BBC
26.12.2012
Nguyên Lê, nhạc sĩ Jazz người Pháp gốc Việt, nói ông hy vọng giới nghệ sỹ Việt Nam cần làm nhiều hơn để bảo tồn nhạc dân tộc.
Sinh ra tại Paris có cha mẹ đều là người Việt Nam, Nguyên Lê theo học nhạc học ở trường đại học Sorbonne, nhưng thích chơi đàn hơn nên chuyên về đàn guitar điện cho nhạc Jazz.
Từ năm 1990 tới 2011, Nguyên Lê đã thực hiện hơn 20 CD đủ loại với nhạc Bắc Phi Maghreb, nhạc Ấn, Nhật Bản và cả nhạc Việt Nam.
BBC: Ông chơi nhiều thể loại nhạc như Jazz, Rock và cả nhạc Việt Nam. Vậy yếu tố âm nhạc Việt Nam ảnh hưởng tới ông như thế nào?
Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi hay mở cải lương nghe ở trong nhà. Rồi trong những dịp Tết thì cộng đồng người Việt tại Pháp cũng tổ chức lễ hội và thường có tiết mục cải lương ở cuối đêm diễn. Thực lòng là tôi không hề thích thể loại này nhưng tiết tấu và giai điệu có thể đã ngấm vào tôi qua thời gian. Nhưng sau này khi tôi chơi nhạc chuyên nghiệp rồi thì tôi thấy ảnh hưởng về nhạc dân tộc mà tôi nghe hồi nhỏ đã ảnh hưởng tới tâm hồn của tôi như thế nào.
Mười năm kể từ khi tôi bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc, tôi nhận thấy rất thú vị khi tìm lại cái gốc của mình. Có thể nói là lúc đầu tôi thích âm nhạc dân tộc Việt Nam chứ không thích nhạc pop Việt Nam. Tuy nhiên qua những người như ca sỹ Hương Thanh, người cộng tác với tôi trong album có tên là ‘Tales from Vietnam’ vào năm 1996, tôi trở nên “cởi mở” hơn với các thể loại nhạc Việt Nam khác ngoài nhạc dân tộc. Và đây là bước quan trọng cho sự phát triển âm nhạc của tôi.
BBC: Sinh ra và lớn lên tại Pháp, ông có thấy âm nhạc Việt Nam bị ảnh hưởng từ nhạc Pháp do giai đoạn lâu bị Pháp đô hộ?
1979 là năm đầu tiên tôi về Việt Nam cùng cha mẹ tôi. Lần đó tôi về học đàn bầu, thầy của tôi cũng chơi một số bản nhạc Pháp thời thập niên 1950. Khi đó tôi thấy nhạc Pháp giai đoạn đó có ảnh hưởng tự nhiên tới nhạc Việt Nam. Khi càng nghiên cứu sâu và chơi nhạc Việt Nam thì tôi lại càng thấy nhạc Việt có những ảnh hưởng nhất định từ nhạc Pháp. Thực ra cải lương là hình thức nghệ thuật cũng chịu ảnh hưởng từ sân khấu của Pháp và cũng chịu ảnh hưởng đôi chút về yếu tố nhạc. Còn nhạc cụ để chơi cải lương chính là guitar cải lương, là cây guitar của phương Tây được người ta Việt hóa với cấu trúc phĩm lõm và cách lên giây khác.
BBC: Nhạc dân tộc Việt Nam có điểm gì đặc biệt đối với ông?
Điều tôi thích là từ góc độ của người chơi nhạc, tức là tôi thích yếu tố tinh tế nhưng đồng thời đầy cảm xúc, cũng khá phức tạp về kỹ thuật chơi, đa dạng về tiết tấu cũng như luật hòa thanh. Trong một chừng mực nào đó cũng có thể xem là có tố chất nhạc jazz. Có thể nói nhạc dân tộc Việt Nam là sự kết hôn hoàn hảo giữa lý thuyết với tâm hồn mặc dù không phải là loại dễ hiểu khi mới nghe. Tức là cũng phải dậy cho tai của mình cách nghe thì mới nghe được.
BBC: Vậy còn có yếu tố nào khác ảnh hưởng tới nhạc Việt Nam?
Có thể nói âm nhạc tại miền Nam Việt Nam có âm hưởng chịu sự chi phối nhiều từ Ấn Độ và càng di chuyển ra miền Bắc thì âm nhạc lại càng có yếu tố chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tức là có sự pha trộn. Có thể nói là lối luyến láy chịu ảnh hưởng từ niềm Nam, ở đây là Ấn Độ trong khi bố cục đến từ miền Bắc, hay Trung Quốc.
BBC: Vậy nhạc dân tộc Việt Nam có bị mai một theo năm tháng ở trong nước hay không?
Có thể nói là có ít người quan tâm tới nhạc dân tộc. Nhạc dân tộc được chơi ở rất ít chỗ, đa số là phục vụ khách du lịch nước ngoài, nhưng cũng đã được biến tấy để dễ lọt tai người nghe. Nhạc dân tộc thuần túy có lẽ dễ tìm thấy nhất và chất lượng nhất là vào xem múa rối nước. Sự thật này đáng buồn vì dường như tại Việt Nam người ta không tôn trọng truyền thống, đặc biệt là tại các thành phố lớn nơi mà karaoke, DVD và internet đã lấy đi tất cả. Nhạc dân tộc là thứ chúng ta cần thực sự gìn giữ và tôi hy vọng là người Việt sẽ tự hào về âm nhạc truyền thống.
BBC: Tức là khi ông về nước tham gia biểu diễn thì ông nói với giới văn nghệ sỹ là nên bảo tồn nhạc dân tộc?
Tôi không nói gì cả. Tôi chỉ làm mà thôi. Kể từ năm ngoái tôi đã làm việc với một số ngôi sao nhạc pop có tiếng ở Việt Nam. Một số người trong số họ không có kiến thức về âm nhạc dân tộc. Nhưng vì họ là người Việt Nam nên họ có thể học lại nhanh hơn. Điều thú vị là khi tôi tham gia biểu diễn tại Việt Nam vào tháng Bảy 2012, nhiều ngôi sao lớn của trào lưu nhạc pop và cả một số nhạc công chơi rock thấy tôi quan tâm nhiều tới nhạc dân tộc và họ bắt đầu tìm lại âm hưởng của nhạc dân tộc. Họ yêu thích những gì tôi làm và họ muốn hiểu biết thêm và tự nhiên họ tìm thấy nguồn cảm hứng theo hướng nhạc dân tộc. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là thành khẩn với chính tâm hồn của mình.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121226_phong_van_nguyen_le.shtml