Nghe đi nghe lại bài Đường Chiều Lá Rụng

Nguyễn Sĩ Hạnh
3.5.2012

Mùa thu là một mùa đặc biệt trong năm. Ở Úc mùa thu là từ tháng 3 tới tháng 5. Nhưng tháng 4 mới là một tháng đặc biệt. Đối với người Việt mình thì tháng 4 luôn luôn là một tháng đặc biệt, dù ở đâu, quan điểm chính trị tròn méo ra sao … Đối với tôi thì lại càng đặc biệt hơn nữa, chẳng hạn tôi vượt biên đầu tháng 4, hỏi vợ tháng 4 mà cưới vợ cũng tháng 4. Thực tế hơn nữa là tháng 4 là tháng mấy cái bill hàng năm về, nào bảo hiểm xe, nào thuế đường, nào bảo hiểm nhà vân vân và vân vân. Thấy thèm một vài ngày thu cuối tuần nắng vàng rực rỡ, rảnh rang để dẫn vợ con ra công viên đi bộ, chớ không phải ở nhà ráng sơn cho xong mấy khung cửa sổ trước nhà đã lỡ chà giấy nhám rồi!


Phạm Duy và Thái Thanh trong đêm nhạc Phạm Duy – Một đời nhìn lại (2002)


Nhưng có lẽ để có hứng để viết về mùa thu thì không phải là từ những chuyện đời thường như vậy – viết cũng ngán mà đọc cũng chán – mà phải là chuyện gì ‘cảm tính’ một chút.

Mấy bữa rày đọc bài phỏng vấn “Nhạc sĩ Phạm Duy sẵn sàng cho sự ra đi!” tự nhiên thấy buồn buồn. C’est la vie, that’s life, đời là vậy, vân vân và vân vân. Nhưng vẫn thấy buồn buồn, mới moi bài Đường Chiều Lá Rụng của nhạc sĩ viết từ nửa thế kỉ trước ra nghe đi nghe lại. Và thấy bài hát sao mới quá, làm như ông mới viết xong rồi mới trả lời phỏng vấn!

Thái Thanh trình bày Đường Chiều Lá Rụng:

Có vài bài viết về bài hát này. Bài Kiếp Lá Phận Người Trong “Đường Chiều Lá Rụng” viết nhiều về triết lí của lời ca, về đời người, về những chiếc lá vàng… Trong “Bàn về kỹ thuật viết nhạc trong vài ca khúc Phạm Duy” thì bàn nhiều hơn về kĩ thuật viết nhạc. Và trong Hồi Ký, Phạm Duy cũng đôi lần nhắc tới bài này, đại khái ông tóm tắt nhạc của mình như sau:

“Về hình thức, nhạc kháng chiến của tôi là hiện thực và trữ tình (Nương Chiều, Gảnh Lúa). Nhạc tình của tôi là cảm tính, đôi khi là nhục tính (Cỏ Hồng). Tôi đi vào ấn tượng với Chiều Về Trên Sông, mon men tới siêu thực khi đả động tới cái chết trong Đường Chiều Lá Rụng Trường Ca Con Đường Cái Quan là tả thực, Mẹ Việt Nam là tượng trưng, Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là ẩn dụ. Mười bài rong ca với Người Tình Già Trên Đầu Non đi vào vũ trụ là nhạc siêu nhiên. Đạo Khúc/Thiền Ca là hành trình vào cõi siêu linh. Trường Ca hay Chương Khúc Hàn Mặc Tử là nhạc siêu thực.” [1]

À thì ra là vậy, Phạm Duy viết Đường Chiều Lá Rụng là viết về cái chết! Cũng trong Hồi ký, ông viết rõ hơn:

Rồi tôi nói tới cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá rụng để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình :

Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu…

Tôi nhìn chiếc lá vàng bay giống như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai. Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi giống như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối…[2]

Nghe đi nghe lại bài Đường Chiều Lá Rụng tôi hiểu tại sao mình lại thấy buồn buồn. Có lẽ bài hát giúp người đọc hiểu thêm một chút gì đó trong cái tâm tình mà ông trang trải ra khi trả lời phỏng vấn. Thiên tài là vậy, ông “mon men … đả động tới cái chết” cả năm mươi năm trước, viết một tuyệt tác cho những ngày bây giờ!

Tôi sưu tầm được năm phiên bản do các ca sĩ  Thái Thanh, Thanh Lan, Quỳnh Dao, Lệ Mai và Nguyên Thảo trình bày. Tôi có đọc đâu đó là cô Kim Tước cũng có hát nhưng không biết cô có ghi âm không. Ca sĩ miền Bắc thì tôi tưởng tượng là nếu cô Lê Dung ca thì hay, tiếc là cô đã không thu thanh bài này.

Tôi thích phiên bản của cô Thái Thanh, đơn giản là vì cô là cô Thái Thanh! Phiên bản của cô Quỳnh Dao nghe buồn hơn, cảm thấy cái “chết” rõ hơn, gần hơn! Đặc biệt nữa là hòa âm của Duy Cường, anh đi với người nghe, theo cái tâm tình của lời ca và giọng hát của người ca sĩ.

Quỳnh Dao trình bày Đường Chiều Lá Rụng, Duy Cường hòa âm:

Từ ngày Đường Chiều Lá Rụng được phép tái xuất giang hồ ở bên nhà (dịp sinh nhật năm ngoái của Phạm Duy) không biết bài hát đã được công diễn mấy lần hay đã được thu thanh thu hình gì chưa. Tôi ở xa nên chỉ biết cô Nguyên Thảo hát hai lần, lần đầu trong cái concert mừng sinh nhật của tác giả năm ngoái (2011) ở nhà hàng WE, Sài Gòn. Lần thứ nhì là ở chương trình Không Gian Âm Nhạc trong dịp Noel năm ngoái ở Hà Nội. Lần sau hên là có người thu video quăng lên youtube, tuy nhiên cái clip đủ bài thì âm thanh tệ quá, còn cái clip âm thanh tàm tạm thì chỉ có nửa bài! Kệ, tôi chuyển qua MP3 nghe đỡ nghiền.

Nguyên Thảo
Nguyên Thảo trình bày Đường Chiều Lá Rụng:

Nếu bạn nào khó tính thì xin chịu khó nghe hai lần vậy, cũng gần như nguyên bài! Còn khó tính quá thì phải chờ (và chịu khó đi chùa hay nhà thờ cầu nguyện!) tới lúc nào đó cô Nguyên Thảo thu thanh bài này rồi hẵn nghe!

Còn bốn cô đi-và nhà mình thì không biết có cô nào chịu hát bài này không. Xuống dưới nữa thì chắc các cô ca sĩ tre trẻ đâu chịu hát nhạc Phạm Duy làm chi, hát nhạc thị trường cho khỏe mà lại có nhiều người nghe hơn, kiếm nhiều tiền hơn!

Nguyễn Sĩ Hạnh
Melbourne, Thu 2012

[1] Hồi ký – tập 4, trang 149, Phạm Duy,
[2] Hồi ký – tập 3,  trang 51, Phạm Duy

PS. Xin đăng lên hai phiên bản do Thanh Lan và Lệ Mai hát cho đủ bộ. Nhạc sĩ Phạm Duy đọc bài này xong mới gởi về cho phiên bản do Mộng Thủy hát (mà ông khen “rất hay“). Xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy.

Mộng Thủy trình bày Đường Chiều Lá Rụng:

 
Thanh Lan trình bày Đường Chiều Lá Rụng:

Lệ Mai trình bày Đường Chiều Lá Rụng:

Đường Chiều Lá Rụng

Chiều rơi trên đường vắng
Có ta rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng
Theo làn gío đìu hiu.

Lá vàng bay, lá vàng bay,
Như dĩ vãng gầy tóc buông dài bước ra khỏi tình phai.
Lá vàng rơi, lá vàng rơi,
Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối.

Hoàng hôn mờ lối, rừng khô thở khói, trời như biển chói
Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi
Neo đứt một lần cuối thôi
Cho cánh buồm lộng gió vơi gío đầy.

Chiều ôm vòng tay, một bóng thuyền say, thuyền lơ lửng mãi
Từng tiếng xào xạc lá bay
Là tiếng cội già khóc cây
Hay tiếng lòng mình khóc ai giờ đây.

Chiều chưa thôi trìu mến
Lá chưa buông chết chìm,
Hồn ta như vụt biến
Bay vờn trong đời tiên.

Lá vàng êm, lá vàng êm,
Như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên.
Lá vàng khô, lá vàng khô,
Như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá.

Chiều không chiều nữa và đêm lần lữa, chẳng thương chẳng nhớ
về những cọng buồn cánh khô
rơi rớt từ một cõi mơ
nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ.

Còn rơi rụng nữa, cành khô và lá, thành ngôi mộ úa
Chờ đến một trận gío mơ
Cho rữa tình già xót xa
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ.

Chiều tan trên đường tối
Có ta như rã rờị
Hồn ta như gò mối
Đang chờ phút đầu thai.

Phạm Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây