“Mùa Thu Chết”

Môi Son Julie – Tự Truyện – Phần 4

Hương Thời Gian, mùi thạch thảo, em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em”
Guillaume Apolinaire

Bài hát như ám vận vào đời Nàng.

Bài hát có định mệnh nào trong cuộc đời Nàng mà những tảng màu ảm đạm của một Mùa Thu bên trời Âu đã bao phủ. Mặt đất buồn rầu chuẩn bị cho một mùa Tang phải đến khi Đông sang.

Không gian xao xác lá vàng rơi khắp lối … rung cả trên lối đi … làm đôi khi vang lên tiếng oán than ròn rã của lá vàng rơi trên đường bị dẫm nát dưới chân người qua lại.


Lá vàng rơi… vàng rơi … vàng rơi… vàng rơi … vàng rơi …

Thi Nhân khóc tiếng Bi Ai

Cho vàng thu vương dấu lệ

Mùa Thu Chết phải chăng nói đến sự vĩnh viễn xa lìa nhau ?

Hoa Thạch Thảo, một loài hoa mọc trên đá, khốn khó thế mà cũng cho hoa có hương thơm – Hương Thời Gian – nỗi nhớ … người ta muốn ám chỉ điều gì ?

Hỏi thêm ý nghĩa đó với người nhiều chữ nghĩa hơn thì được biết nó gần như điều mình cảm nhận về một Mùa Thu.

Mùa Thu là mùa đơm hao kết trái của Thi Ca … Thiên nhiên trở mình. Đất Trời giao hoan làm cho vạn vật linh động hơn, tươi hơn đẹp hơn và tình hơn.

Là quà tặng của thiên nhiên mà những tầng sóng ngân vang trong không gian. Chỉ biết rung động trước cái đẹp của vạn vật của người là Thi Nhân dệt Mộng cho Đời.

Lúc đó nàng chưa biết thưởng thức Thơ làm sao biết gì về những tâm hồn Thi Nhân.

Khi đọc bài viết của nhà văn Duyên Anh có những câu như: “Julie qua bài hát Mùa Thu Chết đã là “thành đồng chắn nẻo xuân sang“! Nghe phiêu diêu quá ! Nhưng tôi chẳng hiểu nhiều ý tứ trong đó. Biết đại khái là một lời khen tặng làm bừng bừng đôi má thế thôi. Tiếc quá, tôi đã đánh mất bài viết này. Hy vọng bạn đọc Chương Còm Duyên Anh hay khán thính giả của tôi còn lưu trữ xin cho tôi bản copy thì quý lắm thay.

Anh Duy Trác, một Cây Đại Thụ trong làng ca hát mà mọi người đều quý mến đã ưu ái dành cho tôi một chương trình nhạc trên đài phát thanh Houston với – Julie và Mùa Thu Chết – . Anh có những nhận định rất sắc bén về hiện tượng này. Anh cho đó là một hiện tượng và anh chặc lưỡi đáng tiếc bởi vô hình chung bài hát Mùa Thu Chết đã đóng khung tiếng hát tôi. Cuộc ghi âm lần đó tôi cất giữ nhưng nay lạc đâu trong trí nhớ. Tìm ra được sẽ mời bạn đọc nghe giọng trầm ấm của anh Duy Trác dẫn chương trình nghe mới hay.

Thi sĩ Bùi Giáng.

Tôi không biết Ông Bùi Giáng là Thi sĩ lẫy lừng tên tuổi. Một Thiên Tài trong Thi Văn nước Việt.

Người không thuộc Thơ làm sao biết Ông Thi Sĩ Ngoại Quốc Guillaume Apolinaire.

Tôi không biết nhiều về Ông Thi Sĩ tài hoa kia nhưng qua bài thơ L’ autaumne est morte Ông đã vượt không gian và thời gian … du hồn qua Bùi Giáng — Thi Sĩ Tây gặp gỡ Thi Sĩ Ta — đã để lại cho chúng ta những ý tứ mỹ miều lãg mạn của trời thơ Tây Phương qua lời thơ Việt của Bùi Giáng …

Cái không biết của tôi nhiều lắm mênh mang lắm

Cái ngu si thì vô số kể, đếm không xuể

Cái may rủi trên đường đời thì cũng có như mọi người. Nhưng phải thành thực mà nói Cái May nó cồm cộm lên như một con dấu nổi trên từ chứng minh thư nên tôi còn ngồi đây kể chuyện mình cho bạn nghe

Nhưng có Cái Duyên thì lại là chuyện khác.

Để có chuyện dài kể bạn nghe về cái duyên văn nghệ của mình với những người trong giới Chú Bác Cô Cậu hay đàn anh đàn chị nổi tiếng chẳng khác nào tự tô vẽ chuyện để tô điểm cho mình đẹp hơn, một cách đánh bóng mình chẳng hạn.

Nếu còn là người của sân khấu chắc tôi nắm bắt cơ hội này không buông …

… Để thoát vòng hệ lụy là người của sân khấu. Tôi mất hơn 10 ăm im lặng để lắng nghe mình (đôi khi ngờ nghệch ra ngòai vùng im lặng lạc ngay miền Thị Phi thêm nản long, và tôi nghe ra trong tôi thổn thức … Tiếng thở dài

Tôi đã đóng lại sự nghiệp ca hát của đời mình không một lời chia tay cùng khán thính giả hâm mộ

Tôi Nợ cuộc đời món nợ Ân Tình nên tôi còn thổn thức bấy lâu … Nay tôi mở một cánh cửa khác để trở lại hạnh ngộ cùng giới văn nghệ muôn phương …

Vẫn mong được sự đón nhận và nghe câu Welcome back, JQ.

Thuở đầu đời mới làm quen với nhạc Việt và khán thính giả Việt qua nhạc ngoại quốc lời Phạm Duy, tôi chỉ được biết đến qua cái tên rất ngắn gọn, Julie

Đến khi thu thanh bài Mùa Thu Chết tự nhiên thấy đĩa nhạc có thêm tên Quang bên cạnh – Julie Quang –

Lần đầu tiên thu thanh trên đĩa nhựa tôi lung túng khi Cô Sáu là chủ hãng dĩa Việt Nam yêu cầu tôi phải có cái tên Việt mà người Việt tận nông thôn vùng xa cũng đọc được, kêu tên được.

Ghép tên 2 chúng tôi lại, vừa rõ là ai, không lỡ nhầm với một người khác có ý như chúc phúc cho 2 trẻ. Đó là ý của Bố Phạm Duy

Một hôm thi sĩ Bùi Giáng đến nhà thăm Bố Phạm Duy. Bố hay khoe con

– Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát Toi nghe

– Julie con hát “Vòng Tay Nữ Sinh” và “Hai Khía Cạnh Cuộc Đời”

Bố làm lời Việt cho bài “To Sir With Love” và “Both Sides Now

Trên tay cầm tờ giấy và cây bút chì trong khi thưởng thức chúng tôi hát, Ông Bùi Giáng nguệc ngoạc như đang vẽ gì đó …

Ông khen tôi hát hay và nói Ông và Bố sẽ có bài hát mới dính liền với tên tôi.

… Mà dính thật !

Ông viết lời Việt cho bài Mùa Thu Chết ngay hôm đó.

Mùa Thu Chết và Julie Quang khai sinh cùng lúc, cùng thời điểm đó, năm 1970 phong trào nhạc trẻ Việt Nam rộ lên trăm hoa đua nở

Người sành điệu và giới thưởng ngoạn phần lớn tập trung tại thành phố Sài Gòn nơi du nhập và tiếp thu những luồng văn hóa khác nhau và cũng là nơi xuất xứ của những gì mới mẻ, lạ lẫm. Trong âm nhạc luồng gió nhạc trẻ đã thổi tan không khí u ám của chiến tranh. Nhac trẻ nghiễm nhiên đã có chỗ đứng vững vàng trong nền âm nhạc Việt. Nơi tỉnh thành Nha Trang Đà Lạt Vũng Tàu cũng có những ban nhạc trẻ những tài năng trẻ xuất xứ từ địa phương

Không riêng thành phố Sài Gòn nơi nào có nhiều Trường Trung Học, Đại Học nổi tiếng ắt sinh viên học sinh nơi đó quy tụ những tài năng trẻ trong bất cứ mọi lãnh vực.

Riêng với phong trào nhạc trẻ Việt Nam theo xu hướng quốc tế ( không riêng ở VN, khắp nơi trên toàn địa cầu này đều theo trào lưu đó).

Âm nhạc trỗi mình. Người Trẻ Việt vượt ranh bức rào để bước ra ngoài những quy luật sáo mò của một nền âm nhạc chính thống. Đây không phải là một sự chối bỏ mà khẳng định được rằng “Âm nhac không biên giới”. Nhạc trẻ Việt đã chứng mình được điều này

Bằng cách này hay cách khác chúng tôi đều thể hiện theo đúng cách Western như trào lưu. Nhạc dịch, chơi nhái, hát nhái vv … miễn sao cho đúng y chang thì mới ăn tiền. Chúng tôi thi đua nhau “nhái” mà không hề mảy may nghĩ đến mình đang vay mượn của người khác

May thay tuổi trẻ chúng tôi còn có Phượng Hoàng cất cao cánh trên vòm trời nhạc Trẻ Việt.

Có Nguyễn Trung Cang nhức nhối than phận người kêu than … “Bước tình hồng”, “Còn yêu em mãi” …

Có Lê Hựu Hà tha thiết ôm hôn ghì xiết cuộc đời … “Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời , “Yêu Đời Yêu Người ” …

Chúng tôi còn có một Bố Già Phạm Duy lắng nghe được hơi thở của thời đại, biết được trăn trở thao thứccủa người Trẻ đã hao mòn nhiều vì chiến tranh mất mát … Và họ, người trẻ họ cần gì ?

Người nghệ sĩ đích thực phải nhận ra điều cần thiết phải thay đổi trong món ăn tinh thần mà mình sẽ phải cung ứng hay còn gọi là cống hiến cho đời sống .

Trực diện mãi với sự tàn phá của chiến tranh người ta quên dần với sự ù lỳ . Nhàm chán với nhạc phản chiến hoặc nhạc chiến đấu .. Người ta cần những thứ trừu tượng mông lung. Không hiểu hết cũng chẳng ngại miễn sao Tim, Óc họ chạm đến những mỹ từ những ý tưởng cao xa sẽ giúp họ bay bỗng sẽ no nê trong khoái lạc .. đê mê

Mùa Thu Chết là một kết hợp của Thi Ca – East meets West – thai nghén và sinh ra bởi những Cổ Thụ như Apolinaire Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu Thời Thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy …

Là người chuyên chở bài hát chẳng đánh Bắc dẹp Nam hay cậy mình tài giỏi

Tôi tin rằng đã có người hát hay hơn mình, và sẽ có người thể hiện bài Mùa Thu Chết “tới” hơn Julie Quang

Mùa Thu Chết – Julie Quang trình bày

(còn tiếp)

Julie Quang
2013

Nguồn: gio-o.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây