Hồ Hương Giang
10.10.2012
Sung Min Park tốt nghiệp khoa thanh nhạc Opera tại trường đại học Yonsei và từng nhận được học bổng từ Royal Scottish Academy of Music and Drama. Giọng nam cao tenor này đã biểu diễn nhiều nơi ở châu Âu: Anh, Pháp, Hungary, Nga… Anh cũng là Chỉ huy hợp xướng với nhiều năm kinh nghiệm làm việc cùng dàn hợp xướng Soongsil Wesminster và dàn hợp xướng Yonsei Symphony, Seoul. Anh là phu quân của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Trang Trịnh. Bài phỏng vấn này đã được đăng trên báo Vietnamnet với đề bài “Bí mật sự phát triển của “đế chế” nhạc Hàn”.
Sung Min Park và Trang Trịnh
K-pop chuyên nghiệp hóa nhờ công ty tư nhân
Chính phủ Hàn Quốc có đóng vai trò nào đó trong sự phát triển của làn sóng Hallyu?
– K-Pop và làn sóng Hallyu không bắt đầu bởi Chính phủ Hàn Quốc mà bởi các công ty, tập đoàn giải trí lớn, đặc biệt là SM. Họ muốn mở rộng thị phần ra nước ngoài nên sử dụng những ca sĩ hạng A của mình như BoA tấn công thị trường Nhật – một đất nước khá gần về văn hóa với chúng tôi. Và họ đã có những thành công nhất định.
Sự thành công của Hallyu xảy ra hoàn toàn bởi tham vọng của các công ty mong muốn kiếm tiền nên tập trung vào việc mở rộng thị phần. Bắt đầu từ SM, sau đó là YG và JYP. JYP tấn công thị trường Mỹ với single của Wonder Girls. Một vài ca sĩ khác sau này cũng muốn tấn công thị trường Mỹ, nhưng Wonder Girls thành công hơn cả… Sức ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang khu vực Đông Nam Á và Châu Âu.
Chính phủ thực sự đã không làm gì hết? Kể cả chính sách?
– Đúng vậy. Các công ty đã bắt đầu tất cả. Sau đó chính phủ nhận ra rằng “À, các công ty đã làm việc này và thị trường âm nhạc Hàn Quốc bắt đầu có ảnh hưởng”. Bây giờ thì Chính phủ bắt đầu quan tâm về chính sách.
Chỉ đào tạo ca sĩ cổ điển
Ở Hàn Quốc, trường học có đào tạo hát nhạc Pop không?
– Không. Ở trường đại học chỉ đào tạo ca sĩ cổ điển.
Trong 4 năm trung học, hầu hết học sinh học âm nhạc cổ điển. Hai năm cao đẳng bắt đầu có những người theo học nhạc nhẹ, nhạc Pop. Nhưng đến 4 năm đại học thì lại chỉ học cổ điển.
Nhưng các công ty âm nhạc ở Hàn Quốc cũng có sự đào tạo với ca sĩ của họ?
– Đúng vậy. Trước đây các công ty chỉ chọn ca sĩ và làm album, nhưng khi các công ty này lớn hơn, họ bắt đầu có các học viện âm nhạc riêng của mình.
Trước đây, sau vòng thử giọng là các ca sĩ có thể được làm album, kí hợp đồng; nhưng bây giờ vòng thử giọng có thể được bắt đầu với lứa tuổi học sinh trung học, hoặc thậm chí nhỏ hơn. Qua vòng thử giọng, thí sinh được đào tạo trong vài năm, sau đó là ký hợp đồng và cuối cùng là bước ra mắt công chúng (thường gọi là debut).
Các công ty này lấy nguồn giáo viên ở đâu? Có phải là các nghệ sĩ cổ điển sẽ dạy thanh nhạc cho họ?
– Có nhiều ca sĩ được học thanh nhạc từ các nghệ sĩ thanh nhạc cổ điển. Bởi vì thanh nhạc cổ điển là những kiến thức cơ bản cho kỹ thuật hát. Nhưng phần lớn giáo viên tại các công ty âm nhạc Kpop là vocal trainer. Họ có thể là những ca sĩ đã từng nổi tiếng, hoặc đã tu nghiệp tại nước ngoài.
Âm nhạc truyền thống và đương đại
Ở Hàn Quốc có nhạc truyền thống không? Ở Việt Nam có một lớp ca sĩ hát thể loại này và thường được đánh giá cao hơn các ca sĩ thị trường về chất giọng. Họ cũng là những người được đào tạo bài bản.
– Ý bạn là Arrirang (dân ca)? Chúng tôi cũng có những ca sĩ cùng thời với bố mẹ tôi, hoặc những ca khúc cách đây 30-40 năm. Có một vài ca sĩ trẻ cũng thử hát thể loại này và họ cũng thành công. Chúng tôi cũng có thể loại “trot” là những ca khúc về đất nước, là hình thức đầu tiên và lâu đời nhất của ca khúc Hàn Quốc. Sự phân chia các thể loại rất rõ ràng, và các ca sĩ cũng rất riêng biệt. Họ không hay hát lẫn các thể loại khác. Ngày nay âm nhạc cổ điển, nhạc trẻ (rock, hip-hop, indie..) và K-pop được phân biệt rất rõ ràng.
Nếu bây giờ có thể mua 1 album nhạc để cả nhà cùng nghe, thì đó là thể loại nào?
– Không có một album như vậy. Các thế hệ không chia sẻ với nhau một thể loại âm nhạc yêu thích. Bố mẹ tôi biết về K-pop vì cứ bật TV lên thì thấy K-pop, hoặc ở trên đường phố, quán xá… Họ có thể biết về ca khúc “Nobody” nhưng không biết về tên các ca sĩ trong Wonder Girls, họ cũng không mua những CD đó.
“Chúng tôi đang cố gắng viết Opera tiếng Hàn”
Có nhiều các buổi trình diễn Opera và nhạc vũ kịch ở Hàn Quốc không?
– Có rất nhiều. Nhạc vũ kịch thì nhiều hơn opera.
Các ca sĩ thanh nhạc cổ điển ở Hàn có thể sống được bằng nghề không?
– Rất khó khăn, ngay cả khi họ đã học ở Châu Âu về. Chỉ có một vài người có khả năng dạy ở nhạc viện hoặc mở lớp cho sinh viên thì thoải mái hơn.
Họ tự đi học sao? Trang nói với tôi, cô ấy biết một vài người đi học thanh nhạc ở Hàn Quốc. Việt Nam cũng có một số nghệ sĩ tự lựa chọn con đường tu nghiệp ở Châu Âu như Trang hoặc Lưu Hồng Quang (đi Úc), nhưng ca sĩ opera thì có lẽ chưa có.
– Đúng vậy. Họ tự đầu tư để đào tạo bản thân. Nếu muốn học thanh nhạc hẳn nhiên phải đến Châu Âu, những nước như Ý, Đức… Chúng tôi có rất nhiều nghệ sĩ tự đào tạo ở nước ngoài.
Vậy còn việc sáng tác opera và các tác phẩm khí nhạc ở Hàn Quốc?
– Chúng tôi đang cố gắng viết nhiều hơn các opera của Hàn, bằng tiếng Hàn. Như bạn đã biết, hầu hết các vở opera kinh điển đều đến từ Ý, nhưng giờ đây chúng tôi muốn viết các vở opera mới. Mọi thứ đang được tiến hành, và chất lượng của chúng hoàn toàn tốt. Không phải tất cả các vở đều nổi tiếng, nhưng có vài vở có tiếng.
Tôi không biết chính xác có bao nhiêu vở opera Hàn Quốc được trình diễn một năm, bởi có rất nhiều nhà hát trên toàn quốc, các thành phố lớn như Busan, Teku đều có nhà hát opera riêng.
Truyền hình dành giờ vàng cho nhạc cổ điển
Việc đó đã xảy ra như thế nào? Thời điểm mà người Hàn Quốc bắt đầu nghe nhiều nhạc cổ điển ấy?
– Tôi không biết chính xác về mặt thời gian. Điều đó xảy ra trước khi tôi được sinh ra (1983). Tôi nghe nói vào khoảng năm 1970-1980, hầu hết các chương trình TV trước giờ vàng đều phát nhạc cổ điển.
Tại Hàn, bản tin lúc 9 giờ là bản tin quan trọng nhất, trước lúc phát bản tin này, họ mở nhạc cổ điển. Có thể là thanh nhạc, dàn nhạc, một trích đoạn giới thiệu các ca sĩ đáng chú ý, một talkshow với các nghệ sĩ cổ điển đã đi học ở nước ngoài về, một chương trình ngắn thôi. Dần dần, mọi người biết nhiều hơn đến nhạc cổ điển. Nhà nhà trở nên quen thuộc với nhạc cổ điển. TV, tạp chí hồi đó viết rất nhiều.
Thực ra điều này cũng như với nhạc pop. Chúng ta bắt gặp quá nhiều, thì tự nó, dần dần sẽ trở nên quen thuộc, có hiểu biết.
Bố mẹ tôi không hề học về nhạc cổ điển, nhưng họ rất hiểu biết, thậm chí còn biết nhiều hơn tôi – một người học nhạc chuyên nghiệp. Tôi biết về cách hát hoặc các vở opera, nhưng về mảng khí nhạc, giao hưởng thì bố mẹ tôi rành hơn. Họ có thể kể tên các bản giao hưởng đang trình chiếu, xem đó là kiến thức rất cơ bản, kiến thức đại chúng.
Rất thú vị. Tôi muốn hỏi thêm về talkshow mà anh vừa nhắc đến, có phải đó là những nghệ sĩ Hàn Quốc đi học ở nước ngoài về, và nói chuyện về những gì họ đã được học?
– Đúng vậy. Đây là một điểm sáng quan trọng của Hàn Quốc. Rất nhiều người đi học ở phương Tây và rất nhiều người trở về. Họ đã nâng trình độ ở trong nước lên rất nhiều.
Bây giờ thì đã khác một chút, nhưng cách đây khoảng 10 năm, hầu như các sinh viên học nhạc cổ điển tại Hàn sau đó đều tu nghiệp ở Châu Âu hoặc Mỹ. Thời gian đó cũng bắt đầu một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Châu Âu, họ khó có thể kiếm được việc làm và phải cạnh tranh khốc liệt ở nước ngoài. Trong khi đó nếu về nước cơ hội làm việc sẽ rất lớn. Có nhiều học sinh khao khát được học tập, mà lại rất ít giáo viên. Nên họ về nước, mở nhiều lớp giảng dạy, được các trường âm nhạc mời gọi.
Vậy theo anh, với rất nhiều sự kiện xảy ra đó, thì chìa khóa cho sự phát triển của âm nhạc và trình độ nghe nhạc của người Hàn Quốc là gì?
– Một trong những điều hay nhất đã có là giáo dục đại chúng – mass education – đặc biệt là trên TV, truyền hình như tôi vừa nói. Thêm nữa, ở đất nước Hàn Quốc, tính “thống nhất” và “như một” của nó rất thú vị.
Có một quan niệm như thế này, là người cha trong gia đình thì phải cho con học 3 thứ: piano, tiếng Anh và Teakwondo. Người ta gọi đó là “trách nhiệm của người cha”. Và ý thức đó đã ăn sâu vào trong văn hóa của người Hàn Quốc.
Xin cảm ơn anh!
Hồ Hương Giang
Theo VNNet
RE: Chuyện phát triển âm nhạc ở Đại Hàn
Có một điểm khác biệt giữa VN và Đại Hàn mà không thấy nhà báo hay người được phỏng vấn đề cập tới. Đó là ở Đại Hàn [i]chính phủ đã không làm gì hết[/i], nhưng ở VN chính phủ đã [i]làm [/i]rất nhiều qua chế kiểm duyệt gắt gao trong sáng tác, thu thanh, phát hình … ca sĩ và liveshow phải có giấy phép hai ba lớp …