Quỳnh Giao
1.3.2012
Sáu tháng sau khi nước Mỹ giật mình và xấu hổ vì bị Liên Bang Xô Viết qua mặt khi phóng vệ tinh Sputnik lên không gian, một người đã rửa hận cho Hoa Kỳ, đó là danh cầm Van Cliburn.
Diễn hành ở New York chào mừng Van Cliburn trở về sau khi thắng giải Tchaikovski ở Moscow năm 1958.
Sau thắng lợi chấn động về kỹ thuật và ngay giữa thời Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô muốn chứng tỏ thêm sự ưu việt văn hóa nên cho phép tổ chức cuộc thi quốc tế về dương cầm có tên của nhạc sĩ đại tài người Nga là Tchaikosky. Giải Tchaikovsky đầu tiên được tổ chức vào năm 1958. Nhưng năm đó một nhạc sĩ người Mỹ, ở miệt Texas cao bồi đã đoạt giải nhất, ở tuổi 23.
Tuần báo Time khi ấy hứng khởi đưa chuyện này làm chủ đề, với cái tựa đề đầy vẻ hả dạ: “Tay Texas đã chinh phục nước Nga”. Hình như chữ “chinh phục” này không quá đáng.
Người ta kể rằng khi vào vòng chung kết và trình tấu bản Concerto số Một của Tchaikovsky và Concerto số Ba của Rachmaninoff, tay dương cầm thủ người Mỹ khiến khán giả bật dậy vỗ tay tán thưởng trong tám phút liền. Ban giám khảo lúng túng hỏi ý thượng cấp và câu hỏi được đưa lên đến cấp tối cao. Khi ấy, lãnh tụ Nikita Kruschev đã thắc mắc rồi có câu trả lời cũng thuộc loại để đời như tài nghệ của Van Cliburn: “Hắn giỏi nhất hay sao? Nếu đúng vậy thì cứ trao giải!”
Khi trở về như một người mặc áo gấm về làng, Van Cliburn được đón mừng bằng một đám rước tưng bừng trên đường phố New York, vinh dự đầu tiên được dành cho một tay chơi nhạc cổ điển. Với nhiều người, Van Cliburn đã rửa mặt cho nước Mỹ trong một cuộc đấu về văn hóa và nghệ thuật ngay trên đất địch!
Sinh năm 1934 tại một thành phố của Louisiana, lên ba Van Cliburn học dương cầm với bà mẹ là tay dương cầm thủ, học trò của một môn sinh của Franz Liszt. Lên sáu thì cùng gia đình về ở một làng quê hẻo lánh của Texas và tiếp tục theo đuổi nghề đàn, 12 tuổi đoạt giải nhất toàn quốc và trình tấu với dàn nhạc Giao hưởng Houston. Vào trường Juilliard rất nổi tiếng ở New York ở tuổi 17, học đàn với một nữ giáo sư người Nga lưu vong và sở trường về nhạc cổ điển Nga trong thời lãng mạn. Nhờ tài nghệ của mình, ở tuổi hai mươi, Van Cliburn được mời trình diễn tại Carnegie Hall và trở thành một diệu thủ của Hoa Kỳ trước khi chinh phục khán thính giả người Nga, rồi cả thế giới sau này.
Trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ có ông “Vua” Elvis Presley như một quái tượng âm nhạc. Trong thế giới của nhạc cổ điển thì danh cầm Liberace là một trường hợp nổi tiếng khác với đại chúng. Nhưng, về tài nghệ trình tấu dương cầm, Vladimir Horowitz mới được coi là bậc thầy. Với nhiều người, như tờ Time đã viết sau này, Van Cliburn là một tập hợp của cả ba nhân vật Horowitz, Liberace và Presley. Xưa nay, nhạc cổ điển không là sản phẩm cho đông đảo quần chúng, nhưng Van Cliburn đã phá vỡ bức tường âm thanh và đưa loại nhạc này vào nhiều gia đình.
Năm 2001, ông được vinh danh tại Kennedy Center, rồi được trao giải Medal of Freedom của tổng thống vào năm 2003, một năm sau thì được Huân Chương Hữu Nghị của Liên Bang Nga. Tức là trong hai năm lãnh hai giải thưởng cao quý nhất của hai nước. Một vinh dự phù du khác là Van Cliburn đã trình diễn trước nhiều nguyên thủ quốc gia và cho 11 đời tổng thống Hoa Kỳ, từ Eisenhower cho đến Obama. Ðấy là danh vọng của một nghệ sĩ đã lên đến tột đỉnh.
Nhưng để lại cho đời là các đĩa nhạc bán chạy nhất, nhiều lần lên tới hạng bạch kim, platinum. Nổi tiếng hơn cả vì bắt được cái thần của nhạc vẫn là các bản Concerto của Tchaikovsky, Grieg, Beethoven, Rachmaninov hay Prokofiev mà chúng ta có thể mua và nghe lại để thưởng thức.
Không chỉ trình tấu cho đời, Van Cliburn còn góp công đào tạo danh thủ dương cầm cho nước Mỹ qua Van Cliburn Foundation và các giải thưởng mang tên Van Cliburn International Competition mà ông là một giám khảo lâu đời nhất. Bốn năm một lần, chúng ta lại nghe nói đến giải thưởng này, một lần hy hữu là vào năm 2009, lần thứ 13 của giải thưởng khi có hai người cùng đoạt giải nhất mà cùng đến từ Á Châu, một người Nhật là nhạc sĩ mù và người kia là một thiếu niên Trung Quốc.
Van Cliburn thuộc vào nòi con vạc, là thức rất khuya vì tập luyện đến gần sáng và dù đã luống tuổi, mắc bệnh ung thư, ông tiếp tục làm việc đến những ngày cuối. Ông tạ thế hôm 27 vừa qua tại thành phố Forth Worth của Texas, một thành phố có hân hạnh chứng kiến những cuộc thi và trình tấu dương cầm mang tên Van Cliburn. Xứ Texas nào có phải là vùng đất thô lỗ như nhiều người lầm tưởng.
Năm nay, khi có lễ trao giải thứ 14, chúng ta sẽ ngậm ngùi nhớ lại nhân vật kỳ tài này.
Quỳnh Giao
Nguồn: http://nguoi-viet.com/Cotbaothuongxuyen-NVO.asp?ID=quynhgiao