Hữu Trịnh – Hoàng Nhân – Ninh Lộc
8.7.2012
Những điều mà bài viết này nêu lên, là những sự việc đã xảy ra trong quá khứ, dẫu chúng ta có muốn hay không thì đó cũng là thực tiễn khách quan. Với mục đích “ôn cố, tri tân”, hãy khách quan nhìn nhận nó – những vật cản trên con đường phát triển của sân khấu biểu diễn nói chung và âm nhạc nói riêng – và hãy dũng cảm để hướng đến một tương lai tươi sáng, phấn đấu cho một nền nghệ thuật đúng nghĩa.
Nhạc thị trường: “nhép”
Những ca sĩ hát nhạc thị trường (thường gọi là ca sĩ thị trường) có lẽ là nhép nhiều nhất. Ngoài những vụ rơi micro như “cá sấu chúa” Quỳnh Nga, cháy áo như Bạch Công Khanh, chưa đưa micro lên miệng, loa đã phát ra tiếng hát như Thủy Tiên… Nếu có một đội kiểm tra thường xuyên, có lẽ danh sách hát nhép dài cả cây số.
Mà “nhép” nhiều nhất là các ca sĩ đi show ở tỉnh, bởi các bầu show không đầu tư vào âm thanh, không dùng ban nhạc sống, thì nhép là thượng sách, vừa đơn giản gọn nhẹ, vừa tiết kiệm chi phí mà bảo đảm được… “nghệ thuật”. Và nhất là đối với các ca sĩ xinh đẹp mới ra nghề nhưng hát thì như mèo kêu. Một số chương trình truyền hình trực tiếp của các nhà đài, họ còn bật đèn xanh cho ca sĩ hát nhép, lý do là để bảo đảm chất lượng âm thanh nhằm phục vụ cho hàng triệu khán giả xem truyền hình. Một thời gian khá dài, hát nhép tràn lan làm nản lòng những người muốn thưởng thức âm nhạc thực thụ và nó đã góp phần làm nền âm nhạc đại chúng… tàn lụi.
Nhạc “hàn lâm”: cũng “nhép”
Tuy nhiên, không chỉ nhạc thị trường, ca sĩ thị trường mới hát nhép. Tháng 9/2009, nhóm nhạc Credo với những thành viên là sinh viên nhạc viện, hoặc thành viên của một đoàn nghệ thuật quân đội. Những người lớn lên trong môi trường được xem là có tinh thần rèn luyện nghề nghiệp nghiêm túc, cũng hát nhép.
Những bản nhạc họ nhép không phải là các bản nhạc thị trường “vớ vẩn” mà là nhạc “hàn lâm”. Những giai điệu trong các tác phẩm của các nhà soạn nhạc tài danh, nổi tiếng khắp thế giới như P.I.Tchaikovsky, L.v.Beethoven, F.Chopin… đã được đặt lời Việt và thoải mái “nhép” ngay trong khán phòng acoustic thuộc vào bậc nhất hiện nay, mà lẽ ra nơi đó là để dành cho các solist hàn lâm tài năng chứ không phải dành cho các “nhép sĩ”.
Đại hợp xướng: “nhép” tập thể
Ca sĩ solo “nhép”, nhóm nhạc “nhép” đã trở thành điều quá “xoàng” khi hợp xướng vào cuộc “nhép”. Cũng vào tháng 9/2009 một hợp xướng gần 150 ca viên, có thể nói họ đã lập kỷ lục về tiết mục có nhiều người hát nhép nhất… thế giới, khi dàn hợp xướng này biểu diễn tác phẩm hợp xướng Lục Vân Tiên (tại Nhà hát TP.HCM). Điều đáng nói là ngay trong buổi phúc khảo, hợp xướng này cũng đã hát nhép. Không biết Hội đồng phúc khảo của Sở VH,TT&DL TP.HCM có biết hay không mà không nghe họ góp ý.
Hỏi một nhân viên Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương (đơn vị trực tiếp truyền hình đêm biểu diễn hợp xướng này), tại sao hợp xướng mà cũng hát nhép? Anh ta lập lại điệp khúc muôn thuở của các nhà đài: Để bảo đảm chất lượng âm thanh. “Hát nhép” hình như đã trở thành quá đỗi bình thường, như ăn vào… máu của rất nhiều người. Và nhép tập thể có lẽ là vui hơn “nhép” đơn lẻ!
Hợp xướng gần 150 ca viên cùng nhau “nhép”.
Giao hưởng: “nhép” nốt
Điều này thì chưa ồn ào trong công luận, và chưa bị phanh phui, nhưng qua phát biểu của nhạc sĩ Quốc Trung trên báo Tiền phong, anh bức xúc nói rằng: “Đến dàn nhạc giao hưởng cũng nhép, mà còn nhép bằng CD của Karian Vien Sym Orch nữa cơ. Chương trình nào cũng lần đầu tiên, ký ức, thì ai dám nói, ai dám chê”.
Điều đó cũng cho thấy rằng, có thể vì tế nhị không nói thẳng, nhưng có lẽ nhạc sĩ Quốc Trung không tự nhiên lại bức xúc nói như thế. Nếu cả một dàn nhạc giao hưởng mà cũng “nhép” thì thật là quá… “độc” cho nền âm nhạc Việt Nam.
Cải lương: “nhép trọn bộ”
Nói đến chuyện hát nhép của cải lương thì phải nhắc đến cả một… công nghệ vì không đơn giản như giới ca sĩ. Nghệ sĩ cải lương có khá nhiều “phương án” lựa chọn: phổ biến nhất là chỉ “nhép” bài nhạc hay câu lên vọng cổ. “Can đảm” hơn thì “nhép” cả bài ca cổ hay trích đoạn, “nhép” từng phần hoặc toàn phần, tùy tâm trạng (nhưng vẫn đủ tinh vi chừa ra phần thoại, giao đãi để che mắt khán giả); và đỉnh cao là “nhép trọn bộ”.
Đối tượng lên “bảng phong thần nhép” cũng phong phú: nghệ sĩ tài danh, ngôi sao triển vọng, chuông vàng vọng cổ, hay vô danh tiểu tốt đều “nhép” tất. Sở hữu giọng ca khỏe, ngọt ngào, bản lĩnh sân khấu dạn dày nhưng nghệ sĩ Vũ Luân vẫn “nhép” khá nhiều trong live show tổ chức vào cuối năm 2010 tại Nhà hát TP.HCM. Chương trình Dạ khúc tri âm trước đây (diễn ra hàng tháng tại rạp Công nhân, TP.HCM) khi bị báo chí nhắc nhở “nhép nhiều quá” thì ông bầu Châu Liêm mới “nhờ” nghệ sĩ “hát thiệt giùm”.
Vầng trăng cổ nhạc, hay các Gala Chuông vàng vọng cổ… cũng thường bị phàn nàn vì hát nhép. Và “tổ trác” nhất có lẽ là trường hợp “hình Điền Trung – tiếng Trọng Nghĩa” làm ngỡ ngàng người xem trong một tiết mục phụ diễn ở vòng chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang lần 11, diễn ra tại TP.HCM vào tháng 2 vừa qua.
Một nghệ sĩ trẻ bộc bạch: Nhiều chương trình, nhất là truyền hình trực tiếp, tới cận ngày diễn mới nhận được tiết mục từ ban tổ chức, mà toàn bài mới, không thể học thuộc kịp, để bảo đảm cho tiết mục thì… nhép là phương án an toàn (bên cạnh lý do “bảo đảm chất lượng âm thanh” thường thấy). Và “cải lương nhép” vẫn là chuyện dài nhiều tập!
Ngâm thơ: “nhép” tuốt…
Một bài thơ hiện nay trung bình chỉ dài 12 câu hoặc 14 câu với vần điệu dễ thuộc, ấy vậy mà những bài thơ này lên sân khấu diễn ngâm cũng được/bị các nghệ sĩ “ngâm… nhép”. Trong các chương trình thơ tương đối lớn, để đảm bảo ngâm sĩ không quên lời, ban tổ chức còn khuyến khích họ cầm giấy kiểu như người ta đọc diễn văn. Vì ở một số đêm thơ, nhiều nghệ sĩ ngâm thơ không cầm giấy bỗng dưng quên mất lời đoạn sau nên chỉ ngâm được một đoạn rồi “ớ ơ… ớ ơ… ớ ơ…” khiến tác giả bài thơ ngồi bên dưới phải nhắc… tuồng.
Một nghệ sĩ ngâm thơ (xin giấu tên) cho biết: “Với những chương trình được truyền hình trực tiếp, nhà đài thường yêu cầu chúng tôi là không cầm giấy để đảm bảo tính thẩm mỹ khi lên hình. Rất nhiều trường hợp, nhà đài còn buộc nghệ sĩ thu âm trước bài thơ, vì sợ ngâm sĩ quên lời, đến khi truyền hình trực tiếp chỉ cần nhép cái miệng là xong”.
Thông tin mà chúng tôi biết được, thù lao cho một lần ngâm thơ như vậy đa số chỉ đáng… tô phở. Phải chăng thù lao bèo bọt như thế nên khi ngâm thơ các nghệ sĩ ít đầu tư thời gian và công sức, để rồi lên sân khấu là họ phải cầm giấy để ngâm, thậm chí là “ngâm nhép” khi có truyền hình trực tiếp?!
Và “đại hội hát nhép” của những mầm non ca hát
Điều thật đáng buồn, nhưng nó lại hiển nhiên tồn tại trong hàng chục năm qua, đó là “đại hội hát nhép toàn quốc” của các cháu thiếu nhi – Liên hoan Búp sen hồng. Liên hoan này xuất phát từ Q.11 của TP.HCM và sau đó không lâu, nó trở thành một liên hoan thu hút rất nhiều tỉnh thành trong cả nước tham gia và trở thành liên hoan toàn quốc với sự luân phiên đăng cai tổ chức của các tỉnh, thành. Tầm cỡ nó thật đồ sộ, ví dụ năm 2009, Liên hoan Búp sen hồng có đến 47 Nhà thiếu nhi cả nước tham gia với số lượng thiếu nhi đến 2.500 em.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trừ một vài năm đầu tiên, những năm sau đó, tất cả các chương trình của thiếu nhi các tỉnh, thành đều đồng loạt “nhép” 100% và đây cũng chính là chủ trương của Hội đồng nghệ thuật. Một nhạc sĩ được xem là “đại thụ” về nhạc thiếu nhi, đồng thời là thành viên Hội đồng nghệ thuật nhiều năm của Liên hoan Búp sen hồng khi được hỏi tại sao lại cho các cháu hát nhép, đã nói rằng: “Đây không phải là cuộc thi, mà chỉ là liên hoan mang tính giao lưu, nên với các em, vui là chính. Hơn nữa, trong liên hoan, các em còn tham gia nhiều hoạt động khác, các em lại ở các tỉnh thành đường sá xa xôi, quy tụ về liên hoan, sức đâu mà hát thật”.
Có thể nói đây là liên hoan nuôi dưỡng các “tài năng hát nhép” tương lai, các em sẽ thấy chuyện hát nhép là rất đỗi bình thường, bởi ngay từ khi bập bẹ hát đã vô tư “nhép” với sự cho phép của người lớn. Và có lẽ nó cũng góp phần để lại cái “họa” hát nhép đã tung hoành trong thời gian qua.
Nền biểu diễn (nhạc đại chúng, nhạc hàn lâm, giao hưởng, hợp xướng, cải lương, ngâm thơ, thiếu nhi, người lớn…) của chúng ta đã “đạt” được, có lẽ là vô địch thế giới về phương diện “nhép”. Điều này buồn hay vui, có lẽ ai cũng biết.
Giờ đây, tốt hơn hết là chúng ta hãy để nó lùi vào dĩ vãng và hãy tích cực để viết nên những trang sử huy hoàng cho nền nghệ thuật biểu diễn hiện tại và tương lai.
Hữu Trịnh – Hoàng Nhân – Ninh Lộc
Theo http://thethaovanhoa.vn/297N20120708061859030T133/nhep-toan-tap-chuyen-that-nhu-dua.htm