BBC
20.12.2012
Nam Lộc, người nổi tiếng với một số nhạc phẩm và vai trò dẫn chương trình ca nhạc tại hải ngoại, nói về phong trào nhạc trẻ cuối thập niên 1960.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC tại Los Angeles mới đây, ông cũng nói về bối cảnh “Việt hóa” bản nhạc ngoại quốc thịnh hành bằng cách đặt lời tiếng Việt cũng như ca khúc nổi tiếng Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của mình.
Nam Lộc: Nhạc trẻ bắt đầu nhen nhóm tại Sài Gòn từ đầu thập niên 1960 là giai đoạn con em trong các gia đình khá giả học tại trường dạy bằng tiếng Anh và tiếng Pháp nên họ ảnh hưởng từ nhạc Pháp, nhạc Mỹ. Khi Hoa Kỳ tham gia vào chiến tranh tại Việt Nam thì có thêm nhu cầu có thêm nhạc Mỹ, nhu cầu có clubs, và âm nhạc phục vụ tiệc tùng.
Tuy nhiên có nhiều người đi lính trong khi lại có người chỉ vui chơi theo trào lưu hippy, để tóc dài, mặc quần ống loe nên lúc đó cũng có những phản ứng khác nhau. Cũng có cái nhìn kỳ thị đối với những người để tóc dài chơi nhạc pop/rock bởi những người khác cùng trang lứa vào quân ngũ và ra chiến trường, tức người ta có cảm giác là những người không cầm súng chỉ cầm đàn thì không quan tâm tới tình hình đất nước.
BBC: Ai là người có cái nhìn phân biệt, chính phủ lúc đó hay dân chúng?
Phần nhiều là dân chúng và có cả giới chức quân đội không thích nhìn những người mặc đồ hippy và theo trào lưu hippy. Tôi nhớ là cũng có giai đoạn người ta bắt những người trẻ phải cắt tóc ngắn và đã có sự phản đối và cũng đã có một số nhóm viết thư gửi chính quyền lúc đó phản đối thực trạng phân biệt đối xử.
BBC: Vậy ông tham gia vào phong trào nhạc trẻ này như thế nào?
Tôi không phải là ca sỹ, cũng không phải nhạc sỹ. Nhưng tôi mê nhạc lắm. Tôi muốn giúp những người chơi nhạc rock lúc đó vì họ là những người có tài và tôi muốn hướng họ đi theo con đường mà họ thích bằng việc tham gia cùng với họ. Tôi liên lạc với những người đi đầu phong trào lúc đó là Trường Kỳ, Jo Marcel, Tùng Giang, Elvis Phương và tôi tham gia với vai trò tổ chức. Tôi bảo họ rằng chúng tôi có thể tổ chức sự kiện như Liên hoan Woodstock tại Hoa Kỳ.
Từ lúc đó tôi đã muốn tham gia làm việc từ thiện và tôi nói với mọi người rằng hãy tổ chức buổi diễn và doanh thu có được sẽ được giao tất cả cho các tổ chức thiện nguyện, để giúp cho những người vợ góa chồng do chết trận hoặc giúp gia đình quân nhân. Đối với những anh em chơi nhạc lúc đó thì mong muốn duy nhất là được chơi nhạc thoải mái và không bị nhìn với con mắt kỳ thị.
Và buổi diễn đầu tiên của chúng tôi là vào năm 1970 tại Sân vận động Hoa Lư với sức chứa khoảng 20 ngàn khán giả và đệ nhất phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tới dự. Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ lúc đó phản đối và thậm chí còn bảo lính đi dỡ bỏ áp phích quảng cáo. Chúng tôi biểu diễn cho tới tận năm 1975 và buổi cuối cùng là vào tháng Hai năm 1975.
BBC: Được biết ông cũng sáng tác?
Tại những buổi biểu diễn như vậy chúng tôi thấy rất vui nhưng cũng thấy thiếu một cái gì đó kể như dòng nhạc có giai điệu hợp với giới trẻ. Thế là tôi bèn lấy nhạc ngoại và viết lại toàn bộ lời bằng tiếng Việt.
Chẳng hạn như bản ‘Tell Laura I Love Her‘ thì tôi đã viết lại lời toàn bộ thành “Trưng Vương khung cửa mùa thu“, kể về một nữ sinh nghĩ về bạn trai đang đợi ở ngoài cổng trường, bản đó thành hit mặc dù chả có gì liên quan tới Laura cả. Rồi bản nữa là bản “Mây Lang Thang“, tôi cũng lấy nguyên nhạc của bản ‘A Cowboy’s Work is Never Done‘. Tôi phải nói là tôi “ăn trộm nhạc” nhưng đặt ca từ của mình. Một số nhạc sĩ khác lúc đó họ làm công việc rất hay là họ dịch các ca khúc đó ra thành nhạc Việt lời Việt và dịch rất hay nhưng tôi có phong cách khác họ.
Trưng Vương khung cửa mùa thu, Thanh Lan trình bày
Rồi có nhiều người cứ tưởng đó là tác phẩm của tôi, tôi bảo là không, tôi chỉ viết lời thôi. Tôi muốn người ta cảm nhận được tình cảm trong ngôn ngữ Việt và bối cảnh Việt trên giai điệu nước ngoài rất hay.
BBC: Vậy điều gì xảy ra với những người như ông và bạn bè chơi nhạc vào tháng Tư năm 1975?
Lúc đó thì ai có thể chạy được là chạy. Một số di tản được do bạn bè giúp đỡ trong đó có bạn bè người Mỹ mà họ chơi nhạc cùng hoặc quen biết. Nhà soạn nhạc và nghệ sỹ Đức Huy lúc đó được một người bạn có một người bạn Mỹ khác giúp đưa gia đình ra sân bay Tân Sơn Nhất. Và tôi gián tiếp cũng được may mắn vì tôi ra sân bay và thấy anh Đức Huy ở đó, anh gọi tôi và nói đi thôi. Còn Elvis Phương thì đi cùng trên một tàu với cha tôi. Nhưng cũng có những người khác rớt lại như Trường Kỳ, Tùng Giang, Jo Marcel.
Sau 1975, chính quyền Cộng sản đã dùng hình ảnh những người như chúng tôi với tóc dài, quần áo hippy để tuyên truyền rằng đây là những sản phẩm của đế quốc Mỹ thuê người Việt làm để hủy hoại thế hệ trẻ. Và tất nhiên là chẳng ai chơi các loại nhạc đó nữa. Họ thậm chí còn viết cả những bài báo mà tôi vẫn còn giữ bản sao nói rằng tôi làm việc cho CIA nên tôi mới được sang Hoa Kỳ và khi sang đây là có công ăn việc làm ngay.
Đó là luận điệu tuyên truyền của Cộng sản và tôi đã viết bài báo chỉ trích lại những thông tin đó. Tôi cho mọi người thấy là không thể tin được Cộng sản vì toàn dối trá.
BBC: Ông đã trở lại Việt Nam kể từ khi sang Hoa Kỳ hay chưa?
“Thực ra tôi cũng không biết đó là ca khúc hay chỉ là cảm giác buồn muốn tiếng khóc được vang lên. Vì tôi muốn giữ cảm giác này nên tôi viết một vài nốt nhạc để lưu lại”
Khi tôi sang Hoa Kỳ tôi rất cô đơn lúc đó, tôi nhớ Sài Gòn. Nhạc lý của tôi rất hạn chế nên tôi thậm chí không hoàn tất được ca khúc ‘Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt’ mặc dù tôi chơi guitar. Tôi viết cho riêng mình vì cả gia đình tôi ở lại Việt Nam. Lúc đó tôi ở trong trại tị nạn Camp Pendleton ở Nam California. Thực ra tôi cũng không biết đó là ca khúc hay chỉ là cảm giác buồn muốn tiếng khóc được vang lên. Vì tôi muốn giữ cảm giác này nên tôi viết một vài nốt nhạc để lưu lại.
Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt, Nam Lộc trình bày
Sau khi tôi ra khỏi trại vào tháng 11/1975, tôi đã tới một câu lạc bộ ở Hollywood và hát đoạn đầu của bản này. Nhạc sỹ Huỳnh Anh lúc đó hỏi tôi bản này ở đâu ra và tôi nói là tôi viết. Và nhạc sỹ Huỳnh Anh bảo tôi là nói đùa đấy à thì tôi nói là tôi nói thật. Và sau đó ông đưa tôi về nhà và giúp tôi viết trọn bản này. Lúc đó cảm giác buồn chán đến với mọi người và không ai muốn sáng tác hay viết nhạc. Ca sỹ Khánh Ly cũng không có ai viết tác phẩm cho và lúc đó Khánh Ly đã hát bản ‘Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt‘. Và có thể vì sự nổi tiếng của Khánh Ly và nhiều người cùng cảnh ngộ lúc đó đồng cảm nên ca khúc này bỗng nhiên nổi tiếng.
Ngay khi ra khỏi trại tị nạn tôi đã làm ngay cho cơ quan thiện nguyện công giáo giúp đỡ cho người tị nạn và đó là công việc của tôi từ tháng 12 năm 1975 cho tới ngày hôm nay. Với công việc này tôi đã hai lần về Việt Nam vào năm 1991 và 1996.
Tôi cũng viết ca khúc mang nặng thông điệp chính trị như ‘Xin Đời Một Nụ Cười‘, có cả bản bằng tiếng Anh, để nói với thế giới tại sao người Việt lại phải sống lưu vong, tại sao người ta phải vượt biển và chết ngoài khơi. Tất cả là vì đi tìm hai chữ “tự do”. Có thể những năm đầu thập niên 1990 khi tôi về Việt Nam là lúc ở Việt Nam họ bận làm kinh tế nên họ không để ý ai viết bài đó nên thực sự tôi ngạc nhiên vì chẳng thấy hề hấn gì khi gặp họ cả.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121220_phong_van_nam_loc.shtml