Đường xa cho nghệ sĩ độc lập Việt

Sơn Phước
21.8.2013

Cách đây hai năm, chương trình Bài hát Việt mạnh dạn dành hẳn 30 phút phát sóng để giới thiệu Đại – Lâm – Linh, nhóm nhạc gồm ba thành viên do nhạc sĩ Ngọc Đại thành lập và đứng đầu. Sự việc thực sự đã tạo nên một làn sóng bình luận dữ dội từ phía khán giả lẫn giới chuyên môn mà đa phần là những phản hồi không tốt, không dành nhiều thiện cảm cho nhóm nhạc.

Đối với nhiều người, Đại – Lâm – Linh vẫn còn là một hình ảnh khác thường, không giống ai (trước đây cả ba thành viên đều cạo trọc đầu, ăn mặc như các nhà sư) và âm nhạc cũng kỳ quái, khó nghe không kém. Ít ai biết rằng nhóm nhạc đã có một quá trình hoạt động bền bỉ và từng ra mắt một album mang tên chính mình vào năm 2009.


Đại – Lâm – Linh trên sân khấu Bài hát Việt


Cũng từ đây, khái niệm indie mới bắt đầu được nhiều người chú ý và quan tâm mà Đại – Lâm – Linh hẳn sẽ luôn được nhắc đến như một trong những người tiên phong, đặc biệt là Ngọc Đại, người sáng tác tất cả các bài hát của nhóm và phụ trách cả việc hòa âm, phối khí. Mỗi lần xuất hiện của Ngọc Đại ồn ào nhưng luôn có sự mới mẻ. Hai sản phẩm “Nhật Thực” năm 2001 (với giọng ca Trần Thu Hà) và “Nhật Thực 2” năm 2004 (với Tùng Dương, Khánh Linh) từng tạo được nhiều tiếng vang vì sự cách tân trong âm nhạc.

Gần đây nhất, Ngọc Đại lại tiếp tục gây sốc bằng đĩa nhạc “Thằng Mõ 1 – Cái Nường 8x“. Tuy không được đón nhận nồng nhiệt, nhưng một lần nữa, Ngọc Đại chứng tỏ tinh thần dai dẳng, quyết theo đuổi đến cùng của mình trong âm nhạc thể nghiệm. Lần này, nhạc sỹ không chỉ tự sáng tác, tự phối khí mà còn tự thể hiện các ca khúc trong đĩa nhạc, tự ghi đĩa và rao bán. Chất nhạc cũng hoàn toàn khác hẳn. Nếu như “Đại – Lâm – Linh” là một phức hệ Đông – Tây, cổ truyền và đương đại thì “Thằng Mõ 1 – Cái Nường 8x” lại hướng đến sự tối giản trong nhạc cụ. Nội dung cũng không bó hẹp ở tình yêu, thân phận đàn bà mà mở rộng ra nhiều đề tài, lĩnh vực trong xã hội, dựa trên những bài thơ của Nguyễn Đình Chính.

CD “Thằng mõ 1 – Cái nường 8x” được Ngọc Đại phát hành đầu tháng 5/2013 khi chưa được cấp phép. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương thu hồi sản phẩm này. Quyết định xử phạt chính thức đã được thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội ban hành, theo đó, mức xử phạt hành chính đối với nhạc sĩ này là 30 triệu đồng. Biết thông tin này, Ngọc Đại chia sẻ rằng trong túi ông chẳng bao giờ có nổi quá vài trăm ngàn, ông không biết lấy đâu ra tiền để nộp phạt. Từ nhiều năm nay, Ngọc Đại chỉ biết đến âm nhạc. Ông làm âm nhạc cho mình, không có mục đích nào ngoài đam mê.

Âm nhạc indie Việt Nam không chỉ gói gọn ở Ngọc Đại và Đại – Lâm – Linh mà còn bao gồm nhiều tên tuổi khác nhau, với màu sắc khác nhau. Ngũ Cung là một ví dụ cụ thể. Ban nhạc được thành lập năm 2007 bởi năm thành viên có chung một niềm đam mê là progressive rock, tuy từng tham gia nhiều chương trình, cuộc thi nhưng phải đến khi cái tên Ngũ Cung được xướng lên trong đêm chung kết Bài hát Việt năm 2008 thì nhóm nhạc mới nhận được nhiều sự chú ý.

Năm 2009, nhóm mạnh dạn phát hành miễn phí đĩa đầu tay “365000“. Trong đó, Ngũ Cung tận dụng tối đa sự thô ráp, xù xì của rock để lột tả nỗi đau, đánh thức nỗi cô đơn từ bên trong của con người. Sáng tác hầu hết các ca khúc cho nhóm là Trần Thắng, một thành viên còn rất trẻ nhưng đã tỏ ra rất bản lĩnh trong việc xử lý các nốt cao. Khi vừa xuất hiện, nhóm nhạc được xem như một làn gió lạ, biết cách thổi hơi thở Việt, tâm hồn Việt vào nhạc rock quốc tế. Chất Việt của Ngũ Cung thể hiện ngay từ cách đặt tên bài hát mang đậm màu sắc Bắc Bộ: “Cướp vợ (tục lệ người H’mông)“, “Nụ hôn trên đỉnh Phanxipang” cho đến việc kết hợp nhuần nhuyễn âm giai ngũ cung Việt Nam.

Trái ngược với những âm thanh ồn ào, náo nhiệt của Ngũ Cung là chất rock điềm tĩnh, sâu lắng của Quái Vật Tí Hon mà mỗi bài hát là một câu chuyện nhỏ góp nhặt từ cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. “Đường về” của Quái Vật Tí Hon là minh chứng cho thấy rằng rock không cần phải gào thét ầm ĩ hay đao to búa lớn mà trái lại, gần gũi như hơi thở từng ngày. Mười hai ca khúc trong đĩa nhạc đều được viết bởi nhạc sĩ Bột (Nguyễn Công Hải), tuy đơn giản chỉ là những tâm sự của một con người về cuộc đời, nhưng cũng đủ vị đắng – cay – mặn – ngọt. Lời bài hát khi châm biếm, giễu nhại đến chua chát, khi lại mộc mạc, đời thường nhưng chứa chan cảm xúc.

Nguyễn Công Hải cũng không phải là cái tên quá mới. Trước đây, anh từng là ca sĩ hát chính của Microwave, một nhóm nhạc cũng được rất nhiều người yêu thích với những bản hit như “Tìm lại“, “Ước mơ“,… Quá trình từ hậu Microwave đến “Đường về” cũng là một câu chuyện dài. Ban nhạc gồm bốn thành viên Quái Vật Tí Hon đều đến từ những nhóm nhạc rock khác nhau, tự bỏ tiền túi để lặn lội sang tận Malaysia thu âm.

Thật ra, cả Ngũ Cung và Quái Vật Tí Hon đều sử dụng những chất liệu tương đồng. Vẫn là guitar của rock, vẫn là âm giai ngũ cung Việt Nam, và một chút dân gian Bắc bộ nhưng hai nhóm nhạc lại là hai màu sắc riêng biệt. Đó cũng là nét đặc biệt của những nghệ sỹ độc lập khi luôn cố gắng thoát khỏi chuẩn mực để tìm cho mình con đường riêng, tìm ra cách kể chuyện bằng những ngôn ngữ của riêng mình.

Bất kỳ một con đường nào cũng cần có người mở đầu. Những cái tên Ngọc Đại, Hải Bột hay Trần Thắng,… chắc chắn sẽ luôn được ghi nhớ như những bước đi đầu tiên của làn sóng ngầm indie. Sự có mặt của họ không chỉ làm cho món ăn âm nhạc trở nên đa dạng, phong phú mà còn chứng minh rằng còn rất nhiều người trẻ tuổi yêu nghề, yêu sáng tác vẫn đang miệt mài theo đuổi đam mê. Những con người đó có thể “độc lập” nhưng không hề cô lập.

Những gương mặt các nghệ sĩ indie không chỉ gói gọn ở những gương mặt xuất hiện trong chùm bài, vẫn còn rất nhiều tên tuổi khác vẫn đang say mê sáng tạo, say mê thử nghiệm. Có thể hiện tại họ vẫn hoạt động độc lập, suy nghĩ độc lập nhưng chắc chắn sẽ luôn có những khán giả sẵn sàng ủng hộ và theo dõi họ trên con đường “không độc lập” ở phía trước.

Sơn Phước

Nguồn: http://dep.com.vn/Binh-luan/Duong-xa-cho-nghe-si-doc-lap-Viet/26545.dep

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây