Đường dài ra một CD

Quỳnh Nguyễn
3.7.2012

T T- Album Tàu đêm năm cũ của ca sĩ Vi Thảo bị thu hồi sau khi cấp phép (Tuổi Trẻ ngày 29 và 30-6) một lần nữa đặt dư luận trở lại mối quan tâm về câu chuyện xoay quanh việc cấp phép ca khúc.


Ca sĩ Lệ Thu trình diễn ca khúc Mùa thu chết – ca khúc trước năm 1975 mới được cấp phép vào tháng 4-2012 sau tám lần “xin” – Ảnh: T.T.D.

Ðể ra một CD nhạc trên thị trường, các đơn vị sản xuất hay các ca sĩ phải qua một đoạn đường dài từ khâu chọn bài, biên tập, hòa âm, thu âm, chỉnh sửa, làm đĩa cái (master), dập đĩa, thiết kế bìa đĩa… Trong tất cả các khâu đó, khâu xin giấy phép luôn là một trong những khâu khiến nhiều nghệ sĩ mệt mỏi, nhất là với những ai muốn giới thiệu đến người nghe cái mới, cái lạ hoặc muốn phổ biến lại những tác phẩm trước năm 1975.


Chính cái khâu mà nhạc sĩ/ca sĩ Việt kiều Úc Thanh Bùi nhận định là “chuyện lạ, có lẽ trên thế giới chỉ có một hai nước có” này đã là câu chuyện dở khóc dở cười, gây nhiều tranh cãi trong dư luận suốt nhiều năm qua. Về lý thuyết, chỉ tốn khoảng 10 ngày để có được giấy phép phổ biến một album mới ở VN nếu chương trình xin cấp phép được cho là “sạch sẽ”.

Trầy trật “nhạc đời xưa”

Vấn đề ở chỗ nếu một đơn vị hay ca sĩ muốn giới thiệu đến người nghe một ca khúc không nằm trong danh sách được lưu hành (mà danh sách này lại không được công bố rộng rãi, mỗi lần muốn làm chương trình đều phải chạy ngược chạy xuôi hỏi han) thì quy trình xin cấp phép bỗng nhiêu khê, tốn thời gian lẫn tiền của hơn rất nhiều.

Cụ thể những nhạc sĩ, ca sĩ định cư ở nước ngoài muốn phổ biến tác phẩm mới hay phổ biến lại các tác phẩm trước năm 1975 đều phải làm đơn xin phép, thực chất lại giống một bản lý lịch trích ngang hơn với đầy đủ các mục “làm gì, ở đâu, với ai” từ trước năm 1975 đến nay.

Tờ đơn đó còn phải được lãnh sự quán VN tại nơi nghệ sĩ đang sinh sống xác nhận. Luật cũng quy định cá nhân nghệ sĩ không được xin phép nên phải cậy nhờ một hãng băng đĩa nào đó đứng ra xin phép. Và lúc này hãng băng đĩa cũng phải làm một tờ cam kết rằng nghệ sĩ trên “không có vấn đề”.

Cùng với “tờ khai” có xác nhận của lãnh sự quán tại nước sở tại, tờ cam kết của hãng băng đĩa, các giấy tờ cho thấy đã đóng bản quyền là hồ sơ xin cấp phép nộp lên cục. Tuy nhiên để “đảm bảo an toàn”, cục cũng yêu cầu nhạc sĩ hay ca sĩ phải ký tên trên bản ký âm cam đoan bản ký âm nộp cho cục duyệt y bản gốc cùng với mộc bảo chứng của hãng đứng ra xin phép hộ.

Và hồ sơ “dạng đặc biệt” này sẽ được cục xét duyệt cẩn thận, trung bình mất từ sáu tháng đến một năm bởi cục còn phải chuyển qua cơ quan chức năng khác hoặc thậm chí lập cả một hội đồng xét duyệt. Chuyện hãng hay nghệ sĩ phải lên sở hay cục để “giải trình” về hoàn cảnh ra đời, từng câu từng chữ trong ca khúc… nhằm chứng minh “độ trong sạch” của ca khúc là chuyện bình thường.

Nổi tiếng trong việc đi xin phổ biến lại các ca khúc trước năm 1975 là Phương Nam Phim với các nhạc phẩm của Phạm Duy, Tuấn Khanh (Chiếc lá cuối cùng), Bích Khê và Bến Thành audio với các nhạc phẩm của Lam Phương… Các đơn vị này khi nghe đến chuyện xin phép đều ái ngại. Không chỉ Bến Thành “bị hạn” với vụ Tàu đêm năm cũ bị thu hồi vừa qua mà trước đây Phương Nam Phim cũng có hai nhạc phẩm của Phạm Duy được cấp phép nhưng bị rút lại là Trường ca Con đường cái quanCòn chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Ðịnh).

Việc rút phép, thu hồi, cấp hay không cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975 thường cũng không có lý do cụ thể hoặc thuyết phục. Ví dụ bài Mùa thu chết (Phạm Duy) phải xin đến lần thứ tám mới được cấp phép. Thông tin bên lề là từ “chết” hơi nhạy cảm bởi phía kiểm duyệt luôn mặc định bất cứ “mùa thu” trong tác phẩm nghệ thuật nào đều là “mùa thu cách mạng” (trong khi tác giả sáng tác ca khúc này dựa theo bài thơ trữ tình của nhà thơ Pháp Apollinaire (1880 – 1918) và không liên quan gì đến “mùa thu cách mạng”). Hay như ca khúc Tranh lõa thể (Bích Khê) cũng không được cấp phép chỉ vì chữ “lõa thể”, dù nội dung của ca khúc này đầy tính triết học. Một số tuyệt phẩm như: Tuổi đá buồn, Bao giờ hết tương tư, Vết thù trên lưng ngựa hoang (phổ thơ Ngọc Chánh) cũng chưa được cấp phép chỉ vì Ngọc Chánh chưa làm “tờ đơn” có ý kiến của Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ!

Việc xin phép đầy gian khó (mà sau khi đã cho phép cục lại không công bố hoặc đưa vào danh sách “đã cấp phép”) khiến các hãng cứ khư khư giữ những ca khúc “đã có giấy thông hành” làm của riêng. Nên lắm khi ca khúc đã có phép rồi nhưng hãng khác hay ca sĩ khác muốn làm lại đi xin lần nữa.

Trắc trở “nhạc đời nay”

Riêng với các tác phẩm mới của tác giả Việt kiều thì việc chứng minh nhân thân của nhạc sĩ vẫn là điều không thể bỏ qua. Không gặp khó trong khâu “xét lý lịch” bằng các nhạc sĩ trước năm 1975 nhưng các tác giả Việt kiều lại “kẹt” giữa những sáng tạo nghệ thuật. Thể loại, ca từ, ngôn ngữ… không phù hợp là những trở ngại thường thấy của những “ca” này. Một nhạc sĩ trẻ Việt kiều từng “dẹp” luôn dự định phát hành đĩa tại VN chỉ vì bị truy vấn vì sao lại gọi Hà Nội là “em” thay vì Hà Nội thủ đô!

Khổ sở nhất có lẽ là các nhóm rock muốn làm album. Có đủ kinh phí để làm một album (mà chắc chắn không thu lại đồng vốn nào) đã chật vật, nhưng để có được một album rock trên thị trường càng chật vật hơn. Ban Microwave khi ra album đầu tiên cũng đã… dài cổ chờ giấy phép. Sốt ruột quá, nhóm đành cử một thành viên lên Sở VH-TT&DL túc trực suốt một tháng trời để “giải trình” từng thắc mắc của sở mới qua được “ải”.

Thành viên này cho hay: “Chúng tôi có cảm giác sở không lưu ý lắm đến nội dung, mà chủ yếu bắt bẻ từng câu chữ một, chủ yếu xoáy vào các từ nhạy cảm như: chiến tranh, tệ nạn… “. Hầu hết các ban nhạc rock đều cho biết họ luôn “gặp vấn đề” ở các ca khúc có đề tài xã hội với những “nỗi đau” và điều đó dễ làm cho các đơn vị cấp phép “lưu ý”. Không ít trường hợp các ban rock phải chỉnh sửa một vài ca từ của mình ngay tại đơn vị cấp phép để được “cho qua”. Ðó cũng là một trong những lý do thị trường có quá nhiều ca khúc thời trang với ca từ đơn giản, hời hợt, chủ yếu xoay quanh chuyện tình yêu.

Một dạo giới sáng tác cũng xôn xao việc các ca khúc có “chêm” vào một vài từ mang yếu tố nước ngoài hoặc một số từ đệm như ya, yeah, oh, la… cũng không được duyệt. Nhưng vì với một số thể loại nhạc mới như R&B, hip-hop, những từ đệm hay ca từ mang yếu tố nước ngoài cũng rất khó tránh khỏi nên quy định này đã được nới lỏng phần nào, nhất là trong thời “hòa nhập”.

Việc cấp phép, cho phổ biến một tác phẩm nghệ thuật, thiết nghĩ là để công chúng được thụ hưởng một đời sống tinh thần phong phú với những tác phẩm âm nhạc đặc sắc, đúng nghĩa trong một môi trường âm nhạc lành mạnh, cởi mở. Thế nhưng, quy trình này xem ra vẫn còn nhiều lỗ hổng và bất cập, mang đến nhiều phiền hà cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà đầu tư và cả công chúng.

(còn tiếp)

Quỳnh Nguyễn

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh (nguyên giám đốc Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng): Cần cộng hưởng, không phải xin – cho!

Tôi bắt đầu hoạt động trong nghề từ năm 1981, và hơn 30 năm qua tôi vẫn làm một công việc âm thầm không ai bảo, nhưng bản thân nghĩ mình phải làm vì cái tâm với nghề: đó là sưu tầm, cập nhật danh mục các ca khúc không được phép phổ biến của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Lẽ ra đây là trách nhiệm của cục, của sở, của những người được ăn lương, trả tiền để kiểm duyệt!

Cái khổ, cái khó và những nỗi niềm không thể chia sẻ được của nhà sản xuất thì tôi dám chắc không mấy ai hiểu được cặn kẽ.

Cho đến tận bây giờ, những người có trách nhiệm, hoạt động trong ngành, muốn có danh sách những ca khúc không được phổ biến cũng phải năm lần bảy lượt gọi điện, email, phải làm công văn để xin cung cấp thì thử hỏi công chúng, khán giả, ca sĩ, thậm chí báo chí làm sao thông suốt để biết cái nào “cấm” mà tránh? Chưa kể công việc này cần được xem là sự cộng hưởng giữa nhà sản xuất và các cơ quan chức năng để có được những sản phẩm đúng mực, không phải là cơ chế kẻ xin – người cho. Theo đúng luật, ca khúc gửi xin giấy phép sẽ được sở, cục phản hồi trong vòng 10 ngày, nhưng chuyện một ca khúc bị “lãng quên” đến vài tháng, thậm chí nửa năm là chuyện rất bình thường với các nhà sản xuất, nếu như không tác động hằng ngày!

Sự việc thu hồi Tàu đêm năm cũ lần này không phải là “chưa có tiền lệ”, trước đây bản thân tôi và ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng cũng từng chịu phạt đến 60 triệu đồng trong trường hợp ca khúc Phố đêm (nhạc sĩ Tâm Anh) bị thu hồi do sự ngộ nhận, chứ không phải sai sót cố ý. Một câu hỏi khiến tôi băn khoăn mãi: nhà sản xuất sai thì bị cơ quan chức năng xử phạt, thu hồi, vậy khi các cơ quan kể trên sai phạm, ai sẽ là người xử phạt và bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi?

Minh Trang ghi

Quy trình xin cấp phép cho một CD

Quy trình cũng khá đơn giản và ít tốn kém. Ðầu tiên, nhà sản xuất sẽ xem danh sách ca khúc định giới thiệu có nằm trong danh sách các ca khúc được phổ biến hay không.

Nếu có thì sẽ đến trung tâm tác quyền đóng tiền và nhận hóa đơn đã thanh toán tác quyền (có thể đóng tiền tác quyền trực tiếp đến nhạc sĩ hay người nhà của họ và lấy hợp đồng đã đóng tác quyền); sau đó kẹp hóa đơn hay hợp đồng thanh toán tác quyền này vào hồ sơ xin phép gửi Sở VH-TT&DL hay Cục Nghệ thuật biểu diễn để được cấp phép.

Hồ sơ xin cấp giấy phép cũng tương đối gọn nhẹ với công văn xin phép phát hành album, đĩa có các ca khúc được thu “nháp” với thời lượng và ca từ y như album sẽ phát hành, bản ký âm với đầy đủ nốt nhạc và lời ca khúc.

Chi phí cho một bộ hồ sơ trung bình 300.000-800.000 đồng, tùy là CD, VCD hay DVD. Sau khi có giấy phép, phía sản xuất cũng cần xin tem ở Cục Nghệ thuật biểu diễn và nộp lưu chiểu

Nguồn: http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoa-Giai-tri/143091,Duong-dai-ra-mot-CD.ttm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây