Ngọc Ngà Châu Báu Của Trái Tim

Nguyễn Sĩ Hạnh
10.11.2013

Tôi thích tiếng đàn vĩ cầm. Có thể vì nó gợi nhớ lại những ngày thơ ấu, cuối ngày sau giờ làm việc ông già thường hay đem cây đàn vĩ cầm của ổng ra kéo ỉ ôi mấy bài nhạc tiền chiến. Có thể vì tiếng đàn đem âm nhạc len lỏi vào trong tâm hồn và cảm nghĩ của mình một cách sâu sắc mà những nhạc cụ khác hay ngay cả giọng ca của mấy diva cũng không làm được. Khi mới bắt đầu học nghe nhạc classic, tôi lựa nhạc vĩ cầm để nghe trước, và khi được nghe mấy cái concerto nổi tiếng thì thích liền. Hơn hai chục năm qua, mấy concert to viết cho vĩ cầm và dàn nhạc giao hưởng của Beethoven, Brahms, Mendelssohn, Tchaikovski, Bruch, Elgar, Sibelius … nghe đi nghe lại hoài không chán. Giờ có thêm youtube, lâu lâu lại lên coi để thấy cận cảnh những ngón tay phù thủy của các danh thủ nhảy múa trên phím đàn! Bài này dịch từ một phần của trang Wiki, tôi bỏ qua những phần nói về kỷ thuật vĩ cầm và nhạc thuật vì tự thấy mình không đủ trình độ để dịch. Trong bài hai từ “vĩ cầm “và violin được dùng lẫn lộn, và “violin concerto” thường dùng để thay thế cho “concerto viết cho đàn vĩ cầm và dàn nhạc giao hưởng”. Có gì sai sót xin các bạn chỉ giáo – NSH.

Bản concerto cho vĩ cầm và dàn nhạc giao hưởng cung E thứ, Op. 64 của Felix Mendelssohn là tác phẩm lớn sau cùng ông viết cho dàn nhạc giao hưởng. Tác phẩm này là một phần quan trọng trong danh sách biểu diễn của những tác phẩm viết cho vĩ cầm và là một trong những concerto cho vĩ cầm được biểu diễn nhiều nhất từ xưa đến nay [1][2][]3]. Trung bình mỗi lần biểu diễn bản concerto này kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ.

Janine Jansen với dàn nhạc giao hưởng BBC Symphony Orchestra.

Lịch sử

Khi được bổ nhiệm là Nhạc Trưởng Chính của dàn nhac giao hưởng Leipzig Gewandhaus Orchestra[6] vào năm 1835, Mendelssohn liền đề cử  Ferdinand David – một người bạn từ thời thơ ấu – làm Concertmaster[7]. Bản violin concert khởi đầu từ sự hợp tác âm nhạc này. Trong một lá thư đề ngày 30.7.1838, Mendelssohn viết cho David “Chắc tôi sẽ viết một violin concert cho bạn trong mùa đông sắp tới. Trong đầu tôi đã nghĩ tới cung E thứ, đoạn mở đầu làm cho tôi suy nghĩ hoài.”[8]

Tới sáu năm sau bản concerto mới được hoàn thành. Sự kéo dài này có thể là vì Mendelssohn mất tự tin[9], vì lo viết bản symphony thứ 3[10], vì một thời gian không vui vẻ cho lắm ở Berlin theo lời yêu cầu của vua Frederick William IV của Prussia[11]. Dù sao đi nữa Mendelssohn vẫn giữ liên lạc thường xuyên với David[8], hỏi ý kiến của David về kỉ thuật violin và nhạc thuật. Và thật ra, bản concerto này đánh dấu sự khởi đầu của việc các nhà soạn nhạc sáng tác với sự góp ý của các tay danh thủ vĩ cầm, và về sau đã có nhiều sự hợp tác như vậy[10]. Thủ bút của Mendelssohn trong tổng phổ đề ngày 16.9.1844, nhưng ông vẫn tiếp tục hỏi ý David cho tới ngày công diễn đầu tiên[7]. Bản concerto được ra mắt ở Leipzig hôm 13.3.1845, với Ferdinand David là người chơi solo. Mendelssohn bị bệnh nên không điều khiển dàn nhạc được và được thay thế bởi Niels Gade[10], nhà soạn nhạc người Đan Mạch. Mendelssohn điều khiển dàn nhạc cho bản concerto này lần đầu tiên vào ngày 23.10.1845 và người chơi solo vĩ cầm cũng là Ferdinand David[10].

Bản concerto được đón nhận nồng nhiệt ngay từ đầu và sau đó nhanh chóng trở thành một trong những violin concerto vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Cho tới ngày nay bản concerto này vẫn còn được nhiều người ái mộ và có tiếng là một concerto mà mọi tay đàn vĩ cầm solo muốn nổi tiếng đều phải chơi qua, và thường là violin concerto đầu tiên mà họ học trong số những violin concertos của thời Lãng Mạn. Rất nhiều tay vĩ cầm solo nổi tiếng đã thu thanh bản concerto này và nó được biểu diễn thường xuyên trong các buổi hòa nhạc hay các cuộc tranh tài nhạc cổ điển.

Nội dung

Concerto được soạn cho solo violin và dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn gồm có hai flutes, hai oboes, hai clarinets, hai bassoons, hai horns, hai trumpets, timpani, và đàn dây.[3][10]

Concerto gồm có ba hành âm:

1.Allegro molto appassionato (E minor)
2.Andante (C major)
3.Allegretto non troppo – Allegro molto vivace (E major)

Hành âm 1 – Soloist là Anne Sophie Mutter


Hành âm 2 – Soloist là Itzhak Perlman


Hành âm 3 – Soloist là Sarah Chang (lúc 15 tuổi)

Phân tích

Mặc dù bản concerto này gồm có ba hành âm theo cách cấu trúc tiêu chuẩn nhanh-chậm-nhanh và mỗi hành âm được viết theo dạng truyền thống sonata, nhưng đây là một sáng tạo mới lạ và có nhiều yếu tố đi trước thời đại.

Điểm khác lạ đầu tiên của concerto này là trong hành âm 1, Mendelssohn đã không viết theo cách điển hình của thời Cổ Điển. Ông đã để cho cây vĩ cầm solo bắt đầu ngay từ đầu với phần mở đầu xong mới tới cả dàn nhạc, cũng như trong bản piano concerto[12] đầu tiên của ông vậy. Concerto của thời Cổ Điển thường bắt đầu với phần giới thiệu của cả dàn nhạc xong tiếp theo là cả dàn nhạc và cây vĩ cầm solo cùng chơi lại đoạn mở đầu[10]).

Thứ đến, phần cadenza cũng rất mới vì được viết như là một phần của bản concerto và để ở trước đoạn tái hiện (recapitulation)[10]. Điển hình trong một concerto ở thời Cổ Điển, phần cazenda thường được viết thêm bởi người chơi solo, và để ở cuối hành âm 1, sau phần tái hiện và trước vĩ thanh (coda) sau cùng.

Bản concerto này còn nổi bật hẳn lên so với những concerto được viết trước đó ở chỗ ba hành âm liên kết chặt chẽ với nhau[9]. Không có chỗ nghỉ giữa hành âm 1 và 2, mà thay vào đó là là một nốt nhạc ngân bởi bassoon nối hai hành âm này lại với nhau[10]. Hai hành âm 2 và 3 cũng được trình bày hầu như liên tục với nhau. Âm điệu của đoạn mở đầu hành âm 3 giống như ở hành âm 1 cho thấy dạng lập lại (cyclic form) của cả tác phẩm [15]. Mục đích của sự nối kết giữa ba hành âm là để cho khán giả không có thì giờ vỗ tay hoan hô. Điều này chắc đã làm ngạc nhiên khán thính giả của Mendelssohn, vì không như thời nay, khán thính giả thời đó thường vỗ tay giữa những hành âm[10].

Cũng trong bản concerto này, ở nhiều đoạn, tay vĩ cầm solo chơi chung với dàn nhạc như là một thành viên của dàn nhạc vậy, ví dụ như lúc chơi ricochet arpeggios ở lúc bắt đầu của phần tái hiện trong hành âm 1. Điều này rất là mới lạ cho một violon concerto thời đó[9].

Ảnh hưởng

Violin Concerto của Mendelssohn đã có ảnh hưởng lên nhiều concertos của nhiều nhà sọan nhạc khác. Những nhà sọan nhạc này thường dùng những đặc điểm của concerto này trong concertos của họ.[12] Điều nay dẫn tới việc violin concerto của Mendelssohn là concerto bị bắt chước nhiều nhất xưa nay[1].

Ví dụ như phần cadenza được đặt trước phần tái hiện đã ảnh hưởng lên violin concertos của Tchaikovsky (phần cadenza cũng ở vị trí tương tự) hay Sibelius (cadenza dùng để nối dài phần phát triển)[9].Thêm vào đó, từ concerto này trở đi, rất ít khi nhà soạn nhạc để ngỏ không viết phần cadenza và để cho soloist chơi theo ý họ, giống như thời của Mozart và Beethoven[12]. Sự nối kết giữa ba hành âm cũng ảnh hưởng lên những concertos khác, ví dụ như Piano Concerto số 2 của Liszt[9].

Violin concerto của Mendelssohn thành công ngay lập tức, được hoan nghênh đón nhận trong những lần công diễn đầu tiên bởi khán giả và những nhà phê bình âm nhạc đương thời[16]. Tới cuối thể kỷ 19 thì concerto này đã được công nhận là một trong những violin concerto vĩ đại nhất trong danh sách những violin concerto được biểu diễn. Nó trở thành một trong những tác phẩm được ưa chuộng nhất của Mendelssohn, và vẫn được thường xuyên biểu diễn dù rằng âm nhạc của ông nói chung đã từ từ không còn được yêu thích trong đầu thế kỷ 20[6]. Năm 1906, một năm trước khi qua đời, tay danh cầm violin nổi tiếng Joseph Joachim tuyên bố với khách tới dự tiệc sinh nhật 75 tuổi của ông[10]:

Người Đức có bốn violin concertos. Vĩ đại nhất, toàn diện nhất là của Beethoven. Của Brahms thì ngang ngửa với của Beethoven với sự nghiêm trọng của nó. Phong phú nhất, quyến rũ nhất là của Max Bruch. Nhưng sâu kín nhất, ngọc ngà châu báu của trái tim, là của Mendelssohn.”

Bản violin concerto này đã nổi tiếng là một tác phẩm trọng yếu mà mọi người chơi violon solo muốn nổi tiếng đều phải trình diễn qua. Điều này dẫn tới việc hầu như ai trong số những người chơi violin solo nổi tiếng đều thu dĩa bản concerto này, kể cả những danh thủ thời xưa khi kĩ thuật thu dĩa chỉ mới bắt đầu như Eugène Ysaÿe[18]. Tuy vậy, bản concerto này vẫn là một thử thách lớn về kỉ thuật violin cho người chơi solo và nói chung được cộng nhận là khó không thua gì những bản concerto nổi tiếng khác[19].

Nguyễn Sĩ Hạnh dịch

[1] “BBC Mendelssohn Profile”. Retrieved 2007-04-26.
[2] Dane, J. “Facility & Mastery: Felix Mendelssohn”. University of Chicago. Retrieved 2007-04-28.
[3] Mendelssohn, F. Violin Concerto in E minor, Op. 64, Dover Miniature Scores (1999)
[4] SheetMusicPlus. Violin Concerto in D Minor by Felix Bartholdy Mendelssohn, downloaded 30 March 2012
[5] Humphrey Burton (2000), Yehudi Menuhin, A Life. Lebanon, NH: Northeastern University Press (UPNE)
[6] Mercer-Taylor, P. J. The Cambridge Companion to Mendelssohn, CUP (2004)
[7] Ferdinand David, Musical Times Vol. 47, No. 761
[8] Dr. Rietz, J. Letters of Felix Mendelssohn, 1833–1847, Ayer (1970)
[9] Keefe, S. P. The Cambridge Companion to the Concerto, CUP (2005)
[10] Steinberg, M. The Concerto: A Listener’s Guide, OUP (1998)
[11] Jacobson, J. H. The Classical Music Experience, Sourcebooks, Inc. (2002)
[12] Kerman, J. Concerto Conversations, HUP (1999)
[13] Stowell R. The Cambridge Companion to the Violin, CUP (1992)
[14] Mendelssohn, F. Violin Concerto in E minor, Op. 64, Bärenreiter (2005)
[15] Wilson, C. Notes on Mendelssohn: 20 Crucial Works, Eerdmans Books (2005)
[16] Mendelssohn, F. Violin Concerto in E minor, Op. 64, Eulenberg Miniature Scores
[17] Reel, J. “All Things Strings: Give it a Break”. Strings Magazine, No. 147. Retrieved 2007-10-05.
[18] Monsaingeon, B. (Director) and NVC Arts Great Performances – The Art of the Violin, Warner Music Vision [DVD] (2000)
[19] “Violin Masterclass’ Graded Repertoire”. Retrieved 2007-04-24.

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Mendelssohn_Violin_Concerto

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây