Nguyễn Sĩ Hạnh
1.6.2012
Hôm nay trời vào đông
Tình đã chết trong lòng
Niềm cô đơn chợt đến
Anh đã quên mùa thu …
(Anh Đã Quên Mùa Thu – Tùng Giang & Nam Lộc)
Anh Đã Quên Mùa Thu (Tùng Giang & Nam Lộc) do Thái Thanh, Ý Lan, Quỳnh Dao và Lê Đại trình bày
Bài Anh Đã Quên Mùa Thu thì xuân hạ thu đông mùa nào nghe cũng hay… nhứt là do mẹ con cô Thái Thanh trình bày, và bữa nay là ngày đầu mùa đông ở nam bán cầu. Chỉ trật mỗi một chuyện là tôi chẳng còn như những ngày hai mươi tuổi để mà có tình chết tình sống trong lòng. Còn “niềm cô đơn” ? thì cứ cho đại là con người ai cũng có những giây phút rất riêng cho mình, để thấy vô cùng triệt để cô đơn! Và quên mùa thu thì đâu dễ gì, vì thời tiết hôm nay vẫn rất như hôm qua, nắng vàng nhạt, trời trong xanh lành lạnh, gió thổi lá bàng vàng đỏ xào xạc dọc đường phố, trong công viên, sau vườn nhà… nghĩa là còn rất “thu”. Cho nên tôi mới nói để xin thêm một ngày thu nữa, lục nghe lại vài ba bài hát mùa thu cũ … Vô tình bài Anh Đã Quên Mùa Thu nhắc cho biết là còn một hai bữa nữa là tới ngày giỗ của tác giả – Tùng Giang.
Tùng Giang viết nhạc không nhiều, chắc đâu chừng vài ba chục bài gì đó. Nhưng có lẽ hai điều nổi bật nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Tùng Giang là: thứ nhứt là trước 1975 cùng với những ca nhạc sĩ “nhạc trẻ” cùng thời giới thiệu và phổ biến “nhạc trẻ” tới đám đông; thứ nhì là làm phòng thu nhạc Việt Nam ở Mỹ từ sau 1975.
Thú thật xưa nay đến giờ tôi không phải là fan của “nhạc trẻ” hồi trước 1975 cho tới nhạc rock bây giờ. Trước 1975 làm học trò tỉnh lẻ thì chỉ nghe lớt lớt mấy cái đại nhạc hội nhạc trẻ qua báo chí chớ còn chuyện đi coi thì như là lên trời vậy. Có thích một phần “nhạc trẻ” là ở những bài nhạc tây lời Việt – giờ nghe lại mấy cuộn cassette cũ vẫn thấy hay, nhứt là cô Thanh Lan ca mấy bài như Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Một Thời Để Nhớ, Vắng Bóng Người Yêu, Khi Xưa Ta Bé, Trong Nắng Trong Gió, Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa…
Hồi mới qua Úc, còn độc thân và cô đơn, cuối tuần đi chợ tôi hay la cà vô mấy tiệp tạp hóa coi mấy cuộn băng cassette nhạc, có gì mới và hay thì mua về nghe đỡ buồn. Nay đọc báo mới biết là nhờ công Tùng Giang mà thời đó dân lưu vong như tụi tôi mới có nhiều nhạc để nghe. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Weekly Times trước khi qua đời, khi được hỏi về hoạt động âm nhạc sau 1975 khi mới tới Mỹ, Tùng Giang cho hay:
“Tôi là người Việt Nam đầu tiên có phòng thâu ở đất Mỹ, lúc đó là năm 1982. Từ một phòng thâu nhỏ 8 track, rồi lên 16 track, xong lên 24 track. Số băng nhạc từ phòng thâu của tôi chiếm 70% số lượng băng nhạc sản xuất tại hải ngoại.” [2]
Nam Lộc “đánh giá” ông bạn đời của mình như sau:
“Có thể nói Tùng Giang là người đi tiên phong trong lãnh vực này, anh đã có công phổ biến và lưu truyền các tác phẩm giá trị của Việt Nam trong những thập niên đầu kể từ khi kỹ thuật và máy móc còn rất thô sơ. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà nền âm nhạc VN tại hải ngoại không bị mai một. Hầu hết các cuộn băng cassette rất giá trị của Khánh Ly, Sĩ Phú, Lệ Thu, Khánh Hà, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy v..v.. đều do bàn tay “phù thủy” của Tùng Giang chăm sóc và nắn nót từng câu hát, từng tiếng đàn. Và cũng từ những phòng thu do Tùng Giang làm chủ, anh đã lần lượt giới thiệu đến người yêu nhạc các giọng hát lần đầu tiên cất tiếng ca như Diễm Liên, Phi Nhung, Thanh Hà, Kỳ Duyên v..v…“[3]
Chi tiết hơn về giai đoạn này, Châu Đình An cho biết:
“... khi tôi rời phòng trọ của Duy Quang về trú với Tùng Giang ở phòng thu âm Cerritos. Anh Tùng Giang ở “đầu đông, còn tôi ở đầu tây” hùng cứ trên căn gác lưu đày của phòng thu âm. Tôi gọi căn gác lưu đày vì nó nhỏ xíu, ngột ngạt. Bạn cứ tưởng tượng ra, nó chẳng phải là căn gác theo nghĩa thường, mà là nơi chứa đồ vật. Vì Tùng Giang không có nhà ở, nên dùng nơi làm việc làm chỗ ở luôn. Công việc của tôi được giao, vừa làm, vừa học. Việc thì chẳng có gì to lớn, chuẩn bị băng nhựa, microphone cho ca sĩ và ban nhạc đến thâu âm, bấm nút thâu âm, và dọn dẹp giấy tờ của các nhạc sĩ viết hòa âm sau khi thu âm vứt lung tung trong phòng vocal, phòng thâu tiếng.”[1]
Còn chuyện “nhạc trẻ” trước 1975 cũng đã được nói và viết về rất nhiều. Đầu não của những chưong trình Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd, Đại Hội Nhạc Trẻ Hoa Lư, Thảo Cầm Viên vân vân là Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc, Jo Marcel [4]… Tùng Giang thành lập và chơi trong nhiều ban nhạc nhưng theo ông thì The Strawberry Four hồi đầu thập niên 70 là hay nhứt[2]. Ban nhạc gồm có Đức Huy, Billy Shane, Tuấn Ngọc và Tùng Giang. Ông tâm tình là “Đây là một kết hợp mà tôi hài lòng nhất trong cuộc đời âm nhạc của tôi. Kết hợp này dựa theo khuôn khổ của Beatles, bốn người. Mọi người cũng ăn mặc giống như Beatles. Ban nhạc được đài truyền hình quân đội Mỹ mời chơi hàng tuần thế cho ban nhạc Monkey của Mỹ.” Ban nhạc kéo dài được ba năm, không biết có archive nào còn giữ được mấy chương trình truyền hình này có The Strawberry Four chơi.
Ban nhạc The Strawberry Four thập niên 70: Đức Huy, Tùng Giang, Tuấn Ngọc và Billy Shane
Từng cá nhân thì âm nhạc Việt Nam có nhiều “cây cổ thụ” như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Thái Thạnh, Khánh Ly chẳng hạn, nhưng có lẽ lứa Đức Huy, Nam Lộc, Trường Kỳ, Tùng Giang, Tuấn Ngọc … là một tập hợp xuất sắc nhất của những tài năng mà âm nhạc hiện đại của Việt Nam mình có được từ đó tới giờ. Coi mấy tấm hình chụp các bác lúc còn trẻ mà đã lập ban nhạc, tổ chức đại nhạc hội, ca hát ì xèo thấy rất ư là inspirational. Dù rằng nhiều người trong đám này sau gần nửa thế kỷ hiện vẫn còn dưới ánh đèn sân khấu như Đức Huy, Nam Lộc, Tuấn Ngọc … nhưng phải nói đáng tiếc là các bác “sanh nhầm thế kỉ” một chút vì hồi đó còn chiến tranh, rồi lưu vong, lại chưa có internet, chưa có youtube, chưa có MP3 …
Tùng Giang về lại Việt Nam sống và làm việc từ 2000 đến 2005. Về tình hình âm nhạc Việt Nam bên nhà theo nhận xét của ông thì “Những ban nhạc vừa hát, vừa đàn hầu như không có. Nhạc sĩ là nhạc sĩ, ca sĩ là ca sĩ thôi. Ngay cả trong nước cũng không có một ban nhạc. Một ban nhạc có nhạc sĩ viết nhạc, ca sĩ hát, hòa âm một group với nhau ăn khớp không có nữa. Ngày nay, kỹ thuật rất cao nhưng điều quan trọng nhất của âm nhạc đó là cái hồn. Giới trẻ ở đây, viết nhạc bị ảnh hưởng những lời của Mỹ, không có sâu sắc. Trong nước, rất khan hiếm những bài nhạc tình yêu đẹp.” [2] Những nhận xét này chắc tới ngày này vẫn còn đúng, có khác đi thì có lẽ là không những chỉ chịu ảnh hưởng của Mỹ không thôi mà còn là của Tàu, của Đại Hàn …
Tùng Giang khen “Còn vấn đề hát và chơi nhạc ngày nay, giới trẻ giỏi hơn ngày xưa rất là nhiều.”[2] Tôi nghĩ là ông hoặc khiêm tốn hoặc biết mình gần đất xa trời nên rộng lượng mà nói vậy chớ cái đám V-pop V-rock loi choi bên nhà bây giờ không đáng xách dép cho những tài năng của thế hệ của ông!
Quay lại chuyện mùa thu, để cho xong hẳn một mùa thu nam bán cầu xin mời quý bạn nghe thử Như Quỳnh & Lưu Bích & Khánh Hà tam ca trong DVD Paris Thúy Nga 78 làm năm 2005. Cô Như Quỳnh thì vẫn là Như Quỳnh đẹp đẽ và trẻ trung nhưng hơi “phá cách” vì không mặc áo dài và nhảy lắc lư. Cô Lưu Bích thì tóc vàng sợi nhỏ mặc áo một nút lòi rún, nhưng cô Khánh Hà thì vẫn điệu như mọi lần, cả giọng hát lẫn phong cách (vì cái điệu này mà tôi đôi khi ngại nghe Khánh Hà hát!). Tùng Giang đã hài lòng với Anh Đã Quên Mùa Thu của ba cô[2] thì tôi nghĩ mình cũng nên theo ý ông, nhất là trong dịp giỗ ông, cũng như là thắp một nén hương vậy.
Nguyễn Sĩ Hạnh
Down Under, 1.6.2012
[1] Khánh Ly và tôi
[2] Nói chuyện với NS Tùng Giang
[3] Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ Tùng Giang
[4] Nam Lộc: Con người văn nghệ và con người xã hội!
RE: Hôm nay trời vào đông …
Trong tấm hình The Strawberry Four, ba bác kia đều đeo huy hiệu phản chiến, chỉ mỗi bác Tuấn Ngọc là không đeo gì cả. Không lẽ bác Tuấn Ngọc [i]diều hâu[/i] vậy sao 🙂