Nhạc số ăn cắp bản quyền trắng trợn – Kẻ cắp “già mồm”

Huy Nguyên
16/07/2012

Cho mình là trang mạng xã hội, các trang kinh doanh nhạc số này đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả, tác phẩm âm nhạc cho công chúng khiến nhà sản xuất, nhất là ca sĩ bỏ tiền đầu tư, phải ngậm đắng nuốt cay.

Các trang nhạc số ra đời, tác phẩm âm nhạc ghi âm công nghiệp có thêm phương tiện để tiếp cận nhanh nhất với người nghe, tạo nên một thị trường đầy tiềm năng, theo đúng xu thế phát triển của thời đại. Sẽ không có gì để nói nếu những đơn vị điều hành các trang nhạc số này sử dụng các tác phẩm âm nhạc ghi âm để kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả đối với những đơn vị, cá nhân đã đổ công sức, tiền bạc để tạo ra nó.


Đổ vấy trách nhiệm cho công chúng

Trang nhạc số thu hút người nghe nhạc lớn nhất đầu tiên là nhacso.net. Hầu hết các sản phẩm âm nhạc ghi âm công nghiệp hợp pháp đều được đăng tải trên trang web âm nhạc này. Tuy nhiên, nhacso.net đã phạm sai lầm khi tự ý ký hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác bản quyền cho một số đơn vị khai thác nhạc chuông, nhạc chờ mà chưa có sự cho phép của các đơn vị thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam. Vụ kiện bản quyền của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đã buộc nhacso.net gỡ bỏ các tác phẩm ghi âm công nghiệp vi phạm tác quyền. Nhưng cũng từ đây, các trang mạng âm nhạc chuyển sang một hình thức khai thác mới nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ tác quyền: “Trang mạng xã hội trực tuyến“. Với cơ chế tự đặt ra “cho phép người sử dụng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin, dữ liệu với nhau” (sic), các trang mạng xã hội trực tuyến này đã ngang nhiên vi phạm bản quyền, trong đó có các tác phẩm âm nhạc ghi âm công nghiệp.

Khi phát hiện sản phẩm của mình vừa phát hành đã bị một số trang mạng loại này sử dụng kinh doanh mà không xin phép, Bến Thành Audio &Video đã gửi công văn khiếu nại và đề nghị những đơn vị điều hành các trang mạng này gỡ bỏ nhưng hầu hết đều phớt lờ. Chẳng những không chịu gỡ bỏ những tác phẩm vi phạm bản quyền trên trang mạng của mình, Công ty Cổ phần VNG – đơn vị chủ quản trang zingmp3 – còn gửi công văn phúc đáp đổ hết trách nhiệm cho người sử dụng, bằng cách trích dẫn quy chế cung cấp, trao đổi thông tin đã đăng công khai trên mạng của mình: “Người sử dụng: Thừa nhận rằng tất cả thông tin hoặc dữ liệu thuộc bất kỳ dạng nào, dù là văn bản phần mềm, mã, nhạc hoặc âm thanh, ảnh hoặc đồ họa, video hoặc các chất liệu khác (“Nội dung”), được bạn hoặc “người có tài khoản người dùng bị sử dụng” chia sẻ công khai và rộng rãi trên diễn đàn hoặc tại các khu vực trên website cho phép bạn chia sẻ nội dung dưới bất kỳ định dạng nào sẽ hoàn toàn thuộc trách nhiệm của bạn hoặc người có tài khoản người dùng bị sử dụng” (sic).

Một trong những cơ sở pháp lý để các nhà mạng vận dụng trong việc đổ trách nhiệm cho người sử dụng là Nghị định 97/2008/NĐ ngày 28-8-2008, khoản 2, điều 12: “Người sử dụng chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin do mình đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên internet theo quy định của pháp luật“.

Dù đổ trách nhiệm cho người sử dụng nhưng khi các đơn vị, cá nhân thông báo cho biết những tác phẩm nào được đăng tải có vi phạm bản quyền, các trang mạng này vẫn không có hành động khắc phục thiệt hại cho người khiếu nại. Bằng chứng là cho đến hôm nay, sau hơn một tháng Bến Thành Audio & Video gửi công văn khiếu nại, các ca khúc trong album Tình đẹp như mơ của ca sĩ Cẩm Ly – Quốc Đại, do Bến Thành Audio & Video sản xuất, vẫn ngang nhiên tồn tại trên nhiều trang mạng trong đó có nhaccuatui, zingmp3, nhacso.net... và Tuyển tập những ca khúc trữ tình Cẩm Ly – Quốc Đại, gồm 7 album, vẫn được khai thác kinh doanh trên nhaccuatui.

“Lập lờ đánh lận con đen”

Ai sử dụng? Ai chia sẻ? Đây là câu hỏi mà chỉ có các nhà mạng mới có lời đáp. Những nickname (biệt danh) đưa các tác phẩm âm nhạc ghi âm công nghiệp này lên các trang nhạc số thực hư thế nào không ai biết. Có thật là những thính giả yêu nhạc muốn chia sẻ hay đó là những nickname ảo do chính những người của các trang nhạc số này tạo ra để đánh lừa mọi người, né tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả của họ?

Có ai tin được rằng Tuyển tập những ca khúc trữ tình Cẩm Ly – Quốc Đại gồm 71 bài hát (chứa trong 7 album) được đăng lên trang nhaccuatui bởi một người yêu nhạc có biệt danh “xin-em-thu-tha” nào đó? Càng không thể tin đó là công chúng khi kèm theo 71 bài hát đăng tải này là lời rao bán làm nhạc chuông, nhạc chờ qua tổng đài tin nhắn với giá 3.000 đồng/lượt !

Không chỉ bán nhạc chuông nhạc chờ, các trang mạng nhạc số luôn thu hút một lượng lớn quảng cáo, mang về lợi nhuận khá lớn.

Từng phát biểu trên báo, ông Nhan Thế Vinh, chủ nhân trang web nhaccuatui, cho biết năm 2007, năm đầu tiên nhaccuatui ra đời, trang mạng này mới đạt doanh thu 300 triệu đồng nhưng đến năm 2010, doanh thu đã vọt lên 10 tỉ đồng (trong đó 80% là từ quảng cáo và thu phí người dùng), đến năm 2011, nhaccuatui đã đạt doanh thu gần gấp đôi, 20 tỉ đồng.

Dù đổ trách nhiệm cho người sử dụng nhưng trước áp lực của các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả và quyền liên quan, như: Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, các trang nhạc số đã phải chấp nhận ký kết hợp đồng sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan để hợp pháp hóa những tác phẩm âm nhạc do 2 đơn vị này quản lý đã và sẽ được sử dụng trên các trang nhạc số này.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn xảy ra trên các trang nhạc số như đã nêu và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả của các trang nhạc số này lại tiếp tục vấy cho công chúng. Nhà sản xuất, nhất là ca sĩ bỏ tiền đầu tư, cứ phải ngậm đắng nuốt cay.

Huy Nguyên

Nguồn: NLĐ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây