Tiền bản quyền nhạc số: Bao giờ “ông lớn” cư xử đúng?

Vũ Minh
22.9.2012

PN – Năm 2009, Mỹ Tâm là ca sĩ (CS) đầu tiên thành công trong việc “gửi trát” đòi tiền đến các đơn vị cung cấp nhạc chuông nhạc chờ. Mới đây, CS Lệ Quyên đã trở thành người đầu tiên nhờ pháp luật đòi tiền bản quyền luôn cả các website nhạc trực tuyến.

16 tỷ đồng cho hai album

Ngày 27/8, Văn phòng luật sư Việt Long Thăng (VLT Lawyers), đại diện pháp lý cho CS Lệ Quyên đã chính thức gửi công văn đến chín đơn vị nhạc số yêu cầu chấm dứt việc xâm phạm tác quyền đối với 11 ca khúc trong album Khúc tình xưa 2 và 12 ca khúc trong album Tình khúc yêu thương; đồng thời đòi bồi thường thiệt hại cho CS này. Tổng mức bồi thường Lệ Quyên đưa ra lên đến gần tám tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn VNG (mp3.zing.vn) là gần sáu tỷ đồng, Công ty cổ phần quảng cáo trực tuyến 24H (nhac.vui.vn) hơn một tỷ đồng, Công ty NCT (nhaccuatui.com) là 100 triệu đồng, Công ty thông tin di động VMS 50 triệu đồng, Công ty dịch vụ viễn thông VinaPhone 50 triệu đồng… Mức bồi thường này được tính dựa vào lượt nghe và lượt tải trên các website này, với giá 500đ/lượt nghe, 1.000đ/lượt tải.


Thực tế, khi gửi công văn đến chín đơn vị này, Việt Long Thăng phải gửi hai bản, một đại diện cho quyền của người biểu diễn (CS Lệ Quyên) và một đại diện cho quyền của nhà sản xuất bản ghi âm (Công ty Viết Tân), dù thực chất cả hai quyền này đều thuộc về Lệ Quyên vì cô là người bỏ kinh phí đầu tư cho hai album này. Số tiền đòi bồi thường cho quyền sở hữu bản ghi ngang bằng với quyền người biểu diễn. Nếu cộng mức bồi thường cho cả hai quyền trên, chín đơn vị này sẽ phải trả gần 16 tỷ đồng.

Trong chín đơn vị này, hiện có bốn đơn vị chưa phản hồi dù đã quá thời hạn cuối cùng mà VLT Lawyers đưa ra, trong đó có “ông lớn” nhaccuatui.com – hiện đang đứng thứ hai về thị phần tại Việt Nam với 27%. “Với những đơn vị không có phản hồi, chúng tôi đang làm hồ sơ khởi kiện ra tòa”, luật sư Lê Quang Vy, đại diện Văn phòng luật VLT cho biết.

Ông lớn chơi “lệ làng”!

Trong công văn phản hồi VLT Lawyers, ngoài việc thắc mắc theo kiểu đánh lận các quyền của người biểu diễn, quyền sở hữu bản ghi âm, Zing Mp3 – đơn vị đang sở hữu thị phần lớn nhất hiện nay với 44% – viện dẫn rằng hai album này của Lệ Quyên là do… người dùng tự đăng tải. Chiếu theo thỏa thuận sử dụng tại Zing Mp3, người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm với nội dung mà mình đăng tải chứ không phải Zing Mp3!

Chức năng tự đăng tải hiện nay đang được hầu hết các website chia sẻ âm nhạc sử dụng và coi đó là lối thoát khi bị CS thắc mắc. Tuy nhiên, đây chỉ là “lệ làng” của các đơn vị, không phải là quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, nhiều đơn vị còn cho rằng website của mình không thu phí việc nghe, tải nhạc nên không trả tiền cho việc chia sẻ đó. Đây chỉ là một kiểu chống chế để đối phó với những người chưa hiểu luật. “Họ cứ bảo họ không kinh doanh, buôn bán gì các ca khúc đó, họ không giống như các đơn vị kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ, sao lại bắt họ phải trả tiền?”, CS Thái Thùy Linh – người từng gửi công văn đến tám đơn vị nhạc mạng yêu cầu chấm dứt việc sử dụng trái phép album Bộ đội của mình, than thở.

Một phần nào đó, chính sự thiếu hiểu biết về vấn đề bản quyền của các nghệ sĩ đã dẫn đến việc các đơn vị kinh doanh nhạc số chưa “chịu” cư xử đúng, dù đó là các đơn vị hợp pháp, là “ông lớn” đang xơi miếng to nhất trong miếng bánh nhạc số hiện nay.

Ngoài Lệ Quyên, hiện tại, ca sĩ Quang Lê và Trung tâm băng nhạc Làng Văn và VLT Lawyers cũng đang thu thập tài liệu và nhờ văn phòng thừa phát lại tại Việt Nam lập vi bằng để khởi kiện các đơn vị nhạc số xâm phạm tác quyền của mình.

Vũ Minh

Theo PNTP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây