Ngành Mai
8.6.2012
Cô đào tài sắc Thanh Thủy với hai khả năng: Ðàn tranh và diễn viên sân khấu. Yêu thích và nhiệt tình với sân khấu cải lương, nhưng khổ nỗi là vào nghiệp cầm ca ở thời kỳ mà bộ môn nghệ thuật này lâm vào cảnh khủng hoảng trầm trọng, và dần dần đưa đến kiệt quệ.
Người ta bảo nếu như tài sắc ấy, Thanh Thủy gia nhập làng cải lương sớm hơn một thập niên thì may mắn cho cô biết mấy. Cô sẽ có nhiều cơ hội phục vụ khán giả và trở thành một trong những nữ nghệ sĩ nổi tiếng đương thời.
Chào đời năm 1966, nữ nghệ sĩ Thanh Thủy học đờn tranh từ lúc 9 tuổi, đi vào sân khấu với khả năng đàn tranh và diễn viên. Về đàn tranh Thanh Thủy đã từng mở lớp dạy tại tư gia từ năm 12 tuổi đến năm 20 tuổi. Cô đã dạy gần 100 học viên, trong số này có khoảng từ 5 đến 10 người đi dạy đàn tranh. Ðến khi đi hát ở sân khấu cô mới tạm ngưng dạy.
Năm 1984, đài phát thanh mời Thanh Thủy cộng tác. Buổi đầu, cô được mọi người chú ý nhờ ngón đàn điêu luyện. Liên tục trong ba bốn năm liền, Thủy thường xuyên có mặt trong dàn nhạc của chương trình văn nghệ đài phát thanh. Hầu như ngày nào cô cũng có show ở đây và có ngày đàn đến hai ba bài.
Tâm sự với một nhà báo, Thanh Thủy nói: “Thủy cố gắng đi lên trong nghề diễn viên nên ước mơ về nghề ca hát sâu đậm hơn, và rất mong muốn có được vai diễn tầm cỡ, ca hát đều đặn ở sân khấu nghiêm túc. Bao giờ Thủy cũng mong tiếng hát của mình luôn đến với khán thính giả. Thủy hy vọng sẽ nhận được một vai diễn cho mình khiến khán giả nhớ mãi. Ðó là ước mơ của Thủy và cũng là hướng đi tới trong nghề. Thủy cũng mong được đi lưu diễn nơi xứ người để mở rộng tầm hiểu biết của mình, đồng thời vào những dịp đó nếu được may mắn cũng có thể sử dụng ngón đàn tranh của mình mà Thủy tin chắc rằng nó sẽ khơi dậy được nỗi niềm dân tộc qua từng âm thanh của tiếng đàn.”
Vào sân khấu vào thời được đông đảo khán giả đến xem cho nên tương lai nghề ca hát trước mắt của Thủy thật là tươi đẹp, bao nhiều ước mơ hy vọng tràn đầy trong lòng. Nói như thế vì dần dà sau này sự phấn khởi từ ban đầu ấy được thay bằng nỗi buồn, nỗi buồn thành kỷ niệm khó quên ở sân khấu, mà phải là nghệ sĩ mới thông cảm được nỗi buồn đó. Nghĩa là ở sân khấu ngồi chờ khán giả đến xem với số lượng đủ chi phí cho đoàn hát để đêm hát được mở màn. Nỗi niềm này nào ai biết được nếu không phải là người trong cuộc?
Thủy vốn rất say mê sân khấu, đêm nào không ca hát trong lòng ray rứt không chịu được, thế cho nên trong tình hình sân khấu thưa vắng khán giả, có nhiều anh chị em bỏ nghề, riêng Thủy nghĩ rằng ở nhà dù làm nghề gì khác, đời sống ổn định, cũng không xóa được nỗi buồn nhớ nghề. Nếu ở nhà đã buồn rồi đến sân khấu đợi chờ khán giả với nỗi phập phồng lo lắng không biết có hát hay không thì càng buồn hơn nữa!
Về vấn đề tập tuồng, Thanh Thủy nói: “Lúc mới đi hát thấy ai cũng hăng say tập tuồng, mình cũng vậy. Có lẽ tại sinh hoạt của diễn viên giờ giấc không ổn định, có lúc 9 giờ tối đi tập tuồng đến 2 giờ, 3 giờ sáng mới về. Nhiều khi đêm về, mình đi trên đường phố với gương mặt không tẩy trang, tóc bạc trắng, có hôm mặt lòe loẹt son phấn. Và mình đâu dám về nhà một mình, các bạn trai diễn chung thường ‘hộ tống’ mình về tận nhà. Gia đình và bà con lối xóm, bạn bè thấy mình sống như thế, làm sao hiểu và chấp nhận cho được? Lúc đầu, Thủy cũng bị dằn vặt ghê gớm nhưng dần dần cũng quen đi.”
Về sau, trước tình trạng cải lương yếu kém, nghệ sĩ cũng không thiết tha tập tuồng, do đó mà khi tập vở mới bữa nay vắng mặt người này, ngày mai vắng mặt người khác, khó bảo đảm được sự tập luyện vở hát để đạt yêu cầu nghệ thuật. Và khi ra mắt khán giả, vở hát không tránh khỏi tình trạng kém chất lượng nghệ thuật. Rồi khán giả xem không đông, đoàn thu kém, diễn viên lại lo tìm cuộc sống khác, hững hờ với sân khấu. Cái vòng lẩn quẩn này, mong rằng có đũa thần, phép lạ phá vỡ nó để cho sân khấu cải lương trở lại những ngày huy hoàng.
Nhưng rồi đũa thần đã chẳng có, và cải lương ngày một tàn tạ như mọi người đã thấy.
Ngành Mai
Theo: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=150004&zoneid=82