Tổ chức hòa nhạc cổ điển kiểu Hà Nội

Bảo Anh
20.7.2012

(TT&VH Cuối tuần) – Được rậm rạp quảng cáo và chuẩn bị từ cả năm trước, ba đêm Những giai điệu cổ điển vượt thời gian, với dàn nhạc Berliner Symphoniker, nhạc trưởng Lior Shambadal và nghệ sĩ piano Kun- Woo Paik, đã diễn ra rất thành công cuối tuần qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần đầu tiên do một đơn vị tư nhân tổ chức, tất nhiên sẽ phải có những ngôn ngữ tiếp thị quảng cáo hoành tráng và những thủ tục “làm sang” rườm rà, nhưng chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc, và phải thừa nhận ngay rằng không mấy khi khán giả thủ đô được thưởng thức trình độ hòa tấu dàn nhạc chất lượng như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh thành công của chương trình, đằng sau tên tuổi của nhóm thực hiện, thậm chí bỏ qua những vấp váp không tránh khỏi của “lần đầu tiên”, cũng có nhiều câu hỏi tưởng rất đơn giản nhưng đáng để suy nghĩ.


Dàn nhạc Berliner Symphoniker trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn HN


Dàn nhạc nào?

Tham khảo một số khán giả sành nhạc đi xem chương trình thì dường như ý kiến chung đều là rất tốt, nhưng không được như hình dung mong đợi. Thì ra mọi người đều nhầm lẫn dàn nhạc Berliner Symphoniker này với dàn nhạc “của Karajan”. Không nhầm sao được, khi trên tất cả các băng rôn quảng cáo chương trình khắp phố phường Hà Nội, chỉ thấy chữ “Dàn nhạc Giao hưởng Ber- lin”. Berliner Symphoniker, mặc dù được dịch theo kiểu từng-từ-một thì không sai mấy, nhưng tất cả những người nghe nhạc cổ điển đều hiểu rằng “Dàn nhạc Giao hưởng Berlin” là muốn nói đến Berliner Philharmoniker, dàn nhạc “đỉnh cao” nhất thế giới, hay như giới chuyên môn của chúng ta gọi là dàn nhạc của Karajan, nhạc trưởng vĩ đại người Áo, người đã dẫn dắt dàn nhạc này trong hơn 3 thập kỷ và luyện tập không ngừng nghỉ để tạo ra một thứ “âm thanh đẹp”, thứ âm thanh dàn nhạc mà cho đến nay tất cả các dàn nhạc hàng đầu khác phải ghen tị. Trong khi đó, Berliner Symphoniker có lẽ là dàn nhạc ít được biết đến nhất, thành tích của họ, như được giới thiệu, là “được” biểu diễn ở Berlin Philharmonie, khán phòng hòa nhạc nổi tiếng của Berliner Philharmoniker. Sự lập lờ này, dù vô tình hay hữu ý, cho thấy hoặc là sự hiểu biết chưa đầy đủ, hoặc là thiếu trung thực với khán giả của những người làm chương trình.

Thực tế Berliner Symphoniker là một dàn nhạc chuyên nghiệp, với trình độ biểu diễn chất lượng, hơn hẳn mặt bằng trình tấu giao hưởng của chúng ta. Nhưng nhìn nhận trong tương quan “Berlin”, âm sắc của từng bè, sự tinh tế hòa quyện và đồng bộ trong hòa tấu, tính nhạc,… chúng tôi e rằng Berliner Symphoniker không thể so sánh được với Berliner Philharmoniker. Phát hiện của chương trình có lẽ là Kun-woo Paik, thực sự là một nghệ sĩ đẳng cấp, dù ông chọn Rachmaninov và Chopin, vốn là “đặc sản” của NSND Đặng Thái Sơn, và cách chơi nhạc của ông có thể khác với cách chúng ta quen nghe, nhưng ngón đàn tinh tế với kỹ thuật dày dặn và phong cách diễn tấu độc đáo là không thể phủ nhận. Bùi Công Duy tinh tế trong Mendelssohn, nhưng âm lượng tiếng đàn của anh hơi nhỏ, như là “thì thầm” với dàn nhạc. Nhạc trưởng Lior Shambadal rõ ràng có một kinh nghiệm lưu diễn phong phú, rất biết cách giao lưu với khán giả. Ông chiếm được cảm tình của họ, và cùng với dàn nhạc của mình, hoàn toàn xứng đáng với những tràng pháo tay và sự mến mộ của khán giả thủ đô.

Khán giả nào?

Công ty cổ phần đào tạo và tư vấn truyền thông AAA, đơn vị nổi tiếng với chuỗi các chương trình Không gian Âm nhạc, có lẽ hơn ai hết hiểu được rằng việc tổ chức những chương trình nhạc nhẹ thôi cũng phụ thuộc chủ yếu vào nhà tài trợ, huống hồ các chương trình cổ điển. Với giá vé cao từ 800 nghìn cho đến 3 triệu, người ta hiểu nhà tổ chức muốn hướng đến những công chúng “đẳng cấp”, những đối tượng muốn “làm sang”, và đương nhiên những người tổ chức cũng phải “làm sang” để thu hút được tài trợ, và “làm sang” cho những nhà tài trợ ấy. Nhưng nhạc cổ điển vốn là những giá trị đã được khẳng định, e không giống như những “món hàng” khác. Cũng như việc đưa nhạc cổ điển ra vỉa hè không làm “bình dân” hóa nhạc cổ điển, việc nâng giá lên quá cao cũng không làm cho nhạc cổ điển thêm sang trọng. Tất nhiên giá vé cao hay thấp tùy thuộc vào quy luật cung cầu. Nhà tổ chức chương trình đến giờ chắc chắn đã hiểu được sức mua của những đối tượng khách hàng họ nhắm đến có được như mong đợi. Chỉ biết trước giờ diễn, cửa phòng vé Nhà hát Lớn vẫn mở, ngoài đường phe vé tấp nập, những đôi vé cao nhất giá 6 triệu được rao bán với giá 2 triệu mà vẫn chưa tìm được người mua.

Cô gái xinh đẹp và “sành điệu” ngồi bên cạnh “suỵt” khi chúng tôi thì thầm trao đổi trong lúc nghỉ giữa các chương nhạc, nhưng điềm nhiên tâm sự với bạn trai trong những lúc âm nhạc khẽ khàng nhất, chỉ để chia sẻ về ngón tay chạy đàn quá đẹp một cách hết sức hiểu biết. Nhà tổ chức chương trình gặp một bài toán khó khăn về khán giả, nếu muốn kéo nhạc cổ điển xuống phục vụ cho những đối tượng khán giả của mình, e nó không còn được “sang” như ý đồ ban đầu, mà muốn phát triển những bạn trẻ này thành những khán giả trung thành của nhạc cổ điển thì câu chuyện không đơn giản. Chỉ tiếc cho giới chuyên môn và những người yêu nhạc, dù nhầm tưởng rằng là dàn nhạc của Karajan nhưng cũng không dám đi xem vì giá vé “trên trời”. Chỉ có những người quá say đắm với âm nhạc thì hoặc phải đến chờ xin vào nghe ké, hoặc mặc cả với các bạn phe.

Thị hiếu nào?

Có lẽ có thể thông cảm được với cô dẫn chương trình xinh đẹp khi nàng giới thiệu nhầm khúc dạo đầu Ruslan và Lyudmila là của Rachmaninov, nhưng một chương trình được quảng cáo là chuẩn bị trong vòng 2 năm thì không thể chấp nhận được cơ man những lỗi dịch cẩu thả và tùy tiện trong quyển chương trình. Thêm vào đó thứ ánh sáng xanh đỏ tím vàng của sân khấu tạp kỹ, chuyển màu chuyển cảnh trong khi đang trình tấu, trong những khúc nhạc ngắn đã khiến người xem khó chịu, trong giao hưởng lại càng thêm phản cảm. Thế ra “làm sang” mà thành ra ngược lại. Có lẽ nhóm thực hiện nên học tập Hennessy Concert, những đêm nhạc của họ không cầu kỳ sân khấu, thậm chí không thảm đen thảm đỏ, chỉ một vài lẵng hoa đơn giản, bởi khi âm nhạc vang lên, chúng ta không muốn bị mất tập trung bởi những thứ phụ trợ rườm rà khác.

Điểm nhấn khác biệt của chương trình, được ban tổ chức quảng bá là “biên tập để phù hợp với thị hiếu người Việt”, cũng lại khiến những công chúng của âm nhạc cổ điển “mắt tròn mắt dẹt”. Bởi những khúc nhạc quen thuộc “được gọi là” cổ điển đối với công chúng phổ thông thì có lẽ phải là Phiên chợ Ba Tư hay Dòng Danube… Còn những khúc nhạc ngắn, dễ nghe dễ cảm, dành cho những người mới “làm quen” với nhạc cổ điển trong chương trình Những giai điệu vượt thời gian cuối tuần qua không phải là “đặc sản” dành cho người Việt, mà trên thế giới người ta làm thế từ lâu. Ngay cả ở Berlin, chính dàn nhạc danh tiếng Berliner Philharmoniker cứ đầu Hè lại có một buổi hòa nhạc tại sân khấu ngoài trời Waldbuhne ở ngoại ô Berlin, đông nghẹt người xem, vé bán hết ngay trước cả tháng. Cả chương trình là những khúc nhạc và những đoạn trích ngắn như thế, mỗi năm một chủ đề, đĩa DVD Tàu có bán đầy Hà Nội những năm trước.

Đẹp nhất của phần này, và có thể nói, vẻ đẹp của âm nhạc ở đây đã vượt qua cái biên giới gọi là “thị hiếu người Việt” để lay động mọi tâm hồn yêu âm nhạc và con người, chính là đoạn kết chương trình, khi dàn nhạc encore Bèo dạt mây trôi. Chúng tôi thực ngỡ ngàng và cảm động đến gai người, khi tiếng oboe và rồi sáo cất lên giai điệu quen thuộc của muôn đời, cái giai điệu vượt thời gian như đã thấm vào máu của người Việt. Bản chuyển soạn của nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân nhiều người đã được nghe ở đâu đó, nhưng khi Berliner Symphoniker thể hiện, người nghe dường như thấy yêu mến nó hơn nhiều lần.

Mong rằng những giai điệu khiến chúng ta có thể tự hào về âm nhạc Việt Nam như thế sẽ còn tiếp tục vang lên đúng với vẻ đẹp của nó. Và Những giai điệu cổ điển vượt thời gian sẽ vượt qua được “thời gian khó” của thị trường biểu diễn âm nhạc bác học ở Việt Nam, vượt qua những “vấp váp” trong lần đầu tiên tổ chức, để tiếp tục hành trình vượt thời gian trong sự đón đợi của công chúng.

Bảo Anh

Theo TTVH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây