạc ông trong thời gian này (thập niên 80.) Nghe nhiều đến độ tưởng rằng nhạc của ông chỉ có bây nhiêu đó thôi. Những bài xưa hơn họa chăng biết đến là do những đĩa nhạc “thập cẩm” với nhan đề “The Best of Paul Mauriat” Volume 1, 2, v.v. trong đó nhà sản xuất xào nấu các bài nhạc vô tội vạ mà không sợ – vì nhạc nào của ông mà chả là “the best”, nếu không thì ông đâu thèm tốn công soạn lại làm chi cho mất thì giờ.
Cho tới gần đây, sự độc quyền in lại nhạc Paul Mauriat xưa của kỹ nghệ nhạc Nhật mới bị phá vỡ bởi một hãng sản xuất nhỏ chuyên “remaster” lại những LP cũ, và bán lại với giá phải chăng. Họ đã ra được khoảng 10 đĩa, mỗi đĩa CD lại chính là hai đĩa LP khi xưa, nên đây là dịp rất may để thính giả yêu nhạc Paul có cơ hội nghe lại những tuyệt phẩm vang bóng một thời. Đây là địa chỉ của công ty đó : http://www.duttonvocalion.co.uk
Nếu bạn đang ở châu Âu hay Hoa Kỳ, bạn sẽ dễ dàng mua được 10 CD này, giá chỉ khoảng trên 20 USD mỗi đĩa. Đây có lẽ là một cơ hội hiếm hoi không nên bỏ qua, vì khi các CD này “tuyệt chủng” thì sẽ khó mua lại được, hoặc với giá cắt cổ.
Barnes & Noble : http://www.barnesandnoble.com/s/Paul-Mauriat?store=music&keyword=Paul+Mauriat
Trở lại với nhạc Pháp trong nhạc Paul, chúng ta thấy nhạc Pháp thập niên 80 cũng rất xuất sắc, các ca sĩ thời 70 cũng như 80 như France Gall, Didier Barbelivien, Elsa, J.J. Goldman, cũng có nhiều bài hay, nhưng lòng Paul có lẽ cũng đã nguội lạnh và nhất là vì tuổi tác, vả lại giới nghe nhạc ở Nhật cũng thờ ơ với nhạc Pháp, họ mê những sản phẩm từ “đàn anh” Hoa Kỳ hơn, nên số lượng nhạc Pháp đã dần dần vắng bóng …
Cho tới giai đoạn cuối của sự nghiệp âm nhạc Paul, tôi rất được may mắn mua được 2 dĩa nhạc lúc ông vừa phát hành, đó là dĩa Retrospective, và Best Of France, trong đó ông hòa tấu lại những bản nhạc bất hủ của nhạc Pháp, cũng như những bài nhạc do chính ông soạn.
Nói xa nói gần chẳng qua nói thật, tôi thiệt là ganh tỵ với người Nhật, họ đã “hốt” được Paul về xứ họ để trình diễn năm này qua tháng nọ, trong khi tên cuồng nhạc này hết ở xứ Việt lẫn xứ Mỹ, cả đời chả có cơ hội nào được nghe trình diễn “live” hay được hân hạnh bắt tay Paul một lần nào hết.
Muốn mua một cuốn sách “Une vie en bleu” về sự nghiệp của Pau; cũng không có tiền Euro và ở Pháp để mà mua nữa, thiệt là chán ghê!!!!
http://www.grandorchestras.com/mauriat/misc/mauriat-book.html
***
Phải chăng chúng ta đã mê nhạc Paul thông qua người Nhật?
