Sơn Phước
22.10.2012
“Tôi luôn được nghe những câu chuyện cũ rằng bạn sẽ viết ra những ca khúc hay hơn khi trải qua một vài chuyện chết tiệt. Điều đó thật tệ, nhưng lại đúng!”. Norah đã nói như thế khi trả lời phỏng vấn của Rolling Stone. Và như để chứng minh điều đó, cô cho ra đời Little Broken Hearts sau khi chia tay với bạn trai. Có thể với nhiều người, đặc biệt là những fan đã quen thuộc với Norah Jones của bốn album trước, thì đây chưa hẳn là một album “hay hơn”, thậm chí sẽ là một thất vọng lớn. Nhưng đúng như lời của Brian Burton (producer của album, thường được biết với tên gọi Danger Mouse) ,”nó rõ ràng rất khác so với những gì Norah từng thực hiện”. Chẳng hạn như việc cô chưa bao giờ chơi bass trong các album trước đây. Hay dễ nhận thấy nhất là Norah đã bỏ đi hình ảnh “chơi piano hát nhạc jazz” quen thuộc để thử nghiệm với những thể loại mới, âm thanh mới.
Hãy thử lắng nghe đĩa nhạc. Nó bắt đầu bằng một lời chào buổi sáng nhẹ nhàng và có phần mệt nhoài. Thực ra là hai buổi sáng. Buổi sáng thứ nhất, cô nói với anh rằng cô lại muốn ra đi. Và có lẽ lần này là lần cuối cùng, vì phải có “một hành động, hay cảm giác nào đó mạnh mẽ lắm” mới có thể giữ chân cô ở lại. Sau tất cả những cố gắng đến mỏi mệt, cô đành khoanh tay, mọi quyết định tuỳ thuộc vào nơi anh. Buổi sáng thứ hai, chính anh lại là người ra đi. Chỉ còn lại một mình, cô không thể ngủ được. Cô đã nhận được câu trả lời. Thế nên cô đành nói lời chào cho chính mình và tiếp tục sống mà không có anh. Lời chào buổi sáng bắt đầu ngày mới lại là dấu chấm hết kết thúc một cuộc tình. Giọng Norah mỏng manh như hơi thở trên nền synth réo rắt cùng tiếng guitar từ tốn, rải rác là organ cộng thêm tiếng violin dần xuất hiện ở cuối, tất cả tạo nên một không khí hết sức buồn bã.
Tuy nhiên, phải đến track thứ 2 thì Norah mới thực sự “chào tạm biệt”. Cái không khí u ám của track mở đầu đã tan biến, thay vào đó là tiếng keyboard réo rắt, bass và trống đập thình thịch. Nếu như Good morning là nỗi phân vân, sự yếu đuối trong tình yêu thì Say goodbye là sự lột xác hoàn toàn. Giờ thì cô đã lấy lại thế chủ động, cất từng lời hát đầy dửng dưng: “tôi cũng cóc cần anh nữa”.
Thế nhưng, Little Broken Hearts không chỉ dừng lại ở sự chia ly. Hãy xem các ca khúc như là “những câu chuyện nhỏ trong một bức tranh lớn” theo lời Norah. Cả album tập trung khai phá những góc tối của tình yêu, có chia tay, có lừa dối, ngoại tình, và cả sự trả thù. Ví như 4 Broken Hearts, kể về một cuộc tình lén lút giữa hai con người đều đã nửa kia của riêng mình. Lời bài hát vô cùng bức rứt: “Nên anh cố thay thế em/ nhưng chẳng thể được bao xa … Nên em cố đáp trả anh/ nhưng chỉ nhận được những vết sẹo… Em cố gắng xoá bỏ anh/ nhưng cũng chẳng thể được bao xa/ là bao/ so với anh/ Bởi vì/anh vẫn/ có thể phá nát tim em”. Dù cố gắng đến mấy cũng không tìm ra lối thoát, cuối cùng những gì để lại là những trái tim tan vỡ của bốn con người.
Viết sự trả thù, Little Broken Hearts vang lên như một tuyên ngôn: “Những con tìm tan vỡ bé nhỏ của đêm tối/ Chầm chậm cầm lấy lưỡi dao của mình/ Trên con đường đến cuộc chiến/ Đêm nay họ muốn trả thù”. Phải nói rằng chưa khi nào phần lời Norah viết lại trở nên đen tối như thế này. Cô cũng không ngần ngại nhắc đến kẻ thứ ba trong chuyện tình của mình: “Cô ấy hai mươi, cô ấy yêu anh, và anh sẽ chẳng bao giờ biết được điều đó khiến em buồn như thế nào” (She’s 22). Thậm chí, cô còn sẵn sàng dùng tên kẻ ngoài cuộc để đặt hẳn cho một ca khúc (Miriam). Hai bài hát dành tặng người tình và người tình của người tình. Nhưng trong khi She’s 22 vẫn còn chút dịu dàng quyến luyến với những câu hỏi đầy trăn trở (“Ả có làm anh hạnh phúc”, “Anh có thực sự hạnh phúc?” ) thì Miriam lại khiến người ta phải phát sợ vì một hình ảnh Norah Jones dữ tợn khác thường. Giai điệu bài hát quá ngọt ngào, giọng Norah Jones quá ngọt ngào, nhưng phần lời lại chẳng hề ngọt ngào: “Miriam, quả là một cái tên đẹp. Tao sẽ nhắc đi nhắc lại cho tới khi mày chết… Miriam, mày biết mày đã làm gì sai với tao. Nên tao sẽ mỉm cười khi lấy mạng mày”.
Mười năm trước, Norah Jones phát hành album đầu tay Come away with me đưa cô lên hàng ngôi sao với 8 giải Grammy và hàng triệu bản được bán ra. Giờ đây, có thể xem Little broken hearts như là cột mốc thứ hai trong sự nghiệp của cô khi quyết định hợp tác với Danger Mouse. Brian Burton, tức Danger Mouse, cũng chẳng phải là cái tên xa lạ. Nổi lên từ năm 2004 với The Grey Album, một mash-up với phần lời của Jay-Z trong The Black Album và phần nhạc cụ của The Beatles trong White Album, Brian là cái tên từng 5 lần có mặt trong bảng đề cử Grammy giải Producer của năm. Trong đó, anh đã đánh bại các tên tuổi nặng ký lúc bấy giờ như Dr. Luke và RedOne để nhận giải vào năm 2011.
Thực ra, trước đó cả hai đã cùng thực hiện dự án album riêng của Danger Mouse và Daniele Luppi mang tên Rome, một đĩa nhạc rất hay mà Norah góp giọng với ba bài. Thế nhưng sự kết hợp giữa Danger Mouse, một người chuyên về dòng hip-hop và rock, và Norah Jones, một người chuyên về jazz, trong một album riêng của cô, quả thực là một điều bất ngờ đáng để mong đợi. Nghe bất cứ một track nào của Little Broken Hearts, người nghe đều có thể thấy được bóng dáng của Danger Mouse trong đó. Nhưng anh không đóng dấu bản thân mình vào bài hát quá nhiều, mà chỉ dùng những thanh âm của riêng mình để giọng hát mỏng và nhẹ của Norah được phát huy tối đa.
Có những bài phần lời tuy đơn giản, chẳng hạn như Happy Pills, nhưng qua bàn tay Danger Mouse lại trở thành một bản nhạc hết sức lôi cuốn. Giọng Norah quyết liệt và thẳng thừng: “Tôi sẽ tống cổ anh ra khỏi đầu mình, xéo ngay!”, rồi lại hỏi như bỡn cợt (How does it feel to be you right now dear), nhưng cũng đầy tha thiết khi van xin được ra đi (Please just let me go). Nhịp bài hát được ngắt ngắn gọn và dứt khoát, hoà âm khô lạnh với trống và bass, đoạn guitar điện vang lên một cách rất funky. Giờ thì ai bảo khán giả của Norah Jones chỉ biết ngồi một chỗ mà không thể đứng lên nhún nhảy cùng cô?
Trống và bass cũng là những gì đã làm nên Say Goodbye. Hai bài hát quyết liệt nhất về việc sự chia tay lại là hai bài mang đậm dấu ấn Danger Mouse nhất. Phần còn lại, đáng lẽ ra không nên highlight bất kỳ một bài nào, nhưng 4 track giữa album lại là những bài ấn tượng nhất, như một sự sắp đặt vô tình hoặc cố ý. Đôi khi chỉ là một phần lời tuy đơn giản, nhưng cấu trúc như một bài thơ (After The Fall). Hay là tiếng guitar đầy ám ảnh mở đầu 4 Broken Hearts. Hay phần điệp khúc dữ dội như sóng biển lặp đi lặp lại ở cuối: “Take it back, take it back…”. Và tất nhiên, những gì của một Norah trước kia vẫn còn lại trong Little Broken Hearts, dù chỉ là chút ít. Theo đánh giá chủ quan thì bài đậm chất Norah Jones nhất là Out On the Road. Thế nhưng, bài hát cũng là những gì mà Norah chưa từng làm trong âm nhạc của mình, với nhịp điệu nhanh và giọng hát tràn đầy niềm vui thực sự khi nói “I’m leaving”.
Bên cạnh đó, vẫn có những bài mà phần hoà âm được tối giản hoá, chỉ dùng cello và guitar làm chủ đạo (Travellin On), hay guitar và piano (She’s 22), nhưng từng lời hát cất lên qua giọng hát ngọt ngào của Norah Jones vẫn dễ dàng làm nhói tim người nghe: “Này/ em quá yếu đuối/ có quá nhiều thứ để tranh đấu/ với một dĩ vãng quá sâu đậm… Này/ đừng quá khắc nghiệt với bản thân/ em sẽ ổn mà”. Những khi đó, cô gái yếu đuối và mệt mỏi trong bài đầu tiên mới trở lại. Dù hờn giận nhưng vẫn tràn đầy quan tâm: “Em sẽ đứng mãi trên ngọn đồi khuất sâu này và nhìn về phía thung lũng xa xăm nơi anh”.
Cứ như vậy, Little Broken Hearts dần hé lộ cho ta về hai con người, hai tính cách của Norah Jones, lúc mỏng manh, khi dữ dội. Cứ như vậy, Little Broken Hearts đưa Norah Jones ra khỏi cái bóng jazz và dần bước vào thế giới indie pop. Cứ như vậy, Little Broken Hearts khép lại bằng All a dream như một nguyện ước. Bởi vì cho dù có nói chia tay đến bao nhiêu lần, thì sâu thẳm trong từng câu chữ vẫn là nỗi tiếc nuối. Bài hát dài nhất album như một lời thú nhận muộn màng sau tất cả những trả thù ngọt ngào, lừa dối và mất mát. Cứ như vậy, Little Broken Hearts đã giành lấy một giải Album của năm đối với riêng tôi.
Sơn Phước
Nguồn: http://nsphuoc.wordpress.com/2012/10/22/norah-jones-little-broken-hearts/