Đức Tuấn
16.4.2013
GARDEN GROVE (NV) – Một trong số những nhạc sĩ lão thành hiện đang sinh sống quanh vùng quận Cam, Nam California đó là nhạc sĩ Tuấn Khanh, ông là tác giả của rất nhiều những sáng tác nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ nay như Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Trên Thềm Cũ…
Phóng viên Người Việt đã có buổi trò chuyện với ông về cuộc đời và âm nhạc tại tư gia của ông.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)
1954-1975
Nhạc sĩ Tuấn Khanh quê ở Nam Ðịnh, ông theo gia đình vào Nam năm 1955 lúc ông được khoảng 22 tuổi.
“Khi tôi vào đến trong Nam, thì tôi có viết chung với nhạc sĩ Y Vân nhạc phẩm Ðò Ngang và đó cũng là sáng tác đầu tiên của tôi,” nhạc sĩ Tuấn Khanh nói tiếp, “Trước khi tôi vào Nam, tôi đã thi hát ở Hà Nội, và đoạt thủ khoa, bởi vậy khi vào Nam tôi được nhận vào làm đài phát thanh Sài Gòn, cũng từ nơi làm việc này tôi đã gặp nhạc sĩ Y Vân, và hình như giữa chúng tôi vì cùng tuổi, ngang tài nên hợp nhau và từ đó mới có ca khúc đầu tiên phối hợp với nhạc sĩ Y Vân.”
Nhắc lại chuyện học nhạc, nhạc sĩ Tuấn Khanh, gợi nhớ: “Người thầy dạy nhạc đầu tiên của tôi là ông anh kế tôi, lúc đó là thời gian tôi theo gia đình đi tản cư ở Phát Diệm, Sau đó gia đình tôi hồi hương được và về lại Nam Ðịnh, rồi lại chuyển lên Hà Nội, tại Hà Nội tôi đã đi tìm thầy dạy nhạc ngay, ông thầy đầu tiền dạy nhạc tôi là ông Nguyễn Văn Diệp, tôi học thầy Diệp chỉ được một thời gian ngắn, rồi lại chuyển sang học 3 ông thầy người Pháp.”
Trong những tâm tình của ông về chuyện học nhạc, nhạc sĩ nói bởi vì ông học nhạc từ những ông thầy người Pháp, và lại học nhiều về nhạc cổ điển, nên ông nói, “Chắc chắn những sáng tác của tôi không ít thì nhiều ảnh hưởng nhạc của Tây!”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết tính đến nay, ông có khoảng trên 100 nhạc phẩm, thế nhưng “sáng tác là sáng tác, còn chuyện những đứa con tinh thần của mình có nổi lên được hay không? Hoặc trong số trên 100 ca khúc đó, có bao nhiêu bài được quần chúng biết đến hay nói cách khác là nổi tiếng thì đó là chuyện khác,” bởi thế ông tâm tình ông có khoảng vài chục bài nổi tiếng là hay lắm rồi.
“Hầu hết những tác phẩm của tôi đều được viết lời và nhạc chung, tuy nhiên cũng có một vài ca khúc được sáng tác chung với Hoài Linh.” Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhắc lại những bài tình ca đã đi vào lòng người từ nhiều thập niên như Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Mùa Xuân Ðầu Tiên, Nỗi Niềm, Nhạt Nhòa…
Riêng ca khúc “Chiếc Lá Cuối Cùng” theo nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, ông viết bài hát này từ trước năm 1960, “Bài ‘Chiếc Lá Cuối Cùng‘ là nhạc phẩm kể lại chuyện tình cảm có thật của tôi, đây là một chuyện tình rất dài, da diết, ngang trái.” Ông nói thêm “Ai cũng nghĩ rằng bài ‘Chiếc Lá Cuối Cùng‘ không có happy ending, nhưng thật sự bài đó có kết thúc vui vẻ đấy chứ!”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh khẳng định hầu như bất cứ nhạc phẩm nào ông sáng tác cũng đều phát xuất từ tình cảm, cảm xúc thật của chính ông đã trải nghiệm trong đời sống.
“Thông thường sau khi hoàn tất một nhạc phẩm thì động tác nào đầu tiên để bác sẽ nghĩ đến? tức là bác sẽ giữ tác phẩm lại làm kỷ niệm hay sẽ gửi đến các trung tâm sản xuất băng đĩa để giới thiệu và nhờ họ quảng bá sâu rộng trong quần chúng?”
“Bán hay không bán? Hai chuyện ấy có hai ý nghĩa khác nhau, không phải một bài nhạc mình muốn bán là mình muốn tiền, nhưng mà bài nhạc mà được phổ biến càng đi xa khắp nơi thì phải là bài nhạc mình bán được cho trung tâm, vì trung tâm là người có tiền, họ có phương tiện quảng bá tác phẩm của mình được, dĩ nhiên khi bài hát của mình được nhiều người yêu thích thì họ mới mua, vì họ là người làm kinh doanh mà, nên khi họ bỏ tiền ra mua bản quyền của mình để mang đi in ấn, sau đó tung ra giới thiệu khắp nơi, làm như thế họ mới kiếm được lời càng nhiều càng tốt, trong thực tế nhạc bình dân, nhạc đại chúng là dòng nhạc có số bán cao gấp mấy mươi lần một bài nhạc sang… Bởi vậy có khi mình không muốn bán nhưng vì mình muốn tác phẩm của mình được lăng xê, nên mình buộc lòng phải chạy đi tới các nhà sản xuất giới thiệu bài mới của mình, thành thử cái hành động rao bán một bài nhạc cũng bẽ bàng lắm, có khi họ mua, có khi họ chê bai, phê bình này nọ, trả giá rồi họ xem mình như một món hàng… Những lúc như thế người nhạc sĩ thấy buồn cho thân phận của mình lắm!” Nhạc sĩ Tuấn Khanh trải lòng.
“Có khi nào bác làm một bài nhạc theo ‘đơn đặt hàng’ của các nhà sản xuất không?”
“Không bao giờ! Và đó chính là sự thiệt thòi của mình, vì khi các trung tâm ca nhạc họ đặt hàng mình mà mình từ chối thì họ sẽ không thích, nhưng khổ nỗi vì hầu hết nhạc của Tuấn Khanh được ra đời đều phát xuất từ những cảm xúc, tâm sự riêng của ông mà thôi!” nhạc sĩ nói tiếp, “Chính vì nhạc của tôi có từ những tâm sự, tình cảm riêng tư trong đời sống của tôi, nên khi gửi ra ngoài có nhiều khi chưa chắc quần chúng chấp nhận vì họ đâu hiểu được tình cảm, cảm xúc của mình thế nào? Bởi vậy đã có thời gian tôi tự in ấn nhạc của mình rồi mang đi giới thiệu, trong lãnh vực này nhạc sĩ Lam Phương là người đi đầu.”
“Thế thì ca khúc nào của nhạc sĩ Tuấn Khanh trong gia tài âm nhạc mà bác đang sở hữu được xem có số bán cao, chạy nhất? và cảm xúc của bác ra sao?”
“Tôi nghĩ bài ‘Quán Nửa Khuya‘, sau đó là bài ‘Vì Lỡ Thương Nhau‘, sung sướng, hạnh phúc vì khi bài nhạc của mình được giới yêu nhạc chấp nhận như thế thì dĩ nhiên số doanh thu, lợi nhuận sẽ cao gấp bao nhiêu lần một bài nhạc thường.”
“Thời hoàng kim của nhạc sĩ Tuấn Khanh là thời gian nào?”
“Nếu kể lại thời gian còn ở Việt Nam thì không phải là bài Ðò Ngang viết chung với nhạc sĩ Y Vân mà là bài Hoa Soan Bên Thềm Cũ, rồi đến Chiều Biên Khu, Vườn Ðời, Dù Thương Không Nói, Dưới Giàn Hoa Cũ, Ðêm Này Nghỉ Ðỡ Chân, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Ði, Quán Nửa Khuya, Tại Vắng Anh, Nhạt Nhòa, Nỗi Niềm, Một Chiều Ðông, Kiếp Sầu Ðau, Kiếp Sau… Nhiều lắm, đó là những bài nổi đấy!”
30 Tháng Tư, 1975
“Bác nhớ lại cảm xúc ngày 30 Tháng Tư năm 75 ra sao?”
“Buồn lắm, vì tôi bị kẹt lại do bạn bè không tìm được mình để đón mình đi trên những chiếc chiến hạm lớn của hải quân, bị kẹt lại tại Việt Nam, điều tôi lo lắng nhất là không biết số phận của mình ra sao? Con người lúc đó giống như một cục đất sét, không biết sẽ bị họ nhào nặn vuông, tròn hay méo?”
“Sau 30 Tháng Tư, bác ở lại Việt Nam làm gì?”
“Tôi im lặng trong 7 năm, những nhạc sĩ, nghệ sĩ khác đã đi đăng ký để xin được hành nghề trở lại, nhưng tôi chỉ ‘làm thinh’, tôi làm nghề gõ đầu trẻ, dạy nhạc tại gia; thế nhưng cứ mỗi năm sau giao thừa, tôi khai bút, viết một câu nhạc duy nhất, để xem nhạc của mình có cỏn nghe được hay không? Thì thấy vẫn chưa đến nỗi khô!”
“Chuyến đi vượt biên của bác như thế nào?”
“Tôi đã năm lần bảy lượt, gian truân, đi rồi lại về, mỗi lần đi là một lần hao tốn, mỗi lần đi là một lần may mắn được trở về an toàn, dĩ nhiên là mình bị người ta cứ liên tục lừa gạt, đến nỗi cuối cùng hết tiền, tôi còn nhớ lần cuối cùng phải bán cả chiếc đệm cũ, rách để gom góp tiền được chút nào hay chút ấy để đóng trước, rồi xin họ (những nhà tổ chức vượt biên) cho mình đi, khi sang đến bến bờ tự do sẽ góp tiền trả lại cho họ, vậy đó mà mình vẫn bị lừa, vẫn không thể đi được,” nhạc sĩ Tuấn Khanh nói tiếp, “Ðến chuyến cuối cùng, sau khi trở về tôi hoàn toàn thất vọng và nghĩ rằng ‘Thôi, chắc đành ở lại đây mãi mãi’, thế là tôi tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để rủ ông đi đánh ‘nhạc vàng chui’, cũng nhờ cơ hội đó mà tôi gặp được một người, cũng là khán giả ngồi nghe mình đánh đàn, và họ tìm đến mình nói là họ sẽ cho mình đi không mất tiền, lúc đó mình cũng chẳng còn gì để mất nên cứ ‘nhắm mắt đưa chân’ để đi theo họ.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại chuyến đi của ông giống như một truyện phim, ly kỳ hấp dẫn nhất là lúc ra đến bến chuẩn bị lên tầu thì không ngờ chỗ mà ông đã từng bị gạt lừa cũng chính là chỗ ông ra đi lần cuối cùng, ông nói đã từng ngâm mình dưới nước, giữa biển gần nửa giờ đồng hồ, đến lúc tầu nhổ neo thì họ quên ông đang chơi vơi một mình dưới nước, và thế là họ bỏ lại ông, nhưng cũng nhờ những người con của ông nhìn thấy, la lên và nhờ vậy chiếc tầu mới quay trở lại vớt ông lên…
Cuộc sống tại Mỹ
“Có điều kỳ lạ lắm, trong suốt 5 ngày lênh đênh trên biển trong chuyến đi vượt biên, thì bên tai tôi cứ nghe văng vẳng những tiếng cầu kinh của ca đoàn nhà thờ, rồi lại tiếng tụng kinh gõ mõ của các vị sư, cao tăng… Bởi thế khi sang đến Mỹ, tình cờ may rủi sao đó tôi được một nhà thờ Tin Lành mời giúp đỡ, làm nhạc thánh ca, và tôi đã phục vụ ở đó tất cả 100 bài thánh ca, rồi sau đó tôi ngừng không làm nữa.”
Ông nói sau sáu tháng đầu ở San Jose, ông được nhạc sĩ Phạm Duy kêu xuống ở Nam California vì nơi đây là thủ phủ của người tị nạn và dễ dàng sinh hoạt văn nghệ hơn, và khi ông về quận Cam thì được nhạc sĩ Duy Cường đưa đến phòng thu để thu đĩa, sau đó ông bắt đầu quen với các trung tâm ca nhạc và ông sáng tác trở lại rồi bán nhạc của ông cho họ.
Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night đã từng mời nhạc sĩ Tuấn Khanh tham gia trong một tác phẩm nhạc thính phòng, cùng với hai nhạc sĩ khác đó là nhạc sĩ Từ Công Phụng, nhạc sĩ Vũ Thành An.
Trong cuốn video nhạc thính phòng đó, riêng về phần nhạc sĩ Tuấn Khanh, Trung Tâm Thúy Nga đã mua 10 bài, và mở đầu chương chương trình là ca khúc Hoa Soan Bên Thềm Cũ, kết thúc cũng là Hoa Soan Bên Thềm Cũ.
Đức Tuấn
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=164823&zoneid=82#.UXHARFf_lAZ