Khi nào khán giả Việt hết “giờ dây thun”?

Thiên Hương
29.7.2012

(TNO) Đối với một số người, đi xem kịch, xem phim, xem ca nhạc, thời trang, việc đến trễ nửa tiếng đã là… đẹp, trễ gần một tiếng cũng… chả sao! Thói quen xài “giờ dây thun” của một số khán giả khiến những người muốn nghiêm túc thưởng thức nghệ thuật cũng… nản lòng.

Trong liveshow Thả tình của nữ ca sĩ Nhật Hạ tối 28.7, không ít lần khán giả có mặt trong chương trình phải gián đoạn giây phút phiêu cùng âm nhạc vì tiếng tranh cãi giành chỗ hay phải đứng lên để những người đến sau vào được chỗ ngồi của họ.

Vé xem chương trình ghi rõ 20 giờ diễn ra liveshow, trong buổi tiệc nhẹ trước khi bắt đầu chương trình, ban tổ chức cũng đã “bắt loa” kêu gọi khách mời tranh thủ vào sớm để chương trình diễn ra đúng giờ.

Thế nhưng, khi chỉ còn 5 phút nữa chương trình bắt đầu, khán phòng Nhà hát thành phố (Q.1, TP.HCM) vẫn chỉ có lác đác vài khán giả mặc dù người dẫn chương trình một lần nữa tha thiết kêu gọi mọi người vào trong.


Đúng 20 giờ, chương trình bắt đầu, tiết mục đầu tiên nhanh chóng hâm nóng sân khấu. Nhưng nhiều khán giả vẫn nấn ná bên ngoài, để rồi cứ cách vài phút lại có tiếng người vừa cười vừa nói, vừa đi lên đi xuống tìm chỗ ngồi một cách… vô tư.

Cá biệt, có khán giả đến trễ hơn nửa giờ, vẫn to tiếng với nhân viên vì muốn được ngồi cùng nhau thay vì ngồi cách xa theo đúng chỗ ngồi ghi trên vé.

Gần một tiếng trôi qua, nghĩa là chương trình đã đi được phân nửa, vẫn có khán giả lò dò đi vào, rồi lại xảy ra tranh cãi vì người vào trước ngồi không đúng vị trí.

Cứ như thế, những khán giả muốn nghiêm túc thưởng thức đêm nhạc cũng khó lòng tập trung…

Trước nay, một số khán giả đi xem kịch, xem phim, xem ca nhạc, thời trang… vẫn có thói quen đến trễ hơn nửa tiếng, phần vì muốn bỏ qua đoạn giới thiệu mở đầu mà họ cho là không cần thiết, phần vì có lẽ một số ít người cho rằng mình “có quyền” đến xem lúc nào cũng được.

Có lẽ, họ không ý thức được điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự thưởng thức của những người xung quanh và thậm chí là là gây nhiễu sự tập trung của nghệ sĩ trên sân khấu.

Trong thực tế, cũng có nhiều chương trình cố ý “trừ hao” thời gian đón khán giả nên thời gian ghi trên vé sớm hơn khoảng 30 phút so với giờ diễn thật sự.

Không rõ vì các chương trình thường hay diễn ra muộn nên khiến khán giả không muốn đến sớm, hay vì thói quen đến trễ của khán giả đã dẫn đến việc ban tổ chức phải “dùng chiêu” như thế. Nhưng sự thật là cả khán giả lẫn ban tổ chức các chương trình hình như đều đã quá nuông chiều nhau.

Trong đêm diễn Romeo và Juliet Sài Gòn tại sân khấu Idecaf (TP.HCM) hôm 15.7, rất nhiều khán giả giữ thói quen đến trễ đã phải ngậm ngùi đứng bên ngoài. Chương trình diễn ra đúng giờ ghi trên vé, lối vào cũng được đóng lại khi vở kịch bắt đầu. Khán giả bên trong thở phào nhẹ nhõm vì không bị quấy rối bởi những người đến sau. Sự cương quyết của ban tổ chức xem ra đã phát huy tác dụng. Nhưng, biết đến khi nào một số khán giả Việt mới có ý thức, thói quen đúng giờ?

Thiên Hương

Theo TN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây