Khánh Thư
09/06/2013
(Thethaovanhoa.vn) – Cách đây chưa lâu, trong lần về Việt Nam biểu diễn, nghệ sỹ Bích Trà có mang theo 100 CD album mới nhất của mình (album độc tấu piano cổ điển Joseph Joanchim Raff: Piano works 1 & 2) với ý nghĩa thăm dò thị trường (với giá bán 300 ngàn/1 CD) nhưng cuối cùng đã bán hết vèo trong vòng gần nửa tiếng đồng hồ. Với Bích Trà đó thật sự là một bất ngờ.
Một số đĩa nhạc không lời gây chú ý trên thị trường
Bích Trà bất ngờ nhưng thực tế thị trường nhạc không lời ở Việt Nam vẫn sống tốt. Nói riêng ở dòng cổ điển, jazz, hòa tấu… của các nghệ sĩ quốc tế thì ở Việt Nam đó là một thị trường ăn nên làm ra. Tất cả các cửa hàng băng đĩa tại đây, với những sản phẩm quốc tế nổi tiếng, đều bán chạy và có sức mua ngày càng cao hơn.
Thực tế này cũng có thể thấy ở các sản phẩm của các nghệ sĩ quốc nội dù lận đận hơn một chút nhưng vẫn thắng. Trần Mạnh Tuấn là một ví dụ. Album Về quê của anh đã phát hành hơn 10 năm nhưng được tái bản liên tục. Trần Mạnh Tuấn nói rằng tính đến nay, album này đã bán phải hơn 100.000 bản, một kỷ lục của cả thị trường âm nhạc Việt.
Cũng mới đây, trong đêm nhạc của anh và nhóm Saigon Big Band – A new year Celebration Concert, một loạt các album mới phát hành lẫn hàng cũ tái bản (vỏ hộp được scan lại từ bìa album cũ rất nhem nhuốc) được bày bán và đắt như “tôm tươi” dù giá cả đã được nâng khống lên hơn gấp 3 giá ngoài các cửa hàng băng đĩa – 200 ngàn/CD.
Hai sự việc trên (một với nghệ sĩ quốc tế, một với nghệ sĩ quốc nội) tạo cho người quan tâm một băn khoăn, trong khi các ca sĩ, nhà sản xuất nhạc nhẹ than vãn album làm trong thời buổi này gần như cho không khán giả, lượng đĩa bán ra không đủ khả năng gỡ lại vốn thực hiện… thì họ – những người chơi nhạc không lời, trái khoáy thay, lại bán đĩa chạy vèo vèo, tái bản còn không kịp.
Nhạc xưa muôn năm
Có thể điểm danh 3 “ông lớn” trong việc phát hành đĩa nhạc không lời hiện nay: Saigon Vafaco với các chương trình thuộc dạng thương hiệu: độc tấu saxo Trần Mạnh Tuấn, Lê Tấn Quốc, piano Nguyễn Ánh 9, guitar Kim Tuấn…; Phương Nam Phim với guitar Kim Chung, Vĩnh Tâm, harmonica Tòng Sơn, đàn tranh Thanh Thủy, loạt album nhượng quyền phát hành của hai nghệ sĩ quốc tế Nicolas de Angelis và Richard Clayderman…; Bến Thành Audio&Video với saxo Xuân Hiếu, piano Hoài Sa, đàn tranh Hải Phượng, các chương trình nhạc dân tộc tranh – sáo – bầu…
Một điều dễ nhận thấy là các chương trình hòa tấu, độc tấu trên đa phần là chơi lại các bài hát nhạc xưa, các ca khúc được mệnh danh là “vượt thời gian” của các tác giả: Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Phụng… Nếu như Saigon Vafaco chịu khó khai thác các tác phẩm của Nguyễn Ánh 9 thì Phương Nam Phim và Bến Thành cũng độc quyền nhạc Phạm Duy và Lam Phương như một cách nhấn mạnh thương hiệu của mình trên thị trường nhạc không lời.
Các đĩa nhạc chơi các tác phẩm cổ điển nổi tiếng thế giới ở thị trường trong nước có vẻ nhún nhường hơn so với dạng nhạc xưa này. Nghệ sĩ guitar Kim Chung, sau 3 album chơi các sáng tác cổ điển viết riêng cho guitar đã chiều lòng, đến gần với khán giả hơn khi phát hành album thứ 4 – Mắt biếc với các bài hát nhạc xưa. Cũng hơi khó trách khán giả, bởi như pianist Bích Trà chia sẻ: “Ở nước ngoài, người ta được giáo dục để nghe nhạc giao hưởng cổ điển từ nhỏ nên bản thân mỗi người đã có sự thẩm thấu âm nhạc bác học từ khi còn là trẻ con. Còn mình chưa làm được việc như thế nên chuyện khán giả thấy xa lạ với nhạc cổ điển cũng là chuyện dễ hiểu”.
Bán đường dài
Theo bà Hải Yến (biên tập viên hãng đĩa Saigon Vafaco) chi phí để sản xuất một album nhạc hòa tấu, độc tấu có khi chưa bằng phân nửa đĩa nhạc có ca sĩ hát, tiến trình sản xuất lại nhanh hơn. Tuy không ào ạt như các ca sĩ hot trên thị trường nhưng CD nhạc không lời lại bán theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, cứ lai rai qua năm này đến năm khác, chưa bao giờ bị đề-mốt trên thị trường.
“Chỉ cần bán được 2 ngàn CD thì chúng tôi đã gỡ được vốn sản xuất một chương trình rồi, huống chi có những CD bán cả chục năm nay vẫn chạy, phải tái bản đều đều. Tuy nhiên, việc bán mặt hàng này cũng tùy theo từng thời điểm, ví như các dịp lễ 30/4, Quốc khánh 2/9 thì các chương trình như: Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Nhạc nghi lễ… bán rất chạy. Có những chương trình mà khách hàng tìm mua năm này qua năm nọ như hòa tấu nhạc giao hưởng Sóng Danube, nhạc Mozart cho trẻ em hay độc tấu Piano Nguyễn Ánh 9 với các tác phẩm tâm đắc… chúng tôi đã bán vượt quá con số 20 ngàn bản”.
Ông Lê Lam Viên, đại diện Phương Nam Phim cho biết: “Với chi phí đầu tư không quá cao, không có ca sĩ ngôi sao “hét” giá, các chương trình hòa tấu tuy không bán ào ào nhưng cứ lai rai quanh năm. Tuy nhiên cũng không phải thuộc loại “dễ ăn”, cũng phải đầu tư cho hòa âm – phối khí vì nếu chất lượng không tốt thì chắc chắn là không thể bán đường dài rồi. Khách hàng dạng này phải nghe “êm tai” thì họ mới mua!”.
Ngoài ra thì “có cũ phải có mới”, các hãng phải liên tục ra những chương trình mới, ví như Phương Nam Phim đã ra đến vol.18 cho loạt hòa tấu Những tình khúc bất tử hay sắp tới là album thứ 4 của nghệ sĩ harmonica Tòng Sơn và album độc tấu piano nhạc Phạm Duy thứ 4 (do nhạc sĩ Việt kiều Đức, Nguyễn Công Phương Nam, thực hiện)…. Chương trình mới ra sẽ kích thích người nghe tìm hiểu thêm về các loạt album cũ có liên quan để mua.
Hàng ngoại – vỏ nội
Thời gian gần đây, ngoài việc sản xuất các chương trình trong nước, Phương Nam Phim còn đẩy mạnh việc phát hành lại các sản phẩm nổi tiếng trên thế giới. Với hình thức nhượng quyền, “bán tới đâu trả tới đó”, chuyển theo gói dựa trên số lượng phát hành cho đơn vị giữ bản quyền, Hãng cũng gây chú ý trên thị trường với loạt chương trình của hai tên tuổi lớn là nghệ sĩ guitar Nicolas de Angelis và dương cầm thủ Richard Clayderman, sắp tới sẽ phát hành tiếp loạt album của nhóm Ocarina… Chưa kể hai sản phẩm cao cấp là album Chopin của NSND Đặng Thái Sơn và The Violin muse của tay vĩ cầm nổi tiếng người Nhật, Ikuko Kawai.
Với giá cả mềm hơn ấn bản phát hành ở các nước khác rất nhiều (chỉ khoảng 50 ngàn/CD), bìa được in ấn đẹp và bắt mắt, chất lượng âm thanh tương đương bản quốc tế, lại có dạng ấn phẩm đặc biệt dành cho dân sưu tập… loạt chương trình “hàng ngoại – vỏ nội” này cũng khá được yêu thích, đáp ứng đúng nhu cầu của người nghe nhạc với túi tiền bình dân.
Cũng cần phải nói thêm là các hãng sản xuất rất biết cách đánh vào tâm lý hoài niệm của người tiêu dùng. Ngoài những mặt hàng nội tiếng tăm thì những Nicolas de Angelis hay Richard Clayderman đã sống trong lòng công chúng Việt Nam từ 3 thập niên trước, khi mà những chiếc băng cassette còn là hàng xa xỉ và những chiếc CD được nhập lậu về bán với giá trên trời nhưng vẫn có người mua. Bên cạnh đó, giới nghe nhạc hi-end cũng rất thích, những sản phẩm âm nhạc cao cấp và một loạt những Beethoven, Mozart hay Đặng Thái Sơn, Ikuko Kawai phần nào có thể chiều lòng được những người tiêu dùng khó tính.
Được biết, sản xuất một chương trình hòa tấu nhạc cụ trong nước ngốn khoảng 40 – 50 triệu, chưa kể đến tiền tác quyền bài hát, chi phí dập đĩa, làm bìa, đóng hộp… giá bán được niêm yết phải dưới 100 ngàn thì mới được người nghe chú ý và phải bán đến CD thứ 2.000 thì các hãng mới huề vốn (thường các chương trình nhạc không lời do các hãng bỏ vốn sản xuất chứ ít nghệ sĩ nào chịu đầu tư). Với dạng “nhập hàng ngoại khoác áo nội” này, tuy hơi rắc rối trong khâu thủ tục xin giấy phép phát hành nhưng các hãng sản xuất sẽ có… lời nhiều hơn một chút.
Không cần những chiêu trò lăng-xê như thị trường nhạc có lời, cũng không cần nhiều hình thức quảng bá, những album nhạc không lời vẫn đang âm thầm len lỏi trong dòng chảy âm nhạc đại chúng và có một đời sống riêng hết sức phong phú.
Khánh Thư