Aranjuez, ghi ta hoà quyện khúc đàn thôi miên

Tuấn Thảo
16.8.2013

Trong số các bài hợp tấu dành riêng cho ghi ta cổ điển, bản Concierto de Aranjuez là tác phẩm cực kỳ nổi tiếng. Với hơn 1000 phiên bản ghi âm, kể cả những phiên bản có đặt lời hay không, khúc đàn Aranjuez trong hậu bán thế kỷ XX, giúp cho Tây ban cầm cổ điển trở nên vô cùng phổ biến.

Trong số các bài hợp tấu dành riêng cho ghi ta cổ điển, bản Concierto de Aranjuez là tác phẩm cực kỳ nổi tiếng. Với hơn một ngàn phiên bản ghi âm, kể cả những phiên bản có đặt lời hay không, khúc đàn Aranjuez trong hậu bán thế kỷ XX, giúp cho Tây ban cầm cổ điển trở nên vô cùng phổ biến.


Tác phẩm Concierto de Aranjuez ra đời vào năm 1939 dưới ngòi bút của tác giả Joaquín Rodrigo (1901-1999). Ông sinh tại thị trấn Sagunto, cách thành phố Valencia khoảng 30 cây số, nằm ở phía đông Tây Ban Nha. Năm lên ba, ông mắc bệnh bạch hầu, gia đình không sớm phát hiện, nên ông bị mù đôi mắt. Năm lên tám, ông bắt đầu học đàn dương cầm và vĩ cầm, đến năm 16 tuổi ông học thêm lớp hòa âm và sáng tác (với thầy Francisco Antich).


Tốt nghiệp nhạc viện thành phố Valencia, ông bắt đầu cho ra đời những sáng tác đầu tay. Nhờ đoạt giải nhất nhân các cuộc thi, ông được sang Pháp du học trong vòng 5 năm tại Trường Cao đẳng Âm nhạc Paris, nối bước các bậc tiền bối là Isaac Albéniz, Manuel de Falla và Enrique Granados (người đã gợi hứng cho bà Consuelo Velazquez sáng tác bài Besame Mucho). Bốn gương mặt này sau đó được liệt vào hàng Tứ Quý nhờ công lao làm giàu dòng nhạc cổ điển Tây Ban Nha.

Tác giả Joaquín Rodrigo chấp bút sáng tác bản hợp tấu Concierto de Aranjuez năm ông 38 tuổi. Tác phẩm gồm ba phần, trong đó phần thứ hai viết theo thể điệu Adagio, chầm chậm trầm buồn, trở nên rất quen thuộc do được phối đi phối lại cả ngàn lần trong vòng nửa thế kỷ.

Aranjuez là tên của cung điện hoàng gia Tây Ban Nha, nằm cách thủ đô Madrid 50 cây số về phía nam. Khi nghe vợ mình kể lại khung cảnh nên thơ hữu tình của khu vườn thượng uyển bao bọc cung điện, tác giả chợt có ngẫu hứng sáng tác, để rồi lấy tên Aranjuez đặt cho tác phẩm.


Bản hợp tấu trở nên nổi tiếng ngay từ lần biểu diễn đầu tiên vào năm 1940 tại nhà hát lớn thành phố Barcelona. Giai điệu tha thiết lại càng u buồn da diết trong thời kỳ nội chiến Tây Ban Nha. Nhiều nhà phê bình cho là khúc đàn Adagio trong bản hợp tấu Aranjuez nói về cuộc đảo chính năm 1937 qua trận oanh tạc san bằng thành phố Guernica, mà danh họa Picasso đã thể hiện tài tình trong bức tranh cùng tên triển lãm tại Paris.

Về sau này, trong quyển tiểu sử viết về ông Rodrigo Joaquín, vợ của tác giả là nghệ sĩ dương cầm Victoria Kamhi kể lại rằng : chồng bà đã viết khúc adagio trong tâm trạng chán nản tuyệt vọng, nhưng đó là một nỗi buồn gia đình do mất mát riêng tư.

Vào thời ấy, hai vợ chồng chờ đón đứa con đầu lòng. Tác giả đã gần 40 tuổi, khó khăn lắm mới lập được gia đình. Nhưng niềm vui làm cha sẽ không tới vì đứa bé sinh non, chết từ khi mới lọt lòng. Nhiều năm sau đó, hai vợ chồng mới có được một đứa con gái.


Khúc đàn Aranjuez thành công trong hơn hai thập niên liền, được chuyển thể phóng tác nhiều lần, nổi tiếng nhất là phiên bản của tay kèn Miles Davis, nhưng mỗi lần ghi âm, các nghệ sĩ phải thu trọn vẹn chứ không được quyền rút ngắn.

Mãi đến năm 1966, lời hát đầu tiên mới được tác giả Guy Bontempelli đặt cho khúc nhạc này theo yêu cầu của ca sĩ người Pháp Richard Anthony. Dựa vào phiên bản tiếng Pháp Aranjuez mon amour, tác giả Alfredo Garcia Segura đặt thêm lời tiếng Tây Ban Nha thành ca khúc En Aranjuez con tu Amor.

Trong quyển hồi ký của mình, nam ca sĩ Richard Anthony kể lại lần gặp gỡ tác giả Rodrigo tại nhà riêng của ông ở thủ đô Madrid. Trong nguyên tác, khúc đàn Adagio của Aranjuez dài đến 9 phút, nên khi chuyển thành ca khúc, bài hát buộc phải tỉnh lược gần đi một nửa.


Ca sĩ người Pháp Richard Anthony nghĩ rằng tác giả Rodrigo sẽ khó mà bằng lòng để cho người khác chỉnh sửa tác phẩm của ông. Nhưng lạ thay, khi nghe thử bài hát, tác giả rất bồi hồi xúc động. Ông nói rằng cách phân đoạn giai điệu nghe rất lạ tai, nhưng lời bài hát tiếng Pháp làm cho ông chạnh lòng xao xuyến, nhớ lại bao kỷ niệm thời thanh niên.

Thời mà ông sang Paris du học với thầy là nhạc sư Paul Dukas tại Trường Cao đẳng Âm nhạc. Hai người rất quý mến nhau nên sau khi ông Paul Dukas qua đời vào năm 1935, tác giả Rodrigo đã viết bản Sonata de Adíos (Khúc đàn từ biệt) để kính tặng cho người thầy quá cố. Phiên bản ghi âm có lời ca ra đời vào năm 1967, một khi tác giả đã đồng ý nhận lời.

Bài hát Aranjuez mon amour trở thành một trong những bản nhạc ăn khách nhất trong sự nghiệp của Richard Anthony, với hơn 5 triệu đĩa đơn phát hành trong cùng một năm. Cánh chim bồ câu miền Hy Lạp Nana Mouskouri và nữ hoàng fado của Bồ Đào Nha đều có ghi âm ca khúc này trong tiếng Pháp.


Từ cuối những năm 1960 trở đi, bản Aranjuez sẽ liên tục được phóng tác chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng, và trong mỗi ngôn ngữ bài này có ít nhất là hai lời. Trong tiếng Anh, có bản Follow Me do hai tác giả Hal Shaper và Herbert Kretzmer đặt lời. Nhưng nổi tiếng hơn nữa nhất là phiên bản I Recall Spain, của hai tác giả Artie Maren và Al Jarreau, dựa theo phóng tác nhạc jazz của Chick Corea.

Phiên bản tiếng Ý cũng có nhiều lời khác nhau : bài Trenodia của Giorgio Calabrese và bài Aranjuez, la Tua Voce của tác giả Paolo Dossena, do Dalida ghi âm và bản Lacrime của Pietro Galassi phối theo nhạc pop. Đến năm 1988, bà Victoria Kamhi, vợ của tác giả Joaquín Rodrigo, soạn thêm lời mới thành ca khúc Aranjuez, Ma Pensée (Aranjuez trong tâm trí).

Ngoài hai giọng ca tenor lừng danh thế giới là José Carreras và Placido Domingo, hầu hết các giọng ca xuất thân từ dòng nhạc pop cổ điển như Bocelli, Sarah Brightman hay các nhóm Il Divo, Amici đều có ghi âm lại bản Aranjuez, nhưng phiên bản làm cho tác giả Joaquín Rodrigo hài lòng vừa ý nhất lúc sinh tiền là bản hợp tấu của Paco de Lucia, tay đàn ghi ta flamenco nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha.


Có một điều rất lạ là tác giả Joaquín Rodrigo đã viết một bản hợp tấu ghi ta rất đẹp rất hay, diễn đạt được tinh hoa của Tây ban cầm cho dù đây không phải là nhạc cụ sở trường của ông. Sinh thời, tác giả này sáng tác bằng đàn piano chứ ông không biết chơi đàn ghi ta.

Nhưng nhờ cái lỗ tai thần kỳ của một người khiếm thị, nhờ sức tưởng tượng dồi dào trong tâm trí, mà ông Joaquín Rodrigo lại mô tả được, dù chưa bao giờ nhìn thấy, một khu vườn xinh đẹp, diệu kỳ.

Tại Aranjuez, vườn hoa thượng uyển ngạt ngào hương mộc lan, dạt dào sắc thủy tiên, tiếng rì rào của gió thổi ngoài hiên, tiếng róc rách trong bồn nước chảy triền miên. Trong tâm trí của người viết nhạc, những âm thanh thiên nhiên một khi được hòa quyện, thành tiếng đàn gọi hồn, thành khúc nhạc thôi miên.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130810-aranjuez-ghi-ta-kinh-dien-giong-ca-thoi-mien

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây