Florent Pagny hát nhạc La Tinh kinh điển

Tuấn Thảo
17.11.2012

Tháng này đánh dấu ngày xuất hiện trở lại của ca sĩ người Pháp Florent Pagny. Chỉ vài tháng sau khi phát hành tập nhạc live mang tựa đề Ma liberté de Chanter (Tự do Ca hát), Florent Pagny lại trình làng một album đề tựa Gracias a la Vida (Cảm ơn cuộc đời) bao gồm nhiều bài hát nổi tiếng của dòng nhạc La Tinh.


‘Gracias a la Vida” là tập nhạc thứ 14 của Florent Pagny (DR)

Đây không phải là lần đầu tiên, Florent Pagny ghi âm một album bằng tiếng Tây Ban Nha. Vào năm 2009, anh đã từng cho ra mắt một tập nhạc tương tự, xen kẽ các sáng tác mới với những tình khúc vang bóng một thời. Trên album lần trước, anh có ghi âm lại bản nhạc kinh điển Vuelvo al Sur (Trở về miền nam) của tay đàn phong cầm bậc thầy Astor Piazzola. Dù vậy, tập nhạc này đã không gặt hái được nhiều thành công như mong đợi.


Có lẽ cũng vì vậy mà lần này, Florent Pagny ăn chắc mặc bền khi chuyển qua hát cover. Mười một ca khúc mà anh đã chọn ghi âm trên album Gracias a la vida, hầu hết đều là những bài hát rất quen thuộc, trong đó có nhiều bản nhạc từng được sáng tác từ những năm 1940 và1950. Một số bài khác, có thể được xem là sáng tác mới, vì được cho ra đời gần đây hơn trong giai đoạn cuối thập niên 1990 đầu những năm 2000.

Bản nhạc đầu tiên trích từ album này là tình khúc La Soledad Nỗi cô đơn của nhạc sĩ người Mỹ Thomas M. Lauderdale, một trong hai tác giả chính của ban nhạc Pink Martini. Trong nguyên tác, bản nhạc có đoạn mở đầu với khúc dương cầm cổ điển andante spianato (Grande Polonaise brillante, opus 22) với tựa đề tiếng Anh là ”Raindrop” của Chopin.


Tác giả Thomas M. Lauderdale của nhóm Pink Martini đã soạn ca khúc La Soledad như một lời đối đáp, biến tấu tung hứng với khúc dương cầm tuyệt diệu của Chopin, nhấn mạnh nét đột phá tân kỳ trong một giai điệu gọi là cổ điển. Bản nhạc này từng được chuyển sang lời Việt, hay nói cho đúng hơn là tác giả Lê Hựu Hà đã đặt thêm ca từ tiếng Việt cho bản nhạc này với tựa đề Ngủ đi em. Mời quý thính giả và các bạn đón nghe bài này ở đoạn cuối chương trình.

Về phần mình, Florent Pagny khi hát lại bài này trong tiếng Tây Ban Nha đã không giữ lại khúc dạo đầu bằng tiếng đàn dương cầm cổ điển, mà lại lái hẳn sang nhạc nhẹ. Để minh họa cho bài hát, anh đã mời đến sự hợp tác của cặp nghệ sĩ bài trùng Cristina Sosa và Daniel Nacucchio. Nổi danh trong làng khiêu vũ quốc tế, sau khi đoạt chức vô địch thế giới 2008 trong điệu nhảy tango, hai vũ sư người Argentina đã biểu diễn cách khiêu vũ gợi tình bốc lửa, để nhấn mạnh cho ý tưởng : Đam mê khi không còn mới thật sự bùng cháy.

Người yêu đến trong đời
Như chất thơ diệu vợi
Bàng bạc tiếng gọi mời
Trong muôn lời ca mới

Người vẽ lên khung trời
Ở tận cùng thế giới
Chốn đam mê chưa vơi
Nơi nhân loại chưa tới

Người đem ánh mặt trời
Phủ ngập tràn muôn lối
Cho cảm xúc tuôn lời
Tình yêu dù không nói

Người yêu ta trọn đời
Tình một cõi lên ngôi
Đâu ngờ ngày trăn trối
Tha thiết nay hết rồi

Người yêu ta hết lời
Đâu ngờ câu giả dối
Đâu ngờ ta phản bội
Giờ chỉ còn đơn côi

Bản phóng tác của La Soledad (Tuấn Thảo)

Trên tập nhạc Gracias a la vida (Cảm ơn cuộc đời), có rất nhiều bản nhạc kinh điển, chẳng hạn như bài Piensa en Mi do tác giả Agustín Lara viết vào năm 1937, bản nhạc Quizas Quizas của Osvaldo Farres, viết vào năm 1947. Xuất xứ tác giả có thể khác nhau : một bên là Mêhicô, một bên đến từ Cuba, nhưng chung quy vẫn là điệu bolero vùng Trung Mỹ.

Nhạc phẩm Gracias a la Vida, ca khúc chủ đề của album cùng tên, lại là một bản nhạc từng ăn khách qua phần thể hiện của Mercedes Sosa. Ca khúc Alfonsina y el Mar mang đậm ảnh hưởng zamba của người Argentina tức là rất khác với điệu samba của Brazil. Còn tình khúc Volver thì thuần chất tango nổi tiếng qua tiếng hát của ông hoàng Carlos Gardel.


Quan hệ gắn bó của Florent Pagny với văn hóa La Tinh cũng như với ngôn ngữ Tây Ban Nha rất là hiển nhiên. Trước hết vì ca sĩ người Pháp cưới vợ người Argentina, vợ anh ngoài đời là một họa sĩ và hai người từng sống chung với nhau ở vùng Patagonia, mũi cực nam của lục địa Nam Mỹ, trước khi dời về Miami, bang Florida, Hoa Kỳ. Tập nhạc Gracias a la vida có thể được xem như là phần tiếp nối của album Baryton, phát hành vào năm năm 2004, qua đó, ca sĩ người Pháp chủ yếu hát các giai điệu bán cổ điển chủ yếu là bằng tiếng Ý.

Nhờ vào tài nghệ phối khí của Yvan Cassar, người chuyên hòa âm cho các nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Johnny Hallyday, Patricia Kaas hay Mylène Farrmer, các tình khúc vang bóng một thời rủ bỏ được vết nhăn thời gian, lớp bụi năm tháng, nhưng phiên bản của Florent Pagny chưa đạt đến mức xuất thần, chưa lột tả được hết cái hồn La Tinh, dù có cách điệu như trong bài Quizas Quizas.

Lối hòa âm khi thì rất mộc, lúc thì hoành tráng, vẫn mang ảnh hưởng của nhạc pop nhiều hơn là thuần chất La Tinh. Album này làm ta liên tưởng đến tập nhạc trước đây của Roberto Alagna, của Andrea Bocelli khi các giọng ca này hát lại các tình khúc La Tinh như Besame Mucho hay Historia de un Amor. Giọng ca của Florent Pagny hợp hơn với các sáng tác gần đây như nhạc phẩm Clandestino của Manu Chao, nhưng trong các bản kinh điển thì vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của những tàng cây đại thụ.

Sau 20 năm sự nghiệp ca hát, với gần 15 triệu đĩa nhạc bán chạy chỉ riêng trên thị trường Pháp, Florent Pagny hiện làm giám khảo cho chương trình thi hát truyền hình The Voice 2012, phiên bản tiếng Pháp. Dù vậy, đĩa nhạc Gracias a la Vida (Cảm ơn cuộc đời) vẫn chưa có đủ tầm vóc để liệt vào hàng các album xuất sắc của anh. Quan hệ giữa người nghệ sĩ Pháp với văn hóa La Tinh tuy khắn khít nhưng chưa đến mức ruột thịt.

Tuấn Thảo

Nguồn http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20121117-florent-pagny-hat-nhac-la-tinh-kinh-dien

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây