Khi xã hội đổ xô làm giàu, sẽ thụt lùi văn hóa!

Hồ Hương Giang
12.10.2012

“Bây giờ chị cứ đưa tin Giao hưởng với Đàm Vĩnh Hưng, tôi đảm bảo người ta sẽ chọn ngay nhạc Đàm Vĩnh Hưng chứ chẳng chọn Giao hưởng. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta tiêu cực”, nhạc sĩ Dương Thụ.

Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Nguyên Thảo

Ông có thể lý giải phần nào về sự bát nháo trong đời sống âm nhạc gần đây?

Sự bát nháo về văn hóa nói chung xảy ra gần đây do chúng ta đã đổ xô, đã chạy theo một cuộc làm giàu. Trên đời này, khi thiên cái này sẽ nhẹ cái kia. Khi đổ xô vào vật chất thì sẽ thiếu hụt về tinh thần.


Ví dụ một người như nhạc sĩ Quốc Trung mà muốn làm giàu, mua xe, xây biệt thự thì phải đi kiếm tiền, mà khi đã đi kiếm tiền để làm giàu thì không thể làm nhạc được. Không ai có thể vừa tập trung cho vật chất lại vừa tập trung cho tinh thần. Sức đâu mà làm?

Một xã hội đổ xô đi làm giàu, lấy sự giàu có tiền bạc, hưởng thụ vật chất như là một tiêu chuẩn sống, như là một giá trị cao nhất thì hệ quả thụt lùi văn hóa là những gì sẽ xảy ra.

Công chúng không hay nghe những sản phẩm âm nhạc có giá trị lâu dài, có phải do họ không có nhiều sự lựa chọn mà thường chỉ chọn “khoanh vùng” trong những thứ truyền thông showbiz đã bày sẵn, thưa ông?

Không! Sự lựa chọn phải bắt đầu từ chính con người chứ không phải từ thứ được bày ra. Bây giờ, với trình độ của chị, chị đưa tin về nhạc cổ điển, nhạc của ông Thụ, đủ thứ này nọ cả… nhưng người ta vẫn chọn Đàm Vĩnh Hưng.

Không phải có nhiều thứ thì người ta sẽ chọn cái tốt. Nếu biết được cái tốt để chọn thì còn nói làm gì?! Lựa chọn phải theo giá trị. Những giá trị của họ, như chúng ta được biết – về mặt tinh thần – là không cao.

Nhưng người làm văn hóa thì không thể xa rời khán giả. Giải pháp của ông là gì?

Bây giờ chị cứ đưa tin Giao hưởng với Đàm Vĩnh Hưng, tôi đảm bảo người ta sẽ chọn ngay nhạc Đàm Vĩnh Hưng chứ chẳng chọn Giao hưởng. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta tiêu cực.

Về cuộc sống, nếu muốn đổi chiều, muốn thay đổi, thì phải có một lớp người cương quyết giữ giá trị đó, cương quyết đẩy những giá trị đó lên trước mặt mọi người. Họ không chọn. Hôm sau lại đưa đến. Và quyến rũ người ta.

Đến một lúc nào đó sẽ có người tự nhủ: “Ừ, để xem xem”.

Có nhiều người bảo: “Ông Thụ, ông làm việc vô ích. Người nhà giàu có cần gì giao hưởng. Người ta mua vé vào Nhà hát lớn rồi bật ghế, nói chuyện”. Tôi bảo: “Họ vào là tốt rồi. Họ bật ghế không nghe cũng được, vì trên đời này, một khi họ bỏ tiền ra mua thì sẽ không chửi. Họ sẽ nói Beethoven tuyệt vời!”

Đừng coi thường lớp khán giả đó. Thứ nhất, bán được vé thì có tiền để nuôi sống chương trình. Thứ hai, tạo ra được giá trị ảo cho người ta. Họ không nghe nhưng có khi những người khác sẽ theo họ để thử nghe.

Mơ ước họ thực sự nghe nhạc cổ điển là một chuyện rất hão huyền, nhưng họ sẽ mang giá trị đấy để hù dọa người khác, có khi đem ra để mắng con sao cứ lêu lổng trong khi bố đi nghe Beethoven.

Bây giờ có một số người lấy văn hóa cao để làm đồ trang sức cho mình mà không hiểu. Nhưng như thế vẫn còn là tốt. Tôi ủng hộ và tôi nói với bạn bè: “Đừng có mà chê những người đó, còn hơn là họ đi chơi bời bậy bạ. Họ nghe mà không hiểu nhưng có khi con cái họ sẽ hiểu. Những thay đổi phải đến từ từ. Nhiều thế hệ sẽ tích lũy được sự phong phú, rồi dần dần người ta sẽ lựa chọn”.

Lối sống hưởng thụ vật chất đã lan truyền như thế nào, thưa ông?

Thấy ngay thôi. Trong một xã hội, cái đi khoe là cái muốn khẳng định giá trị. Người ta không khoe mình vừa đọc một cuốn tiểu thuyết mới, cổ điển mà người ta khoe mình có một cái xe mới, một thứ vật chất.

Ngay cả trong lĩnh vực âm nhạc cũng vậy. Những cậu có phòng thu phải khoe cái micro này mình mua bao nhiêu tiền, trị giá mấy chục ngàn đô. Cái mà họ khoe là những thứ họ tin rằng sẽ gây ấn tượng với người khác.

Người ta có thể đọc “Cà phê mưa” của tôi, nhưng không đi khoe về nó. Mặc dù người ta thích, nhưng người ta không đi khoe có nghĩa là họ không xem trọng, không xem nó lớn hơn những điều khác. Một xã hội như thế thì làm sao những thứ có giá trị tinh thần cao có thể có vị trí xứng đáng được, vì có đưa ra người ta cũng không lựa chọn.

Sự kiên nhẫn này sẽ tạo ra điều gì, thưa ông?

Phải kiên nhẫn làm, để người ta biết trên đời có những thứ khác. Anh không chọn cũng được, nhưng anh phải biết là nó có trên đời, để một lúc nào đó thử xem nó thế nào. Thế là “ăn” rồi! Thử xem thế nào có thể vẫn chưa thích, nhưng lại cảm thấy có vẻ danh giá nên chạy theo. Cũng tốt. Rồi đến thế hệ con cái họ, sẽ không còn hão huyền nữa. Chúng nó sẽ có đủ trình độ để nghe, sẽ giống như Châu Âu bây giờ, đến phổ thông là đã biết về văn hóa cổ điển.

Công chúng Châu Âu hồi trẻ thì nghe nhạc rock, nhưng đến lúc về già thường họ nghe cổ điển, nghe Jazz. Hồi trẻ thì ăn mặc rất kì quái, nhưng mấy năm sau khi làm giám đốc, chuyên gia thì họ lại nghe khác. Cho nên những cái gọi là nhốn nháo phương Tây mà ta biết chỉ là cái “xả hơi” của cuộc đời, chứ không phải là cách sống, cách nghe của họ.

Họ chỉ “quậy quậy” như vậy mấy năm thôi, sau đó thì không thể đùa với trình độ của họ được. Nếu chỉ có “thác loạn” như ta tưởng, thì làm sao có một xã hội văn minh phương Tây như ta đã thấy? Đừng có nhầm. Đó chỉ là hiện tượng một vài năm khi “lêu têu” mới lớn, họ xả đi cho hết, sau đó thì đâu lại vào đấy. Họ rất lịch sự và “cười mũi” những anh thích đồ rởm. Họ cũng là những người tìm ra âm thanh cao cấp, phát minh ra máy nghe nhạc cao cấp.

Muốn làm gì đó thì không được tiêu cực. Cứ làm đi, rồi mình không làm được hết thì sẽ có những người khác cùng làm. Với những người tạm đủ về vật chất thì bắt đầu phải lo đến cái tinh thần đi, chọn lựa tìm kiếm cái tinh thần. Để cho tinh thần ngang bằng vật chất thì người Việt sẽ như người Nhật người Mỹ.

Sự khác biệt về thưởng thức văn hóa, dẫn tới sự khác biệt về tinh thần ra sao, thưa ông?

Khi nào ngồi trên khách sạn năm sao nói chuyện được về nhạc Bach, các thứ văn hóa tinh thần cao thì chắc không phải là ở Việt Nam nữa mà đã là ngang tầm với các nước văn minh rồi.

Ai đó có thể đi một cái xe hơn triệu đô, nhưng không thể so sánh với một người đi một chiếc xe Volkswagen bình thường. Nhiều ông có tiền, giàu kinh lắm, nhưng thực ra đầy mặc cảm. Họ nói chuyện với tôi không tự tin như với người khác. Tôi thử hỏi mấy câu để xem như thế nào là luống cuống ngay. Tôi đủ sự bình thản để coi những cái vật chất đó là không quan trọng.

Các bạn trẻ phải hiểu bao nhiêu tiền cũng thua sức mạnh về tinh thần. Bao nhiêu tiền ăn chơi nhưng nhìn một người ăn mặc bình thường, sạch sẽ, bình thản đọc sách – một là anh khó chịu và chửi người ta, hai là anh cảm thấy xấu hổ.

Thế nên cần phải sống tích cực và cố gắng làm những điều mình nghĩ là tốt, cố gắng đẩy đời sống văn hóa lên cao. Đó là việc của những người làm văn hóa, nghệ sĩ. Còn các thương nhân thì đẩy đời sống vật chất lên cao.

Hiện nay các doanh nhân át hết các văn nghệ sĩ. Các văn nghệ sĩ toàn chạy theo viết nhạc cho họ, long tong đi làm tiểu đồng, không có những người đủ tư cách nói chuyện về nghệ thuật.

Nên nếu mọi người đều chú tâm làm chuyên môn với một thái độ trong sáng thì một ngày nào đó mọi thứ có thể khá lên. Bây giờ vật chất cũng khá rồi, chơi không ai bằng Việt Nam, bia uống hàng đầu thế giới, hút thuốc lá hàng đầu thế giới… không phải đùa đâu, ghê lắm rồi. Chỉ số hạnh phúc hàng đầu thế giới, vì người Việt Nam lấy tiêu chuẩn vật chất lên làm đầu, mà tiêu chuẩn vật chất của ta rất là bé mọn – có một chiếc xe gắn máy đã thấy là thiên thần rồi.

Trong khi nhiều nơi người ta bài trừ xe hơi, cho rằng những phương tiện vật chất làm hại đời sống con người, họ muốn về quê, nghe tiếng chim hót. Sự khác biệt là rất lớn. Họ bỏ ra nhiều tiền tìm đến những nơi yên tĩnh, hoang vắng, còn mình lại tìm đến những chỗ đông đúc. Cho nên mình đang chạy theo những cái người ta đã bỏ lại.

Vì quá nghèo nên không biết mình giàu, và khi quá giàu lại không biết mình rất nghèo.

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ!

Hồ Hương Giang

Theo Vietnamnet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây