Cảm nghĩ sau khi nghe Hồng Nhung hát “Hương Xưa”

Dương Như Nguyện
11.9.2012

Tôi là một người yêu thích nhạc cổ điển. Tôi không là ca sĩ, nhưng có hát trong vài ca đoàn trình diễn nhạc cổ điển trước công chúng (ví dụ như H-Ratcliff Society với Mozart, Haydn, Mendelsson vân vân), và có một ít kinh nghiệm về sân khấu nhạc kịch của Mỹ. Đối với nhạc Việt Nam thì tôi rất thích và “kính trọng” hai bài Hương XưaNguyệt Cầm của Cung Tiến. Mới đây qua một email list của cộng đồng Việt Nam, tôi được coi qua clip “Hồng Nhung hát Hương Xưa sai lời 11 chỗ!!!” trên youtube. Vì quan tâm đến âm nhạc, tôi xin được chia xẻ vài quan niệm về chuyện này.


Theo thiển ý của tôi thì hai tác phẩm Hương Xưa và và Nguyệt Cầm của Cung Tiến rất đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam vì ảnh hưởng của nhạc cổ điển, và là loại nhạc bán cổ điển (semi-classical). Theo tôi phỏng đoán (và dựa trên “score” được phổ biến của Cung Tiến), thì Cung Tiến rất yêu thích và chịu ảnh hưởng sáng tác Romance en Fa của Beethoven. Bài Hương Xưa lại đặc biệt về lời (rất quan trọng trong thế giới âm nhạc, người tây phương goi la lyric/libretto), rất thích hợp với cách hát theo kiểu cổ điển, vì toàn là nguyên âm, và các phụ âm rất nhẹ, theo một thứ tự dễ hát kiểu bel canto: thanh thoát và bay bổng, rất đều đặn và tuyệt mỹ. (Điều này rất khó kiếm, vi tiếng Việt là thứ tiếng “độc âm” (monosyllabic) rất nhiều âm ngắt giọng (glottal stop) làm cản trở sự phong phú của hơi thở, quan trọng cho nghệ thuật bel canto và cách hát “legato” (cách hát đổi hơi âm này liên đới đến âm kia thành một giòng nhạc như một chuỗi ngọc cao vút nhả ra từ môi của ca sĩ, chứ không phải là từng nốt nhạc riêng rẽ nữa). Vì thế ca sĩ nào muốn hát Hương Xưa cho xứng đáng với bài hát thì giọng hát phải ethereal, như giọng của Natalie Dessay chẳng hạn.

Natalie Dessay trình bày aria Sempre Libera (Traviata – Verdi)

Khi hát Hương Xưa, cô Hồng Nhung không những hát sai lời quá nhiều, mà cách trình bày cũng không đúng với bài nhạc theo tinh thần của nhạc bán cổ điển. Giọng cô Hồng Nhung chính ra rất thường, âm vực khá nghèo nàn, hinh như khống đến ba quãng tám (octave), cùng lắm là cỡ mezzo. Cách nhấn, cách phát âm (cô gằn giọng nhiều lần) đều không thích hợp với âm hưởng bán cổ điển và tinh cách legato của Hương Xưa. Cách trình bày của cô thì e rằng người thưởng thức về bình diện thế giới sẽ phải nói là “unprofessional” so với một sân khấu và giàn nhạc mà ngôn ngữ Việt Nam bây giờ gọi là “giao hưởng.” Cô xoay qua xoay lại, rồi lại đưa mắt quay đầu về nhạc trưởng rất nhiều lần, nói chung cách diễn tả làm điệu quá đáng, không chú trọng vào tinh thần và ý nghĩa của bài hát, trong khi nhạc cổ điển hay bán cổ điển chú trọng và đòi hỏi sự diễn tả bằng ánh mắt và nét mặt mà thôi (xem thí dụ như Natalie Dessay). Cách đứng yên một chỗ ảnh hưởng vô cùng đến cách thở và lấy âm từ bụng. Như ca sĩ hát opera chẳng hạn, khi diễn xuất thì khác, nhưng lúc vào “aria” (các bài đơn ca trong nhạc kich) thì vẫn phải giữ tư thế cô đọng. (Xin xem thí dụ của Maria Callas, cách diễn tả vào linh hồn nhân vật và bài hát rất “dramatic” như thế nào, mà vẫn không “overacting.”)

Maria Callas trình bày aria Vissi d’arte (Tosca, Puccini,)

Tôi thấy tội nghiệp cho triệu triệu khán giả Việt Nam, nếu họ coi clip Hồng Nhung là khuôn thước của nghệ thuật thanh nhạc trên những bài hát có tính cách bay bổng như Hương Xưa. Tôi nghĩ là các nghệ sĩ Việt Nam không nên đưa cách hát nhạc pop kiểu như của cô Hồng Nhung vào một bài hát như Hương Xưa trước một dàn nhạc và không gian như thế. Theo tôi, đó là làm giảm đi cái đẹp của bài hát và chiều hướng của tác giả (nếu không nói là bôi bác tác phẩm).

Tôi hoàn toàn không chống đối chuyện “làm mới” nhạc cổ điển thành một thể điệu khác để nhạc thế giới đi vào công chúng. Nhưng đó là nhạc cổ điển tây phương đã thông dụng cả mấy trăm năm ở tất cả các góc của địa cầu. Lấy ví dụ như cô Mỹ Linh hát Swan Lake thành “Pop” chẳng hạn. Làn hơi phong phú và âm giai rất rộng của cô diễn tả được cái đẹp của bản nhạc. Vì thế, việc làm của Mỹ Linh theo tôi là một sáng tạo đẹp và phổ thông. Tuy nhiên trong trường hợp một nhà soạn nhạc Việt Nam như Cung Tiến – với một bài hát nổi tiếng nhưng chưa đến mức khắp thế giới – thì khác. Ngay ở tuổi rất trẻ khi ông làm bài Hương Xưa, ông đã đi theo sự rung động của mình để “phóng thích” mình ra khỏi cái khung hẹp của ngũ cung nhằm đi vào thế giới âm nhạc của nhân loại, thì ca sĩ cũng nên tôn trọng ý và từ của bài nhạc, để đem linh hồn của bài nhạc ra đến tiêu chuẩn thế giới. Theo thiển ý của tôi, thì chung ta có yêu thương Hồng Nhung cách mấy, cũng phải công nhận rằng cung cách của cô khi trình bày Hương Xưa như trong cái clip là một sỉ nhục đối với bài hát, tác giả, và khán giả biết quý trọng âm nhạc của Cung Tiến.

Mỹ Linh trình bày Ngày Xa Anh (từ Swan Lake của Tchaikovsky, lời Việt của Dương Thụ)

Tôi nghĩ lý do Hồng Nhung bất cần như thế có thể vì điều sau đây:

Chuyện người trong nước gọi bốn năm cô ca sĩ hát nhạc pop, giọng cỡ mezzo hay alto, âm hưởng của nhạc tân thời là diva cũng là một tình trạng đáng buồn. Vì chữ diva không có nghĩa như thế. Gọi chơi cho vui một hai lần thì không sao, nhưng gọi triền miên qua báo chí, cả nước, vân vân, goi “nhập tâm” để trở thành một nhãn hiệu cho cả nước là một điều không nên khuyến khích theo đúng ngôn từ và tinh thần của âm nhạc thế giới. Theo tôi, thì các cô ca sĩ này nên từ chối chữ DIVA mà, cùng lắm, chỉ nên nhận mình là “Pop, top hit” của Việt Nam.

Dương Như Nguyện
Texas, 11.9.2012

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây