Khắc Tâm
6.8.2012
Thực trạng người trẻ mê nhạc ngoại, chọn hát tiếng Anh, bỏ quên ca khúc Việt trong các cuộc thi, sân chơi âm nhạc đã là điều không còn phải bàn cãi. Nhưng không thể trách giới trẻ bởi tình yêu nào có lỗi.
Ai cũng có quyền chọn lựa cái để thích hoặc không, nhất là khi cái họ thích tỏ ra không tệ, thậm chí có ưu thế vượt trội. Câu hỏi là: làm sao đưa giới trẻ trở lại với âm nhạc nước nhà?
Rõ ràng là chúng ta hiện có nhiều chương trình tôn vinh ca khúc Việt. Truyền hình có Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, phát thanh có Làn sóng xanh (tôn vinh qua tác giả, ca sĩ), chưa kể giải thưởng của các cơ quan báo chí. Có điều tuy nhiều, hầu hết các chương trình đều không giới thiệu được đến công chúng những tác phẩm thật sự chất lượng.
Qua nhiều năm, Bài hát Việt đã dần biến thành sân chơi giới thiệu ca khúc mới của các tác giả trẻ – những tác phẩm hoặc bị gọi là nặng tính “thi đấu”, hoặc là lặp lại ý tưởng, đề tài, cách thức phát triển dẫu trên bề mặt tưởng như rất khác biệt và sáng tạo. Tám số Bài hát yêu thích đã đi qua, sân chơi này vẫn chìm khuất đâu đó giữa hàng loạt chương trình truyền hình khác khi nó nửa giống Bài hát Việt, nửa phô bày trước công chúng những giọng hát không thật sự xuất sắc. Làn sóng xanh từ lâu đã trở thành cuộc chơi của các fan club hơn là giới thiệu tài năng.
Có thể học theo cách của các tác giả trẻ đang “hot” trên thị trường không – mỗi ca khúc ra đời đều kèm theo kế hoạch truyền thông chi tiết, được quay video phát hành trên thị trường, tung lên mạng qua tiếng hát của các ngôi sao? Một fan của Mỹ Tâm nếu đi thi chắc sẽ không hát You raise me up mà sẽ có thể là Sai, Chuyện như chưa bắt đầu, Ngày vắng anh, Xích lô… Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Làn sóng xanh liệu có thể không thụ động chờ đợi tác giả tự ứng thí, 15 người đề cử hoặc khán giả giới thiệu để chủ động đi tìm những tác phẩm có sức sống, đủ chất lượng mang “khoe” với bạn yêu nhạc?
Các nhạc sĩ liệu có thể dành nhiều thời gian hơn để ấp ủ ý tưởng, thai nghén ca khúc thay vì cứ sinh sản hàng loạt? Bằng động tác chăm chút cho đứa con tinh thần để nó hoàn thiện hơn, tác giả hoàn toàn có thể kêu một giá cao hơn mà khách hàng vẫn cảm thấy xứng đáng. Một nền âm nhạc có nhiều tác phẩm là điều tốt. Nhưng nền âm nhạc có nhiều (hoặc ít hơn một chút) tác phẩm chất lượng vẫn “đáng nể” hơn.
Một điều quan trọng nữa: khán giả, thí sinh đã bao giờ dành đủ thời gian kiếm tìm trong kho nhạc Việt những tác phẩm hay nhằm mang ra thi thố hay vẫn cứ đơn giản nhặt lấy những ca khúc hay của nước ngoài để đọ sức với nhau? Có chút ấm ức nào không nếu một lúc nào đó, khi được bạn bè quốc tế hỏi “Việt Nam có bài hát nào hay?” và ta không biết câu trả lời chỉ vì ta chưa đủ tình yêu, chưa đủ quan tâm đến bài hát Việt?
Khi bị chất vấn về chất lượng tác phẩm Việt trong Zing Music Awards, nhạc sĩ Đức Trí đã rất nhẹ nhàng: “Bây giờ chúng ta còn cố trách cứ, đổ lỗi cho nhau làm gì. Hãy dành thời gian đó làm việc để cho ra đời những tác phẩm tốt không hơn sao?”. Ừ thì không trách nhau nữa. Chỉ cần mỗi người đều biết yêu thương và trân trọng nhạc Việt, biết đau khi lép vế so với nước ngoài, tự mỗi chúng ta sẽ biết mình nên làm gì là đúng.
Khắc Tâm
Theo Tuổi Trẻ
Thiếu bản sắc hoặc là một Philippines thứ hai
Vấn đề ở chỗ hát tiếng Anh dễ hơn hát tiếng Việt rất nhiều. Tiếng Việt có dấu, và một ca sĩ để hát được tròn vành rõ chữ đòi hỏi phải có chất giọng, có học hành. Êkip của tôi không cổ xúy cho chuyện này nhưng tôi lại nghĩ có cầu thì có cung thôi. Nếu khán giả thích nghe nhạc tiếng Anh, cứ để một bộ phận nào đó thỏa mãn họ. Thêm nữa, đã là những cuộc thi phát sóng trên truyền hình thì rõ ràng thí sinh phải chọn những gì họ trình diễn tự tin nhất, không thể trách được họ.
Về câu hỏi nếu cứ tiếp tục những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, cuộc thi âm nhạc mà thí sinh toàn hát tiếng Anh thế này thì tương lai của nhạc Việt sẽ như thế nào? Theo tôi, nếu giỏi thì Việt Nam chấp nhận làm một Philippines thứ hai, chuyên xuất khẩu giọng hát để đi hát trong bar, phòng trà, chấm hết. Còn tệ hơn thì hoàn toàn là một đất nước chẳng có bản sắc gì về âm nhạc.
MINH TRANG ghi
Vô tình hay cố ý
Không biết tác giả bài viết vô tình hay cố ý mà không nhắc tới cái kho độ 10 ngàn bài nhạc viết ở miền Nam trước tháng 4/1975!