Thủy Liên
3.6.2012
(PL&XH) – Những ca khúc đã đi vào đời sống âm nhạc đương đại với tình cảm da diết và lời hát đẹp như một bức thi họa tình tứ, êm ái… Nhắc đến những bài hát đó, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Dương Thụ.
Có lẽ, bất cứ ai yêu âm nhạc cũng đều ít nhiều thuộc một vài giai điệu với sự khát khao yêu thương, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, trầm tĩnh nhưng dậy sóng… Những ca khúc đã đi vào đời sống âm nhạc đương đại với tình cảm da diết và lời hát đẹp như một bức thi họa tình tứ, êm ái… Nhắc đến những bài hát đó, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Dương Thụ.
Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, là một nhạc sĩ đã đi vào đời sống âm nhạc đương đại với những tình khúc làm mê say bao trái tim khán giả, giờ anh lại ra cuốn sách “Cà phê… mưa”, có vẻ như các nhà văn đang có một… đối thủ khá nặng ký đây!
Như tôi đã từng trả lời phỏng vấn đâu đó rằng, tôi không bỗng dưng viết văn vào cái tuổi này. “Cà phê… mưa” chỉ là tập hợp những bài báo tôi đã viết cách đây 20 năm. Đây là những bài viết về văn nghệ, viết trả lời phỏng vấn, viết đối thoại. Nói viết văn, các ông nhà văn cho “ăn đòn” đấy. Khi những bài báo tập hợp thành cuốn sách, nó không còn là những bài báo riêng lẻ. Sách được xuất bản không phải để bạn đọc bỏ tiền túi ra mua về những chuyện tầm phào. Tôi cố gắng lựa chọn, cắt bỏ và sắp xếp chúng trong một hệ thống để nó có thể nói lên một điều gì đó, cái điều có thể chia sẻ được với mọi người.
Giai điệu âm nhạc của Dương Thụ, nếu được lắng nghe vào lúc những giọt mưa tí tách ngoài hiên thì cái sâu lắng nhẹ nhàng như ngấm sâu vào lòng người và cho ta cảm giác buồn trong sáng và đầy cảm hứng sáng tạo. Bản thân ông, thường thì cảm xúc và cảm nhận như thế nào trong và sau khi sáng tác những ca khúc ấy?
Đây là chuyện khó trả lời. Nếu trả lời thì dài lắm. Bạn có thể đọc bài “Đánh thức” trong cuốn “Cà phê… mưa” của tôi.
Trong âm nhạc, ca từ và giai điệu của Dương Thụ luôn được trau chuốt cẩn thận. Khi sáng tác ca khúc, ngoài vai trò là một nhạc sĩ, ông có thường đặt mình vào vai trò của người nghe?
Với mỗi bài hát, giai điệu và ca từ là quan trọng nhất nên không thể cẩu thả. Nhưng sáng tác âm nhạc với tôi là sự sáng tạo, nó không giống công việc của một người thợ mỹ nghệ. Vẻ đẹp tâm hồn của người làm nhạc bộc lộ trực tiếp trong giai điệu và ca từ, nó rất tự nhiên, không phải là kết quả của sự trau chuốt khéo léo. Mỗi nhạc sĩ có quan niệm và cách viết nhạc riêng. Với tôi, tôi chỉ làm theo những gì mình cảm xúc. Điều này khiến nhạc của tôi không có nhiều người nghe. Chỉ người nào có chút gì đó giống tôi thì mới nghe nhạc Dương Thụ thôi.
Nhạc của Dương Thụ thường buồn, cô đơn và luôn muốn tìm lại sự hoài cổ. Mỗi lần đặt bút sáng tác, thường thì tâm trạng của nhạc sĩ lúc đó thế nào?
Bài hát của tôi có thể man mác buồn, nhưng đó không phải nỗi buồn của kẻ cô đơn hay người hoài cổ. Nếu bạn thật sự yêu đời thì phải buồn thôi. Bạn có thể gọi đó là chủ nghĩa lãng mạn tích cực và thứ nhạc ấy của tôi nó có màu xanh chứ không phải màu vàng. Người không biết buồn là một kẻ vô cảm. Nhưng buồn đến mức phải kêu lên: “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng” thì lại đa cảm quá. Mà bạn biết đấy cái gì quá phần lớn là không tốt (đa cảm quá người Hà Nội văn minh gọi nó là “sến” đấy bạn ạ). Tôi rất nhớ những gì đã sống qua. Quá khứ sống trong tôi, cho tôi chiều sâu của cảm xúc. Tôi không lấy quá khứ để phủ nhận hiện tại. Quá khứ giống như gốc rễ để cái cây hiện tại trong tôi lớn lên. Tôi biết cô đơn là một giá trị thời thượng, nhưng có thể tôi cô độc chứ không cô đơn. Với tôi cô độc là riêng mình, là độc lập, còn cô đơn là lạc lõng, là bị bỏ rơi. Tôi không đến mức tội nghiệp như thế đâu.
Có nghĩa là chỉ khi thực sự có tâm trạng thì nhạc sĩ mới viết ?
Dĩ nhiên phải có tâm trạng thì mới viết. Có tâm trạng là lúc bỗng dưng ta xao xuyến vì một cái gì đó như: một tiếng còi xe lửa, một tiếng chim hót, ánh mắt của một người con gái ta chợt nhận ra lúc ngồi cà phê một mình trong quán vắng, tia nắng sớm bừng sáng qua cửa sổ, cũng có thể là mùi chợ, mùi đường phố, mùi hương ngọc lan cuối thu… Tất cả đi vào tai vào mắt, và mũi mình để rồi đánh thức một cái gì đó trong tâm tưởng mình. Cái gì đó được trừu tượng hóa thành giai điệu, thành hòa thanh, thành tiết tấu và cuối cùng ca từ làm cái công việc “hình ảnh hóa” cái trừu tượng đó. Bạn có nghe câu hát “Con chim nghiêng nghiêng trong nắng, vỗ cánh bay vào ngày xanh thắm”, bài “Bay vào ngày xanh”, một cái gì mơ mơ, mà man mác buồn, nó ảo và rất khó nói, đấy là hình ảnh hóa cái trừu tượng để diễn đạt tâm trạng tôi lúc ấy.
Nếu được chọn một vài ca khúc coi như “khuôn mặt” của Dương Thụ, thì nhạc sĩ sẽ chọn những ca khúc nào?
Chắc là không có một bài nào khắc họa được chân dung của tôi. Nghe tất cả các bài sẽ thấy hiện ra “khuôn mặt” của Dương Thụ. Còn đối với công chúng có lẽ họ thường nhận ra tôi ở các bài: Tiếng sóng, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày, Họa mi hót trong mưa, Mong về Hà Nội, Gọi anh, Nghe mưa và nhất là bài Tháng tư về.
Ông nổi danh với nhiều sáng tác và ca sĩ “ruột”, nhưng nếu có thể tổng kết về cuộc đời làm nghề của mình, ông nhận thấy giai đoạn nào, ca khúc nào có thể coi là tâm đắc nhất, và ca sĩ nào là người ông có thể tin tưởng để giao phó một bài hát mà lòng có thể hoàn toàn yên tâm?
Tôi viết nhạc do nhu cầu nội tâm, ít khi đánh giá những gì mình làm ra. Có lẽ việc này là của người nghe. Còn ca sĩ thì có nhiều. Trước kia là Lệ Quyên, một diva nhạc nhẹ thời bấy giờ, sau là Hồng Nhung, Mỹ Linh và phần nào đó là Bằng Kiều. Bây giờ là Nguyên Thảo, Đức Tuấn và Khánh Linh.
Hiện tại, nhạc sĩ có một cuộc sống khá bình lặng nhưng dường như, để đạt được “độ” bình lặng ấy, đời sống của ông cũng đã từng trải qua nhiều va vấp trong cuộc đời, ông có thể chia sẻ về những tháng năm tuổi trẻ của mình?
Chia sẻ thì dài lắm, những va vấp mà bạn muốn biết tôi viết rất rõ trong “Cà phê… mưa”, bạn có thể đọc nó.
Các nghệ sĩ luôn viết về tình yêu. Tình yêu trong nhạc của Dương Thụ thường được ẩn vào những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân thế, nhạc sĩ có thấy như thế là “hơi khôn” và bóng hồng trong âm nhạc của nhạc sĩ hơi “thiệt thòi” không?
Viết bài hát với tôi là một việc rất tự nhiên, không có tính toán, không có mục đích nhắm vào người nghe nên chẳng thể có chuyện khôn dại. Nghệ thuật là phần ảo, là “nghĩa bóng”, và giàu tính ẩn dụ, nó không kể những câu chuyện thật, cụ thể nên chẳng có ai thiệt thòi ở đây cả
Dương Thụ đã là cái tên gắn với đời sống âm nhạc đương đại với “gu” riêng. Bản thân nhạc sĩ, ông có thích “gu” của mình, và có bao giờ muốn thay đổi để “ồn ã” một chút?
Nếu bạn cho nhạc của tôi có “gu” riêng thì chắc chắn là tôi sung sướng lắm, nhưng… không biết mọi người có như thế không? Viết nhạc từ năm 16 tuổi đến nay đã 68 tuổi, tôi không chắc mình có “gu” riêng hay không thì nói gì đến việc thay đổi.
Ở tuổi này nhìn lại chặng đường âm nhạc và chặng đường đời đã qua, nhạc sĩ thấy mình đã được và mất những gì?
Với tôi sống là được. Cuộc đời là một phép cộng, nó không phải là một phép trừ nghiệt ngã. Buồn bã, đau khổ, thất bại cũng là được, được theo một nghĩa khác. Nhờ những bất hạnh thuở thiếu thời, những gian nan vất vả tuổi trưởng thành mới được tôi bây giờ, một Dương Thụ như các bạn biết.
Nghe đồn, nhạc sĩ Dương Thụ là một người khó tính. Ông có thừa nhận vậy không?
Tôi không phải là người dễ dãi trong công việc, luôn có một yêu cầu rất cao với bản thân và thường không bằng lòng lắm với những gì mình làm. Tôi không có cái tâm lý “văn mình vợ người” và thường rất lúng túng trước những lời khen của người khác. Cái khó tính ấy bắt nguồn từ lòng tự trọng. Còn những cái khó tính khác, có cái do lớn tuổi, dễ nổi cáu (vì thời trẻ phải nhịn nhục nhiều), có cái do hậu quả của nghề thầy giáo (trước đây (nghiêm túc, nghiêm khắc với những người làm việc với mình), có cái do tính nết trời sinh: thẳng thắn, bộc trực, cái gì cũng muốn minh bạch, đen trắng rõ ràng, mà cuộc đời đâu phải thế. Những cái khó tính kiểu như thế nào có hay ho gì, tôi biết nhưng không thể sửa chữa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thủy Liên
theo http://phapluatxahoi.vn/20120603083527741p1004c1030/duong-thu-nhac-si-cua-nhung-khuc-tinh-ca.htm