Nguyễn Kim Tiến
26 tháng 12 năm 2012
“Les Miserables” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Victor Hugo, nhà văn Pháp. Một tác phẩm đã ảnh hưởng rất lớn qua nhiều thế hệ. Một tác phẩm đã đi vào văn học. Một tác phẩm với 1200 trang mà khi đọc, chúng ta có thể hình dung ra đời sống cơ cực và một tâm lý đau đớn đến tận cùng của một xã hội bất công dẫn đến cuộc cách mạng đẫm máu. Nhưng giữa những đau thương của đời sống ấy, tình yêu đôi lứa, tình yêu giữa con người với con người vẫn nở hoa kết trái.
Anne Hathaway trong vai Fantine
Dù tác phẩm này đã viết cách đây gần 200 năm, nhưng tâm lý của con người ở thời đại nào cũng cho chúng ta thấy được rằng, sức chịu đựng của con người có giới hạn tưởng chừng như yếu mềm trước bạo quyền nhưng một khi sức chịu đựng ấy bị đè nén đến một mức nào đó, nó sẽ tạo thành một sức mạnh vô cùng lớn, công phá, đánh tan những rào cản mà chúng ta luôn nghĩ là vĩnh viễn.
Hôm qua, ngày đầu tiên cuốn phim “Les Miserables” trình chiếu. Đây là lần đầu tiên tôi đi xem phim ngay vào ngày đầu tiên, và cũng là lần đầu tiên tôi sắp hàng. Lại nhớ những lần chen lấn đi xem phim ở quê nhà! Mà vì sao cuốn phim này thu hút người xem đến thế, ngay cả tôi. Bởi tôi không phải là một người thường đi xem phim. Phải chăng vì cái tựa “Les Miserables”, những người khốn khổ đã in sâu trong tìm thức của tôi. Một cái tựa đã gắn liền với nền văn học không riêng gì nước Pháp, nó đã lan nhanh đến nhiều nước trên thế giới, một cái tựa đã khơi dậy trong lòng ta những cảm thương, hay một cái tựa cho tới hiện giờ vẫn còn có thể gắn kết vào những mảnh đời đâu đó trên trái đất này? Hay cuốn phim này là cuốn phim đặc biệt, một cuốn phim thu tại chỗ tiếng hát cùng lúc với diễn xuất. Một cuốn phim nhạc đầu tiên mà tiếng hát không được thu trước ở phòng thu và sẽ lồng vào sau? Dù là bất cứ lý do gì, tôi cũng tin rằng đây là một cuốn phim nhạc quá tuyệt vời, ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Nhạc và tiếng hát suốt gần 3 tiếng đồng hồ đã cuốn hút tôi rất mãnh liệt. Đạo diễn Tom Hooper, lần đầu tiên, muốn thử thách nên muốn diễn viên phải hát trong khi diễn và thu tại chỗ. Với tôi, dù có người phê bình khả năng hát của vài diễn viên chưa đạt, đây vẫn là một thành công lớn của ông. Cảnh đầu tiên vào phim đã cho khán giả cái cảm giác bao la rộng lớn và mạnh mẽ của biển cả, cái sức mạnh của luật pháp, cái đau đớn của người tù tội. Rồi từ đó nó dẫn khán giả đi từ từ vào những đau khổ của những con người ngay cả đang tự do sống trong lòng xã hội. Cách dựng những khoảnh khắc lấy ta từ tác phẩm lớn “Les Miserables”rất độc đáo và sắc nhọn. Ông biết chắc lọc những tình tiết để làm khán giả ngậm ngùi đau đớn, cái đau đớn ngấm sâu, ngấm từ từ theo từng cung bậc thời gian để cuối cùng cuốn phim là những vở oà.
Nhân vật chính Jean Valjean (Hugh Jackman) đã ăn cắp miếng bánh mì cho người cháu đang gần với cái chết vì đói, đã vào tù, và vì ông tìm cách vượt ngục, nên ông phải ở thêm 15 năm. Sau 19 năm trong tù với biết bao là nhục hình khổ sai, ông được thả tự do. Nhưng tự do này vẫn còn nằm trong vòng quản thúc. Và thời gian này là thời gian với nhiều thử thách, việc làm không có, đi tới đâu cũng bị hất hủi, đánh đập, ngay cả trẻ nít trong làng cũng ném đá, chọc ghẹo ông. Và một buổi tối lạnh buốt, ông đã quá mệt mỏi, đói lã người và nằm co ro ngủ trước cửa nhà thờ. Và đây là bước ngoặt đặc biệt của cuộc đời ông. Tác giả đã cho chúng ta thấy rằng xã hội đã tạo ra những mặt trái của chúng ta và chính xã hội kết án chúng ta!
Đêm ấy, ông gặp cha nhà thờ hiền từ và đức độ. Cha nhìn thấy được bên trong ông, nhìn thấy được trái tim nhân ái của ông và cha đã giúp ông. Niềm tin vào đức tin, vào chính ông đã vực ông dậy. Ông đã xé bỏ mảnh giấy quản chế và tìm đến một thành phố khác lập nghiệp và nơi đây ông đã thành công và trở thành thị trưởng thành phố. Dù thế ông luôn lo sợ Javert (Russell Crowe), người cai tù, đã luôn bám riết theo ông để chỉ cần tìm một kẻ hở nào đó là bắt ông bỏ vào tù trở lại. Rồi định mệnh an bài, để ông có cơ hội, sống bằng trái tim đầy tình thương của mình, ông tình cờ gặp lại người con gái tên Fantine (Anne Hathaway)- đã từng làm việc trong xưởng của ông, vì sự ghen tuông của người trưởng phòng, cô đã bị đuổi – trên đường phố ở một góc khuất đen tối trong xã hội. Cô đã kiệt sức và chết bởi bệnh lao phổi để lại đứa con nhỏ chừng 7 tuổi. Ông đã hứa và nuôi đứa bé đó lớn lên với một tình yêu cha con đằm thắm, nhưng bí mật của ông là một điều gì đấy mà Cosette ( diễn viên khi lớn là Amnada Seyfried) không thể chạm vào. Câu chuyện bắt đầu là thế, nhưng ở đây tôi muốn nói đến người nữ diễn viên Anne Hathaway. Sự kết hợp tài tình giữa người diễn xuất và người hướng dẫn đã làm cho bài hát “I dreamed a dream” đi đến một tận cùng của cảm xúc. Hình ảnh này là hình ảnh tuyệt vời nhất và điểm nhấn sâu đậm nhất. Tôi có xem một số phim nữ diễn viên này đóng, nhưng với tôi, đây là hình ảnh mà tôi yêu mến nhất từ trước đến nay. Trái tim của tôi như muốn vở ra. Tôi muốn đi sâu hơn vào giấc mơ của Fantine!
Trở về với câu chuyện nổi tiếng của Victor Hugo, Jean Valjean đã bị lộ diện và lần nữa ông tìm cách trốn thoát nhưng đời sống ông đã thay đổi khi bên ông luôn có Cosette. Một người con mà ông yêu thương quí mến hết lòng. Rồi ông lọt giữa lòng những người dân lầm than của xã hội và ông nhìn thấy tình yêu nở ra như đoá hoa thơm mùi cỏ lạ giữa cô con gái và chàng sinh viên trong phong trào cách mạng Pháp (đây là cuộc cách mạng năm 1832 lần thứ 3, chứ không phải là cuộc cách mạng 1789) và ông tìm cách cứu người sinh viên này đem về cho con gái ông. Thế rồi, ông quyết định ra đi vì không muốn người ta biết nguồn gốc của ông và của Cosette.
Ngang đây, tôi muốn dừng lại chút xíu, để nói đến nam diễn viên người Úc là Hugh Jackman. Ông sinh năm 1968 ở Sydney, New South Wales, Australia. Ông theo học đại học ngành Communications chuyên ngành Ký giả, nhưng sau khi ra trường, ông ghi danh theo học ngành kịch nghệ tại trường Western Australian Academy Performing of Arts và trở thành diễn viên của đài truyền hình ABC-TV. Điều này cho tôi thấy rằng, đôi khi, chúng ta không biết chúng ta phải chọn ngành nghề nào khi chúng ta bước vào ngưỡng cửa đại học. Đó là một khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta mất rất nhiều năm tháng để biết chúng ta muốn gì và khám phá ra tài năng của chúng ta. Thật vậy, ông không phải là ca sĩ, cũng như những diễn viễn khác trong bộ phim này, không ai là ca sĩ cả, thế mà, với lòng đam mê và nhiệt tình, cũng như khả năng tiềm ẩn mà cả đạo diễn và người diễn xuất đã kết hợp một cách nhuyền nhuẫn để đưa khán giả đi từ cảm xúc này đến cảm xúc kia càng lúc càng sâu cho đến giờ phút cuối cùng của cuốn phim. Cả cuốn phim với gần 3 tiếng đồng hồ, tất cả diễn viên phải vừa diễn xuất vừa hát như những vở kịch nhạc nổi tiếng của Broadway ở New York, mà không có một khoảnh khắc nào đơn điệu, vô ích. Tôi thật sự thán phục tài năng nghệ thuật của tất cả mọi người đã góp phần làm nên một cuốn phim đầy xúc cảm làm trái tim của chúng ta rưng rưng thật sâu, thật đậm, thật từ từ mà dài lâu!
Đoạn kết câu chuyện, ông Jean Valjean chết, kịp lúc Cosette và chồng cô, người sinh viên làm cách mạng tên Marius (Eddie Redmayne) đã đến kịp chia tay lần cuối. Cuộc cách mạng ở một góc phố đã không thành công, nhưng hình ảnh cuối cùng, đó là tinh thần cách mạng của người dân Pháp, dù tất cả thành viên của nhóm sinh viên làm cách mạng đã hy sinh, vẫn thể hiện ra một lòng bất khuất và tự hào ở những hồn ma hát lên những bài ca yêu nước, chống độc tài, chống bất công, để chúng ta thấy rằng, khi con người bị đàn áp, đè bẹp ở bất cứ nơi đâu, ở thì hiện tại, quá khứ hay tương lai, một tiếng nổ vang, lá cờ một lần nữa phải thay hình đổi dạng.
Đây là một bộ phim nhạc đầy ấn tượng và màu sắc. Nó sẽ ở lại mãi trong lòng khán giả với nhiều suy nghĩ và trăn trở về tình yêu, thân phận trong một xã hội bất công với luật pháp không dựa trên quyền làm người! Những tiếng thút thít trong đêm tối, những cánh tay đưa lên quẹt những giọt nước mắt lăn dài trên má, những tiếng lòng có khi không thể khóc thành lời. Đó là tất cả những gì mà cuốn phim đã để lại.
Một đêm với nhiều cảm xúc sâu đậm. Một đêm với nhiều suy tư về thân phận con người. Biết bao giờ chúng ta thoát ra khỏi những bế tắc trần gian đầy mâu thuẫn này! Trăm năm trước? ngàn năm sau? Biết bao giờ! Biết bao giờ! Biết bao giờ!
Nguyễn Kim Tiến
26 tháng 12 năm 2012