Nguyễn Sĩ Hạnh
1.10.2013
Tuần qua dọn dẹp mấy trang web, tình cờ nghe lại một chương trình phát thanh về nhạc VN trước 1975 của Hoài Nam. Ông Hoài Nam kể chuyện bài hát Thiên Thai ông nghe hồi còn nhỏ. Nghe thấy cảm động quá xá, vì đại khái giống như ông, tôi cũng có chút kỉ niệm nho nhỏ với bài này, dù rằng không dữ dội như ông vậy.
Hoài Nam – 70 Năm Trong Tân Nhạc Việt Nam – Chương trình 18: Hoàng Trọng
(nói về bài Thiên Thai từ 2:08 tới 2:38)
Số là hồi đó, không nhớ rõ năm nào nhưng chắc cỡ giữa thập niên 60, ông già mua về một cái máy hát băng nhạc, loại băng từ cuộn nào cuộn nấy to như dĩa cơm sườn. Nhạc thì ra mấy tiệm thu băng, ít khi mua cả cuộn băng gốc (tôi đoán là vì mắc) mà thường đọc qua danh sách của những cuộn băng, lựa bài nào muốn thu thì viết tên ra thành một danh sách. Xong tiệm sẽ thu cho, vài bữa sau ra lấy. Đại khái kiểu giống như giờ mình làm playlist trên youtube, hay trên mấy trang web cho nghe nhạc chùa vậy!
Tôi không nhớ nhiều gì về những bài nhạc do ông già lựa thu hồi đó, giờ chỉ còn nhớ được hai bài Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong và Thiên Thai của Văn Cao do cô Thái Thanh ca. Thú thiệt không biết là thằng con nít tôi thấy hay cái nỗi gì khi “bị” nghe đi nghe lại hai bài hát này mà giờ này vẫn nhớ lời và giọng hát thảnh thót của cô Thái Thanh.
Thái Thanh trình bày Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong (thu thanh trước 1975)
Thái Thanh trình bày Thiên Thai của Văn Cao (thu thanh trước 1975)
Tôi đoán là tôi ái mộ giọng hát của cô Thái Thanh bắt đầu từ đó. Nhưng tôi không có may mắn và cơ duyên để nghe cô hát live bao giờ. Hai cô ca sĩ tôi được coi hồi nhỏ giờ còn nhớ là cô Kim Loan và cô Mỹ Châu!
* * *
Thuở ấy, Qui nhơn không có nhiều rạp hát, hội trường, hay thính đường lớn. Tôi không biết “miệt trong” của trường La San, Kĩ Thuật và Sư Phạm ra sao, nhưng phía bên này của sân bay thì hình như chỉ có Đại Thính Đường trường Trung Học Cường Để, rồi một cánh của Thư Viện Qui Nhơn, rạp xi-nê Lê Lợi, rạp xi-nê Long Khánh, và Hội Trường Qui Nhơn là hết.
Hội Trường Qui Nhơn – 1996
Qui Nhơn là một tỉnh lị tương đối nhỏ so với Đà Nẵng, Nha Trang hay Đà Lạt. Đại nhạc hội có những ngôi sao lớn ở thủ đô về cũng hiếm khi. Nhưng nếu có thì là ở Hội Trường Qui Nhơn. Không rõ cơ duyên gì mà tôi được có dịp đi coi một đại nhạc hội ở đó. Tôi nhớ sân khấu cũng đơn giản chớ không phông màn màu mè như bây giờ. Biểu diễn trên sân khấu cũng chỉ có ca sĩ và ban nhạc mấy người chớ không đèo bồng theo một đám vũ công nhảy múa lưng tưng như thời nay. Hôm đó có cô Kim Loan, cô hát bài Căn Nhà Ngoại Ô.
Ca sĩ Kim Loan
Giờ nhìn lại, tôi đoán lúc đó cô đang ở đỉnh cao của sự nghiệp ca hát của mình, và bài Căn Nhà Ngoại Ô đang là cực “hot” – nói theo ngôn ngữ thời nay. Cô để tóc dài, mặc áo dài (không nhớ màu gì), cả nét mặt lẫn giọng ca đều đẹp và trong sáng làm sao, ít ra là dưới mắt cậu bé nhà quê tỉnh lẻ lúc đó.
Kim Loan trình bày Căn Nhà Ngoại Ô của Anh Bằng (trước 1975)
Loại nhạc cô Kim Loan hát hồi đó hay được kêu là nhạc sến, giờ được gọi trại ra là dòng nhạc “tình tự quê hương”. Rất nhiều tác phẩm cũ đã được phép công diễn trở lại, nhưng những bài như Căn Nhà Ngoại Ô thì chắc tới Tết Công Gô vì lời nhạc nói mấy chuyện đại khái như “chinh nhân“, “lên đường tòng chinh“, và mong ngày “non nước chung một màu cờ“…
Dù là sến nhưng dòng nhạc cô Kim Loan hát lại luôn được rất nhiều người mến mộ, từ đó tới giờ. Nhưng vì là sến nên lúc nào cũng có tranh chấp giữa hai phe khen và phe chê. Mới đây bên nhà lại xảy ra cãi vã dữ dội về dòng nhạc sến này, ít ra là thấy trên báo mạng. Đọc một vài phát biểu linh tinh trên mạng tôi thấy thiệt muốn mửa. Chẳng hạn như “Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường“[1], “Đua nhau hát nhạc sến là sự a dua thiếu nhận thức“[2] … Có cả một nhà lí luận âm nhạc không biết đẻ năm nào mà dám vung vít là nhạc sến gốc ở Hà Nội và từ “nhạc sến” là “cách gọi của người miền Bắc và xuất hiện sau năm 1975, , lúc đầu có ý miệt thị về một dòng nhạc ủy mị, khiến con người ta dễ sa đà vào tình cảm sướt mướt của tình yêu đôi lứa…”[3]!!!
* * *
Như đã nói bên trên, Qui Nhơn là một tỉnh lị nhỏ, những đoàn hát cải lương lớn như Thanh Minh Thanh Nga hình như chưa bao giờ ra Qui Nhơn cả. Tôi nhớ thường chỉ có mấy đoàn Kim Chung về hát ở Hội Trường Qui Nhơn hay nhỏ hơn nữa là đoàn Thanh Hương Hùng Minh chẳng hạn về hát ở rạp Kim Khánh. Nhà ở gần Hội Trường Qui Nhơn, đám con nít tụi tôi hay chạy ra coi đoàn hát mới tới, dọn đồ đạc phông màn từ xe cam nhông vô rạp. Có lần tôi thấy cô Mỹ Châu đứng trong rạp nói chuyện với vài người khác. Cô người nhỏ nhắn, mắc quần tây áo thun màu đen tóc uốn quăn bù xù. Hồi đó chắc còn nhỏ, chưa biết gì, và chắc chắn là không có màn xáp lại xin chữ kí, hay xin chụp hình chung để quắc lên mạng cho le lói!
Nhà ở gần Hội Trường Qui Nhơn thêm một chuyện vui nữa là đám con nít tụi tôi hay có trò rủ nhau đi coi hát thả cửa. Thả cửa là khi đâu còn chừng 10, 15 phút gì đó là vãn tuồng thì cửa nhà hát mở hẳn ra không có người gác nữa, ra vô tự do. Nhờ cái màn thả cửa này mà tôi coi được vài tuồng cải lương, toàn đoạn kết nên thường là có hậu. Có lẽ ảnh hưởng mấy tuồng này hay sao mà sau này khi ra đời tôi thường rán tin ở chuyện kết cục có hậu! Tôi không nhớ chi tiết nhưng có nhớ là mình coi được vài lần cô Mỹ Châu hát trên sân khấu trong những lần thả cửa này.
Ca sĩ Mỹ Châu
Giờ thì cô Mỹ Châu đã giải nghệ về hưu. Sân khấu cải lương chỉ còn lèo tèo. Mấy năm trước về thăm Sài Gòn, chìu bà xã, tôi đèo bã trên chiếc Honda chạy lòng vòng kiếm có rạp nào hát cải lương để mua vé coi mà kiếm không ra. Chắc chừng một thế hệ nữa thì cải lương sẽ được nói tới như giờ mình nói chuyện hát bội vậy!
* * *
Cả gần nửa thế kỉ đã trôi qua, cậu học trò tỉnh lị đã lớn lên và đi xa (và giờ thì đầu đã hai thứ tóc!), và được nghe nhiều loại nhạc khác và yêu mến nhiều nghệ sĩ khác, như là Khánh Ly, Thái Hiền, Nguyên Thảo… rồi Joan Sutherland, Kiri Te Kanawa… Jacqueline du Pré, Anne-Sophie Mutter… Karen Carpenter, Norah Jones… Tuy nhiên một đôi khi có điều gì gợi lại thì tôi thường nhớ về hình ảnh cô Mỹ Châu và cô Kim Loan hát ở Hội Trường Qui Nhơn ngày nào. Có thể chẳng phải là vì âm nhạc âm nhiếc gì cả, có thể chỉ là vì tôi thương tiếc những ngày thơ ấu của cái thằng tôi. Nhưng nhằm nhò gì, lí giải kiểu nào thì hình bóng hai cô vẫn nằm chình ình trong đầu dù rằng những gì hai cô hát tôi không còn nghe hay đã quên mất tiêu từ lâu rồi…
Và tháng 9 vừa rồi là giỗ ông già tôi, lần thứ 40.
Nguyễn Sĩ Hạnh
Đầu tháng 10.2013
[1] vtc.vn/chuyende/0/13-548/thanh-nien-tri-thuc-nghe-nhac-sen-la-khong-binh-thuong.htm
[2] vtc.vn/13-420273/giai-tri/dua-nhau-hat-nhac-sen-la-su-a-dua-thieu-nhan-thuc.htm
[3] vietnamnet.vn/vn/van-hoa/140248/nen-gat-bo-y-miet-thi-nhac–sen-.html
RE: Những Cô Ca Sĩ Thần Tượng Thưở Đầu Đời
Anh Hạnh,
Bài viết gợi nhớ nhiều đến tuổi thơ. Tiến như thấy mình ở trong đó dù không nhớ là đã có lần nào được diễm phúc đi xem cải lương ở rạp hát một cách hiên ngang! Chắc cũng có nhiều cái “thằng tôi” và “con tôi” chờ đến giờ “thả cửa” để nhìn thấy một mặt của đời sống để giờ này nhớ lại mà ngậm ngùi! KT
Thanks!
Cám ơn KT đã đọc và bàn!
Thật ra cũng chỉ lâu lâu mới đi coi hát [i]thả cửa[/i] một lần, vì thường là buổi tối (không biết hồi đó mấy giờ vãn hát)
H.
RE: Những Cô Ca Sĩ “Thần Tượng” Thuở Đầu Đời
Hạnh,
Trong Nam người ta kêu là thả giàn hay xả giàn.
DqB