Hương Giang – Bảo Hằng
03-05-2012
(Nguoiduatin) – Bệnh “đạo ý tưởng” đang lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến cho showbiz Việt ngày càng trở nên nham nhở.
Thời gian qua, dư luận liên tiếp rùm beng trước hàng loạt chiêu trò đạo, cóp ý tưởng trong giới showbiz Việt.
Không ít người băn khoăn, tại sao một nhà thiết kế nổi tiếng như Đỗ Mạnh Cường lại phải ăn cắp mẫu của H&M, nữ hoàng R&B Hồ Ngọc Hà phải mặc váy nhái của hãng thời trang lừng danh Ellie Sabb và cô ca sĩ trẻ Minh Hằng cố ghép cho mình giọng hát đẳng cấp của đàn chị Lan Anh?.
Gần đây nhất, trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ tối 29/4, phần trình diễn của Minh Hằng sau khi nhận đuợc số điểm cao nhất từ ban giám khảo đã lập tức bị cộng đồng mạng ném đá vì điệu nhảy, phong cách và trang phục của cô không khác gì bài nhảy trong phim “Dance with me“.
Sau đêm diễn, Minh Hằng đã một mực thanh minh rằng đây là “sự sáng tạo” thêm trên nền nhạc ca khúc You’re my everything. Cô không hề có ý định đạo bài nhảy bởi đã công khai dùng hình ảnh của phim để làm nền cho tiết mục của mình.
Nhiều người nhận định, chuyện đạo, cop không chỉ diễn ra trong các hoạt động mang tính cá nhân mà còn phổ biến trong cả những tác phẩm hoành tráng, dàn dựng công phu.
Thật tiếc cho khán giả đã dành không ít thời gian cho những bộ phim giải trí gắn mác Việt nhưng lại đậm đặc chi tiết, tình huống được “mượn” từ Hàn Quốc, Hồng Kông hay Hollywood.
Có thể nói, chưa khi nào công chúng lại hoài nghi giá trị sáng tạo và lòng tự trọng nghề nghiệp của người nghệ sĩ như thời điểm hiện nay.
Mỗi ngày, chỉ cần click chuột vào một trang báo điện tử hay mở bất kỳ một cuốn tạp chí, người đọc có thể dễ dàng bắt gặp những bài viết “chỉ mặt đặt tên” cho các sản phẩm kiểu này.
Một bộ phận nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, không đủ khả năng, thiếu ý thức vươn lên trong nghề nghiệp đã coi việc sao chép cái hay, cái đẹp của người khác là chuyện bình thường, hiển nhiên.
Biện minh cho những hành không đẹp trong nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ trẻ còn giải thích một cách vô trách nhiệm rằng “đó chỉ là sự tình cờ gặp nhau về mặt ý tưởng”.
Khi công chúng vạch tội Victor Vũ copy 100% tác phẩm nước ngoài, anh đã khéo léo đổ thừa: “Tôi cũng thấy Giao lộ định mệnh và Shattered giống nhau đến kỳ lạ”.
Danh sách những ngôi sao vướng vào nghi án đạo, cóp ý tưởng, “chôm” thành quả sáng tạo của người khác trong làng giải trí ngày một dài hơn. Phải chăng, do chúng ta chưa có những chế tài đủ mạnh để xử phạt, răn đe hay nghệ sĩ Việt ngày càng thiếu đi sự tự trọng nghề nghiệp?.
“Đạo, cóp” đang hủy hoại nghệ sĩ Việt
PGS – TS Trần Duy Hinh – Trưởng khoa Sau đại học – Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng: “Vấn nạn đạo, cóp hay nói thẳng là ăn cắp ý tưởng đang hủy hoại sức sáng tạo của nghệ sĩ.
Những kẻ gian manh, không có tài năng nhưng lại thích đua đòi thói “trưởng giả học làm sang” đang làm vấy bẩn giá trị nghệ thuật chân chính.
Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn, chắc chắn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều thảm họa ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật. Giải pháp tốt nhất hiện nay là áp dụng các chế tài nghiêm khắc kết hợp với tuyên truyền giáo dục ý thức, lương tâm của người nghệ sĩ.
Mặt khác, công chúng cũng cần lên tiếng phản đối hoặc tẩy chay những người nghệ sĩ không có tính trung thực”.
Biết tạo sự khác biệt vẫn nên trân trọng
Trao đổi với PV Người đưa tin Ca sĩ Tùng Dương cho biết: “Những người nghệ sĩ lấy ý tưởng từ đâu đó nhưng biết sự sáng tạo, biến nó thành của mình thì vẫn nên tôn trọng. Chẳng hạn, họ có thể mượn giai điệu nhạc cổ điển nhưng phối theo cách mới để tạo ra phong cách riêng, khác biệt so với bản gốc.
Còn những trường hợp đạo, cóp trắng trợn thành quả của người khác thì phải bị lên án. Việc làm đó không đáng được tôn trọng và cũng chứng tỏ người nghệ sĩ đó không có khả năng và lương tâm nghề nghiệp.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển và mở rộng, với quy luật đào thải rất khắt khe, những con người ấy sẽ nhanh chóng bị công chúng phát hiện, coi thường và “tẩy chay”. Nghệ thuật chỉ chấp nhận những người có bản sắc riêng, biết bỏ sức lao động thực sự”.
Họ khiến công chúng phát ngán
Phan Thu Hương, sinh viên ngành Lý luận phê bình âm nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia nhận xét: “Hiện nay, làng giải trí đang tồn tại một bộ phận những người được gắn mác “nghệ sĩ” những chỉ chuyên rình rập để chôm ý tưởng của người khác.
Công chúng phát ngán và mất lòng tin ở họ. Tình trạng đáng buồn này lại đang lây lan với tốc độ chóng mặt chưa từng có, khiến cho showbiz Việt ngày càng nham nhở và phi nghệ thuật. Sớm đưa ra chế tài, thì mới có thể giải quyết được tình trạng lộn xộn này”.
Một phần do thị hiếu dễ dãi
Ca sĩ Trọng Tấn, giảng viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: “Thực trạng này không còn là vấn đề mới nảy sinh mà nó đã âm ỉ từ rất lâu.
Nếu không ngăn chặn kịp thời, nó sẽ trở thành trào lưu cho lớp nghệ sĩ trẻ sau này học theo. Nguyên nhân việc đạo-cóp có thể là do chế tài quản lý các sản phẩm văn hóa nghệ thuật ở nước ta còn lỏng lẻo.
Ngoài ra, thị hiếu công chúng ngày một dễ dãi, chỉ ưa những tác phẩm kiểu mỳ ăn liền cũng khiến người làm nghệ thuật trở nên bát nháo, nhặt nhạnh để nhanh ra lò sản phẩm.
Tôi rất mong những nghệ sĩ trẻ hãy hướng đến sự phát triển của nghệ thuật mà suy xét việc làm của mình. Làm ngành nghề gì thì cũng cần song hành tài với tâm, đặc biệt là lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật”.
Nghệ sĩ đang coi thường công chúng
Nguyễn Thanh Tùng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Công chúng là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng và cũng là người quyết định sự tồn vong của sản phẩm nghệ thuật.
Nghệ sĩ đi “xào” ý tưởng là hoàn toàn không tôn trọng tác giả, cũng không tôn trọng người xem. Có hai kiểu sao chép phổ biến hiện nay đó là sao chép nguyên bản 100% và sao chép một phần của tác phẩm.
Bệnh xào lây nhiễm ngày càng rộng, từ âm nhạc, thời trang, điện ảnh, hội họa…và thậm chí là truyền hình, Đây không đơn giản chỉ là hạt sạn đơn lẻ mà đang là thực trạng đáng buồn và đáng lo của showbiz Việt hiện nay”.
Nghệ sĩ Việt ngày càng thiếu cái tôi
Phan Trâm, phóng viên báo Hà Tĩnh Online tỏ ra khá bi quan khi đánh giá về một bộ phận nghệ sĩ hiện nay: “Thật đáng buồn khi nhiều nghệ sĩ không tự làm nên những tác phẩm mang dấu ấn của chính mình.
Hiện nay chuyện anh A đi copy ý tưởng của anh B, chị C mượn tác phẩm của anh D đã không còn xa lạ trong giới giải trí.
Muốn thay đổi được điều đó rất khó, bởi nó đã trở thành một phần nhận thức trong sáng tạo nghệ thuật của nhiều người. Nguyên nhân là do họ thiếu những kiến thức cơ bản, thiếu cái tôi của người nghệ sỹ”.
Hương Giang – Bảo Hằng
Theo NĐT