Nghệ sĩ đến hội diễn, liên hoan chủ yếu để “tự sướng”

Đào Bích
17.7.2012

Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên từ chối Hội diễn Sân khấu Kịch toàn quốc năm 2012, nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng, quan điểm của hội đồng nghệ thuật đang trở nên cũ kĩ, lạc hậu và xa rời với thị hiếu thực tế.


Nghệ sĩ Thành Lộc

Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên từ chối Hội diễn Sân khấu Kịch toàn quốc năm 2012, nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng, quan điểm của hội đồng nghệ thuật đang trở nên cũ kĩ, lạc hậu và xa rời với thị hiếu thực tế.


Không tham gia vì mất thời giờ vô ích

Vì sao anh và Idecaf tẩy chay Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2012 khi anh đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở lĩnh vực này?

Tôi từ chối tham gia vì nhận ra quan điểm mới mẻ, hiện đại và thực tế của chúng tôi lại hoàn toàn lạc lõng với sự cũ kĩ, bảo thủ của hội đồng nghệ thuật trong các Liên hoan sân khấu kịch nói hàng năm.

Thế nhưng đây vẫn được xem là sân chơi lớn nhất của bộ môn này?

Người ta cứ mị dân thế thôi. Việc Idecaf không tham gia là một mình chứng cho việc mọi nguời không quan tâm đến hoạt động của liên hoan sân khấu nữa. Bởi những hoạt động này không mang lại hiệu ứng sân khấu. Nói đúng hơn, nó không phản ánh được chính xác đời sống sân khấu của Việt Nam. Người ta đổ ra bạc tỉ để dàn dựng một chương trình đi tham gia hội diễn rồi sau đó vứt xó và không diễn lại nữa. Những vở diễn đó có đạt huy chương vàng này kia thì cuối cùng cũng không thể sống được với khán giả, thậm chí không bán được vé.

Vậy theo anh mục đích tham gia của các nghệ sĩ ở chương trình này là gì?

Người ta đến đó để gặp nhau, ve vuốt nhau, ban tặng nhau huy chương mà không phải làm nghệ thuật thực sự. Nhưng huy chương vàng thì cũng chỉ là tự mị nhau, khen nhau, để cuối cùng ai về nhà nấy và sân khấu vẫn tắt đèn. Tôi thấy như thế mất thời giờ lắm. Tôi không tham gia , tôi vẫn có khán giả của mình, vẫn sống được bằng nghề. Thế là hạnh phúc quá rồi. Có những người tham gia, gánh mấy chục cái huy chương vàng về nhưng chắc gì đã hạnh phúc được đến như vậy.

Điều gì khiến anh bất mãn với Liên hoan sân khấu Kịch đến vậy, khi mà năm 2008, anh và Idecaf vẫn còn hào hứng tham gia?

Điều khiến tôi chán ngán nhất là quan điểm nghệ thuật của những người tổ chức và hội đồng chấm giải lạc hậu quá. Họ không đi sát với nhu cầu thực tế của khán giả. Có những vở diễn mang đi thi nhưng từ cách dàn dựng đến nội dung kịch bản đều cũ kĩ và lạc hậu vô cùng, nhưng cuối cùng vẫn đạt huy chương vàng. Chuyện này là thường xuyên và lặp lại liên tục. Vì với quan điểm nghệ thuật bảo thủ của ban tổ chức, họ vẫn cho rằng cái cũ đó vẫn là hay nhất. Họ vẫn lấy đó làm chuẩn mực.

Làm nghệ thuật phải vì khán giả

Vậy theo anh, không phải huy chương vàng mà chính khán giả mới là yếu tố phản ánh đúng giá trị của tác phẩm nghệ thuật?

Đúng vậy, tôi lấy khán giả làm huy chương của mình. Chừng nào họ còn yêu, còn kì vọng vào vở kịch của mình thì mình vẫn còn có thể làm nghề. Tôi không dại gì lao vào những tiêu chí cũ kĩ đó để lấy huy chương hay danh hiệu. Tôi không thể hi sinh như thế, không thể để những người thua kém về chuyên môn lại ngồi đánh giá tác phẩm của mình. Chỉ vì họ có quyền lực mà họ dám phán tác phẩm của chúng tôi. Trong khi đó, người có quyền phán xét, chê hay, dở phải là khán giả, những người đã bỏ tiền mua vé vào xem chúng tôi diễn.

Có ý kiến cho rằng nghệ sĩ miền Nam vì mải kiếm tiền quá mà quên mất thành tích cần có trong nghề nghiệp?

Nếu nghệ sĩ miền Bắc cho rằng nghệ sĩ miền Nam chạy theo đồng tiền cát xê nên không tham gia Hội diễn thì tôi đánh giá rằng, nghệ sĩ miền Bắc đang chạy theo những giá trị, danh vọng ảo mà quên mất thực tế. Huy chương để làm gì khi sân khấu của mình hằng đêm vẫn tắt đèn. Ai cũng bảo sân khấu là cuộc đời, rất cần khán giả nhưng thực tế những người đó, đâu có quan tâm đến khán giả. Nói chính xác, họ chỉ quan tâm đến bản thân mà thôi. Lấy tiền tỉ của Nhà nước để dựng một chương trình cho vừa với hội diễn, bất cần khán giả có thích hay không, rồi đóng cửa. Mà tiền đó ở đâu ra? Tiền đó là lấy từ thuế của nhân dân, của những sân khấu đỏ đèn như Idecaf chứ ở đâu.

Tâm huyết với sân khấu kịch, anh có e ngại sự xuất hiện ồ ạt của những gamshow giải trí sẽ khiến khán giả quay lưng?

Gameshow có lợi thế là lên truyền hình. Khán giả chỉ cần mở tivi là xem được. Nhưng với kịch, nếu muốn cảm nhận hết cái hay, bạn phải đến tận nơi để xem chúng tôi diễn. Gameshow là yếu tố tất yếu trong quá trình phát triển của truyền hình. Còn với kịch, nó là bộ môn thuộc về văn hoá lịch sử. Hơn nữa Idecaf luôn có những sáng tạo mới mẻ cả trong những vở kịch lịch sử lẫn hiện đại. Vì thế chúng tôi tự tin khẳng định, chúng tôi luôn có khán giả của riêng mình.

Tại sao anh chưa đưa tác phẩm của mình đến với công chúng phía Bắc, vì anh sợ lấn sân sẽ vi phạm quy định nào đó trong nghề nghiệp?

Tôi chẳng sợ điều gì nhưng sân khấu của chúng tôi là sân khấu tư nhân. Làm cái gì cũng phải tính toán để đảm bảo đời sống của anh em diễn viên. Tôi đang suy nghĩ đến khán giả miền Bắc nhiều lắm. Nếu kiếm được tài trợ, chúng tôi sẽ lên kế hoạch ra đó.

Đào Bích

Theo Nguoiduatin

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây