Tuấn Thảo
31.8.2012
Nhất Venise, nhì Paris. Nếu như về số lượng ca khúc viết từ thuở nào, Venise thành phố của những con kênh đào chưa thể sánh bằng thủ đô Paris, nhưng trên bảng xếp hạng của những địa điểm du lịch mà người dân Tây Âu muốn đi hưởng tuần trăng mật, phố cổ Venise thường hay đứng đầu.
Phong cảnh nên thơ cho thuyền tình mộng mơ. Sóng nước lững lờ bên chiếc cầu Than thở. Những hình tượng đôi khi hơi khuôn sáo ấy lại đóng khung thành bưu thiếp lộng lẫy, nhờ thi ca mà ghi khắc tháng ngày, lắng sâu dần trong khoảnh khắc phút giây, rồi quen thuộc từ lúc nào không hay. Làng nhạc Pháp đã đưa Venise vào trong khá nhiều ca khúc, kể cả xưa lẫn nay, niệm khúc cuối đời hay sáng tác đầu tay.
Những bản nhạc tiếng Pháp viết về Venise lần đầu tiên xuất hiện từ những năm 1930. Các giọng ca crooner (mà người Pháp gọi là chanteur de charme) nổi danh thời đó như Jean Lalonde hay Jean Sablon chuyên hát nhạc phẩm Sous le Pont des Soupirs (Dưới cây cầu Than thở), nam ca sĩ kiêm diễn viên Jean Claude Pascal trước khi đoạt giải nhất cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision vào năm 1961, từng ăn khách vào giữa thập niên 1950 với nhạc phẩm La chanson de Venise (Tình khúc Venise).
Tác giả George Moustaki khi viết bản nhạc Un jupon d’Italie, đã chọn thủ pháp hoán dụ, sử dụng chi tiết khi mô tả tà áo để ca ngợi toàn bộ vẻ đẹp của người phụ nữ Ý. Bản nhạc được phối theo điệu tango, để gợi lên hình tượng vạt áo thướt tha, gót chân ngọc ngà.
Về phần mình, nam danh ca Julien Clerc, trong nhạc phẩm On voulait qu’on l’appelle Venise, lại dùng thủ pháp nhân cách hóa. Một người đàn bà mang tên Venise thì hẳn chắc phải có ma lực quyến rũ kỳ lạ, đẹp đến nỗi người đàn ông điêu đứng hồn phách, khổ sở nghiêng mình như tháp Pise, mong chờ nụ hôn của nữ thần Venise. Nhưng có một bản nhạc mà bất cứ người Pháp nào cũng biết đó là nhạc phẩm Que c’est triste Venise (tạm dịch Sao Venise buồn quá) của danh ca kiêm tác giả Aznavour.
Nhạc phẩm Que c’est triste Venise (Sao Venise buồn quá) qua phần thể hiện của Aznavour với Julio Iglesias, ra đời vào năm 1964. Trái với điều mà người ta thường nghĩ, bài hát không do Aznavour sáng tác, mà do nữ tác giả Françoise Dorin chấp bút thành lời. Vì là người ghi âm đầu tiên, Aznavour chỉ chỉnh sửa đoạn cuối bài hát cho hợp với giọng hát của ông.
Giai thoại kể rằng bà Françoise Dorin có cảm hứng viết bài này sau khi đi nghỉ mát trở về. Khi kể lại chuyến đi với người quen, bà khuyên bạn bè nên đi một lần cho biết. Một người bạn mới nói rằng : Venise chỉ đẹp thực sự khi ta có người yêu ở bên cạnh. Mà quả thật là phong cảnh dù có nên thơ cách mấy, nhưng vẫn không có nghĩa lý gì đối với một người tuyệt vọng thất tình, chẳng còn ai để chia sẻ. Nhạc phẩm Que c’est triste Venise ra đời từ đó, mở đầu với những câu :
Venise sao buồn quá
Khi kỷ niệm đã hết
Cho khung trời nhạt nhoà
Nơi tình yêu vừa chết
Xưa tìm chữ yêu thương
Nay còn lời chán chường
Dòng lệ nào khô cạn
Mắt không còn vấn vương
Chầm chậm một mái chèo
Tiếng thuyền khua sóng lặng
Càng trống trải âm thầm
Trong nhịp hồn hoang vắng
Bao bảo tàng dinh thự
Đầu kênh, cúi thánh đường
Khi đánh mất yêu thương
Nguyện cầu cũng vô ích
Vĩnh biệt bầy bồ câu
Thở than một chiếc cầu
Venise giờ buồn đau
Tình chết tự thuở nào
Bản nhạc Que c’est triste Venise trở nên rất quen thuộc vì đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Trong tiếng Anh là How Sad Venice Can Be, tiếng Đức là Venedig im Grau, tiếng Tây Ban Nha là Venecia Sin Ti, tiếng Ý là Com’è Triste Venezia. Danh ca Julio Iglesias lần đầu tiên hát bài này bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó đưa ca khúc vào trong répertoire lưu diễn của mình vì bài hát có thể được trình bày bằng nhiều thứ tiếng. Đến năm 2005, danh ca Aznavour ghi âm phiên bản mới của bài hát nên đã mời Julio Iglesias hát chung. Que c’est triste Venise tạo ra một khuôn mẫu cho các tác giả đi sau, kể cả thế hệ của những năm 1980 và các nghệ sĩ trẻ mới nổi danh bây giờ.
Về mặt sáng tác, thì ảnh hưởng rõ rệt nhất trong lối soạn giai điệu nhiều hơn là viết ca từ, được thấy trong bài L’invitation à Venise của Nilda Fernandez, nhưng tác giả này chọn bối cảnh của Venise để nói về một mối tình đang hấp hối, nói không nên lời. Jean Guidoni thì lấy cảm hứng từ bộ phim của đạo diễn Luscino Visconti để sáng tác (với Pascal Auriat) thành bài Mort à Venise để nói về tình yêu đồng tính, đan xen nghĩa đen và nghĩa bóng, cả thanh lẫn tục.
Về phần mình, Julie Zenatti nổi danh nhờ vài diễn trong vở ca nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, ghi âm bài Venise, một sáng tác mới trong cả hai thứ tiếng Pháp và Ý. Còn Daphné, cô ca sĩ xuất thân từ phong trào các tác giả mới (les nouveaux auteurs) thì chọn thành phố của những con kênh đào làm ý tưởng chủ đạo, một khái niệm xuyên suốt tập nhạc (album concept) mang tựa đề Bleu Venise (Venise xanh). Ca khúc trích đoạn đầu tiên và cũng là nhạc phẩm chủ đề của album này là bài Mélodie à Personne (Giai điệu không thuộc về ai).
Thời kỳ thành công của nhạc phẩm Que c’est triste Venise cũng là giai đoạn ăn khách của nhạc phẩm Capri c’est fini của Hervé Vilard. Hai địa danh nước Ý nhưng đều nói về một mối tình đã chết. Về sau này, Hervé Vilard sẽ ghi âm hai nhạc phẩm chọn thành phố Venise làm bối cảnh. Đầu tiên hết là bài Venise pour l’Eternité (Venise muôn thuở). Nguyên tác bài hát là ca khúc tiếng Ý Venezia của Toto Cutugno, sáng tác vào giữa những năm 1970. Đây là giai đoạn mà tác giả người Ý hợp tác với nhiều ca sĩ Pháp như Dalida, Joe Dassin …
Bản nhạc thứ nhì nói về Venise do chính Hervé Vilard sáng tác và trình bày là ca khúc Rêveries (Mộng Mơ). Bản nhạc mở ra một khung trời kỷ niệm, của một người tưởng nhớ một tình yêu đánh mất, nhưng với niềm hy vọng là cuộc sống vẫn tiếp tục và biết đâu chừng rồi mai con tim sẽ yêu trở lại. Từ ngày ra đời của bản nhạc Dưới chân cầu Than thở (Sous le pont des Soupirs), hàng loạt ca khúc tiêp tục được viết về Venise.
Chất lượng đôi khi không đồng đều, ca từ có lúc rất rập khuôn, nhất là những bài dùng tên của danh lam thắng cảnh để làm giàu vần điệu như Vương cung thánh đường San Marco, Nhà hát lớn La Fenice Phượng Hoàng, Dinh tổng trấn Palazzo Ducale, Cầu Rialto nằm ở thượng nguồn bắc qua kênh lớn. Nhưng bên cạnh đó, một số nhạc phẩm đã trở thành kinh diển với thời gian. Các tác giả lấy cảm hứng từ phong cảnh Venise để viết nhạc buồn : Thuyền nước lung linh, sóng nhạc hữu tình. Giọt tình nhè nhẹ, thiết tha lặng lẽ.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120831-venise-thuyen-nuoc-lung-linh-song-nhac-huu-tinh