Ðặng Mĩ Lộc
11.1996
Lê Thương là một trong những nhạc sĩ tiên phong của phong trào tân nhạc tại Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ này. Những tên tuổi lớn của thời kỳ tiên phong này hầu hết đã gần đất xa trời. Trong vài năm gần đây lần lượt mấy khuôn mặt lớn của nền tân nhạc đã ra đi: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Dương Thiệu Tước … Trong số những nhạc sĩ thuộc lớp mở đường này, Lê Thương được ghi nhớ qua những tác phẩm đã gắn bó với tâm tình của xã hội từ hơn bốn thập niên qua.
Lê Thương được nhớ đến nhất vì là tác giả của một tổ hợp ba ca khúc ra đời trong khoảng 1946-1948: Hòn Vọng Phu. Liên ca khúc này lấy lại đề tài quen thuộc trong văn học: người vợ bồng con đứng đợi chồng. Ðó là mẫu hình sáng tác của văn học dân gian (truyện nàng Tô Thị, các phiên bản khác nhau của truyện Ðá Vọng Phu), và của văn học viết thời cổ điển (Chinh Phụ Ngâm, bản Hán văn và các dịch bản nôm về sau).
Những câu chuyện có thể là khác nhau nhưng cùng chung một mẫu hình sáng tác: người chồng phải ra đi vì một nghịch cảnh nào đó, khiến người vợ phải héo mòn chờ đợi. Nói chung, những tác phẩm văn học vừa kể đều vương vấn nỗi buồn thương của chia ly, khắc khoải vì mong đợi. Lê Thương đưa đề tài này vào nhạc mới hẳn cũng chỉ là một hình thức tập cổ quen thuộc trong văn nghệ mà thôi.
Nhưng giá trị sáng tạo của liên ca khúc Hòn Vọng Phu là ở chỗ tác giả của nó đã chỉ dùng hình tượng kẻ ở người đi để thể hiện một tâm tình của thời đại ông: đất nước loạn ly, người con dân lên đường để đáp lại lời sông núi. Kẻ ở lẫn người đi đều có tâm trạng giống nhau là cùng phơi trải nỗi niềm nhớ thương, lẻ loi, trộn lẫn với hào khí của những người con dân không chạy trốn khỏi cuộc đời.
Cả ba ca khúc của Hòn Vọng Phu đều trau chuốt sang cả mà không sáo, rất cổ kính mà vẫn bình dị và dẫn cảm xúc vào thẳng tâm hồn người. Ðược thế là nhờ cả hình tượng âm nhạc lẫn lời ca đều đượm dáng vẻ ngạo nghễ một lý tưởng cao cả nhưng vẫn giữ lòng mình ở giữa đời dung dị và có những niềm đau rất thực của một thời loạn lạc. Người nghe nhạc ông không hề vướng bận những hình ảnh trong lời ca vốn chỉ mượn lại trong cổ văn: vua, quan, quân, trống dồn, Thiên San, Man Khê, Tiêu Tương, Vạn Lý, Ải Quan ,,, Chúng chỉ là những hình ảnh biểu tượng của một tâm trạng nào đó mà thôi. Tâm trạng, đó mới là nội dung của hình tượng câu hát (1). Ba bài hát dẫn đưa người nghe đi từ những nỗi háo hức lên đường, rồi nỗi bâng khuâng vì chia ly mong nhớ, rồi lại đến niềm tin tưởng vào một ngày mai.
Hòn Vọng Phu ra đời khi nền tân nhạc mới chập chững được mười năm. Lúc ấy đất nước mới trải qua những năm tháng đầu của độc lập và đang đương đầu một cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập non trẻ đó. Tác giả của nó cũng chia sẻ tâm trạng hào hùng lẫn nỗi đau của chiến tranh. “Hòn Vọng Phu của Lê Thương là khúc nhạc tuyệt vời, đã vươn lên từ những khắc bạc trong cuộc sống, những điêu linh của dân tộc. Trầm hùng, tha thiết khi vút cao, khi sâu lắng. Hòn Vọng Phu là những đau thương đã thăng hoa … Tìm về Hòn Vọng Phu là để lắng nghe những ấm lạnh, những ngọt bùi, giọt giọt chắt lọc từ cõi-người-ta u minh và bất hạnh.” (2)
Nhưng ngày nay nhớ đến Lê Thương còn là nhớ đến một người đã có những cống hiến vào sự hình thành một cuộc vận động đổi mới nghệ thuật âm nhạc vào những năm 30 của thế kỷ. Vào buổi đó, báo Phong Hóa và nhóm trí thức trẻ hấp thụ Tây học quây quần trong Tự Lực Văn Ðoàn đã có những ảnh hưởng lớn trong việc kích động một phong trào đổi mới xã hội: một phong cách suy nghĩ, một nếp sinh hoạt xã hội “theo mới” đã dấy lên một đòi hỏi khác: làm mới nghệ thuật. Từ số 122 (ra ngày 7-8-1938) thì báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn đã bắt đầu đăng tải những bài hát đầu tiên của một trong những nhạc sĩ tiền phong thuở ấy là Nguyễn Văn Tuyên.
Lần lượt trên báo này, xuất hiện những bài hát thuộc một loại nhạc mới lạ hoàn toàn đối với truyền thống, và vì vậy có tên là “âm nhạc cải cách“. Âm nhạc cải cách – sau này được gọi là tân nhạc – là những bài hát hoàn toàn mới về cả giai điệu và lời hát, có tham vọng diễn đạt tâm tình người của thời đại. Về hình thức thì đó là những bài hát được kí âm bằng kỹ thuật âm nhạc tây phương. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, khuynh hướng sáng tác nhạc mới khá phổ biến đã là hình thức ca khúc trong đó giai điệu và lời hát đều có giá trị ngang nhau. Tại Hà Nội có nhóm nhạc sĩ Myosotis (Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước), nhóm Tricea (Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn) và Nguyễn Xuân Khoát – một nhạc sĩ độc lập. Tại Hải Phòng có nhóm những nhạc sĩ trẻ Hoàng Quý, Lê Thương, Văn Cao, Hoàng Phú, Phạm Ngữ, Canh Thân … cùng quy tụ lại thành một nhóm sáng tác mà sau này sẽ mang tên là nhóm Ðồng Vọng.
Phong trào làm mới âm nhạc Việt Nam thuở ấy chính là một vận động cho nhận thức mới về nghệ thuật âm nhạc. Những người mở đường của phong trào muốn xây dựng một nền nhạc “theo ý nhạc Việt Nam và phải có cảm tưởng thuần túy Á Ðông.” (3) Hẳn nhiên là cuộc vận động này cũng có những đối chọi về quan điểm sáng tác giữa các nhóm sáng tác. Chẳng hạn, về mặt cơ sở âm giai, có những nhạc sĩ sáng tác theo hệ âm giai bảy bậc của Tây phương, có những người khác lại dựa trên âm giai ngũ cung của nhạc phương Ðông. Về nội dung nhạc phẩm, nhóm Myosotis và Tricea ở Hà Nội có khuynh hướng sáng tác những bài hát mà sau này một người cùng thế hệ với họ đã nhận xét rằng chúng mang đậm “tình cảm thiên nhiên, than mây khóc gió, xưng tụng mùa Xuân, đôi tình nhân nào cũng chỉ muốn bơi trên ‘chiếc thuyền tình’ … ” (4)
Trong khi ấy, nhóm Ðồng Vọng ở Hải Phòng là những người hoạt động xã hội (thầy giáo, hướng đạo sinh) nên sáng tác của họ phần nhiều có khuynh hướng sáng tác cả xã hội lẫn trữ tình. Lê Thương đã là một trong số những nhạc sĩ đi bước đầu trong cuộc vận động âm nhạc này tại Hải Phòng. Ông đã sớm có những tác phẩm trữ tình thành công trên các sân khấu biểu diễn tại Hà Nội và các tỉnh thành khác. Nhìn lại một thời gọi là “nhạc tiền chiến” ở những buổi đầu đó, Phạm Duy cho là chúng mang xu hướng nhạc tình nhưng là thứ tình không chứa thông điệp nào cả, mà chỉ là những lời than mây khóc gió, tỏ tình với cây cỏ, hoa lá, với thiên nhiên. Và ông gọi đó là nhạc của một thời đại ngây thơ mà chúng ta sẽ mất đi vào những thập niên về sau (5).
Trong khung cảnh sinh hoạt như thế, Lê Thương vẫn không rơi xuống những khuôn sáo về đề tài, về hình tượng âm nhạc. Tác phẩm trữ tình của Lê Thương vẫn là những mảnh tâm tình ý nhị, kín đáo nhưng vẫn thanh tao như trong thơ cổ.
Lê Thương đi theo con đường riêng của mình trong địa hạt sáng tác nhạc trữ tình. Ông cũng lại là người đi đầu trong thể truyện ca với bài Nàng Hà Tiên (1940) mà sau này ông sẽ còn quay trở lại với Hoa Thủy Tiên, Lịch Sử Loài Người, và Truyền Kỳ Việt Sử (6).
Thế rồi, bước vào những thập niên kế tiếp, cùng với những thúc bách gay gắt của hiện thực đất nước, văn nghệ cũng nổi lên những đợt tranh biện về ý nghĩa của chính nó. Các thế hệ nhạc sĩ dần dà đã định hình cho mình những phương hướng và quan điểm sáng tác. Lê Thương bước vào kháng chiến năm 1946 với ý thức tự hào về đất nước, về “nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống” trong mỗi con dân. Nhạc của ông càng về sau càng nghiêng về những khía cạnh tâm tình của xã hội. Liên ca khúc Hòn Vọng Phu phản ánh tâm tư người Việt trong một thời chinh chiến.
Bài hát Bà Tư Bán Hàng là tâm nguyện của người dân về trách nhiệm công dân đối với kháng chiến và đất nước. Bài Hòa Bình 48 là nỗi băn khoăn ngao ngán của một người kháng chiến. Vào lại thành phố, Lê Thương có những bài hát châm biếm dí dỏm đối với những lố bịch của xã hội “nhiễu nhương”: Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Thành, Ðốt Hay Không Ðốt. Tâm hồn người nhạc sĩ vẫn dành cho thế hệ trẻ những lời tâm tình thiết tha và những kỳ vọng về một thế giới tốt đẹp: Thằng Cuội, Tuổi Thơ, Học Sinh Hành Khúc. Những bài hát đầy niềm tin yêu của Lê Thương đã phổ biến sâu rộng qua các thế hệ trẻ từ bao năm qua.
Lê Thương để lại cho đời một sự nghiệp không nhiều nhặn gì, nhưng những ấn tượng sâu đậm mà những bài hát Lê Thương để lại cho hậu thế sẽ vẫn bền bỉ. Nửa thế kỷ tân nhạc đã sản sinh cơ man là tác phẩm, nhưng những bài hát còn ở lại trong lòng người thưởng ngoạn thì sẽ không nhiều. Trong số những bài hát còn ở lại với thời gian sẽ có những bài hát của Lê Thương. Trên hết cả là thái độ chọn lựa của Lê Thương khi đến với âm nhạc: dù là hát về những tâm tình của cá nhân hay của xã hội thì ông cũng đi vào những tâm tình vui buồn hay đau khổ có thật chứ không phải là những tình cảm vay mượn giả tạo.
Người nhạc sĩ dung dị của chúng ta đã hát về những vinh quang và khổ nhục của phận người trong một đất nước bị giằng xé vì những buồn đau không nguôi. Làm được trọn vẹn vai trò đó trên sân khấu nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ 20 là một việc không dễ dàng. Có quá nhiều yếu tố khiến cho văn nghệ của chúng ta không ngừng rơi xuống vũng lầy tha hóa. Người nhạc sĩ Lê Thương trong con người nhà giáo Ngô Ðình Hộ đã chọn lựa làm một người trung thực.
Ðặng Mĩ Lộc
(Thế Kỷ 21 số 91 Nov 1996)
(1) Trong câu hát này chẳng hạn: “Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng; Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi nghìn trùng,” những tiếng then chốt là những chữ được in nghiêng, và chúng diễn tả những tâm trạng khác nhau của những người xa cách vì chiến chinh.
(2) Ðặng Tiến “Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng“, in Thông Luận số 70 (7.94), tr. 23.
(3) Phạm Duy “Những bước đầu trong nửa thế kỷ tân nhạc” in Hợp Lưu số 18 (8-9.94), tr.85.
(4) Phạm Duy, “Bài đã dẫn”, tr. 90.
(5) Phạm Duy, “Bài đã dẫn”, tr. 83.
(6) Phạm Duy “Thời Kỳ Thành Lập – Xu hướng nhạc tình: Lê Thương” in Văn Học số 2 (3.1986), tr. 89.