Ôi! những người khóc lẻ loi một mình!

Trần Thị Bông Giấy
10.1991

(Bài đăng lần đầu trên báo Yêu số tháng 9/1991 của Đỗ Vẫn Trọn ở San Jose, California, tưởng niệm Phạm Đình Chương. Viết theo lời yêu cầu của cố thi sĩ Hoàng Anh Tuấn.)

Một ngày giữa tháng 8/1991, chợt đọc thấy trên báo cái tin Phạm Đình Chương vừa mới từ trần, trái tim tôi chợt như thắt lại trong một thoáng bàng hoàng xúc động. Hình ảnh người nhạc sĩ cao gầy với giọng nói Hà Nội trong một lần gặp đã xa bỗng trở về nhanh trong trí. Cái kỷ niệm từ lâu nằm im một góc khiêm nhường trong ký ức, bấy giờ bất ngờ rõ ra trên từng nét. Trong cùng lúc, cơ hồ những giòng nhạc trữ tình của anh vang dội bên tai làm gợi nhớ cả một thời tuổi trẻ thắm tươi.


Tháng 12/1975 (dạo mới đi vào đời Nguyễn), một đêm trời Sàigòn có những cơn gió lạnh heo heo, tôi được Duy Quang mời đến nhà uống rượu. Khi ấy, tôi đang hợp tác với ban nhạc của Duy Quang trong vai trò một nghệ sĩ biểu diễn đàn violon. Những cuộc rượu họp mặt bè bạn sau các giờ tập dượt hay trình diễn vẫn xảy ra với chúng tôi, phần lớn là tại nhà Duy Quang. Tuy nhiên cuộc rượu đêm trong tháng 12/ 1975 ấy lại có phần khác.

Khi tôi đến vào lúc 7 giờ tối thì đã thấy mọi người tề tựu đông đủ. Duy Quang cười với tôi:

“Anh em ai cũng chờ mỗi mình Thu Vân.”

Tôi lúng túng thốt lời xin lỗi. Duy Quang nói:

“Hôm nay có cả dì Thanh và cậu Chương đến chơi với bọn mình.”

Tôi đảo nhanh một vòng mắt, thấy ngoài những khuôn mặt bạn bè quen thuộc, còn có cả sự hiện diện của nữ ca sĩ Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hai bàn rượu được đặt nơi hai vị trí kề nhau trong cái sân rộng. Chiếc bàn thấp bao gồm tất cả bọn trẻ trong ban nhạc, độ khoảng 10 người. Chiếc bàn cao và hẹp bản hơn chỉ hiện diện Thái Thanh, Phạm Đình Chương và anh Nguyễn Quang Vui, nhạc sĩ kèn saxo ténor lớn tuổi nhất trong đám. Duy Quang kề tai tôi, nói nhỏ:

“Quang quí Thu Vân nên mời Thu Vân ngồi cùng bàn với dì Thanh và cậu Chương.”

Thái Thanh nở nụ cười ấm áp. Và Phạm Đình Chương gật đầu chào tôi, vẻ kín đáo e dè. Trong nhiều cuộc thâu thanh với các ban nhạc Phạm Mạnh Cương, Hoàng Trọng, Vũ Thành dạo trước, tôi đã có nhiều dịp gặp Thái Thanh, nhưng chưa lần nào gặp Phạm Đình Chương. Giòng nhạc của anh lại là một trong rất ít giòng nhạc VN được tôi ưa thích. Vì vậy, tôi hơi có chút ngại ngần khi được xếp ngồi cạnh con người đã viết lên những bản tình ca có khả năng làm rung động trái tim tôi một thời tuổi nhỏ. Tôi không dám nhìn anh, trong óc ngẫm nhanh những bài hát của anh.

Phạm Đình Chương không nói gì, chỉ ngồi im uống rượu, nhìn bọn tuổi trẻ chung quanh cười đùa ca hát. Trông anh có vẻ xa lạ cô đơn trong đám đông (có luôn cả tôi) không cùng một thế hệ với anh. Tôi nghe trong lòng dậy lên chút gì ái ngại cho anh. Vẻ mặt anh như già và mệt mỏi lắm trước những tiếng cười tiếng nói không ngớt. Tuy vậy, anh tỏ ra rất tế nhị. Ngồi cạnh tôi, anh hay nhỏ nhẹ mời tôi những miếng ăn ngon, hoặc tiếp rượu vào cốc của tôi.

Tháng 12 năm 1975, tôi còn rất trẻ, vì vậy cũng không thoát ra ngoài những trò nghịch ngợm như đám bạn cùng lứa. Trong ban nhạc Duy Quang, tôi được tất cả ân cần quý mến. Tiếng đàn và cả cái “tài” uống rượu không say đã giúp tôi tạo nên vị thế này. Trên các bài bản, tôi luôn luôn giữ phần độc tấu. Tại các buổi rượu khuya sau giờ trình diễn, cũng chỉ tôi là người nữ duy nhất còn ngồi lại với cả đám bạn trai.

Trong buổi tiệc đêm tháng 12/1975 ấy, mỗi khi được Phạm Đình Chương tiếp thêm rượu vào cốc của mình, tôi đều nói “Cảm ơn anh Chương“. Điều này đã làm cho anh trưởng ban Nguyễn Quang Vui lưu ý và buông lời chòng ghẹo:

“Có phải Thu Vân muốn làm ‘mợ‘ Duy Quang nên mới gọi cậu Chương bằng ‘anh‘ như vậy?”

Tôi thấy Phạm Đình Chương mỉm cười lúng túng và cả nhóm Duy Quang cũng mỉm cười chờ nghe câu đáp. Tôi thản nhiên nói:

“Tại sao Thu Vân phải gọi anh Chương bằng cậu trong khi giữa hai người chẳng có chút nào họ hàng giây mơ rễ má?”

Phạm Đình Chương búng tay một cái, bật lên lời khen ngợi:

“Hay! Thu Vân hay lắm! Thông minh và thành thật một cách rất độc đáo!”

Tôi quay nhìn anh, thoáng nở nụ cười diễu cợt:

“Hơn nữa, trông anh ấy còn trẻ chán dầu Thu Vân biết anh hơn mình nhiều tuổi. Vậy hà cớ gì anh ấy lại không thể được một người con gái xa lạ gọi bằng anh?”

Cả bọn vỗ tay reo. Tôi đưa năm ngón trái vuốt những lọn tóc đang xòa ra trước trán:

“Phải không các bạn?”

Dăm bảy tiếng người cùng la một lúc:

“Phải quá đi thôi!”

Thái Thanh nở nụ cười thú vị. Còn Phạm Đình Chương giơ cao ly rượu trong tay, khẽ nghiêng người ra dáng mời tôi. Tôi đưa ly của mình cụng nhẹ ly anh. Tiếng thủy tinh chạm nhau, những hạt nước đá lăn tăn giao động trong làn rượu đỏ.

Đến một lúc, bạn bè yêu cầu được nghe tôi đàn. Duy Quang nhanh nhẹn đứng lên mở hộp, lấy cây violon đưa tôi. Quay sang Thái Thanh và Phạm Đình Chương, anh nói:

“Dì Thanh và cậu Chương phải nghe Thu Vân kéo violon. Đã lắm! Tiếng đàn làm chết tâm tư cả đám bọn cháu!”

Anh Nguyễn Quang Vui đệm tiếp:

“Mà Phan Kiên là kẻ chết nặng nhất. Dù Phan Kiên không biết uống rượu nhưng hễ bất cứ lúc nào nghe Thu Vân đàn, Phan Kiên cũng đều tỏ ra như đang rất phê!” (Phan Kiên là anh bạn chơi guitare basse trong ban nhạc.)

Vừa thoa colophane vào cây archet, tôi vừa nói:

“Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em ?

Và cười nhẹ:

“Bản đầu tiên sẽ là Người Đi Qua Đời Tôi. Tác giả những giòng nhạc tha thiết ấy đang có mặt tại đây nên Thu Vân xin được hân hạnh múa rìu qua mắt thợ.”

Uống trọn ly rượu Duy Cường vừa mang đến xong, tôi cất lên tiếng đàn trầm bổng. Duy Quang ôm guitare đệm theo.

Trời đêm sáng trăng. Chiếc sân rộng trải đầy ánh bạc. Tiếng violon ngân lên tha thiết. Mạch máu trong người tôi cơ hồ chảy mạnh hơn.

Tháng 12/1975, tôi bỏ Dalat, bỏ sân khấu Duy Tân ra đi chưa bao lâu trước đó. Âm nhạc, ánh đèn, những tràng pháo tay khán giả… tất cả như còn vọng vang trong trí nhớ. Một nỗi đau nhức dậy lên trong tim, hòa theo men rượu, làm thành từng chuỗi âm thanh nức nở. Các người bạn ngồi cúi đầu, trầm lắng. Tiếng guitare dịu dàng, nhè nhẹ đuổi theo tiếng violon cao vút phát ra từ những ngón tay tôi.

Tôi ngước nhìn lên bầu trời đầy ánh sáng trăng, cây archet trong tay ghìm mạnh trên bốn sợi giây, làm bật vang những tiếng lòng tê điếng. Lòng tôi đó, dễ đã lâu chẳng mấy khi còn dịp phô bày cùng ai khác. Bấy giờ, trong một lúc thật nhanh, tôi tưởng như đang cùng với cây violon bay bổng vào vùng trời nào thân thiết đã khuất chìm trong quá khứ xa xôi…

Khi tôi đang dạo Nửa Hồn Thương Đau, đột nhiên thấy Phạm Đình Chương rời bàn rượu đứng lên, đến cạnh Duy Quang, đưa tay đỡ lấy cây guitare trên tay Quang và nói:

“Tiếng violon truyền cảm cỡ này phải để chính tay cậu đệm mới đúng. Cháu còn non lắm!”

Thế là anh đệm cho tôi. Bản này tiếp nối bản kia. Say mê, hứng thú. Và quả tình tôi nghe hứng thú thật khi hòa nhạc với Phạm Đình Chương, một điều không phải dễ tìm đối với một tay violoniste như tôi. Giọng đàn anh ngọt ngào điêu luyện. Cái dáng gầy gầy với khuôn mặt xương xương đã vẽ lên trên anh hình ảnh một người nghệ sĩ độc đáo. Nơi anh toát ra cả một trời cô đơn đau khổ. Tôi nhớ lại những điều đã biết về anh và nữ ca sĩ Khánh Ngọc… Có một nỗi cảm thông chan hòa trong tiếng violon buồn bã của tôi.

Khi đã rất khuya, anh Nguyễn Quang Vui đưa tôi và Phạm Đình Chương về bằng chiếc Toyota 360 của anh. Tôi ngồi giữa hai người nơi băng ghế trước. Đường phố Sàigòn nửa đêm về sáng mang đầy nét hoang vu quạnh quẽ. Cuộc đổi đời tàn khốc đã hầu như rút hết trọn sinh khí ban đêm.

Một lúc, tôi nghe Phạm Đình Chương nói:

“Tôi già như thế này, cô đơn đã đành, Thu Vân còn quá trẻ, tại sao cũng cô đơn dường ấy?”

Tôi thấy ngạc nhiên vì lời nhận xét đó. Từ rất lâu rồi, chưa một lần tôi tự đặt với mình hai chữ “ đơn“. Cuộc sống phiêu lãng từ thành phố này sang thành phố khác, cây đàn violon, sân khấu, ánh đèn, những tràng pháo tay rộn rã, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng… đã khiến tôi không còn thì giờ để nghĩ rằng mình có cô đơn hay không nữa?

Đêm trong tháng 12/1975 ấy, giữa đường khuya Sàigòn với nhiều cơn gió lạnh làm se lòng những con người còn đang lang thang hè phố (như tôi, như Phạm Đình Chương và anh bạn nhạc sĩ), lời nhận xét của Phạm Đình Chương đối với tôi quả là một khám phá bất ngờ nhưng thật nhiều thú vị. Tôi quay nghiêng hỏi anh:

“Điều gì khiến anh nghĩ rằng Thu Vân là kẻ cô đơn?”

Phạm Đình Chương đáp, thái độ hững hờ nhưng giọng nói vô cùng ấm áp:

“Phải là một kẻ không có trái tim mới không nhận ra được nỗi cô đơn đầy dẫy trong tiếng violon và trên cách thế uống rượu của Thu Vân.”

* * *

Kỷ niệm về Phạm Đình Chương, với tôi chỉ có vậy. Tôi không biết gì về đời riêng của anh ngoài những điều đã biết qua báo chí thời cũ. Tôi cũng chỉ gặp anh trong đời vào cái lần duy nhất ấy. Tuy nhiên mỗi khi nghĩ lại đêm uống rượu kéo violon tại nhà Duy Quang, hay là nghe đâu đó một bản nhạc của Phạm Đình Chương là tôi lại thấm được hai chữ Cô Đơn anh đã nhận xét về tôi.

Sự cô đơn vừa kể, tôi cũng đặt để lên cho chính Phạm Đình Chương như một nét đặc thù của anh, khó có người trùng giống. Một thứ định mệnh đặc biệt, Thượng Đế chỉ dành riêng cho những kẻ tài hoa. Không bất cứ lý do gì để tôi giải thích được tại sao tôi lại nghĩ như vậy. Đó chỉ là “sự cảm” trong trái tim người nghệ sĩ. Và sự cảm này, tôi tin rằng đúng. Vì vậy, nghĩ về Phạm Đình Chương là tôi lại liên tưởng ngay đến hai chữ “Tài Hoa” và “Cô Đơn“.

Trần Thị Bông Giấy
(San Jose, Cali, tháng 10/1991)

Theo http://newvietart.com/index3.3803.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây