Người nhạc sĩ một đời viết tình ca

Hương Giang
22.7.2012

Cuộc “se duyên” định mệnh với nhà thơ Nguyên Sa

Sự thực, ở bất cứ nền văn nghệ nào, thi ca cũng luôn được coi là mũi nhọn và mở đường cho những thử nghiệm nghệ thuật mới mẻ. Thi ca chính là điểm gặp gỡ, tạo thi hứng mạnh mẽ nhất cho âm nhạc phát khởi.

Nếu như nhạc sĩ Từ Công Phụng – nhà thơ Du Tử Lê được coi là một sự kết hợp hài hòa, Phạm Duy Phạm – Thiên Thư là cuộc gặp gỡ của những tri kỷ nửa hồn thương đau thì Ngô Thụy Miên- Nguyên Sa lại là cuộc gặp gỡ đầy thi vị, lãng mạn, bàng bạc của hai tâm hồn thấm đẫm những yêu đương trong trẻo.


Có thể nói từ những vần thơ tình nổi tiếng của thi sĩ một thời lừng danh khắp đất Sài Gòn, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành những giai điệu tình ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng thời gian. Và cho đến thời điểm này, hai cái tên Ngô Thụy Miên- Nguyên Sa vẫn là một điển hình tiêu biểu cho sự thành công khi gieo thơ thành nhạc. Nguyên Sa đã giúp nhạc Ngô Thụy Miên thăng hoa và ngược lại Ngô Thụy Miên đã đem những tiếng thơ ấy bay cao và làm thổn thức muôn triệu tâm hồn.

Nói về cái duyên của sự gặp gỡ này, Ngô Thụy Miên đã kể lại trong xúc động: “Rất nhiều người hỏi tôi có quen biết hay có họ hàng với nhà thơ Nguyên Sa không? Như tôi đã nói, chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình”.

Cuối năm 1969, tức là sau bốn năm hai ca khúc đầu tay của Ngô Thụy Miên là Chiều nay không có emMùa thu cho em ra đời và được phổ biến rộng rãi trên các đài phát thanh cũng như trong những đêm sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại nhiều trung tâm văn hóa, hay các giảng đường đại học.

Ngô Thụy Miên đến với thơ Nguyên Sa như ông lý giải: “Tôi đến không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo nên bằng những lời thơ ngọt ngào, tình tứ, tươi mát. Cũng giống như bao anh em thanh niên, sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông. Có lẽ nhắc đến Áo lụa Hà Đông, không mấy ai không biết”.

Thời điểm những năm 60, 70 của thế kỷ trước, những người trẻ như Ngô Thụy Miên dù trưởng thành trong khói lửa, bom đạn chiến tranh nhưng vẫn luôn khao khát, mơ ước được đặt chân đến kinh đô ánh sáng Paris kỳ diệu, được cùng người yêu dạo chơi trên khắp các phố phường Paris hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình. Paris trong ký ức của Ngô Thụy Miên như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu.

“Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ thơ của Nguyên Sa đã thành hình. Không ít những bài thơ khi người nhạc sĩ quyết định chuyển thành nhạc, họ đã phải đi tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ hoặc phải thay đổi lời thơ để hòa nhập vào ý nhạc. Nhưng riêng với Paris có gì lạ không em? Ngay từ khi đọc lên Ngô Thụy Miên đã thấy hình như vang vọng, phảng phất đâu đây tiếng phong cầm rộn rã của nhịp ba luân vũ. Trên phím dương cầm, dòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971″, Ngô Thuỵ Miên hồi tưởng.

Sau Áo lụa Hà Đông, Pari có gì lạ không em? Ngô Thụy Miên đã phổ tiếp Tuổi 13. Những câu thơ được thế hệ của Ngô Thụy Miên thuộc nằm lòng như hành trang tuổi trẻ đã trở thành thanh âm ngân nga của một Tuổi 13 đẹp và thơ mộng đến vậy trên nhạc đàn Việt Nam thời kỳ tân nhạc. Tứ thơ hồn nhiên, dịu dàng và có chút gì đó đầy mê say, phóng khoáng đã diễn tả thật đúng tâm trạng nhớ nhung, lâng lâng, chờ đợi của thuở yêu đầu.

Và ít ai biết rằng, trong suốt cuộc đời nghệ thuật, Ngô Thụy Miên mới chỉ gặp Nguyên Sa duy nhất hai lần dù số tác phẩm mà họ cộng tác chung đã gấp mấy lần. Khi tin dữ Nguyên Sa mất đến tai Ngô Thụy Miên, ông đã viết những dòng khắc cốt ghi tâm để gửi tới người tri kỷ của mình: “Thôi cái thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu đương nồng nàn ngày nào đã thực sự không còn nữa. Không còn nữa những lụa là mưa nắng Sài Gòn, không còn nữa Paris và những người tình dòng sông Seine với những vòng tay ôm, môi hôn vội vã. Người đạo diễn đã bỏ cuộc chơi, bọn tài tử chúng tôi ở lại còn gì để bàn chuyện thu phong, còn gì để làm dáng với đời”.

Một đời chỉ viết tình ca với màu xanh hy vọng

Trả lời câu hỏi tại sao không viết về những đề tài khác ngoài tình ca, Ngô Thụy Miên thú nhận: “Có nhiều khi tôi cũng muốn viết, nhưng mình lại không viết được…Nếu bây giờ tôi khô khan, mực thước, đâu vào đó thì tôi đâu có làm văn nghệ được”.

Quan niệm chỉ viết nhạc cho riêng mình đã ngấm vào bản thân ông từ lúc nào không hay. Và cứ thế nó nuôi dưỡng những cảm xúc sáng tạo bất tận bên trong con người tài hoa này. Những tiềm thức sâu xa trỗi dậy, tình yêu và những hoài niệm, quá khứ và hiện tại, tất cả đều được Ngô Thụy Miên sắp xếp và biến thành những tình ca đẹp gửi gắm nỗi lòng của hàng triệu con người. Ông có một bút lực dồi dào và một niềm say mê với âm nhạc vô bờ bến, có lẽ vì vậy mà bất cứ lúc nào, ở đâu ông cũng có thể sáng tác và cho ra đời nhiều bản tình hay và đẹp lộng lẫy.

“Nếu có ý nhạc nó ra nhiều khi đêm mình cũng phải ngồi dậy ghi lại, nếu không ngày mai quên liền”, ông tâm sự. Vì tâm niệm như thế nên ông cũng không giống như những nhạc sĩ khác nhắm ca sĩ thể hiện nhạc phẩm của mình theo kiểu đo ni đóng giầy như một số nhạc sĩ đã thể hiện, như Mạnh Phát viết cho Thanh Tuyền, Phương Dung. Một Phạm Đình Chương viết cho Thái Thanh, một Tâm Anh viết cho Phương Hồng Quế. Vậy nên Ngô Thụy Miên mới từng nói: “Bài Riêng một góc trời, tôi đâu có nghĩ là Tuấn Ngọc hát hay như vậy đâu, thế mà ông ấy hát nó lại thành công. Tuấn Ngọc hát bài đó tới lắm!”.

Tình yêu trong ca khúc của Nguyễn Ánh 9 là tiếng thở than của một gã trai đơn độc trên đại lộ tình ái. Còn tình yêu trong mỗi nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên lại xanh màu hi vọng và được tưới tắm bằng một dư vị ngọt ngào, chất ngất cảm xúc. Dù tình có là chia ly, có là những mất mát hay nước mắt thì vẫn không thấy tìm thấy sự bi quan. Ông nhìn cuộc đời với một tâm trạng đủ khiến những ai gặp phải buồn chán trong tình yêu có thể vực dậy và bắt đầu lại từ đầu.

Sau 35 năm viết những tình khúc cho chính mình, cho những cuộc tình của mình, Ngô Thụy Miên đã trở thành cây bút viết tình ca đẹp và có sức sống lâu bền nhất trong làng nhạc.

Sống để viết nhạc và chỉ viết cho đối tượng của mình

Tình ca là mùa gặt chính của âm nhạc Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỷ trước và Ngô Thụy Miên chính là đại diện tiêu biểu của cõi giới tình đó. Ngô Thụy Miên sáng tác khoảng 50 ca khúc, tất cả đều là tình ca. Ngô Thụy Miên cho biết rằng, mỗi tác phẩm của ông đều mang một chút hình ảnh của mình trong đó. Ông muốn viết cho chính ông, bằng những cảm xúc thật của mình. Tuy chủ trương không viết cho mọi người, nhưng dòng nhạc của ông, những cảm xúc riêng của ông đã nói lên được tất cả tâm sự chung của những ai đã từng có những rung động trong tình yêu. “Tôi không viết nhạc để sống, mà tôi sống để viết nhạc. Nếu đời hay người chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui. Lẽ dĩ nhiên, tôi viết cho mình và cho đối tượng của mình nữa, nhưng tôi không viết cho mọi người”, ông nói.

Hương Giang

Theo NĐT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây