Báo Gió Đông Phỏng Vấn Phạm Duy năm 1996

VXL, Lê văn Ðiểm, Lê Minh Hà
Cuối năm 1996

HỎI : Nhân sinh thất thập cổ lai hi , nếu tính theo tuổi ta thì vào tháng 10 năm nay (1996), nhạc sĩ Phạm Duy đã tròn 76 tuổi. Qua ngưỡng thượng thọ đã lâu, bác cảm thấy sức khoẻ như thế nào? Và nói về sáng tạo nghệ thuật, bác có còn sung mãn như xưa? Bác vẫn sáng tác đều?

ÐÁP : Tôi vẫn tự gọi mình là Tarzan (cười)… Nói vui vậy chứ thực thì tôi vẫn còn đầy đủ sức khoẻ và quan trọng là còn đầy đủ cảm hứng để sáng tác tới hơi thở cuối cùng.


HỎI : Trong cái thủa ban đầu lưu luyến ấy, cái gì đã quyến rũ trở thành một nhạc sĩ ? Ðược biết cụ thân sinh của bác — Phạm Duy Tốn — là một trong những nhà văn đầu tiên viết văn xuôi thế sự, những người yêu tân nhạc nói chung và nhạc Phạm Duy nói riêng dễ tò mò về những ảnh hưởng bác may mắn nhận được từ truyền thống gia đình. Vâng, nếu có thể, xin bác cho biết nếp nhà đã ảnh hưởng như thế nào đến tính thơ đẫm trong những nhạc phẩm đầu đời của bác?

ÐÁP : Tôi cũng không định làm nghệ sỹ đâu. Ðó là một tai nạn nghề nghiệp (cười). Lúc còn trẻ tôi bỏ nhà đi theo một gánh hát và đã trở thành một ca nhân bất đắc dĩ. Rất may, lúc ấy đang là thuở đầu đời của tân nhạc và tôi đã là một trong những người sáng lập nên tân nhạc việt nam. Rồi từ đó tôi cứ đi trên đường ấy. Phải nhấn mạnh điều này: cái may của tôi là đã ở đúng thời – thời có thể nói chưa có nhiều bài tân nhạc – và tôi là một trong những người đầu tiên đi hát tân nhạc. Vì vậy mà còn được tồn tại đến hôm nay. Lẽ cố nhiên gia đình đã ảnh hưởng tới tôi khi chọn cho mình con đường hát ca bất đắc dĩ ấy. Bố tôi là nhà văn xã hội. Mẹ tôi là nữ thi sĩ. Anh tôi là một ông viết tiếng Pháp hay lắm (cười). Thành thử viết có hay không thì không biết nhưng rõ là có lợi khi từ bản chất đã có những ảnh hưởng của gia đình. Rồi thì hoàn cảnh đẩy đưa tôi tới chỗ lão luyện hơn thôi.

HỎI : Ðã sáu mươi năm trôi qua kể từ khi những ca khúc khai sinh Tân Nhạc Việt Nam ra đời. Ðơn cử BẼ BÀNG của Lê Yên, 1935). Do những hoàn cảnh không ai muốn trải, thế hệ hậu sinh như các cháu đây chỉ được biết đại khái về tiền khởi ấy, mà cũng chừng chừng sáu, bẩy năm trở lại đây thôi. Giá như họ được biết thêm về không khí âm nhạc của đất nước cách đây già nửa thế kỷ qua một vài hồi niệm của bác…

ÐÁP : Nếu thế thì tôi và các anh em phải nằm với nhau một nghìn lẻ một đêm. Nhưng có thể nói thế này: Tân Nhạc Việt Nam có cái may mắn ra đời đúng lúc cả dân tộc cựa mình đi tìm tự do độc lập. Nhưng không may Tân Nhạc Việt Nam lại phải lớn lên ở một nước chiến tranh kéo quá dài, chính trị nhiều quá, chia rẽ nhiều quá, hết chia rẽ Nam Bắc lại chia rẽ lý tưởng. Người ta không có được một thời gian xã hội yên bình để nghe nhạc. Cho tới giờ phút này, khi tôi ngồi với các anh em ở đây, tôi vẫn có cảm giác là người Việt Nam vẫn chưa nghe nhạc như những người bình thường, Nghe nhạc với một tâm lý bất bình thường xem nó chống ai, nó theo ai thì… bỏ mẹ rồi (cười) ! Âm nhạc cũng như mọi bộ môn nghệ thuật khác, cần phải có một thời bình. Ở Việt Nam không có, nên cũng là một thiệt thòi lớn… cho tôi. Những bài hát tôi làm cách đây chừng năm, sáu mươi năm, giờ đây anh em cũng không được nghe, vì nó không được công nhận ở Việt Nam. Anh em hỏi tôi về những kỷ niệm riêng. Thì thế đấy: buồn có, vui có, cũng lung tung lắm. Nhưng tôi có thể nói hết sức lạc quan, cho đến hôm nay, Tân Nhạc Việt Nam có đến sáu mươi năm trưởng thành rồi và tuổi trẻ Việt Nam, ngoài thú vui âm nhạc – tôi nghĩ – cũng chưa có thú vui nào khác. Người trong nước hay ngoài nước vẫn còn tìm đến nhau, an ủi nhau, yêu nhau, ghét nhau bằng âm nhạc. Với tôi, đấy là điều mừng.

HỎI : Nếu lấy năm 45 làm mốc đánh dấu kỷ nguyên đầu tiên – kỷ nguyên chào đời – của Tân Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã có ba bài tiền chiến : CÔ HÁI MƠ, KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI và CÂY ÐÀN BỎ QUÊN. Ðâu là điểm tương đồng, đâu là điểm dị biệt trong nhạc tình Phạm Duy thời này, so với những tổ sư tân nhạc khác như Lê Thương, Dzoãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Ðoàn Chuẩn, Ðặng Thế Phong… ?

ÐÁP : Buổi khởi đầu, Tân Nhạc Việt có hai xu hướng: nhạc hùng và nhạc tình. Nói riêng về nhạc tình thì vào lúc đầu nhạc tình Việt Nam hoàn toàn là lãng mạn (romantique), lãng mạn chủ nghĩa theo lối Pháp. Ông nào ngày đó cũng làm vài bài nhạc về muà thu, về con nai vàng ngơ ngác. Song dần dần có một dòng nhạc tình nữa thành hình, dòng nhạc tình cảm tính (sentimental). Cho đến nhạc tình Trịnh Công Sơn, ta có nhạc tình não tính (cérébral) và có thêm nhạc tình nhục tính (sensuel) với Lê Uyên Phương. Nhạc tình của tôi khác nhạc tình của Lê Thương, Ðặng Thế Phong… nó là nhạc tình cảm tính (sentimental), hai người yêu nhau không cần phong cảnh nào cả, không cần thuyền mơ, bến xuân, suối mơ, chỉ có anh và em, chỉ có ngày đó chúng mình yêu nhau… Ðại khái thế.

HỎI : Nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những linh hồn của giới văn nghệ trong sáu năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân, khi văn nghệ còn ít nhiều tự do, chưa bị siết trong sự quản chế của đảng cộng sản. Ðã sống và sáng tạo trong sự biến thiên sâu sắc của lịch sử hiện đại Việt Nam, bác nghĩ như thế nào về thời kỳ ấy ? Liệu có thể coi đây là một trong những giai đoạn thànhcông, đáng ghi nhớ trên hành trình sống và sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy ?

ÐÁP : Tôi hãnh diện vì được tham gia vào kháng chiến chống thực dân Pháp và vì đã đóng góp được vào nền âm nhạc nước nhà bằng trên ba mươi bài ca kháng chiến. Không lúc nào tôi phủ nhận điều này. Giờ đây tôi vẫn cho rằng trong 500 năm nay, nước mình chỉ có mười năm đoàn kết, thực sự yêu nhau, cùng gánh vác giang sơn và đó chính là khoảng thời gian từ bốn nhăm tới năm nhăm (1945-1955). Còn việc nhà cầm quyền và nhân dân đánh giá như thế nào về phần đóng góp của tôi thời kháng chiến, là ba mươi ca khúc ấy, thì nói thật: tôi xin chịu. Tôi chỉ biết cống hiến xong rồi, là xong (cười).

HỎI : Nhắc tới Phạm Duy không thể không nhắc tới Văn Cao. Có thể coi ông điển hình cho thế hệ văn nghệ sĩ tài ba nhưng gặp bao nhiêu là tai họa bởi chế độc độc tài cộng sản. Nhiều người đã nghĩ rằng gia tài âm nhạc của Văn Cao sẽ không phải chỉ có thế, ngót nghét hai chục bài, nếu ông được sống cho âm nhạc trong những điều kiện khác. Thế còn bác, bác nghĩ thế nào về vấn đề hết sức tế nhị này.

ÐÁP : (cười) Tôi phải công nhận là anh Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều lắm. Về nhạc. Về vẽ. Về thơ. Ðủ mọi phương diện. Nói anh không may thì cũng không đúng. Anh ấy đã chọn con đường của anh ấy. Tôi cũng chọn con đường của tôi: làm một người tự do tuyệt đối. Vào thời điểm 1951, tôi cũng được chính quyền và nhân dân yêu lắm. Nhưng tôi muốn tự do, để sáng tác, vâng, thế là tôi đi. Ði cho tới lúc này, ngồi cạnh các anh ở Hanover, vẫn chưa ngừng nhé (cười). Ông Văn Cao thì ở lại. Việc đánh giá ông ấy, cũng như kết quả đến với ông ấy ra sao thì tôi không dám nói. Văn Cao có cái vinh và cái nhục của Văn Cao. Tôi cũng thế. Văn Cao được chết ở đất quê. Chứ còn tôi nay mai chết sẽ được chôn ở Bắc Cực chăng (cười) ? Tôi không dám đem mình so với Văn Cao nhưng tôi xin nói là nếu anh Văn Cao có được một đời sống làm việc như mình muốn, nghĩa là tự do chọn lựa, tôi chắc anh ấy còn làm được hơn tôi.

HỎI: Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, không nói riêng tân nhạc, Phạm Duy là một người tình tuyệt vời và duy nhất. Người tình ấy đã tham gia kháng chiến và đã không đi hết con đường ấy. Có phải vì tình yêu tự do, tự do trong sáng tạo nghệ thuật, tự do trong tư tưởng, tự do trong cuộc sống hằng ngày của nhạc sĩ còn mạnh hơn bất cứ một tình yêu nào khác?

ÐÁP : Tôi vừa nói đến vấn đề chọn lựa. Câu hỏi của các anh cũng là câu trả lời. Tôi thấy rõ cho tới giờ phút này, nếu tôi còn sáng tác được thì đó là vì tôi tự do hoàn toàn. Tự do ngay cả với chính mình. Tôi không bó tôi vào cái gì cả. Phạm Duy không đặt mình vào một dòng nhạc nào. Phạm Duy là con chim bay nhảy. Ngày hôm nay làm tâm ca, ngày mai làm tục ca. Phạm Duy không sợ ai cả. Tôi không trói tôi. Vợ con tôi không trói được tôi. Và lẽ dĩ nhiên không chính quyền nào trói được tôi cả. Tôi là thằng mất dậy (cười).

HỎI : Sự hoà quyện tính dân tộc và tính hiện đại trong nhạc của bác, cũng như của mọi nhạc sĩ đã được vinh danh là một thực tế. Khi sáng tác, bác có ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải kết hợp dân tộc và hiện đại? Bác quan niệm như thế nào về bản sắc dân tộc? Có sự lựa chọn cái hay cái dở trong khi dung hợp hiện đại và dân tộc ở quá trình sáng tác?

ÐÁP: Nói ngay vào thực tế, tôi thấy rõ rằng không một nhạc sĩ nào thành công trong ý muốn tạo một cái gì đó đúng với ngôn ngữ dân tộc và thời đại mà lại bỏ qua các giá trị của âm nhạc dân tộc. Một trong những lý do làm cho tôi sáng tác được cho tới hôm nay là tôi đã có được một vốn âm nhạc cổ truyền ngay từ khi còn trẻ. Tôi xuất thân từ một người hát rong. Tôi học nhạc cổ truyền, từ quan họ bắt qua trống quân. Âm nhạc dân tộc đã nhập vào tôi từ hồi nhỏ, vào thế nào và ra thế nào, tôi xin được nói sau. Chỉ xin khẳng định là chẳng anh nào trở thành nhạc sĩ của dân tộc nếu thiếu cái vốn về âm nhạc dân tộc. Ngoài cái vốn đó ra, tôi còn tạo cho mình một cái vốn khác. Tôi có may mắn đã học ở Pháp, chương trình tám năm tôi học trong hai năm (1955-1956). Cái này rất quan trọng. Cần phải biết quá trình từ cổ điển lên hiện đại ở nhạc châu Âu như thế nào… Nhạc của Debussy khác Chopin ra sao ?… Mở rộng ra là cần phải thông hiểu lịch sử âm nhạc thế giới nữa, ở những nét căn bản nhất, chẳng hạn sự xuất hiện của các trường phái. Thiếu cái vốn này thì không thể nói tới sự chọn lựa để phát triển nghệ thuật của mình. Tôi đã rút được kinh nghiệm này cách đây mười năm: tôi không dám đi lên nhạc đa điệu ngay trước khi phát triển nhạc đơn điệu lên tột độ của nó. Và khi tới với nhạc đa điệu, tôi phải nhờ tới con tôi là Duy Cường. Ở điểm này con tôi giỏi hơn tôi. Bố con tôi đã tìm ra một con đường hoàn toàn riêng cho nhạc đa điệu. Không giống Chopin. Không giống Mozart. Không giống Debussy. Hoàn toàn Việt Nam. Ra làm sao thì các anh em phải nghe. Có thể nói thế này: âm nhạc cổ truyền giúp tôi khi sáng tác nhạc đơn điệu, âm nhạc quốc tế giúp tôi làm nhạc đa điệu. Vấn đề ở đây là tiếp thu như thế nào: bắt chước hoàn toàn hay chỉ lợi dụng? Mượn phong cách hoành tráng của Wagner hay biểu tượng của Debussy là những yếu tố kỹ thuật. Cho tới bây giờ, tôi vẫn quan niệm đó vẫn là một thử thách. Cũng như tôi vẫn thường cho rằng người nhạc sĩ Việt Nam nếu coi thường âm nhạc cổ truyền của dân tộc thì mọi sáng tác của anh ta sẽ chỉ là bắt chước, nhưng đồng thời phải tiếp cận với cái mới, chẳng hạn như Rap, New Wave… Tôi có cái may là ở ngoài và dễ học hỏi cái mới hơn nhiều nhạc sĩ trong nước. Tôi vẫn đang học dù đã bẩy sáu rồi. Sự học ấy có trở thành một cái gì ở tôi không thì tôi không nói được. Anh chị em là người xét đoán.

HỎI : Tâm ca có một vị trí đặc biệt trong đời sáng tạo của bác. Biết bao nhiêu trái tim trí thức, học sinh, sinh viên miền Nam một thuở đã bị chinh phục bởi tâm ca. Kẻ thù ta đâu có phải là người – Giết người đi thì ta ở với ai? Dễ hiểu vì sao các ông cai văn nghệ ở miền Bắc quy kết tâm ca là phản động, ru ngủ thanh niên… Nhưng có lẽ mười bài tâm ca cũng là phần khó tiếp thu nhất với những người mới chỉ quen với nhạc tình Phạm Duy. Xin bác cho biết ít nét về thời kỳ tâm ca quan trọng này.

ÐÁP : Tôi xin được báo cáo là có ba con người trong Phạm Duy. Con người tình cảm Phạm Duy luôn làm những bản nhạc tình yêu. Con người xã hội Phạm Duy làm những bản nhạc cho đất nước. Thế nên mới có những bài ca kháng chiến. Con người thứ ba ít người biết đến là con người tâm linh. Tôi đã phát hiện ra nó khi viết Tâm Ca. Tâm Ca ra đời vào 1965, lúc cuộc chiến đã tới hồi cao nhất. Những ngưòi chủ trương chiến tranh, bạo động cố nhiên không thích Tâm Ca. Nhưng có những người trẻ tuổi… Ở những bài như KẺ THÙ TA, như TÔI ƯỚC MƠ, tôi đã nói được cái phần tâm linh của con người đã bị chiến tranh làm tha hoá. Hay dở không biết, nhưng tôi là người dám nói. Anh em tiếp thu thế nào, như anh vừa nói, tôi lấy làm mãn nguyện. Không ngờ những bài tôi viết ra, lại có người tiếp thu, đồng thời có người đả phá (cười)…

HỎI : Bác là nhạc sĩ duy nhất căn cứ vào chủ đề của các nhạc phẩm mà phân loại chúng. Người yêu nhạc của bác đã tiếp súc hơn chục loại ca. Bác hài lòng với loại ca nào hơn cả? Khi sáng tác bác có tự giới hạn mình trong những mục đích nhất định? Hoặc có thể diễn đạt như thế này: bác có phân biệt những loại ca có ý nghĩa phục vụ một lợi ích nhất thời với những loại ca mang tính vĩnh cửu trường tồn. Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra là vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi được hỏi về nhạc Phạm Duy, đã nói: … Ðạo Ca, Tâm Ca, Tục Ca chỉ có tính cách phong trào, giai đoạn, vui chơi ngôn ngữ, không bền…

ÐÁP : (cười) Tôi cũng cám ơn anh Trịnh Công Sơn vì nhận xét có phần nông cạn về nhạc của tôi. Tâm Ca, cũng như các loại ca khác dẫu có bị kiểm duyệt thì tôi cũng ném được ra quần chúng. Nhưng Tục Ca thì ít người biết. Kể cả Trịnh Công Sơn. Không! Tôi không chơi đùa trong sáng tạo. Tôi làm văn nghệ một cách đứng đắn. Phải hiểu Tục Ca khi đặt nó trong tâm thế thời đại lúc đó: người Việt Nam chỉ muốn văng tục. Dĩ nhiên tôi hiểu rằng mọi người có quyền phê bình tác phẩm của mình. Nhưng tôi muốn trả lời một lần nữa câu anh em hỏi: Tôi có chơi đùa với chữ nghĩa, âm thanh không? Không! Ðấy là những bài nhạc hết sức đứng đắn của tôi.

HỎI : Trong điều kiện sống gần như tách biệt suốt đời với một quê hương riêng có (miền Bắc), hết vào Nam rồi ra hải ngoại, bác có để tâm và nhận xét gì về nhạc miền Bắc dưới chế độ Công Sản.

ÐÁP : Tôi chắc phải có một giá trị nào đó. Bởi vì những ngưỡi làm nên nó là những người thành thạo trong nghệ thuật rồi và họ đã hợp thành mấy thế hệ, kể từ những người như Nguyễn Xuân Khoát cho tới những ông như Trần Tiến. Tìm hiểu thì tôi thấy rõ rệt nhạc miền Bắc từ năm tư đến bảy nhăm nói được cái kiêu hùng của dân tộc trong khi nhạc miền Nam lại nói được cái hiền lành. Tôi sẽ trình bày sâu hơn về nhạc Hà Nội trong những năm tháng đó trên Internet. Từ thống nhất tới bây giờ, tôi chắc không thiếu người tài, nhưng vì ở xa quá, tôi không dám mạnh miệng phê bình. Tôi hi vọng đất nước mình sẽ thay đổi như chúng ta mong muốn – ai chẳng muốn mình thay đổi, phải không ạ ? – để cho văn hoá nghệ thuật trong đó có âm nhạc trở về với sinh hoạt bình thường, không bị đánh giá một cách nông cạn theo lập trường chính trị, như đã và đang… Còn bị kiểm duyệt thì văn học nghệ thuật còn khó lòng…

HỎI : Rất nhiều tài năng âm nhạc lớn đang khép lại thế kỷ này bằng sự ra đi vĩnh viễn của mình, Như Văn Cao. Như DươngThiệu Tước. Như Thẩm Oánh. Vừa mới đây thôi, tác giả HÒN VỌNG PHU sừng sững cũng vĩnh biệt chúng ta. Là một trong những nhạc sĩ cuối cùng của thế hệ khai sinh tân nhạc Việt Nam, cũng là người có thẩm quyền nhận định về tình hình âm nhạc đất nước, bác nghĩ sao về hướng đi tới của nhạc Việt? Phải chăng đỉnh cao của nó chỉ là sự mô phỏng vụng về những điệu Disco, New Wave, Rap, Techno của các xứ tiên tiến mà thanh niên Việt Nam đang chuộng? Hay ỉ eo kiểu nhạc sến? Bác có kỳ vọng gì ở thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay của ta không?

ÐÁP : Ở một nước bình thường, không bất bình thường như nước mình, cũng có hai loại nghệ thuật. Có thứ nghệ thuật cho đám đông. Coi nó như trò chơi cũng không có gì là quá. Ví dụ đánh giá nhạc nước Mỹ chỉ qua Michael Jackson hay Madonna thì tội cho nước Mỹ quá. Vẫn phải có một loại nhạc tiêu biểu cho một đất nước, dù rằng chưa chắc đám đông đã hiểu nó. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng mà tình hình chính trị còn lung tung thế này thì làm sao có thể nói đến nghệ thuật được. Nhưng cứ tạt ngang sang văn chương. Trước đây ta cứ nghĩ là trong hoàn cảnh như ở nước mình, lấy đâu ra một tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần thời đại. Ðiều này giờ đã được cải chính chỉ nội qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Ðọc, thấy mình có quyền hi vọng vào dân tộc mình lắm. Tôi nghĩ tình hình trong âm nhạc cũng vậy. Có thể có thứ nhạc sến, nhạc nô dịch. Nhưng biết đâu trong âm thầm có những người như Nguyễn Huy Thiệp trong văn học. Nếu cởi mở thực sự, không chừng những cái họ sáng tạo đó sẽ được ném ra. Tôi cam đoan như thế. Chẳng lẽ một nước bị khuấy động hằng bao năm như thế lại không có được một nhạc sĩ nói về điều ấy như là đại diện của dân tộc. Mình chưa thấy ra đó thôi. Tôi còn mong anh em ở nhà biết ai thì cho tôi hay để tôi còn đi kiếm. Chỉ mong âm nhạc không bị dùng làm tuyên truyền. Âm nhạc là để xưng tụng chứ không phải để chửi nhau (cười). Tôi hi vọng. Có những người như tôi, như anh Nguyễn Xuân Khoát, có những người như Trần Tiến, như Dương Thụ… Ở nhà cứ cởi trói đi. Biết đâu chẳng có tác phẩm hay. Phải cho tôi cái quyền được lạc quan như vậy.

HỎI : Ca sĩ nào đã thể hiện ca khúc của bác đã thành công nhất ?

ÐÁP : Một tác phẩm âm nhạc cần có ba điều kiện: thứ nhất, tác phẩm soạn ra phải có giá trị; thứ hai, phải có ca sĩ đủ sức truyền tải tác phẩm tới quần chúng; thứ ba, quần chúng chấp nhận. Ðời tôi may mắn lúc nào cũng có Thái Thanh, lúc nào cũng được quần chúng lắng nghe. Nhờ thế mà một bài hát dễ trở thành cổ điển, ví dụ như VIỆT NAM VIỆT NAM, TÌNH CA (Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi…) Ngoài Thái Thanh ra, tôi có Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và gần đây nhất tôi có Tuấn Ngọc.

HỎI : Trong số ba mươi ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy thời kháng chiến, có nhiều bản bất hủ, tác động sâu sắc tới tâm thế của bao thanh niên thời buổi ấy, giục giã họ đầu quân. Ba mươi ca khúc. Một lượng bài hát có thể bằng tất cả các ca khúc đáng nhớ của tất cả các nhạc sĩ hồi ấy cộng lại. Ở thời kỳ sau, bác lại là tác giả của biết bao bài hát về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời… Ðứng trên mọi bình diện, hoàn toàn có thể gọi nhạc sĩ Phạm Duy là một người yêu nước vĩ đại hoặc là một người hát rong vĩ đại – nếu cách định danh này hợp ý bác hơn. Nhưng hơn nửa thế kỷ nay, chính quyền Hà Nội vẫn coi Phạm Duy và nhạc Phạm Duy là một đề tài cấm kỵ, điển hình là câu phán rất không vị nhân tình của ông Trần Bạch Ðằng các đây bẩy tám năm, một câu nói mà vì sự láo xược chúng ta không thể nhắc lại. Bác nghĩ gì về phản ứng trước bác của nhà cầm quyền?

ÐÁP : Phải cho tôi thở dài cái đã (cười)… Mệt quá! Có gì đâu? Chuyện hết sức giản dị: Một con chim sinh ra để hát những điều tốt đẹp trong muà xuân. Nghe con chim hót bằng trái tim của ông Trần Bạch Ðằng thì… khổ quá! Không chấp! Kệ… Sự công nhận của quần chúng thầm lặng vẫn là điều bền nhất. Tôi hi vọng nhiều ở họ lắm. Ở thời kỳ nào cũng thế, tôi không nói là tôi nhìn sáng suốt hơn, nhưng quả thật tôi đã nhìn kỹ hơn, nhìn đúng, nhìn ra những khổ đau của dân tộc trong những bài hát của mình. Tôi nghĩ người nghệ sĩ nào cũng phải có ý thức về điều này, còn làm được hay không lại là chuyện khác.

HỎI : Rồi thế nào cũng có một ngày người ta phải trả lại cho Phạm Duy lòng kính trọng và sự tôn vinh thoả đáng. Ngày đó, những người hâm mộ bác sẽ được cùng bác cười vang ta hát câu tự do giữa lòng Hà Nội. Bác sẽ hát cho người Tràng An nghe những bài gì nếu cần chọn lấy mười bài?

ÐÁP : (cười) Chắc chắn là không được hát Tục Ca rồi. Ðủ rồi, không cần phải chửi ai nữa. Chúng ta phải trở về với sự bình thường. Tôi thích một nét tính tình này của người Việt mình: không có cái gì là quan trọng cả. Nhưng trong năm mươi năm qua, chúng ta bị quan trọng hoá nhiều quá. Cái ngày trở về Việt Nam. tôi sẽ hát HÁT TRÊN ÐƯỜNG VỀ. Về đây không phải là về với Saigon hay Hà Nội. Về đây là về với chính bản thân mình. Người Việt Nam đánh mất mình năm mươi năm nay rồi. Phải về lại với chính bản thân mình…

Nhóm thực hiện: VXL, Lê văn Ðiểm, Lê Minh Hà
Ðăng trên báo GIÓ ÐÔNG, Germany, 1-1997

Nguồn: http://phamduy.com/document/vietve/giodong.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây