Ngọc Trần
17.10.2012
Vị giám khảo kỹ tính của Vietnam Idol gây chú ý dư luận khi kêu gọi phong trào “Nghe có ý thức” nhằm chống lại nạn vi phạm bản quyền.
Nhạc sĩ Quốc Trung
– Tại sao lại là “nghe có ý thức”?
– Thực sự đây là cái tên của một chiến dịch vận động mọi người quan tâm và ủng hộ. Chúng tôi kêu gọi ý thức của công chúng, ý thức xây dựng của những người làm nghề và tất cả ai tham gia vào nền công nghiệp âm nhạc đoàn kết cùng đóng góp xây dựng đời sống âm nhạc Việt ngày một lành mạnh, công bằng và phát triển hơn.
– – Việc nghe “không có ý thức” hiện nay ảnh hưởng thế nào đến nền âm nhạc Việt?
– Đừng hiểu nhầm và đổ lỗi cho công chúng và người nghe. Thói quen thiếu ý thức tôn trọng sản phẩm âm nhạc của công chúng xuất phát từ một phần thiếu ý thức tự bảo vệ của người làm nghề; cùng sự vô ý thức hay nói đúng là vô đạo đức của rất nhiều người kinh doanh sản phẩm âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc số. Nó huỷ hoại nền công nghiệp âm nhạc vốn đã chưa phát triển của Việt Nam, hạ thấp những giá trị văn hoá nghệ thuật, thậm chí đầu độc một bộ phận nghệ sĩ và khán giả trẻ với những giá trị ảo và thấp kém. Nghệ sĩ, nhạc sĩ mất đi động lực sáng tạo nghệ thuật, nhà sản xuất ngưng trệ vì không thể tìm được hướng phát triển và không có điều kiện xây dựng chiến lược lâu dài, phát triển bền vững. Đời sống âm nhạc Việt tách rời khỏi thế giới bên ngoài và giấc mơ hội nhập trở nên viển vông.
– Từng tham dự nhiều liên hoan âm nhạc thế giới, làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng (gần đây nhất là trong dự án “Nguồn cội”), anh nhận thấy sự “nghe không có ý thức” gây ra hậu quả gì trong việc mời gọi sự cộng tác từ quốc tế?
– Với những phân tích ở trên thì chúng ta hoàn toàn không có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa, bởi vậy không có nhà sản xuất và nghệ sĩ quốc tế nào muốn đến Việt Nam. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi muốn có sự hợp tác của các nghệ sĩ quốc tế khi mà những sản phẩm và sáng tạo nghệ thuật của họ không được tôn trọng và bảo vệ.
– Trước khi đưa ra thông điệp này trên trang cá nhân, anh từng bức xúc về việc thu phí và bảo hộ quyền tác giả của của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tại sao một nhạc sĩ nổi tiếng “lười” như anh lại cứ băn khoăn mãi chuyện mà ai cũng cho là “thường ngày ở huyện”?
– Tôi không đòi quyền lợi cho cá nhân mình và cũng không bức xúc chỉ về việc thu phí, mà tôi muốn sự công bằng, minh bạch cho tất cả mọi người, vì tôi hiểu âm nhạc Việt lạc hậu vì nguyên nhân đó. Nếu cứ để “chuyện thường ngày” đó tiếp tục thì rồi ngày nào đó chúng ta sẽ nhận thấy đã đánh mất cả đam mê và lãng phí cuộc đời của mình.
– Anh lên tiếng vì “của đau con xót” hay chỉ là “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”?
– Chúng tôi đã không xót 20 năm nay rồi, nếu tiếp tục thì cũng chẳng chết, mà chúng tôi cũng chẳng định đóng vai những người hùng. Chúng tôi chỉ muốn có một môi trường lành mạnh, minh bạch để cùng nhau phát triển. Chẳng cứ gì âm nhạc nghệ thuật, đấy cũng là định hướng phát triển của xã hội.
– Anh và người bạn thân Bùi Huy Tuấn là những nhạc sĩ nổi tiếng nên tiếng nói có trọng lượng. Nhưng việc chỉ đưa ra thông điệp trên trang cá nhân liệu có tạo ra được dư luận xã hội rộng khắp?
– Thông điệp “Nghe” liên quan đến những ai mang đến âm nhạc cho mọi người. Nó có trở nên một món ăn tinh thần khó thiếu được trong đời sống hay không là do ý thức của chúng ta. Chúng tôi đang được sự ủng hộ quan tâm của rất nhiều người và cả truyền thông. Tôi tin với mục đích trong sáng của mình, chúng tôi sẽ không cô đơn. Chúng tôi sẽ có những bước đi và hành động cụ thể khi có được sự ủng hộ đông đảo.
– Anh mới nghĩ tới việc vận động mọi người không vi phạm luật bản quyền âm nhạc hay đã nghĩ tới mức phí mà anh cho là phù hợp cho việc tải nhạc trên mạng?
– Tôi nghĩ mức phí không phải là điều quyết định và là trở ngại cho việc bảo vệ và thực thi luật bản quyền mà việc có được một thoả thuận minh bạch, cân bằng quyền lợi của công chúng nghe nhạc, nghệ sĩ và nhà sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh và chuyển tải tới khán giả mới là mấu chốt của vấn đề. Cần phải quan tâm đến lợi ích của mọi người thì mới cùng nhau xây dựng và phát triển, chứ mạnh ai người ấy giành giật thì chỉ lôi nhau xuống thôi.
– Ngày 15/8 vừa qua,5 website âm nhạc đã ký kết với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp thực hiện đồng loạt thu phí tải nhạc, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/11/2012. Theo anh, đây có phải là một tín hiệu vui?
– Tôi chưa thể vui được vì việc ký kết này chưa có được những yếu tố nêu trên. Cần có sự minh bạch – công bằng quyền lợi – hiệu lực rộng khắp. Hơn nữa chỉ 1/10 website ký kết thì tôi tin là chẳng thu được đồng nào từ download (tải nhạc) cả. Có vẻ đây chỉ là bước hợp thức hoá việc vi phạm bản quyền bấy lâu nay và sẽ tiếp tục như cũ.
– Với những nghệ sĩ có tên tuổi như anh, việc yêu cầu “nghe có ý thức” là đương nhiên nhưng có nhiều nghệ sĩ trẻ lại sẵn sàng “cho không, biếu không” đứa con tinh thần để quảng bá sản phẩm, tên tuổi của họ. Vậy làm sao để dung hòa hai lợi ích này?
– Mọi nhà sản xuất đều có quyền và có những kế hoạch cũng như hướng đi kinh doanh riêng cho họ. Tự họ sẽ biết phải làm gì tốt nhất cho những sản phẩm của họ chứ không phải ai đó làm hộ họ cái việc đó. Việc định giá sản phẩm cũng là cách để nhà sản xuất tự đánh giá giá trị lao động nghệ thuật của mình. Âm nhạc và nghệ thuật không thể rẻ mạt và chẳng có sản phẩm nào rẻ hay miễn phí lại có chất lượng tốt cả. Có rất nhiều sản phẩm kém chất lượng kiểu thảm hoạ âm nhạc, có không ít tác phẩm không được kiểm duyệt và có cả những tác phẩm độc hại đang lan tràn trên mang bằng phương thức “cho không biếu không” đó.
Ngọc Trần thực hiện