Cảm Nghĩ về Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ

Phạm Anh Dũng

Cảm nghĩ đầu tiên sau khi nghe xong Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là một sự ngạc nhiên lớn lao. Ngạc nhiên vì nhạc sĩ Phạm Duy, một người đã sáng tác nhạc từ nửa thế kỷ nay, bắt đầu bằng những bản nhạc thời kháng chiến chống Pháp, đến nay vẫn tiếp tục sự nghiệp với những tác phẩm lớn lao như Bầy Chim Bỏ Xứ.


Nói về Phạm Duy, có lẽ không ai có thể viết hết về con người và sự nghiệp của ông, Phạm Duy đã đi vào dân tộc, quê hương, tình yêu… bằng âm nhạc. Kể từ những năm chống Pháp với những bản nhạc Kháng Chiến , rồi Dân Ca, Tâm Ca, Ðạo Ca, Tình Ca, Du Ca, Nhi Ðồng Ca, Ngục Ca, Rong Ca … hàng Ngàn Lời Ca, dòng nhạc của ông đã thấm vào bao nhiêu thế hệ. Có lẽ to tát nhất là những bản Trường Ca Phạm Duy. Bắt đầu là Con Ðường Cái Quan, xong đến Mẹ Việt NamBầy Chim Bỏ Xứ. Phạm Duy gọi là Tổ khúc, nhưng theo ý tôi đây cũng là một Trường ca. Danh từ Tổ khúc được chọn có lẽ để cho phù hợp với câu chuyện của loài chim.

Qua những thể điệu ca dao, dân ca, Phạm Duy đã kể nhiều câu chuyện của các loài chim để diễn tả một Trường Ca Bi Hùng của Dân Tộc Việt Nam trong mười lăm năm qua. Câu chuyện bắt đầu từ ngày ”Bầy chim buồn bã rủ nhau trốn quê hương” khi ”Trời chợt kéo mây đen”. Qua đến đoạn chim Quyên uất ức thổ máu tươi nơi miền tuyết phủ, rồi tái sinh, hóa thân làm con chim Quốc kêu gào cho quê hương, đến những khúc diễn tả chuyện xa nhà, nhớ nhà… và cuối cùng trở về quê hương ”khâu vá đời sau”.

Phạm Duy làm người nghe liên tưởng ngay đến cuộc hành trình bỏ xứ mười lăm năm của người Việt lưu vong. Cũng như chim Quyên bao nhiêu người đã ngã bệnh (kể cả bệnh tâm thần), và dĩ nhiên cũng có người đã mất sớm. Cũng như chim Chèo Bẻo đánh Quạ, có những anh hùng kháng chiến phục quốc. Cũng như chim Én đưa tin, có những người làm được liên lạc trong và ngoài nước. Có những loài chim nhỏ bé bị ức hiếp bởi loài Ưng Ó… Có những con chim Chích Chòe ”vượt biển về đâu?”… Những câu chuyện tương tự như vậy được lồng vào những khúc nhạc thật là tân kỳ.

Phạm Duy đã phân biệt rõ hai loại chim. Một loại xấu, ác như Quạ, Diều Hâu, Kên Kên… Một loại tốt như Quyên, Gia, Quốc, Én… Ông nhắc nhở đến tình yêu quê hương dân tộc qua những con chim Lạc, Hồng, Việt… Hàng chục loại chim được nhắc nhở trong Trường Ca này và mỗi con chim hình như có cá tính hay câu chuyện khác nhau phức tạp như đời sống chúng ta. Ðặc biệt Phạm Duy đề cập đến chim Thanh ở nhà lặng thinh không hót dù thèm hát, khóc hay cười. Ðó là câu chuyện của ca sĩ Thái Thanh, mười năm ở lại nhất định không hát dù bao nhiêu người quyền thế mời mọc. Dĩ nhiên chúng ta đều biết tiếng hát vuợt thời gian nay đã cất lên lại ở đây để hát mãi cho Tình Người và Quê Hương, nhất là để hát nhạc của Phạm Duy!

Trường Ca Bầy Chim Bỏ Xứ được trình bày bởi hai giọng ca Vũ Anh và Kim Tước. Ai cũng biết giọng ca cao vút, trong sáng như pha lê của Kim Tước qua những bản nhạc bất hủ của Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Phạm Ðình Chương… ngày xưa trong những chương trình nhạc của Ban Ðại Hòa Tấu Vũ Thành hay Hoàng Trọng. Thiết tưởng không cần phải nói thêm.

Vũ Anh là một giọng ca mới. Câu chuyện Bầy Chim Bỏ Xứ được trình bày chính là từ Vũ Anh và với Kim Tước phụ thêm. Giọng hát Vũ Anh là một giọng hát ”opera”, ta có thể ”cảm” được những ý tưởng của Phạm Duy muốn diễn tả. Nghe Vũ Anh hát, người ta có thể ”thấm” được tình cảm quê hương, dân tộc.

Phần nhạc đệm do Phạm Duy Cường soạn và thực hiện. Chắc không mấy người không biết tài hòa âm, phối khí của Phạm Duy Cường. Là một nghệ sĩ trẻ tài hoa, Phạm Duy Cường đã làm thính giả Việt Nam ngây ngất qua những bản nhạc hòa tấu (như compact disc Ðêm Nguyệt Cầm) và những phần nhạc đệm công phu cho các ca sĩ nổi tiếng (như trong nhiều compact disc của hãng nhạc Diễm Xưa). Tôi thú thật đã phải sững sờ khi nghe compact disc Nhạc Tình Phạm Duy khoảng hai năm trước. Sau đó, Phạm Duy Cường cũng có thêm một compact disc đặc biệt khác, đó là Mười Bài Rong Ca cũng của Phạm Duy. Bây giờ đến Bầy Chim Bỏ Xứ.

Nhạc Tình Phạm Duy có âm hưởng cổ điển (classic), Mười Bài Rong Ca lại được hòa âm theo lối Hiện Ðại (New Age). Bầy Chim Bỏ XứMười Bài Rong Ca (cũng như Nhạc Tình Phạm Duy) được thực hiện bằng nhạc khí và phương pháp Tây phương, nhưng cả hai đều cho người nghe một cảm giác và một âm hưởng rất Việt Nam. Ðiều này thì thật là khó, nhất là đối với Trường Ca Bầy Chim Bỏ Xứ dựa vào nhạc ca dao, dân ca, và thể ngũ cung (Pentatonique). Thính giả nghe kỹ sẽ thưởng thức được những âm thanh chim hót, nước chảy, sóng đưa…

Bầy Chim Bỏ Xứ là cả một công trình nghệ thuật. Cảm nghĩ cuối cùng của tôi: Phạm Duy đến bây giờ cũng vẫn như là một huyền thoại…


Phạm Anh Dũng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây