Nguyễn Sĩ Hạnh
16.6.2012
Đâu quãng mấy năm đầu thập niên 80, tôi bỏ nghề lục lộ về Sài Gòn buôn bán chợ trời sống lây lất qua ngày. Tôi không nhớ ở đâu ra mà lúc đó mình có một bản chép tay bài nhạc “Chăn Vịt Ở Phương Nam“, có cả lời lẫn nhạc đường hoàng. Dù bị chê là ca dở nhứt nhà nhưng những chiều mưa buồn ở nhà trọ, tôi hay hành hạ bà con láng giềng, ôm cây đàn guitar gỗ nghêu ngao “Tôi người trai sông Hương, lưu lạc về sông Hậu...”.
Hơn ba mươi năm qua, tôi vẫn còn nhớ bài nhạc phổ thơ của Mường Mán, nhưng không nhớ ai là tác giả. Mấy năm trước, khi lên làm việc ở Canberra, một đêm đông ở nhà ông bạn Lê Khắc Tưởng sau khi đã ngà ngà mấy ly rượu đỏ, than chuyện cũ bàn chuyện mới tôi mới kể chuyện baì ca chăn vịt này. Hai thằng lui cui lên mạng gú-gồ nhưng cũng chỉ tìm ra bài thơ mà không thấy bài nhạc hay MP3 gì hết.
Mới đây, trong khi research để viết một bài nhân dịp giỗ Tùng Giang tôi vô tình lạc vô cái blog của Nhạc Sĩ Châu Đình An, mới biết ông viết bài này năm 1980, phổ thơ Mường Mán. Và có cái clip do Châu Đình An và Khánh Ly trình bày[1].
Đại khái, thường ai cũng yêu thích một hai bài hát đặc biệt nào đó vì nó gắn liền với một kỷ niệm đáng nhớ trong đời mình. Chẳng hạn ai mà bị bồ bỏ đi lấy chồng thì thường kết bài “Tôi đưa em sang sông”. Hay là mấy chàng thanh niên Hà Nội năm nào di cư vô Nam thường tâm sự “Tôi xa Hà nội năm lên mười tám tuổi vừa biết yêu...”. Bạn nào ngày xưa làm học trò hay lê la ở mấy cổng trường nữ trung học thì thể nào cũng thích “Ngày Xưa Hoàng Thị“, vân vân và vân vân. Còn tôi thì lâu lâu hay nghêu ngao bài “Chăn Vịt Ở Phương Nam“, vì có lẽ tôi cũng đã có một thời đi “chăn vịt“.
Trong bài thơ, tác giả nói mình là trai sông Hương, còn tôi là trai Bình Định thì cũng là Trung kì cả đám. Tác giả lưu lạc về sông Hậu, còn tôi thì mấy năm trước cũng về Mỹ Tho, sông Tiền hay sông Hậu gì cũng là sông Cửu Long cả! Khác là tác giả chắc đi chăn vịt thiệt, còn tôi thì làm lục lộ. Nhưng tôi cảm cái ý tưởng “thời buổi khó“, không biết làm gì, nên “thôi đành đi chăn vịt” và tưởng tượng ra cái giả thuyết là nhiều người như tôi ở vào quãng thời gian đó dù có làm gì đi nữa để mưu sinh thì cũng đại loại như thi sĩ Mường Mán đi “chăn vịt” vậy!
Chẳng hạn như vài ông thầy học cũ, có người chạy xe thồ, có người làm tổ họp mì sợi thì cũng đều là như đi “chăn vịt“. Bạn bè có người về quê làm rẫy, có người như tôi ra buôn bán thuốc tây chợ trời Tân Định hay Lê Thánh Tôn, có người ra bán củi ở đường Nguyễn Thượng Hiền – Vườn Chuối… tất cả cũng đại khái như là “chăn vịt” cả!
Đã ba mươi năm qua, tôi đoán ở bên nhà bây giờ ít ra là những người trẻ tuổi có nhiều lựa chọn hơn là lứa tụi tôi hồi đó, lứa những người gặp thời buổi khó không biết làm gì hơn phải đi “chăn vịt” cho đỡ buồn, để kiếm sống qua ngày. Còn những người “chăn vịt” năm xưa thì sao? Tôi đoán là giờ vài người vẫn còn “chăn vịt“, vài người có thể đã lên chức là đại gia, chuyện bỏ ngàn đô ra cho người mẫu cẳng dài như báo rầm rĩ mới đây là chuyện nhỏ! Tôi biết có bạn về quê làm rẫy cuốc trúng mìn, có bạn vượt biên không tin tức… Phần lớn hi vọng là giờ không còn phải vất vả “chăn vịt” như năm xưa nữa. Và thi sĩ Mường Mán thì nghe nói hiện là chủ một nhà hàng lớn và nổi tiếng ở Sài Gòn[2].
Phần mình, nếu mà nói là mỗi lần xuống phố Tàu nhìn mấy con vịt quay treo tòn ten trong tiệm là nhớ tới bài ca chăn vịt ngày xưa thì là nói xạo. Nhưng những ngày cuối tuần mùa đông, khi đời gặp chuyện không được như ý, tôi hay ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời ảm đạm, nhớ đến những ngày đi “chăn vịt” cũ và lẩm nhẩm “Tôi người trai sông Hương, lưu lạc về sông Hậu…“
Nguyễn Sĩ Hạnh
Melbourne, 16.6.2012
[1] Khánh Ly và tôi
[2] MƯỜNG MÁN độc đáo 5 trong 1
Chăn Vịt Ở Phương Nam
Thơ: Mường mán
Nhạc: Châu Đình An
Tôi người trai sông Hương
Lưu lạc về sông Hậu
Như chim mỏi cánh đậu
Trên vồng đất quê em
Chòi em che hướng Ðông
Che giùm em ngọn gió
Em đùa anh chiếc lá
Bão giạt về phương Nam
Tôi cười thời buổi khó
Ði đâu để trốn buồn
Thôi đành đi chăn vịt
Em bảo thế mà hơn
Vịt tôi chăn trăm con
Ngày lùa đi trăm ngã
Bạn tôi trăm tim nhỏ
Bạn tôi trăm linh hồn
Theo tôi qua thời khó
Thương mình em cô đơn
Ngày đưa võng ru con
Mong chồng nơi biên giới
Mà chiến chinh tưởng lụi
Ai ngờ vẫn còn dài
Em buồn sợi tóc mai
Dài bằng cơn nắng sớm
Em buồn cây nhang lún
Cháy khuya sầu mênh mang
Mỗi ngày đi lùa vịt
Qua cánh đồng thênh thang
Buồn tôi khua gậy múa
Hát cùng bèo trôi sông
Ngóng giùm em phương đó
Coi chồng về hay không ?
Xem chàng về hay chưa ?
RE: Những người “chăn vịt” năm xưa
Anh Hạnh,
Bài viết cảm động quá dù cách viết của anh lúc nào cũng có chút khôi hài. Chính cái khôi hài dí dõm, xen kẽ đan vào nhau với những cảm gíac ngơ ngác tuyệt vọng ở một khoảng đời đã làm người đọc thật rưng rưng. T cũng từng đi chăn vịt như anh, ở đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn, đã từng sắp chui vào tù…Ừ anh nói rất đúng, thời mới lớn của anh em mình không có lựa chọn như tuổi trẻ bây giờ! Những kỷ niệm như thế thì làm sao mà mình quên được.
Dù không phải gợi nhớ đến một thời chăn vịt bởi những con vịt quay treo tòn teng mà là bởi những ngày buồn không như ý của một ngày mùa đông lạnh lẽo ngồi nhìn ra ngoài trời ảm đạm hay nhớ bằng cách nào đi nữa cũng là nỗi nhớ ngậm ngùi một thời đã qua nhất là nhớ đến những người bạn một đời vẫn còn chăn vịt! Cảm ơn một bài viết hay và cảm ơn anh đã cho nghe bài nhạc lẫn bài thơ để đọc. KT
Thanks
Cám ơn Tiến đã đọc và bàn!
RE: Người “chăn vịt” năm xưa
Hạnh,
Lứa tụi mình ít có ai không có thời chăn vịt ! Để được hôm nay ngồi nhớ lại như vầy là phước bảy mươi đời rồi. Ngày đó mình cũng đường đường là CB giảng dạy đại học, lương 64 đ ( hơn kỹ sư được 1 đ), nhưng đêm đêm vẫn miệt mài đi chăn vịt tại Sài gòn này, chớ nào được lãng mạn như “Tôi người trai sông Hương, lưu lạc về sông Hậu…”
Nhưng điều mình muốn viết ở đây là không phải thương anh chăn vịt , mà thương…[i]mình em cô đơn
Ngày đưa võng ru con
Mong chồng nơi biên giới
Mà chiến chinh tưởng lụi [/i]
Tối thứ bảy này, nếu gặp MM , sẽ hỏi cho Hạnh biên giới đây là biên giới nào.
Mà thiệt tình cũng thương cảm cho anh chăn vịt khi
[i]Ngóng giùm em phương đó
Coi chồng về hay không ? [/i]
Lạc
Thanks!
Cám ơn Lạc đã [i]lặn lội[/i] vô tận đây đọc và bàn!
Như đã viết trong email, bài thơ và bài nhạc còn nhiều điểm [i]tám [/i] được, như Lạc đã nhắc: cuộc chiến tranh biên giới, hình ảnh người chinh phụ [i]đưa võng ru con[/i], trăm con vịt … tuy nhiên không dám vì không có kinh nghiệm sống thực, ngại mình [i]lạm [/i] bàn!
Chuyện [i]thương mình em cô đơn [/i] thì không dám, thôi để anh em lo dùm!
Kì tới về SG sẽ rán thu xếp ghé quán Ruốc ăn cơm Huế và nói chuyện [i]chăn vịt [/i] 🙂
H.
Chăn Vịt
Chào anh Nguyễn Sĩ Hạnh
Cám ơn anh đã cho đọc một bài viết tình cảm man mác nỗi buồn của một thời qua, và cũng còn buồn của một thời nay anh nhỉ?
CDA
Thanks!
Cám ơn anh Châu Đình An đã ghé thăm, đọc và [i]bàn[/i]!
Và nhứt là cám ơn về bài nhạc hay. Tôi nghe được bài ca chăn vịt (tôi hay thường nói nôm na như vậy) do anh và cô Khánh Ly ca như là gặp lại một người bạn thân cũ vậy!
Tính để vài bữa rảnh sẽ xin phép anh cho post một ít nhạc của anh lên amnhac.fm.
H.
RE: Người
Xin chào
Nhạc Sĩ Châu Đình An mail cho tôi và gửi link.
Tôi cũng thích bài này cùng với “Đêm chôn dầu vượt biển”.
Đi chăn vịt , Nhạc Sĩ Châu Đình An và Khánh Ly hát như không hát, cứ nhẹ nhàng và trôi đi . Nó mang một triết lý theo tôi hiêu. Tâm sự Mường Mán thời đó chăng.
Tôi thích câu này
[i]Đã ba mươi năm qua, tôi đoán ở bên nhà bây giờ ít ra là những người trẻ tuổi có nhiều lựa chọn hơn là lứa tụi tôi hồi đó, lứa những người gặp thời buổi khó không biết làm gì hơn phải đi “chăn vịt” cho đỡ buồn, để kiếm sống qua ngày.[/i]
Thanks!
Cám ơn chị Hoàng Lan Chi đã ghé thăm, đọc và [i]bàn[/i]!
Thật tình trong bài viết tôi chỉ muốn kể lại một kỉ niệm nhỏ của mình, ngại không muốn bàn nhiều về thơ từ hay âm nhạc.
Ba mươi năm qua, tôi nghe lại bài nhạc và vẫn còn cảm thấy y chang như hồi đó, một nỗi buồn man mác trong lời thơ, một chút u uẩn trong âm điệu, tâm trạng cô đơn của một kẻ thất thời luân lạc nơi xứ người phơi bày ra cho mọi người thấy…
[i]Mỗi ngày đi lùa vịt
Qua cánh đồng thênh thang
Buồn tôi khua gậy múa
Hát cùng bèo trôi sông [/i]
Trong mười năm ở Sài Gòn sau 75, đủ thứ nhạc xanh nhạc đỏ nhạc vàng nhạc tím được viết (mà tôi có dịp nghe qua), bài ca chăn vịt này là một trong vài bài tôi thích nhứt!
H.
Giải mã!
Hôm qua có vài người bạn ghé quán Ruốc nhậu và hỏi thăm MM về bài thơ [i]chăn vịt[/i].
The MM thì:
[i]Thương mình em cô đơn
Ngày đưa võng ru con
Trông chồng nơi biên giới [/i]
là nói về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
[i]Mà chiến chinh tưởng lụi[/i]
tức là năm 75… tưởng hết chiến tranh rồi
[i]Ai ngờ vẫn còn dài[/i]
ngờ đâu nay lại đến chiến tranh biên giới Tây Nam
Thi sĩ rất cảm động vì bài thơ còn được quan tâm và hỏi tới!
H.
PS. Cám ơn Lạc và Hiếu đã chuyển lời.
Thư gởi anh Nguyễn Sĩ Hạnh
Thư gởi anh Nguyễn Sĩ Hạnh
Rất tiếc, vốn lười vô mạng nên… dẫu muộn vẫn mong anh nhận lời cảm ơn của tôi về bài viết CVOPN. Mời anh vào trang web http://www.quanruoc.com và có dịp ghé Sài Gòn, anh tới quán Ruốc chơi sẽ thấy tôi đang chăn vịt trên cánh đồng ẩm thực Huế ra sao.
Chúc anh và gia đình khỏe vui luôn,
MM
Cám ơn
Cám ơn anh MM!
Hi vọng có dịp ghé thăm quán Ruốc.
Kính chúc anh & gia đình luôn vui khỏe
H.