Mai Xuân Vỹ
3.6.2012
Đó là một con ngõ không tên. Chỉ vì ngõ ấy mọc nhiều trúc xanh, người ta gọi nó là Lục Trúc hạng. Là ngõ trúc xanh.
Ông già giỏi đàn ở trong ngõ trúc ấy cũng không có tên. Bởi ông ở trong con ngõ đầy trúc xanh nên được gọi là Lục Trúc ông.
Trong toàn bộ câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, đây có lẽ là lúc cơ nhỡ nhất của anh chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung. Sư phụ anh đưa toàn bộ đệ tử phái Hoa Sơn từ Thiểm Tây xuôi nam về thành Phúc Châu, là nơi xưa kia vốn là Phước Oai Tiêu Cục của Lâm Chấn Nam ở tỉnh Phúc Kiến, quê nhà của Lâm Bình Chi. Trên đường đi họ ghé lại nhà ngoại tổ của Lâm Bình Chi ở thành Lạc Dương, là khoảng một phần ba đường từ Thiểm Tây xuôi nam về Phúc Kiến. Lúc này Lệnh Hồ Xung đang bị nội thương trầm trọng, mất hết công lực, lại phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu ở nhà ngoại tổ Lâm Bình Chi, bị đám con cháu Vương Nguyên Bá khinh nhờn, bị sư phụ gán tội đánh cắp Tử Hà bí kíp và ngộ sát Lục Đại Hữu -là người sư đệ anh ta yêu mến nhất chỉ sau Nhạc Linh San. Lại thêm chuyện hàm oan tội đánh cắp Tịch Tà Kiếm Phổ …
Chưa hết, còn một nỗi đau thầm kín mà anh ta không thể hé môi thổ lộ được với ai. Đó là cô tiểu sư muội Nhạc Linh San đã yêu Lâm Bình Chi, cũng là sư đệ của anh ta. Với bản chất hào hiệp và cao thượng, nỗi đau này anh chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình.
Nhưng rồi trong cái rủi lại có cái may, cái gọi là Tịch Tà Kiếm Phổ người ta tìm thấy trong người anh ta thực ra chỉ là cầm phổ và tiêu phổ của khúc hợp tấu Tiếu Ngạo Giang Hồ do Khúc Dương và Lưu Chính Phong ký thác lại cho anh ta trước khi mất. Bọn người nhà Vương Nguyên Bá không đọc được cầm phổ và tiêu phổ ấy nên mới phải kéo nhau đến ngõ Lục Trúc để nhờ ông già đan giỏ tre kiểm chứng hộ. Cũng vì chuyện hàm oan mà anh ta gặp được cô cô của ông già đan giỏ giỏi âm luật ấy. Dĩ nhiên là anh ta không thấy được mặt lão bà có ngón đàn thất huyền cầm thật tuyệt diệu mà Lục Trúc Ông gọi là cô, bởi bà luôn ngồi sau bức rèm. Ông già đan giỏ đã già, mà người kia lại là cô cô của ông già ấy thì chẳng biết là già đến cỡ nào? Anh ta thành thực nghĩ là vị bà bà ngồi sau bức rèm kia là một lão bà tuổi cao trọng vọng. Chỉ hiềm là giọng của bà sao lại thanh tao và tiếng hát lại trong trẻo như giọng thiếu nữ. Đó là điều duy nhất anh ta không hiểu !
Lệnh Hồ Xung được xây dựng như là một hán tử hào sảng, anh ta kết giao bằng hữu với mọi người mọi giới bất kể tuổi tác tiếng tăm: Điền Bá Quang, Hướng Vấn Thiên, Xung Hư, Phương Chứng, Mạc Đại tiên sinh … Uống rượu bằng hũ lớn bạt mạng không ai bằng, tác phong phóng túng, cách ăn nói lại ra chiều phóng đãng, thế nhưng anh ta lại là một người rất tinh tế. Cái hay của truyện là tác giả chẳng bao giờ bảo anh ta tinh tế, chỉ qua thái độ và cách hành xử, độc giả biết được anh ta là người tinh tế dịu dàng.
Lúc anh ta cứu Nghi Lâm, cùng Nghi Lâm trốn trong hang cốc vì kiếm pháp Hoa Sơn của anh ta đánh không lại với món khoái đao cực nhanh của Điền Bá Quang, anh ta xưng là nhị đệ tử Hoa Sơn Lao Đức Nặc. Anh ta xưng ẩu thế là tránh tiếng cho cô tiểu sư nữ Nghi Lâm 16 tuổi khỏi phải cảnh ở chung trong hang tối với một thanh niên như anh, bởi Lao Đức Nặc đã lớn tuổi dù sao thì cũng …dễ coi hơn trong tình trạng dĩ biến phải tùng quyền ấy !
Nhưng có một chi tiết của truyện làm tôi bồi hồi xúc động khi đọc, và vẫn còn cảm thấy xót xa giùm anh ta cho tới bây giờ mỗi khi nhớ lại. Đó là khoảng thời gian anh ta bị sư phụ phạt phải diện bích sám hối trên đỉnh Ngọc Nữ Phong. Chiều chiều Nhạc Linh San vẫn đưa cơm lên cho anh, thỉnh thoảng cô tiểu sư muội xinh đẹp ấy lại kể cho anh nghe những chuyện xảy ra trong phái Hoa Sơn, chuyện sư phụ mới nhận một đệ tử mới là “thằng nhỏ Lâm” (cô ta gọi Lâm Bình Chi là tiểu Lâm !)… Chiều nhiều, anh ta vẫn ngóng xuống con đường sạn đạo ngoằn nghèo dẫn lên đỉnh núi. Nhạc Linh San còn trẻ, cô đem cơm cho vị đại sư huynh cô yêu mến nên lòng cô vui vẻ, đi ngược con đường dốc dựng đứng mà cô vẫn vui miệng hát những khúc ca cô thuộc, trong đó có những khúc chính lệnh Hồ Xung đã dạy cô hát. Cô chưa lên đến đỉnh Ngọc Nữ Phong mà tiếng hát cô đã vọng lên tới tận đỉnh núi nơi anh ta thầm ngồi ngóng cô mỗi khi chiều xuống rồi.
Và rồi một buổi chiều cũng như bao buổi chiều anh ngồi ngóng cô tiểu sư muội xinh đẹp ấy, anh nghe văng vẳng tiếng hát cô theo gió vọng lên, lòng anh ấm áp nghĩ đến khuôn mặt vui tươi của cô tiểu sư muội xinh đẹp. Nhưng rồi cô gái càng đến gần, giọng hát cô càng rõ hơn. Và lòng anh chợt đau như dao cắt khi nhận ra đó là một khúc tiểu điệu Phúc Kiến.
Anh ta và Nhạc Linh San lớn lên ở Hoa Sơn thuộc tỉnh Thiểm Tây ở phía bắc, làn điệu của những khúc ca phía bắc khác hẳn với khúc tiểu điệu phương nam Nhạc Linh San hát vào buổi chiều hôm ấy. Anh ta đau lòng vì biết là khúc tiểu điệu “chị em lên núi hái chè” ấy hẳn là do Lâm Bình Chi dạy cho Nhạc Linh San.
Rồi ngày theo ngày, những chuyến đưa cơm của cô tiểu sư muội thưa dần… Có những buổi chiều Lục Đại Hữu mang cơm lên cho anh ta thay vì Nhạc Linh San, anh đau lòng vì biết là cũng như khúc tiểu điệu phương nam kia, lòng cô tiểu sư muội đã bắt đầu ngả về cậu sư đệ tiểu Lâm ở Phúc Kiến ấy mất rồi !
Nhưng với tính khí cao thượng, là đại sư huynh lúc nào cũng che chở bảo bọc cho các sư đệ muội, anh ta dấu kín nỗi đau ấy trong lòng. Lúc ở Lạc Dương, anh ta tránh mặt Nhạc Linh San, ngày ngày anh đến ngõ trúc ngồi đan giỏ với Lục Trúc Ông, lắng nghe tiếng thất huyền cầm của vị bà bà ngồi sau bức rèm buông phủ. Và cũng ở cái ngõ trúc ấy, đã có một ngày anh ta không cầm được lòng, để mặc cho nỗi đau chôn chặt bấy lâu trào ra trước mặt vị bà bà anh ta yêu kính kia. Bà bà chỉ thở dài, rồi đàn cho anh nghe một bản đàn với âm điệu nhu hoà êm ái. Anh nghe đàn, mọi phiền não dường như tan chảy, và anh ta ngủ thiếp đi trong tiếng đàn dịu dàng vỗ về của vị bà bà kia …
Thực ra vị bà bà ấy là Nhậm Doanh Doanh, là Thánh Cô của Ma Giáo, một cô gái xinh đẹp chỉ mới 17 tuổi. Cô gái này thầm yêu Lệnh Hồ Xung khi nghe anh thổ lộ những nỗi đau u uất của anh với cô tiểu sư muội trong gian nhà tranh ở ngõ trúc trong thành Lạc Dương ngày hôm ấy. Cảm nỗi đau của anh, và biết là lòng anh héo hắt đau đớn vì khối tình sầu vô lượng kia, cô đàn cho anh khúc Thanh Tâm Phổ Thiện Chú để ru anh ngủ. Về sau cô luôn âm thầm theo dõi để giúp đỡ anh, và thậm chí cõng anh lên tận Thiếu Lâm tự lúc thương thế anh trầm trọng thập tử nhất sinh, chịu giam cầm để đánh đổi việc Phương Chứng đại sư đem Dịch cân kinh cứu anh.
. . .
Tôi không biết liệu trên đời này có tiếng đàn nào xanh như tiếng đàn Doanh Doanh trong ngõ trúc nhỏ ở thành Lạc Dương thuở ấy không? Bởi tiếng đàn ấy là tiếng đàn “vô thanh”. Kim Dung không là nhạc sĩ, ông chỉ tả nó bằng lời chứ không bằng những nốt nhạc cụ thể. Và cũng bởi vì thế, nó mặc nhiên mang cả cái không khí yên bình của cái ngõ nhỏ mọc đầy trúc xanh, mặc nhiên mang luôn cái ánh nắng xanh biêng biếc của lá trúc rập rờn dưới nắng, và cũng mặc nhiên mang cả mối tình nhẹ nhàng, kín đáo mà đằm thắm của cô gái Doanh Doanh gửi gắm vào trong tiếng huyền cầm. Vậy liệu có người nhạc sĩ nào trên thế gian này có thể viết lên một bản đàn với đầy đủ những nhạc tố như tôi đã tưởng tượng qua lời kể của Kim Dung hay không?
Mà cũng chỉ vì cái đoạn sách ấy của Kim Dung mà tôi vẫn thỉnh thoảng hay thơ thẩn nghĩ về một tiếng đàn xanh, hay một giọng đàn tỏa ánh sáng xanh …
Cho đến một ngày nọ, tôi đọc thấy trong sách người ta nhắc đến những “nốt xanh” của Chopin, người nhạc sĩ có tài chơi ngẫu hứng trên đàn dương cầm. Người nhạc sĩ vẫn thường để mặc những ngón tay lần vẩn vơ trên phím đàn, cho đến khi nó đụng phải một “nốt xanh”. Và rồi từ nốt nhạc xanh ấy, người nhạc sĩ đưa mọi người lên tận mây xanh qua những chuỗi giai điệu ngẫu hứng với ngón đàn trác tuyệt …
Tiếng đàn của những danh cầm luôn đầy mầu sắc, sắc vui sắc buồn, thê lương áo não hoặc sáng trong tinh khiết. Nhưng mầu sắc của tiếng đàn không nhất thiết phải là những mầu mắt thấy. Sao tôi lại mãi đi tìm một tiếng đàn xanh ? Về sau nữa, tôi lại đọc thấy chuyện Scriabin “nhìn” được các sắc mầu xanh vàng đỏ tím… trên thang âm 7 bậc 12 cung. Nhưng rồi thất vọng vì không đồng cảm được với người nhạc sĩ về mầu sắc trên 12 cung ấy.
Dù vậy tôi vẫn lẩn thẩn để tâm tìm một tác phẩm nào đó đề gán cho tiếng đàn tôi “nghe” được từ những trang sách trên. Bài Traumerei của Schumann chẳng hạn, nó có cái không khí trầm ngâm yên ả của ngõ trúc vắng, nhưng chỉ là cái êm ả của những hồi tưởng về thời thơ ấu, nó lặng lẽ quá, không có cái tình yêu sâu thẳm của cô gái Doanh Doanh ở trong ngõ trúc, và khúc đàn ấy không hề có chút nắng nào, đừng nói là nắng xanh. Nắng ư? Vậy thì khúc biến tấu thứ 18 trong bản Paganini Rhapsody của Rachmaninoff có tràn đầy ăm ắp cái nắng xanh dịu dàng của cái ngõ trúc ấy đấy thôi. Nhưng tiếc là nắng xanh thì có đấy, nó lại không có cái tình sâu đậm của cô gái ở trong ngõ trúc, mà cái tình trong khúc biến tấu của Rachmaninoff thì nhẹ quá, nhẹ như tơ, chỉ như có như không.
Vậy thì còn khúc nhạc nào mang được cả cái không gian xanh biếc trong ngõ trúc ấy không nhỉ? Ừ thì còn bản Berceuse của Chopin, nó có đủ cái thanh tịnh của một mối tình nhẹ mà sâu lắng, và lại lấp lánh ánh nắng trong những âm giai đồng chuyển chen rất khéo léo vào với giai điệu du dương vỗ về. Tiếc là tôi không thấy khúc đàn ấy xanh mầu lục trúc. Thứ ánh sáng trong Berceuse của Chopin có dịu dàng đấy, có xanh đấy, nhưng nó là thứ xanh ánh trời lấp lánh ở phố thị, không phải thứ nắng mầu lục được lọc qua những tầng lá trúc xanh.
. . .
Trên phím dương cầm chỉ có 88 nốt nhạc, nốt nhạc xanh của Chopin không phải ai cũng tìm ra. Và nếu như ta có tìm thấy một nốt xanh nào như thế, chẳng nhất thiết nó cũng phải là chính những nốt xanh của Chopin. Các bộ truyện của Kim Dung thường có những mối tình rất đẹp. Đẹp đến mức có thể không thật. Biết đâu tiếng đàn xanh tôi mãi tìm ấy cũng không thật. Nó chỉ vang lên một lần ở trong cái ngõ trúc ở thành Lạc Dương ấy thôi ?
Về sau, tôi có viết trong một bài hát nhỏ “đàn xanh gió trời …” Có lẽ đó là cố gắng vô thức để cố gợi một không gian êm ả, một không gian với những vì sao nhấp nhánh tỏa ánh sáng xanh, với gió xanh và đêm cũng xanh, một thứ xanh huyền dịu … Mà sao lại là xanh chứ không là một mầu nào khác?
Hay là tận trong tiềm thức, tôi đã lậm mất tiếng đàn xanh trong ngõ trúc nhỏ từ cái ngày đọc những trang sách ấy mất rồi ?
Mai Xuân Vỹ
RE: Tiếng Đàn Trong Ngõ Trúc
Anh Vỹ viết hay quá, em thấy tiếng đàn trong ngõ trúc đó cũng giống như nàng trăng của các thi sĩ vậy, vì nó ở quá xa và ánh sáng êm dịu nó phát ra làm mê lòng người đến nỗi thi tiên Lý Bạch còn hận ngòi bút của mình mãi vẫn chưa tả đủ được thứ ánh sáng ấy cuối đời lại điên đảo cố nhào xuống nước bắt ánh trăng mà chết.
Có lẽ nét đẹp của tiếng dao cầm Nhậm tiểu thư là ở chỗ mình mãi không chạm tới được đó anh, hi.
p/s : mà anh Vỹ đọc truyện hồi xưa lâu quá rồi nên nhầm đó nha, em chưa nghe nói Nhậm Doanh Doanh hát bao giờ ^^