Sơn Phước
11/5/2013
Một năm trước, Lê Cát Trọng Lý cho ra đời sản phẩm âm nhạc đầu tay khi đã là một nghệ sĩ được cả giới phê bình lẫn đông đảo khán giả công nhận (rất nhiều ca khúc của Lý trở thành hit trên mạng và Chênh vênh thắng giải Bài hát Việt năm 2008). Do đó, đĩa nhạc nhanh chóng nhận được rất nhiều luồng phản hồi khác nhau. Có người ủng hộ ghi nhận những cố gắng và nỗ lực của Lý, cũng có người cho rằng đây là một sự thất bại, đơn giản và một màu với guitar cùng piano, trong khi đa phần đều là những sáng tác cũ.
Trường hợp của Lê Cát Trọng Lý rất gần với Giấc mơ tôi của Uyên Linh khi cả hai đều là những đĩa nhạc hay, tuy nhiên lại bị đánh giá thấp vì không chứa đựng nhiều đột phá. Nhưng nếu như Uyên Linh thẳng thắng thừa nhận rằng những gì khởi đầu không phải là con đường mà cô theo đuổi, thì Lê Cát Trọng Lý âm thầm lặng lẽ cho ra đời Tuổi 25 như một lời khẳng định: tôi đã hai mươi lăm và đây là âm nhạc của tôi.
Điểm khác biệt đầu tiên dễ nhận thấy nhất là tất cả các ca khúc đều được thu âm trực tiếp từ một liveshow cùng tên của Lý diễn ra tại Hà Nội. Có lẽ chính vì sự “lười biếng” này mà cách Lý trình bày từng ca khúc vừa hồn nhiên, thoải mái lại giàu xúc cảm. Nhất là giờ đây cô quyết định không sử dụng sáng tác của các tác giả khác mà đơn giản chỉ là hát lên những tâm tư tình cảm của mình.
Ở tuổi hai mươi lăm, Lý vẫn dành thời gian để yêu như bao người con gái khác, có điều thay vì tình yêu trai gái đơn thuần, cô yêu thiên nhiên và con người nhiều hơn. Tình yêu của Lý không đau khổ, bi lụy mà dịu dàng, trong trẻo như chính giọng hát của cô. Thương từng được Mai Khôi thể hiện với bản phối pop và giọng hát trả bài, chỉ dừng ở mức chấp nhận được. Trong khi đó, Lê Cát Trọng Lý kìm bài hát lại, hát ở nhịp điệu chậm rãi của acoustic. Cô “ghen với gió, giận cơn mưa” bằng một cách rất dễ thương đầy nữ tính. Nhưng phải nói rằng, chính violon mới là điểm khiến cho cả bài hát lẫn đĩa nhạc của Lý sáng hẳn lên.
Hãy quay lại với Introduce Mùa xuân, bản nhạc không lời sử dụng violon làm chủ đạo cũng là chiếc chìa khóa dẫn dắt người nghe đi vào không gian của Tuổi 25, mùa xuân hay là tuổi trẻ. Mỗi lần tiếng violon của Cát Du cất lên lại tạo ra một cảm giác đau nhói lòng, đơn giản vì nó đưa ta trở về mùa xuân nhiều hơn là đến với mùa xuân, trở lại tuổi 25 nhiều hơn là giới thiệu tuổi 25. Và trong cái không gian đầy hoài niệm đó, Lý không hát một câu nào ngoại trừ những lời ngân ngẩn ngơ đầy tiếc nuối.
Một điều đáng mừng, Tuổi 25 không lạm dụng violon từ đầu đến cuối mà được nhấn vào đúng lúc đúng chỗ, khi da diết trong Thu lu, khi lại đầy tung hứng trong Nhiều người ôm giấc mơ. Đặc biệt trong Mộng du (Người lang thang), tiếng violon kết hợp với guitar và khèn vang lên một cách hết sức hiệu quả, lãng đãng như chính tên bài hát, đưa ta lang thang đến một vùng đất nào đó bao la rộng lớn, nhưng nỗi cô đơn trống trải thì lại ôm hết vào lòng.
Ngoài violon thì các nhạc cụ khác cũng làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt cảm xúc của mình. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc có thể phủ nhận vai trò quan trọng của Lê Cát Trọng Lý. Nhất là khi càng về sau, đĩa nhạc của Lý lại càng có sức nặng về ca từ lẫn xúc cảm. Khác hẳn với cảm giác dễ chịu của Thương, Con đường lạ vừa nặng trĩu nỗi buồn, vừa tưng tửng đầy ngẫu hứng khi viết về cái chết của một người con gái. Dù vui hay buồn thì ta vẫn thấy rõ nỗi bất lực trước sự chia cách, hệt như hình ảnh “mùa đông Hà Nội tìm hạ Đà Nẵng”.
Thực ra, Tuổi 25 hoàn toàn vẫn giữ được chất ngẫu hứng của Lê Cát Trọng Lý (thể hiện rõ nhất trong Tám chữ có), nhưng nội dung trong âm nhạc thì rộng lớn hơn khi bàn về thân phận con người và xã hội. Thu lu là một câu chuyện khác, về những con người đã mất và cả những linh hồn chưa từng được chào đời. Cô khẽ khàng tuyên bố: “Ai có buồn, hãy nghe lòng tôi, hãy nghe lời tôi”. Để chứng minh điều đó, cô không hát về tình cảm nam nữ mà hát về cuộc đời. Ở đây, ta không còn thấy một Lê Cát Trọng Lý đắm đuối trong tình yêu như với sáng tác của Thanh Tùng, Cơn bão nghiêng đêm. Thay vào đó, cô dửng dưng, không ngần ngại buông những lời hát có phần cay nghiệt: “Yêu rồi oán, vui thì ngắn” (Không tên) và thẳng thừng: “Chưa ai hát câu ca, về một miền tự do” (Chưa ai)
Một điểm trừ trong Cơn bão nghiêng đêm là Lý phát âm không chuẩn từ “gãy”, nay lại lặp lại trong Tuổi 25 khi cô phải hát trực tiếp với ban nhạc. Có lẽ là do xuất phát từ vùng miền. Vậy mà cái lỗi phát âm đó lần này lại trở nên hết sức dễ chịu, như một nét duyên thầm của Lý. Cô hát ngọng nghịu dễ thương như cố ý trong Mộng du (Người lang thang). Kể cả cách phát âm sờ nặng đặc rệt trong Nhiều người ôm giấc mơ cũng dễ dàng chấp nhận được.
Dẫu yêu thương hay căm ghét Lê Cát Trọng Lý, có lẽ cũng sẽ dễ dàng chấp nhận và bỏ qua hết khi cuối đĩa cô thật thà thú nhận: “Thời thì ai cũng xem mình hay, và thì em cũng xem mình hơn. Khi lòng tan nát, trăm lời vô nghĩa. Ừ xem chúng ta hơn thua được chi?”. Đơn giản như vậy, Tuổi 25 như một minh chứng rằng giờ đây Lý đã trưởng thành, trong cả suy nghĩ lẫn âm nhạc.
Sơn Phước
11/5/2013
Nguồn: http://nsphuoc.wordpress.com/2013/05/11/tuoi-25-le-cat-trong-ly/