Với thế hệ đàn anh trên 10-20 tuổi thì tôi không dám lạm bàn, còn thế hệ trung niên trên 40 như chúng tôi có lẽ chỉ biết đến môt số bài nhạc Paul Mauriat tiêu biểu như: Love is blue, El Bimbo, Minuetto, Penelope, Toccata, La Reine de Saba, La chanson pour Anna, v.v. Đại khái là vậy, hãy xem một thí dụ ở đây: http://www.amazon.com/Best-Selection-1-Paul-Mauriat/dp/B000FDF214 , hay ở đây: http://www.amazon.com/Definitive-Collection-Paul-Mauriat/dp/B0001ENWWS
Những CD này là do người Nhật làm, vì họ độc quyền xào nấu lại các bài hòa tấu của Paul. Chúng ta cứ thấy, cứ nghe những bài đó xuất hiện hoài, nghe riết rồi cũng thấy hay hay, biết đâu rằng Paul còn rất nhiều những bài hòa tấu tuyệt vời khác, nhất là trong giai đoạn sung sức của nhạc Pháp là 70 – 77, như những bài đã liệt kê ở phần trên. Nếu có khả năng, bạn hãy cố gắng tìm mua một hai cuốn trong số 10 CD gốc nhắc đến ở trên xem sao? Tôi đang mua dần dần, và quả thật nghe từ CD nó hay gấp 10 lần nghe trên Youtube bạn ạ.
Từ chỗ coi nhẹ nhạc Paul làm khi xưa tới lúc say mê nhạc ông ở thời điểm hiện tại, đây là một chuyển biến khá lớn trong tôi. Ở một thế giới đương đại khi nhạc mới không hay, tiết tấu và giai điệu chỉ quyến rũ giới trẻ chỉ vì họ chẳng biết gì khá hơn (they don’t know anything better), quay trở về nương náu trong nhạc Paul Mauriat là một giải pháp khá tốt đẹp. Chúng ta có thể học được nhiều kỹ thuật, dạng nhạc (style), cách đệm giàn strings, cách để bass, cách đệm trống syncopation, cách chơi tương phản, cách dùng nhạc khí để chuyên chở tình cảm, ấn tượng, … Khi nàng trẻ tuổi Taylor Swift khản cổ hát vang “We are never EVER getting back together“, thì tôi cũng chẳng dám “get back together” với thời đại mới nữa, mà quay về tìm những niềm vui đơn sơ trong nhạc Paul, như trong bài Un jour, un enfant (một ngày nọ, có đứa trẻ kia) hoặc là bài Et bonjour à toi l’artiste (Xin mến chào anh, người nghệ sĩ), nghe ra còn ấm cúng hơn nhiều.
***
J’ai encore rêvé d’elle (Tôi lại mơ về em)
Tôi đang nghe bài J’ai encore, rêvé d’elle (Tôi lại mơ về em), bèn thử tìm xem “tự điển bách khoa” Youtube coi ai hát, sau một hồi lục lọi thì cũng tìm ra, đó là một ban nhạc có cái tên lạ hoắc: “Il était une fois“. 1976 là lúc tôi đang học thêm một năm nữa ở Lasan Taberd, lớp 4, cả (nửa) nước đang “hồ hởi phấn khởi” .. Thính giả miền Nam Việt Nam, do đó cũng đã mất liên lạc với nhạc trẻ Pháp cả một thời gian dài, gần hai mươi năm. Thời Christophe, Dalida, France Gall, thì đã qua rồi, còn những ban nhạc “one hit wonder” như Il était une fois với tôi có lạ tai thì cũng đúng thôi. Sau này khi sinh sống ở Hoa Kỳ tuy tôi đã nối lại được dòng nhạc Pháp ít nhiều với Elsa, Pierre Bachelet, và việc tìm mua các CD “The best of France” khác, nhưng sau đó thì cũng không biết thêm nhiều ca sĩ Pháp khác thời 1990 và 2000s. May nhờ có Paul Mauriat và YouTube mà tôi nay lại có dịp sống lại thời vàng son của dòng nhạc trữ tình Pháp Mỹ những năm 1960-1970.
***
J’ai un problème (Tôi có một chuyện nan giải)
Như thường lệ, sau khi nghe một bài nhạc hòa tấu hay, tôi lại đi tìm bản gốc. Lần này, với bài J’ai un problème thì ca sĩ không ai khác hơn là cặp uyên ương thần tượng của giới trẻ Pháp thập niên 60 và 70, đó là Johnny Hallyday và Sylvie Vartan. Trên vòm trời ca nhạc, những cặp như vậy không nhiều. Ta có thể kể ra một vài cặp khác như Sonny & Cher, Stone & Charden, France Gall & Michel Berger, ở Việt Nam ta có lẽ nổi nhất là Lê Uyên và Phương. Họ cùng có một điểm chung là đã từng là vợ chồng, nên hát nhạc của nhau hay hát đôi với nhau rất thắm thiết, nhuần nhuyễn.
Bản gốc nghe hay vậy đó, nhưng bản hòa tấu của Paul còn “ác liệt” hơn, vì cách kiến tạo câu bass ở nửa bài đầu, cách dùng giàn dây để đối chọi hay hòa điệu với giai điệu chính. Tiếng harpsichord ngân vang của giai điệu lúc bắt đầu thật dễ thương, cũng thanh âm trong trẻo đó trong đoạn hai được dùng để đối điểm với giai điệu dùng giàn dây. Tất cả những hòa âm đó được kết hợp, gắn bó lại bằng câu intro (là la là lá, la lá la là la laaaa) do Paul viết thêm, làm cho bài nhạc (composition) thật “chắc cú”.
Lợi ích khác mà tôi chưa kể ra là khi tìm ra người hát, ta cũng phải đi tìm lời nhạc để hiểu kỹ hơn, làm giàu thêm vốn liếng tiếng Pháp nhỏ nhoi. Nhiều khi, ta lại tìm ra một câu chuyện, một tình tiết rất đơn giản nhưng mới lạ, vì đã thoát ra khỏi cảnh sáo mòn của đời thường, của những lời nhạc khác đã quá sáo mòn. Trước khi tìm lời nhạc, tôi đoán cái tựa bài “j’ai un problème“, chắc vấn nạn này là cái “người yêu nhỏ xinh của tôi ơi” rồi đó mà, không phải là “chặt cái đầu tui xuống chết liền đi”.
Thì thiệt vậy rồi, “bởi vì em mà tôi chẳng còn là thằng tôi nữa, tôi đã đổi thay chỉ vì em, chẳng biết chuyện chúng mình sẽ ra sao, là điều may mắn hay chỉ là chuyện cuồng dại????” Thiệt là nan giải, vì đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn (Trúc Phương)
A cause de toi je ne suis plus la même
Oh, Moi par ta faute j’ai changé aussi
Je ne sais pas où ça nous entraîne
C’est la chance ou bien c’est de la folie
Và tôi chợt hỏi, tình yêu sẽ tăng theo cấp số cộng, số nhân hay thậm chí là lũy thừa của nhau, khi anh thú nhận vấn nạn cuả anh là đã yêu em rồi, và em thì cũng thú thiệt là như vậy:
Johnny rào đón: J’ai un problème je sens bien que je t’aime
Sylvie thở dài: Oh, j’ai un problème c’est que je t’aime aussi
Ôi tình yêu, đúng là … chuyện muôn thuở! Oh, mon amour! (i.e. nhạc Paul Mauriat, tôi lỡ trót yêu “em” rồi!)
***
Blooming Hits -Đĩa nhạc đưa Paul Mauriat lên đài danh vọng
Năm 1968, Paul Mauriat trở thành nhạc sĩ duy nhất của Pháp quốc có một bài đứng đầu danh sách Billboard của Hoa Kỳ trong 5 tuần liên tiếp. Bài đó chính là Love Is Blue. Bài này là một bài trong đĩa nhạc LP có tựa đề Blooming Hits. Ban nhạc đại hòa tấu Paul Mauriat nổi tiếng khắp thế giới từ dạo ấy.
Trong một dịp đi chợ trời cách đây cũng lâu lắm rồi, hai chục năm có lẻ, tôi tình cờ mua được LP này, với giá thật bèo là 1$. Tuy mua về để chưng chứ không nghe gì được, nhưng khi đó cũng cảm thấy vui vui vì tìm lại được một dĩa nhạc từ thủa mình mới lọt lòng mẹ! Vậy là nó cũng “già” như mình rồi!
Tiếp theo tôi thử dịch lời giới thiệu (liner notes) in ở mặt sau LP:
Paul Mauriat là một nhạc sư trẻ, người có biệt tài làm dầy những bản hòa tấu tuyệt vời với một loại kính vạn hoa đầy ắp đủ mọi loại âm thanh. Đem một bài nhạc có vẻ đặc sắc rồi nhào nặn nó thành một bài hòa tấu nhuyễn và tân thời là một chuyện. Nhưng lại là một chuyện hoàn toàn khác, khi đem những bài nhạc “tuyển”, tân thời nhất mà giới phê bình cho là những bài đầy ắp tính sáng tạo trong lịch sử nhạc pop, rồi hòa tấu một cách thật mới lạ, thật sinh động, làm nó thành gia tài của riêng ông, Paul Mauriat, không phải là chuyện dễ. Điều này cũng giống như khi xem một cuốn phim quen thuộc, tự nhiên nó bỗng trở nên sinh động đầy màu sắc mà mình không hề ngờ tới.
Trong dĩa nhạc này, Paul Mauriat bày biện trước mắt ta một bình hoa pop-pourri thật tuyệt vời. Đây là những nhạc phẩm thứ hạng cao (Top 10), nên rất quen thuộc, nhưng cùng lúc cũng khác nhau một trời một vực. “A Kind Of Hush“, một bài giao hưởng nhẹ thuộc thể loại rock, lại sử dụng harpsichord, một nhạc khí ít được sử dụng trong nhạc nhẹ. “Somethin’ Stupid“, bản gốc dược hát bởi bố con nhà Sinatra, thì được tái tạo thành một giai điệu châu Mỹ La-tinh, thật tuyệt vời trong cách phối hợp giai điệu với lối chơi đầy kịch tính.
Những soạn nhạc gia đương thời nhất cũng được giới thiệu đầy đủ, từ cặp bài trùng Lennon – McCartney của nhóm Beatles với bài “Penny Lane,” cũng như chàng Sonny chồng của Cher với bài “Mama.” Bài “Penny Lane” thì được trình bày như một sự kết tinh của giai điệu, trong đó cây harpsichord chơi thật mạch lạc, rồi có một đoạn kèn độc tấu tuyệt hảo với những câu riffs thật bén. Còn trong bài “Mama” thì lối chơi kèn bịt (muted horn) được dùng với một giai điệu đối điểm, cũng với harpsichord chỉ để giữ nhịp. Có lẽ cách chơi này không nằm trong đầu ông Bono (Sonny Bono – tác giả bài nhạc), nhưng dẫu sao thì cũng rất thành công.
Dĩa nhạc cũng dành cho ta nhiều ngạc nhiên khác, như bản “Puppet On a String“, bài hát đoạt giải nhất Eurovision năm 1967, với lối chơi sáng sủa vui tươi như một ban nhạc vỉa hè với confetti tung bay như đang trong gánh xiệc. Hai bản nhạc khác là nhạc phim. Thứ nhứt là bài nhạc tha thiết và day dứt “This Is My Song” của Charlie Chaplin trong phim “The Countess from Hong Kong“. Nhạc của Chaplin thì có vẻ cổ lỗ sĩ, nhưng Paul Mauriat đã cho vào một sắc màu man mác làm bản nhạc tạo cho ta một vẻ luyến tiếc, một dấu ấn khó phai. Bài thứ hai, “Goodbye to the Night“, là một trong những bài nhạc thiệu chính từ phim “The Night of The Generals.” Trong bài này, sự gay cấn, hồi hộp không được đề cập nhiều, ngược lại, giọng ca bè và piano hòa quyện với nhau, các cây vĩ cầm thì cao vút, và giai điệu trở nên thật trang trọng.
Các bài còn lại gồm có “Inch Allah” thật mạnh bạo, “Seuls Au Monde” lãng mạn một cách “hết thuốc chữa”, rồi “L’Amour Est Bleu”, khi tiếng trống nhạc rock hòa quyện với thể loại nhạc thính phòng.
Một phê bình gần đây có nói “Ban nhạc hòa tấu Paul Mauriat là ban nhạc mà ta nên theo dõi về những phát minh của âm thanh thời nay.” Nhưng theo dõi không phải là từ nên sử dụng. Nghệ thuật của ông Mauriat nằm trên một băng tần hoàn toàn khác biệt. Lắng nghe! và bạn sẽ cảm nhận được âm thanh mới của thế hệ hôm nay.
Dick Lochte
(Người dịch: Học trò)
***
Killing me softly with his song (Giết tôi nhẹ nhàng bằng bài ca của anh)
Không chỉ làm mới và làm giàu cho âm nhạc thế giới qua qua việc trình tấu những bài nhạc Pháp, ông còn viết những bản hòa tấu của những bài nhạc Top Hits khác Một bản nhạc trữ tình, “kinh điển” mà ai cũng đều biết và yêu thích, đó là bài Killing me softly with his song , tên Pháp là Elle chantait ma vie en musique do Gilbert Montagné trình bày.
Cái intro thêm vào của Paul Mauriat quá “ác liệt”. Người nghe chỉ mới vừa quen sơ sơ cái melody của intro thì đã bị lạc tai qua câu nhạc chính. Tôi lên piano dạo thử thì thấy Paul rất sáng tạo. Câu intro này dựa trên hợp âm DM7(13) với các nốt là [DM7] la la la la la la [DM7(13)] sol ré sol [DM7] fa# fa# fa# fa# mi [DM7(13)] (lặp lại 2 lần) Sau đó là melody chính, gamme Dm7 thuộc thang âm La thứ (iv).
Cần phải nói rõ thêm chỗ sáng tạo này một chút. Khi viết intro cho một bài nhạc, thường thì người ta hay dùng thang âm của phiên khúc, hay của điệp khúc để mà dẫn bài. Thí dụ như bài này, với thang âm La thứ, thì bài sẽ có những nốt intro trong thang âm La thứ đó. Hay nếu đi xa hơn một tí, thì dùng các hợp âm cuối của điệp khúc như Bb hay A (là lúc bài nhạc về La trưởng trước khi về lại chord Dm (rồi khi cơn sốt …). Tuy nhiên. Paul dùng cái sự liên lạc rất mong manh của gam Dm, rồi tìm cách dùng DM7 để viết intro. DM7 là một biến thể jazzy của Ré trưởng. Ré trưởng (có hai nốt thăng) thì không ăn nhập gì với La thứ (không có nốt thăng giáng nào hết), vì thế nghe rất lạ tai, rất fresh.
Cái hay, do đó là cho người nghe chơi vơi trong Ré trưởng, rồi chuyển đột ngột sang ré thứ. Nó tạo cho ta một cảm giác “fresh”, như tìm thấy cái mới lạ, “khi em/anh bước vào đời”, đã killing me softly with his/her song ….
Hẹn gặp lại bạn trong một lần tản mạn khác.
Hiệp Dương
(aka Học Trò)
Tiểu Sài gòn, mùa Thu 2013
(chỉnh lại và viết tiếp từ bản thảo 2011)
Nguồn: http://hoctroviet.blogspot.com.au/2010/02/paul-mauriat-nguoi-giu-gin-niem-vui.html