Santana, nhạc rock tuyệt đỉnh quyện hồn La tinh

Tuấn Thảo
10.8.2013

Vào mùa hè năm 1970, một tập nhạc phá kỷ lục số bán chiếm hạng đầu thị trường Bắc Mỹ trong vòng mười tuần lễ liên tục. Đó là album thứ nhì của ban nhạc Santana, mang tựa đề Abraxas. Trích từ album này, có ba bản nhạc trở nên rất quen thuộc, giúp cho nhóm Santana tiến hành cuộc cách mạng dòng nhạc rock La tinh.


Carlos Santana nằm trong số 100 tay đàn cừ khôi nhất thế giới (DR)


Trong ba bài hát ăn khách đó chỉ có bài Samba Pa Ti là nguyên tác của tay đàn Carlos Santana và cũng là thành viên sáng lập ban nhạc. Hai bài kia do Santana ghi âm lại với lối chuyển thể tài tình là Oye Como VaBlack Magic Woman. Do rất nổi tiếng qua phần thể hiện của nhóm Santana, cho nên nhiều người cứ lầm tưởng bản nhạc Black Magic Woman do tay đàn Carlos Santana sáng tác.

Thật ra, ca khúc này đã ra đời dưới ngòi bút của tác giả người Anh Peter Green, thành viên sáng lập ban nhạc Fletwood Mac. Nhóm này từng ghi âm ca khúc Black Magic Woman, phối theo điệu blues rock vào năm 1968, nhưng không thành công rực rỡ cho lắm. Bài chỉ đứng hạng thứ 37 trên số 100 ca khúc ăn khách nhất mùa hè năm 1968.

Đến hai năm sau (1970), khi nhóm Santana ghi âm lại (cover) ca khúc này theo lối hòa âm phối khí với bộ gõ La Tinh, thì lúc đó bản nhạc Black Magic Woman mới phá kỷ lục số bán, nâng uy tín và tầm vóc của nhóm lên hàng quốc tế. Phiên bản của Santana thật ra là một liên khúc kết hợp hai bài hát thành một.


Phần chủ đạo là bài Black Magic Woman nhưng khúc nhạc dạo đầu và phần biến tấu ở đoạn cuối là bài Gypsy Queen phát hành vào năm 1966, của tay đàn ghi ta người Hungary Gábor Szabó, chuyên phối hợp nhạc folk với nhạc jazz. Tiền thân của bài Gypsy Queen là nhạc phẩm Who’s Been Talkin do tác giả nhạc blues Howlin Wolf, sáng tác từ năm 1957.

Carlos Santana là một tay đàn ghi ta solo độc đáo người gốc Mêhicô, cừ khôi trong lối bấm dây vuốt âm, thần kỳ trong cách chuyển cung biến tấu. Tạp chí Rolling Stones từng xếp anh vào hạng 20 trên danh sách 100 tay đàn ghi ta xuất sắc nhất thế giới. Tuy nhiên, trên sân khấu hay trong phòng thâu, Carlos Santana chủ yếu chơi đàn chứ ít khi nào ca hát. Trong nhạc phẩm Black Magic Woman, nghệ sĩ Gregg Rolie mới chính là người đã cất giọng ca, ghi âm bài hát.

Cũng như bài Black Magic Woman, nhạc phẩm Oye Como Va là phiên bản phóng tác của Santana từ ca khúc trứ danh của nhạc sĩ Tito Puente (1923-2000), sinh trưởng tại Puerto Rico. Nếu như nhạc sĩ Cuba Perez Prado được mệnh danh là ông hoàng mambo, nhạc sĩ Tây Ban Nha Xavier Cugat là ông hoàng rumba thì Tito Puente là ông vua của dàn trống định âm, chuyên kết hợp bè trầm của bộ gõ với sắc bổng của bộ kèn đồng.


Thể điệu sở trường của Tito Puente là các nhịp điệu La Tinh phối với jazz, bao gồm cả mambo, cha cha, pachanga, boogaloo và nhất là salsa. Bản nhạc Oye Como Va được ông sáng tác cho thể điệu cha cha, gợi hứng từ ca khúc Chanchullo (1937) của nhạc sĩ Israel Cachao Lopez. Tito Puente ghi âm ca khúc này lần đầu tiên vào năm 1963, tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ.

Khi ghi âm lại bài hát Oye Como Va vào năm 1970, nhạc sĩ Carlos Santana đã dùng đàn phím thay thế cho kèn đồng, và nhất là dùng các đoạn biến tấu bằng tiếng đàn ghi ta điện để làm nổi bật sắc thái của nhạc rock trên nhịp điệu La Tinh.

So với các phiên bản khác, điển hình là ca khúc Oye Como Va, qua phần thể hiện của nữ hoàng nhịp điệu salsa Celia Cruz, thì phiên bản của Santana chủ yếu chỉ giữ lại phần hát điệp khúc, chứ không có toàn bộ ca từ như trong bản nhạc nguyên gốc.

Bản nhạc trích đoạn thứ ba từ tập nhạc Abraxas là bài Samba Pa Ti. Đây mới thật sự là nguyên tác của Carlos Santana, đậm đặc chất La Tinh, nhưng nhịp điệu lại hơi khác so với hai bản cover. Khúc đàn này tạo được nhịp cầu nối với các ca khúc rock còn lại trên cùng album.


Trái với tựa đề của nó, khúc nhạc này không đơn thuần là một điệu samba, mà lại mở đầu bằng tiếng đàn ghi ta solo ướt át trữ tình, nóng bỏng lãng mạn như một bài slow rock. Từ nửa phần sau trở đi, khúc nhạc mới trở nên dồn dập hơn nhưng thực chất vẫn chưa phải là samba truyền thống, mà là một thể điệu liền nhịp theo cách phối của Santana.

Trong nguyên tác, Samba Pa Ti là một khúc nhạc không lời, nhưng vì giai điệu quá hay cho nên đến năm 1973, mới được tay đàn ghi ta José Feliciano đặt thêm lời tiếng Tây Ban Nha, biến khúc đàn thành một ca khúc. Hầu hết các phiên bản sau đó, trong đó có phiên bản của ban tam ca SBS, tuy có chỉnh sửa đôi chút nhưng chủ yếu dựa vào ca từ của tác giả José Feliciano.

Với gần 10 triệu album bán chạy trong vòng hai năm sau ngày ra mắt, chưa kể đến những lần tái bản, tập nhạc thứ nhì của Santana đã giúp cho nhóm này lập kỷ lục, đạt đến đỉnh cao chói lọi sự nghiệp. Một thành tích mà sau đó ban nhạc Santana khó thể lặp lại. Tựa đề tập nhạc Abraxas lấy từ một câu văn trong quyển tiểu thuyết Damian của nhà văn Herman Hesse.


Tập nhạc của Santana đã đặt cột mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc. Trước Abraxas, các thể điệu La Tinh thường được gắn liền với hình ảnh hơi cổ xưa, hơi lỗi thời của các nhịp điệu khiêu vũ. Sau Abraxas, thể điệu La tinh tựa như một luồng sinh khí, hấp thụ nuôi dưỡng, giúp cho nhạc rock càng có thêm nhiều sắc thái một khi được hòa quyện tài tình khéo léo.

Hầu như vào cùng một thời điểm, nhạc sĩ phong cầm Astor Piazzola đã tiến hành cuộc cách mạng tango mới, bằng cách khuynh đảo trật tự, phá vỡ khuôn thước của vũ điệu truyền thống nổi tiếng của Argentina. RFI sẽ đề cập đến chủ đề này trong một kỳ tới.

Nhạc rock quyện hồn La Tinh, khai phóng vài năm sau đó trường phái âm nhạc thế giới (world music) mà Santana được xem như là một gương mặt tiên phong. Còn nhạc phẩm Black Magic Woman tuy không phải là nguyên tác nhưng lại trở thành ca khúc tiêu biểu của nhóm.

Sự thành công vang dội của bài hát một phần là do tài phối khí chơi đàn của Carlos Santana và phần còn lại là do lối diễn đạt có hồn (soulful) của ca sĩ Gregg Rolie, để diễn đạt như theo gợi ý của bài hát : ma lực quyến rũ của người đàn bà, mùi hương ngọc ngà ma thuật kỳ lạ, ánh mắt lan tỏa bí ẩn phép tà, trái tim mù lòa đàn ông hóa đá.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130824-santana-nhac-rock-tuyet-dinh-quyen-hon-la-tinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây